Các cuộc biểu tình ở Brazil trở nên cực đoan, dẫn đến sự đàn áp của chính phủ
Người biểu tình cáo buộc sự xâm nhập của những kẻ kích động cánh tả
CURITIBA, Brazil – Việc xâm phạm vào các cơ quan chính phủ quan trọng ở thủ đô Brazil, bao gồm quốc hội, tòa án tối cao và Cung điện quốc gia đã gây ra làn sóng chấn động khắp đất nước Brazil. Tổng thống mới nhậm chức Luiz Inácio Lula da Silva tuyên bố sẽ đàn áp những người biểu tình, còn những người lãnh đạo cuộc biểu tình cho biết bạo lực phần nào là do những kẻ kích động cánh tả xúi giục.
Các sự kiện diễn ra vào cuối tuần qua đã đưa cường quốc hàng đầu khu vực Mỹ Latinh này lên trang nhất của các tờ báo lớn trên toàn thế giới. Hàng trăm người đã chiếm giữ các tòa nhà chính phủ, một số lặp lại những lời hô vang mà người ta thường nghe thấy trong nhiều tháng biểu tình sau cuộc bầu cử. Đó là những lời cáo buộc về gian lận bầu cử, những câu khẩu hiệu nói lên nỗi sợ hãi rằng chủ nghĩa độc tài cánh tả đã chiếm lấy đất nước và kêu gọi quân đội “hãy cứu lấy Brazil.” Một số người biểu tình đã hát vang câu “Lá cờ của chúng ta sẽ không bao giờ có màu đỏ.”
Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ mới trước đó mà The Epoch Times đưa tin hồi tháng Mười Một và tháng Mười Hai đã diễn ra trong hòa bình. Tuy nhiên, đó không phải là những gì mà người ta đã thấy vào cuối tuần qua. Các video về sự kiện này cho thấy những người biểu tình đã đột nhập vào văn phòng của các quan chức dân cử, làm ngập các căn phòng, sử dụng súng, và nhiều hình thức phá hoại khác nhau.
Trong khi đó, những người bảo tồn truyền thống Brazil, bao gồm cả một nhà lãnh đạo trong phong trào phản đối này, tin rằng các sự kiện này là kết quả của những kẻ xâm nhập cánh tả, cụ thể là Antifa và Hiệp hội Sinh viên Quốc gia (UNE), một tổ chức cánh tả đã tồn tại từ lâu.
Phản ứng của chính phủ đối với cuộc bạo loạn rất nhanh chóng. Ông Lula da Silva mới nhậm chức – người đã trở lại nắm quyền sau hai nhiệm kỳ lãnh đạo vào những năm 2000 – đã lên tiếng từ thành phố Araraquara hôm tối Chủ nhật (08/01). Ông lên án những gì xảy ra vào ngày hôm đó và chỉ định một đặc phái viên tạm thời tiếp quản bộ máy an ninh ở vùng Brasilia. Lệnh giải tán các cuộc biểu tình khác phản đối ông Lula nhanh chóng được đưa ra sau đó.
Brazil là quốc gia sản xuất lương thực lớn thứ tư trên thế giới, là nơi có các nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng, và là một đồng minh lịch sử của Hoa Kỳ kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Điều gì gây ra tình cảnh này?
Cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt gần đây của Brazil, vốn được những người ủng hộ của cả hai đảng lớn cho là “quan trọng nhất từ trước đến nay,” đã chứng kiến Tổng thống theo phái bảo tồn truyền thống Jair Bolsonaro ra tái tranh cử trước ông Lula da Silva theo đường lối cánh tả. Ông Lula da Silva đã giành chiến thắng với tỷ số rất sít sao trong cuộc bầu cử bổ sung hôm 30/10, trở thành tổng thống Brazil đầu tiên đắc cử nhiệm kỳ thứ ba kể từ khi thực hiện quá trình “tái dân chủ hóa” của Brazil nhằm chấm dứt chế độ cai trị của quân đội vào những năm 1980.
Ông Bolsonaro trở nên nổi bật khi một phong trào bảo tồn truyền thống mới nổi lên ở Brazil, đang trên đà phát triển đặc biệt là sau các cuộc biểu tình ở Brazil năm 2013 và cuộc đàn hặc Tổng thống Dilma Rousseff năm 2016. Vào thời điểm ông Bolsonaro đắc cử vào năm 2018, sự mất lòng tin của công chúng đối với Đảng Công Nhân của ông Lula đã tăng lên đáng kể. Các vụ bê bối tham nhũng liên quan đến đảng này và các đồng minh của đảng này đã trở thành tin tức thường xuyên ở Brazil và bản thân ông Lula đã không được như nhiều người mong đợi vào năm đó, thay vào đó ông ta phải ngồi tù vì tội tham nhũng và rửa tiền.
Danh tiếng của ông Lula ngày càng gây tranh cãi hơn trong những năm qua khi các tin tức phơi bày mối liên hệ lâu đời của ông với chế độ độc tài Cuba, cũng như với các chế độ xã hội chủ nghĩa của ông Daniel Ortega ở Nicaragua và của ông Nicolas Maduro ở Venezuela, việc này khiến nhiều người dân Brazil lo ngại rằng bản thân ông có thể trở nên cực đoan.
Tiếp đó, thay vì thụ án hơn 12 năm theo như bản án, ông Lula được ra tù chỉ sau 580 ngày do phán quyết của Tòa án Tối cao không nêu cụ thể đối với trường hợp của ông ấy về mặt thủ tục pháp lý. Các phán quyết sau đó của Tòa án Tối cao Brazil tuyên bố rằng ông Lula đã không được xét xử ở khu vực tài phán phù hợp về mặt địa lý, và sau đó, thẩm phán Sérgio Moro đã trở nên thiên vị trong phán quyết của mình đối với vụ án. Do đó, vào đầu năm 2021, ông Lula đã đủ điều kiện để tái tranh cử và là nhân vật được yêu thích để đoàn kết các đảng đối lập trong nỗ lực tranh cử tổng thống trước ông Bolsonaro — tận dụng danh tiếng “tử vì đạo” mới nổi của ông ấy.
Cách giải quyết vụ án của Tòa án Tối cao đã khiến dân chúng ngày càng mất lòng tin vào tòa án này, đặc biệt là vì hầu hết các thẩm phán ở đây đều do các quan chức của Đảng Lao Động tiến cử. Đáng chú ý, thẩm phán Edson Fachin, người có công trong việc lật lại bản án của ông Lula, đã từng là nhà hoạt động của Đảng Công Nhân ở tiểu bang miền nam Paraná trước khi được tiến cử.
Khi cuộc bầu cử tổng thống đến gần, các cuộc điều tra do Tòa án Tối cao đứng đầu đã bắt giữ những người theo phe bảo tồn truyền thống với cáo buộc thiếu quy trình pháp lý hợp pháp.
Vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, hãng thông tấn chính theo thiên hướng bảo tồn truyền thống của Brazil đã bị áp lực phải tự kiểm duyệt [các tin tức] liên quan đến Tòa án Tối cao và các bài bình luận liên quan đến bầu cử.
Trước và sau cuộc bỏ phiếu bổ sung, chiến dịch của ông Bolsonaro đã tuyên bố những điều bất thường và bất hợp pháp trong quá trình bầu cử xuất phát từ một số lý do. Những lo ngại của họ chỉ nhận được lời bác bỏ, và rốt cuộc chiến dịch này bị phạt theo lệnh của tòa án vì có sự tranh chấp về kết quả. Những người ủng hộ tuyên bố cơ quan thực thi pháp luật không muốn điều tra các cáo buộc.
Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, với việc ông Lula đứng đầu, những người biểu tình đã tập trung trước các cơ sở quân sự, đặt hy vọng vào quân đội sẽ ngăn cản ông Lula nhậm chức. Các cuộc biểu tình cuối cùng đã thu hút hàng triệu người trên khắp đất nước vào cuối tuần và ngày lễ.
Quân đội đã không hồi đáp những lời kêu gọi can thiệp của người biểu tình hoặc những cáo buộc của họ về sự bất hợp pháp trong quá trình bầu cử.
Ông Bolsonaro hầu như giữ im lặng sau thất bại của mình và bay đến Hoa Kỳ vài ngày trước lễ nhậm chức của ông Lula, không muốn tham gia buổi lễ này.
Sự vô vọng dường như đã lan rộng trong những người ủng hộ ông Bolsonaro, khi ông Lula bắt đầu chính quyền của mình bằng cách đảo ngược lập trường của chính phủ từ ủng hộ sự sống sang ủng hộ phá thai; ủng hộ quyền sử dụng súng thành quyền cấm sử dụng súng và đưa những người có liên hệ với Đảng Công Nhân trở lại chức vụ. Mặc dù các cuộc biểu tình chưa tan rã, nhưng chính quyền mới liên tục công bố kế hoạch dập tắt các cuộc biểu tình này.
Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm vào Chủ nhật (08/01) tại thủ đô của quốc gia này.
Cáo Buộc ‘Sự Xâm Nhập Của Phe Cánh Tả’
Hôm thứ Hai (09/01), tuyên bố về sự xâm nhập của các nhà hoạt động phe cánh tả đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Hãng tin The Epoch Times đã liên hệ với các nguồn tin trong số những người lãnh đạo của cuộc biểu tình, họ nói rằng “Antifa và UNE” ở địa phương đứng phía sau cuộc bạo động này.
Các video lan truyền nhanh chóng cho thấy những người biểu tình mặc áo bóng đá màu xanh lá cây và màu vàng của Đội tuyển Quốc gia Brazil la hét phản đối hành vi phá hoại khi các cuộc đột kích vào thủ đô của quốc gia này đang diễn ra. The Epoch Times không thể xác thực thông tin này một cách độc lập.
Trong một video lan truyền trên mạng, người ta nghe thấy một người biểu tình tuyên bố rằng “những người ủng hộ Đảng Công Nhân đang phóng hỏa” các cơ sở và rằng “chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn họ lại.”
Alô, Alexandre de Moraes! Esses petistas infiltrados que promoveram o caos e vandalismo ontem serão responsabilizados? Lula, quer fazer intervenção federal para conter seus vassalos? pic.twitter.com/ryVljyVzDC
— Carlos Jordy (@carlosjordy) January 9, 2023
Một cảnh khác cho thấy các nhóm người đang hô vang “Đừng đập phá! Đừng đập phá!” khi có nhiều người xâm chiếm các cơ quan đầu não của chính phủ liên bang.
“Não quebra , não quebra” pic.twitter.com/vmIaozxFUS
— Paulo Generoso (@Paulogeneroso) January 9, 2023
Một video, được cho là của những người ủng hộ ông Bolsonaro đang bảo vệ các cơ sở trước những kẻ phá hoại trong cuộc xâm chiếm, đã được những nhân vật theo phái bảo tồn truyền thống có tầm ảnh hưởng chia sẻ lên mạng.
Hậu quả: Một quốc gia bị chia rẽ và một tiền lệ nguy hiểm
Để đối phó với các sự kiện diễn ra hôm Chủ nhật (08/01), Thẩm phán Tòa án Tối cao Alexandre de Moraes đã công bố lệnh giải tán tất cả những người biểu tình chống ông Lula đang tụ tập, một số cắm trại trong lều, xung quanh các cơ sở quân sự, dù ôn hòa hay không, trong vòng 24 giờ sẽ bị giải tán và tiến hành bắt giữ.
Cảnh sát Dân sự của Địa hạt Liên bang, bao gồm cả thủ đô Brasília, đã thực hiện ít nhất 300 vụ bắt giữ.
Những người theo phái bảo tồn truyền thống và những người ủng hộ ông Bolsonaro đã lên tiếng lo ngại rằng các sự kiện này sẽ được sử dụng như một cái cớ để đàn áp quy mô lớn đối với phe đối lập trong tương lai. Nghị sĩ nổi tiếng ủng hộ ông Bolsonaro Paulo Eduardo Martins đã viết trên Twitter rằng: “Giờ đây, nhiều người dân Brazil sẽ thấy tính hợp pháp trong các hành vi hạn chế các quyền tự do của chúng ta. Đây là một bi kịch.”
Đến lượt mình, ông Lula được sắc lệnh chỉ định là “người hòa giải liên bang” cho Đặc khu Liên bang. Ông Ricardo Garcia Cappelli, được bổ nhiệm là người hòa giải, sẽ nhận được quyền hạn đặc biệt và khả năng tiếp cận rộng rãi các nguồn lực để đảm nhận các vấn đề an ninh công cộng của khu vực, phúc đáp trực tiếp cho ông Lula, trong vài tuần tới.
Ông Cappelli là cựu thành viên của Đảng Cộng sản Brazil. Là một nhà hoạt động cực tả khi còn trẻ, ông đã lãnh đạo Hiệp hội Sinh viên Quốc gia từ năm 1997 đến năm 1999. Ông là một trong những người tổ chức chuyến đi của ông Fidel Castro tới Brazil năm 1999.
Trong bài diễn thuyết hôm tối Chủ nhật (08/01), ông Lula đã gọi những người biểu tình là “những kẻ phá hoại, đức quốc xã, và phát xít,” và đổ lỗi cho ông Bolsonaro. Ông cũng cáo buộc rằng các thành viên của ngành kinh doanh nông nghiệp – một lĩnh vực có ảnh hướng chính trị đáng kể ở Brazil – có thể đã nhúng tay vào.
Ông Bolsonaro lên án bạo lực và viện dẫn các đợt phá hoại trước đây của phe cánh tả tại thủ đô của quốc gia.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times