Các công ty lớn kêu gọi SCOTUS ủng hộ phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc trong tuyển sinh đại học
Các công ty ‘thức tỉnh’ nói rằng cái gọi là chính sách đa dạng bắt buộc sẽ khuyến khích sự xuất sắc
Hôm 01/08, một nhóm lớn gồm nhiều công ty Hoa Kỳ đã đệ trình đơn lên Tối cao Pháp viện để thúc giục tòa án này cho phép các trường đại học tiếp tục sử dụng chủng tộc như một yếu tố trong việc tuyển sinh.
Pháp viện đã sẵn sàng xét xử các thách thức đối với những chính sách phân biệt chủng tộc này trong nhiệm kỳ mới sẽ bắt đầu vào tháng Mười tới. Những bên thách thức này nói rằng cái gọi là hành động khẳng định không chỉ làm tổn thương những người đăng ký học da trắng, mà còn trở thành một “hình phạt chống người Á Châu.” Họ nói rằng các ứng viên người Mỹ gốc Á thường có điểm học tập cao hơn và điểm ngoại khóa cao hơn.
Một số nhà quan sát pháp lý suy đoán rằng tòa án gồm chín thẩm phán này — trong đó có đa số gồm sáu thành viên thuộc phe bảo tồn truyền thống đã đạt một bước đột phá hồi tháng Sáu bằng cách hạn chế các quyền quản lý môi trường, tuyên bố rằng 49 năm trước tòa án này đã sai lầm khi công nhận quyền phá thai theo Hiến Pháp, và tuyên bố rằng có một quyền hiến định mang súng ở nơi công cộng để tự vệ — sẽ không đồng ý xét xử những thách thức đối với việc tuyển sinh đại học dựa trên chủng tộc trừ khi tòa án này có ý định hạn chế chúng.
Việc các tổ chức giáo dục đại học sử dụng các tiêu chí dựa trên chủng tộc trong quá trình tuyển sinh là không phổ biến ở Hoa Kỳ.
Các cuộc khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu Pew và cả Gallup đã chỉ ra rằng gần 75% người Mỹ thuộc mọi chủng tộc “không tin rằng chủng tộc hoặc sắc tộc là một yếu tố trong việc tuyển sinh đại học.”
Khoảng 80 công ty lớn đệ trình một đợt mới các đơn amicus (cung cấp thông tin cho tòa) sau khi các chuyên gia pháp lý nói với The Epoch Times trước đó trong năm nay rằng Tối cao Pháp viện có thể chấm dứt việc sử dụng cái gọi là hành động khẳng định dựa trên chủng tộc trong tuyển sinh đại học ở các vụ kiện có thể được xét xử vào mùa thu.
Chủ trương pháp lý cấp tiến của họ đã gắn kết các công ty lớn của đất nước với các nhà hoạt động cánh tả, chẳng hạn như những người ủng hộ thuyết chủng tộc trọng yếu có nguồn gốc từ chủ nghĩa Marx, cho rằng các chính sách của chính phủ chú ý về vấn đề chủng tộc là điều cần thiết để xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống mà họ cho là hầu hết người Mỹ đã và đang phải chịu đựng.
Mặt khác, các nhà phê bình cho rằng việc sử dụng yếu tố chủng tộc trong quá trình tuyển sinh đại học vừa lạc hậu lại vừa sai lầm.
Họ trích dẫn lời của Thẩm phán Tối cao Pháp viện đương thời Sandra Day O’Connor, người tin rằng chính sách này điều cực chẳng đã. Trong vụ Grutter kiện Bollinger (năm 2003), bà viết, “Chúng tôi hy vọng rằng 25 năm sau kể từ bây giờ việc sử dụng những sự ưu tiên về chủng tộc sẽ không còn cần thiết để mối quan tâm được chấp thuận ngày hôm nay tiếp diễn.”
Bà O’Connor viết rằng việc đưa ra các quyết định tuyển sinh tập trung vào chủng tộc là “nguy hiểm” và gọi đó là “sự lệch lạc so với tiêu chuẩn đối xử bình đẳng.” Bà nói rằng những chương trình như vậy phải “có giới hạn về thời gian,” và nói thêm rằng “tất cả việc sử dụng chủng tộc của chính phủ phải có một điểm kết thúc hợp lý.”
Ngược lại, trong một đơn amicus (pdf) đệ trình lên tòa án cao cấp này, khoảng 70 doanh nghiệp lớn đã lập luận rằng phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc giúp cải thiện lợi nhuận của công ty và bảo đảm các cơ sở giáo dục của quốc gia sẽ cung cấp nhân viên có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế.
“Mặc dù lợi ích của sự đa dạng là thực tế và hữu hình — và các chương trình DE&I [đa dạng, công bằng, và hòa nhập] của công ty tìm cách tối đa hóa những lợi ích đó — [các công ty ký vào đơn amicus] không tuyển dụng ứng viên sống cô lập.”
“Để thành công, những nỗ lực về DE&I này phụ thuộc vào các chương trình tuyển sinh của trường đại học dẫn đến những sinh viên tốt nghiệp được giáo dục trong môi trường đa dạng về chủng tộc và sắc tộc. Chỉ bằng cách này, trong tương lai Hoa Kỳ mới có thể tạo ra một nguồn nhân công có trình độ cao và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp được chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và lực lượng lao động hiện đại.”
“Không có nghi ngờ gì rằng mọi người thuộc mọi chủng tộc và nguồn gốc dân tộc xứng đáng có một vị trí tại mọi nơi làm việc, và rằng việc gia tăng sự đa dạng về chủng tộc và sắc tộc trong toàn bộ lực lượng lao động của [những công ty ký tên] là điều đúng đắn cần làm. Mặc dù [các công ty ký tên] tin rằng đây là lý do đủ để tìm kiếm những nhân viên đa dạng về chủng tộc và sắc tộc đồng thời khuyến khích các nhà lãnh đạo đa dạng, nhưng đơn amicus này giải thích nhiều cách hữu hình, được các nghiên cứu hỗ trợ, trong đó sự đa dạng về chủng tộc và sắc tộc [giúp] cải thiện hoạt động kinh doanh.”
Đơn amicus tuyên bố: “Các nghiên cứu thực nghiệm xác nhận rằng các nhóm đa dạng đưa ra quyết định tốt hơn bởi khả năng sáng tạo, chia sẻ ý tưởng, và độ chính xác tăng lên.”
“Và các nhóm đa dạng có thể thấu hiểu hơn và phục vụ tốt hơn nhóm dân số ngày càng đa dạng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của họ. Những lợi ích này không chỉ đơn giản là vô hình; chúng chuyển thành lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì những lý do này, không có gì ngạc nhiên khi các công ty đang đầu tư đáng kể vào các sáng kiến đa dạng — một sự thừa nhận cụ thể về giá trị của lực lượng lao động đa dạng về chủng tộc và cấu trúc lãnh đạo đối với thành công của doanh nghiệp.”
Bản amicus nêu trên được đưa ra sau khi tòa án này đồng ý xét xử vụ Sinh viên vì Tuyển sinh Công bằng (SFFA) kiện Chủ tịch và các Thành viên của Đại học Harvard, hồ sơ tòa án số 20-1199 và vụ SFFA kiện Đại học North Carolina (UNC), hồ sơ tòa án số 21-707 trước đó trong năm nay. Những vụ kiện này đã được tổng hợp và sẽ được xét xử cùng nhau, tuy nhiên tòa án đã thay đổi hướng đi và hôm 22/07 đã ra lệnh (pdf) rằng chúng được xét xử riêng biệt.
Điều đó sẽ cho phép thẩm phán mới nhất của tòa án này, bà Ketanji Brown Jackson, tham gia vào vụ kiện UNC, trong khi bà rút khỏi vụ án Harvard. Bà Jackson tốt nghiệp đại học Harvard và trường luật của trường đại học này, và gần đây đã hoàn thành nhiệm kỳ sáu năm trong Hội đồng Giám sát Harvard, cơ quan quản lý cao thứ hai của trường đại học này. Bà đã không tham gia vào việc xem xét lệnh hôm 22/07.
Được xem là một nhóm bảo tồn truyền thống, SFFA tự gọi mình là “một nhóm thành viên bất vụ lợi gồm hơn 20,000 sinh viên, các bậc cha mẹ và những người khác tin rằng phân loại chủng tộc và sở thích trong tuyển sinh đại học là không công bằng, không cần thiết, và vi hiến.”
Harvard và UNC lần lượt là trường đại học tư thục lâu đời nhất và trường đại học công lập lâu đời nhất ở Hoa Kỳ.
Trong số những đại công ty ở Thung lũng Silicon ghi tên vào những đơn amicus ủng hộ việc sử dụng tiêu chí chủng tộc trong tuyển sinh có Adobe, Airbnb, Apple, Dell Technologies, Google LLC, Tập đoàn Intel, Tập đoàn LinkedIn, Logitech, Lyft, Meta Platforms (trước đây là Facebook), Tập đoàn Microsoft, PayPal, Uber Technologies, và Verizon Services. Các công ty trong ngành dịch vụ tài chính ghi danh vào đơn amicus nói trên bao gồm American Express, American International Group (AIG), KPMG LLP và Mastercard.
Các Đại công ty Dược phẩm liên quan đến việc ký tên vào bản amicus bao gồm Amgen, Bayer US LLC, Bristol Myers Squibb, Gilead Sciences, GlaxoSmithKline LLC, Jazz Pharmaceuticals PLC, Johnson và Johnson, Merck and Co., và Procter and Gamble.
Các tập đoàn lớn khác ký tên vào bản amicus bao gồm Alaska Airlines, American Airlines, Tập đoàn General Dynamics, Công ty General Electric, General Motors, Hershey, IKEA Retail U.S., Kraft Heinz, Tập đoàn Northrop Grumman, Paramount Global , Công ty Bảo hiểm Prudential của Mỹ, và Tập đoàn Starbucks.
Một chuyên gia tư vấn về DE&I hoan nghênh sự hỗ trợ này từ các doanh nghiệp lớn.
Ông Lael Chappell, giám đốc phân phối bảo hiểm tại công ty Coalition, nói với Bloomberg: “Đây là thời điểm hoàn hảo để giới doanh nghiệp bắt tay vào hành động.”
Ông Matthew Vadum là một ký giả điều tra từng đạt giải thưởng và là một chuyên gia được công nhận về hoạt động của cánh tả.