Thuyết chủng tộc trọng yếu nằm trong nghị trình thâu tóm quyền lực của những người theo chủ nghĩa toàn cầu
Lo ngại về sức ảnh hưởng của thuyết chủng tộc trọng yếu (CRT) trong giáo dục công đã leo thang trong vài năm qua, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt về mặt đạo đức tại các cuộc họp hội đồng trường học trên toàn quốc. Nhưng một chuyên gia cho rằng, hệ tư tưởng này đã tồn tại lâu hơn nhiều so với những gì một số người có thể nghĩ và đang được sử dụng bởi những người nắm quyền để đạt được một trật tự thế giới mới.
Ông James Lindsay, tác giả kiêm người sáng lập của New Discourses, cho biết: “Thuyết chủng tộc trọng yếu chỉ là một công cụ — đó là một chiếc móng vuốt rồng.”
“Mục đích thực sự là để thiết lập một chính phủ kỹ trị trên thực tế đối với mọi thứ trên thế giới.”
Là tác giả của cuốn “Chủ nghĩa Marx trong Chủng tộc: Sự thật về Thuyết Chủng tộc Trọng yếu và Thực tiễn” (“Race Marxism: The Truth About Critical Race Theory and Praxis”), ông Lindsay là một chuyên gia hàng đầu về thuyết chủng tộc trọng yếu, người bác bỏ hoàn toàn các giả thuyết của hệ tư tưởng này.
Theo Quỹ Bảo vệ Pháp lý của Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu (NAACP): “Thuyết Chủng tộc Trọng yếu, hay CRT, là một khuôn khổ học thuật và pháp lý biểu thị rằng phân biệt chủng tộc có hệ thống là một phần của xã hội Mỹ — từ giáo dục và nhà ở đến việc làm và chăm sóc sức khỏe. Thuyết Chủng tộc Trọng yếu thừa nhận rằng phân biệt chủng tộc không chỉ là kết quả của thành kiến và định kiến cá nhân. Nó còn hiện hữu trong luật pháp, chính sách, và thể chế nhằm duy trì và tái tạo sự bất bình đẳng về chủng tộc.”
Đưa ra một định nghĩa đúng trọng tâm hơn của riêng mình, ông Lindsay nói, “Thuyết đó đang gọi mọi thứ quý vị muốn kiểm soát là phân biệt chủng tộc chừng nào quý vị kiểm soát được nó.”
Cũng là một nhà toán học và tự mô tả mình là “người chuyên gây rối”, ông Lindsay cho rằng các lý luận của thuyết chủng tộc trọng yếu bắt nguồn từ chủ nghĩa Marx, nhưng cấu trúc dựa trên giai cấp truyền thống của hệ tư tưởng này đã được điều chỉnh vào nửa sau của thế kỷ 20 để xoay quanh chủng tộc, và rộng hơn, là xoay quanh danh tính.
Theo ông Lindsay, sự chuyển đổi đó dường như đã được chứng minh là hiệu quả, khi những gì vốn bắt nguồn như một khái niệm ngoài lề chỉ được tìm thấy trong góc tối của các trường đại học đã và đang len lỏi vào xu thế chủ lưu trong nhiều thập niên.
Ông lưu ý: “Họ đã rất có chủ đích khi đưa thuyết chủng tộc trọng yếu vào các trường học ở cấp tổ chức kể từ năm 1995. Thuyết này không phải gần đây mới xuất hiện.”
Vụ ‘nghiên cứu về sự bất mãn’
Mối quan tâm của ông Lindsay về thuyết chủng tộc trọng yếu bắt đầu cách đây năm năm trong sự kiện được mệnh danh là vụ “nghiên cứu về sự bất mãn” (“Grievance studies”), khi ông và các đồng nghiệp của mình bắt đầu gửi các bài nghiên cứu giả tự tạo ra về lý thuyết phê bình này cho các tạp chí học thuật để xuất bản, nhằm nhấn mạnh điều mà họ cho là sự xói mòn trong các tiêu chuẩn học thuật. Ông cho biết một trong những bài nghiên cứu đó đã áp dụng các ý tưởng từ thuyết chủng tộc trọng yếu vào giáo dục.
“Chúng tôi đã đề nghị rằng chúng tôi sẽ cho sinh viên tham gia vào quá trình hối lỗi thử nghiệm đồng thời áp dụng phương pháp luận phân lớp tiến bộ (“progressive stack”, phương pháp giáo dục để cho các sinh viên được coi là thuộc diện thiểu số hoặc yếu thế như nữ sinh, sinh viên thuộc cộng đồng LGBTQ, sinh viên gốc Phi Châu, v.v. lên tiếng trước các sinh viên khác) đối với các lớp học đại học như một cách tiếp cận sư phạm,” ông giải thích. “Và vì vậy, chúng tôi viết bài nghiên cứu này về căn bản là để nói rằng chúng ta nên lạm dụng sinh viên — và để thêm phần hài hước, chúng tôi đã nói, ‘nhưng theo một cách nhân từ’ — để chế ngự đặc quyền của họ.”
Những người bình duyệt bài nghiên cứu này, theo ông Lindsay, đã phản ứng bằng cách không khuyến khích ông và các đồng tác giả của ông sử dụng lòng trắc ẩn, khẳng định rằng điều đó sẽ “lại đưa nhu cầu của những người có đặc quyền vào vị trí trung tâm”, và thay vào đó khuyên ông nên tập trung vào “sự bất mãn”.
Cuối cùng, khi ông Lindsay phát hiện ra rằng các nhà bình duyệt đang khuyến nghị rằng các lớp học nên mô phỏng lại các “phiên đấu tố” theo chủ nghĩa Mao để buộc học sinh phải phục tùng, điều đó đã khiến ông chấn động đến mức phải hành động.
Ông giãi bày, “Tôi nói với vợ tôi rằng tôi muốn nghỉ việc và dành toàn thời gian để nghiên cứu vấn đề này, sau đó phơi bày toàn bộ chuyện này vì không ai đang làm việc đó.”
‘Thức tỉnh’ tại nơi làm việc
Theo ông Lindsay, mặc dù người ta có thể kỳ vọng những ông lớn và hệ tư tưởng chủ nghĩa Marx [chẳng ăn nhập gì với nhau] như dầu và nước, nhưng vẫn có thể lần ra nguồn gốc của sự đón nhận rộng rãi của các công ty đối với chính trị bản sắc từ đầu những năm 2010.
“Các tổ chức tài chính lớn, các tổ chức phi chính phủ lớn, các quỹ lớn với nguồn tài trợ khổng lồ đằng sau họ nhận ra rằng công cụ này thực sự tốt để phá vỡ các cuộc biểu tình chống giới tài chính như ‘Chiếm Lấy Wall Street’ (Occupy Wall Street),” ông lập luận. “Vì vậy, họ bắt đầu cấp rất nhiều vốn cho nó. Họ bắt đầu bơm một dòng tiền vào tất cả các lĩnh vực của học thuyết chính trị bản sắc này.”
Lưu ý rằng chính ‘chính trị bản sắc’ cuối cùng đã hạ gục Phong trào Chiếm lấy Wall Street từ bên trong, ông nói thêm, “Quý vị có những ngân hàng lớn này tự hào khi nói về mức độ đa dạng của họ – [rằng] họ là những người thiện lương — khi thực sự họ đang tài trợ cho cuộc nổi dậy kết thúc phong trào đang đe dọa họ.”
Và theo kịp trò chơi này mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, ông Lindsay lập luận, vì nó cung cấp cho họ một “thanh kiếm và tấm khiên” tiện lợi để bảo vệ bản thân khỏi áp lực xã hội trong tương lai.
Ông lưu ý, “Họ có thể ẩn mình sau tấm khiên đạo mạo kia và nói, ‘Chúng tôi chỉ đang thúc đẩy sự đa dạng; chúng tôi đang cố gắng làm điều hữu ích này,’ trong khi họ có thể loại bỏ bất kỳ ai gây ra vấn đề cho công ty từ bên trong.”
Giờ đây, sau nhiều năm, các chương trình đào tạo của doanh nghiệp xoay quanh “công bằng và hòa nhập”, “đặc quyền của người da trắng” và các khái niệm công bằng xã hội khác không chỉ phổ biến trong khu vực tư nhân mà còn được coi là bằng chứng về đạo đức công dân. Đáng chú ý, theo một cuộc khảo sát của PricewaterhouseCoopers (PwC) trên toàn thế giới, 72% người lao động Bắc Mỹ nói rằng sự đa dạng là “một giá trị được quy định hoặc lĩnh vực ưu tiên” tại tổ chức của họ.
Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ các chương trình như vậy cũng bắt đầu cảm thấy sự thiếu chân thành từ phía các tổ chức thực hiện chúng. Ví dụ, một báo cáo hồi tháng 02/2021 từ công ty Josh Bersin cho thấy khoảng 80% các công ty tuyên bố ưu tiên sự đa dạng, công bằng và hòa nhập “chỉ làm một cách chiếu lệ” và “không tự chịu trách nhiệm” về những khái niệm đó.
Nhưng theo ông Lindsay, xoa dịu người lao động không phải là lý do duy nhất khiến các doanh nghiệp thực hiện chiếu lệ như vậy. Ông nói, các nhà tuyển dụng đang bị ép buộc bởi một yếu tố khác — sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào các chỉ số về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) được các nhà đầu tư sử dụng để đo lường mức độ rủi ro tài chính của một công ty liên quan đến những vấn đề đó.
Ông Lindsay khẳng định, những số liệu đó đang được các nhà đầu tư doanh nghiệp lớn sử dụng để thúc đẩy các doanh nghiệp chấp nhận và thực hiện các chính sách thiên tả mà họ ủng hộ, chẳng hạn như các sáng kiến “công bằng” và các chính sách khác bắt nguồn từ chính trị bản sắc.
Ông cho rằng, “Một số lượng rất nhỏ những người nắm giữ lượng tiền rất lớn của người khác đã có thể quyết định rằng tầm nhìn tư tưởng của mình về thế giới sẽ được áp đặt, dù có khó khăn cỡ nào, khi sử dụng các tập đoàn như một giải pháp thay thế cho chính phủ vì dù sao thì Hiến Pháp cũng sẽ ngăn chặn điều đó.”
Ông Lindsay nói thêm, tầm nhìn đó là việc cuối cùng sẽ thành lập một chính phủ toàn cầu vào năm 2030.
“Đây là điều không có gì mơ hồ,” ông nói. “Họ nói như vậy trên hết bạch thư này đến bạch thư khác, hết sách này đến sách khác.”
Con đường tương lai
Ông Lindsay công nhận rằng người dân bình thường có thể không làm được gì nhiều để ngăn tầm nhìn đó trở thành hiện thực, nhưng lưu ý rằng một số quan chức dân cử đã bắt đầu đứng lên phản đối.
Chẳng hạn, Tổng chưởng lý Kentucky Daniel Cameron đã công bố một bản ý kiến pháp lý hồi tháng trước, khẳng định rằng các hoạt động đầu tư về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG), vốn “đưa ra các động cơ kết hợp vào các quyết định đầu tư”, cấu thành hành vi vi phạm nghĩa vụ ủy thác.
Ngoài ra, theo Heritage Foundation, 13 tiểu bang đã ban hành luật cấm giảng dạy thuyết chủng tộc trọng yếu hoặc các khái niệm liên quan trong các trường công, trong đó “Đạo luật Chấm dứt W.O.K.E.” của Florida đã được đưa ra nhằm hạn chế các chính sách và thông lệ phân biệt chủng tộc tại nơi làm việc.
Ông Lindsay lưu ý, việc đảo ngược hoàn toàn tình thế này sẽ đòi hỏi một nỗ lực lớn hơn để vạch trần nghị trình đằng sau các chính sách gây chia rẽ như vậy để mọi người trong xã hội sẽ khước từ chúng.
“Xã hội giống như một khu vườn vậy,” ông nói. “Quý vị phải chăm bón cho khu vườn của mình và giữ cho khu vườn của mình tươi tốt. Quý vị phải phủ đầy xã hội này với các tổ chức tích cực cũng như những người có đạo đức và giá trị tích cực, thay vì để cho mặt đất bị cằn cỗi và mục nát, nơi cây thường xuân thỏa sức sinh sôi.”
Cô Samantha Flom là một phóng viên chính trị tự do của The Epoch Times. Tốt nghiệp Đại học Syracuse, cô có kiến thức nền về báo chí và truyền thông bất vụ lợi. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].