Các chuyên gia: Trung Quốc tìm cách xây dựng căn cứ quân sự ở Tây Phi
Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang tìm cách phô trương sức mạnh hải quân trên quy mô toàn cầu và có thể sẽ sớm đầu tư vào các căn cứ mới ở ngoại quốc để duy trì tốt hơn sự hiện diện quân sự trên toàn thế giới.
Theo ông Brent Sadler, một nhà nghiên cứu cao cấp tại tổ chức tư vấn theo phái bảo tồn truyền thống Quỹ Di Sản (Heritage Foundation), việc xây dựng các căn cứ mới xa hơn ở Thái Bình Dương hoặc trên bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi sẽ giúp Trung Quốc tăng khả năng hoạt động lên rất nhiều.
“Mô hình của họ khác nhưng theo nhiều cách, cuối cùng thì họ rồi cũng sẽ có những căn cứ trông giống như của Hoa Kỳ,” ông Sadler nói trong cuộc thảo luận hôm 15/08 tại Quỹ Di Sản.
Ông Sadler nói thêm rằng chính quyền Trung Quốc đang xây dựng các nhóm tấn công hàng không mẫu hạm phần lớn sẽ hoạt động với khả năng tương tự như của Hoa Kỳ. Ông cho biết việc duy trì các nhóm này ở ngoại quốc sẽ cần nhiều căn cứ ở ngoại quốc hơn ngoài căn cứ đầu tiên của chính quyền này được xây dựng ở Djibouti hồi năm 2017.
Bằng cách xây dựng một căn cứ mới ở bờ biển phía tây châu Phi, có lẽ là ở Guinea Xích Đạo, ông Sadler cho biết chính quyền này có thể mở rộng hơn nữa khả năng cung cấp đạn dược và nhiên liệu cho các nhóm tấn công, cũng như hoạt động ở Đại Tây Dương một cách vô hạn định.
“Đó sẽ là lối vào mới cho Trung Quốc,” ông Sadler nói. “Ở xa xôi như vậy, thì căn cứ này sẽ cho phép họ duy trì các hoạt động hải quân, các hoạt động quân sự, ở Đại Tây Dương.”
Cuối cùng, ông Sadler nói rằng lịch sử giữ bí mật liên quan đến các dự án quân sự của chính quyền này có thể có nghĩa là một căn cứ như vậy, hoặc ít nhất là các cuộc đàm phán cho vị trí của một căn cứ, đã diễn ra suôn sẻ từ lâu.
“Người Trung Quốc phủ nhận mọi ý định phát triển hàng không mẫu hạm cho đến khi họ có một chiếc,” ông Sadler nói. “Đó là hơn một thập niên nói đi nói lại điều này cho đến khi họ gần như không thể bác bỏ được nữa.”
“Những gì Hoa Kỳ cần phải làm là định hình lại cách họ thực hiện công việc quản lý nhà nước và tích hợp sự hiện diện hải quân [của họ] với sự phát triển kinh tế và cả ngoại giao mạnh mẽ hơn.”
Trung Quốc cần có các căn cứ mới để duy trì sự hiện diện trên toàn cầu
Theo ông Alexander Wooley, giám đốc quan hệ đối tác và truyền thông tại AidData, một tổ chức tư vấn phân tích viện trợ của chính phủ cho các dự án phát triển, thì dòng tiền và các nguồn lực khác từ Trung Quốc đến các quốc gia Tây Phi có thể cho thấy thêm rằng việc mở rộng như vậy đã diễn ra từ lâu.
“Họ sẽ có một căn cứ ở đâu đó trong khu vực đó,” ông Wooley nói. “Về phần đó có thể là [quốc gia] nào, thì họ sẽ không nói với ai.”
Thật vậy, dưới sự lãnh đạo của ông Wooley, gần đây AidData đã hoàn thành một báo cáo mới phân tích các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các cảng ngoại quốc và mối quan hệ của họ với giới tinh hoa địa phương trên toàn thế giới trong khoảng thời gian 20 năm.
Báo cáo đó cho thấy Bata, ở Guinea Xích Đạo, là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho một căn cứ quân sự mới của Trung Quốc. Theo báo cáo, Trung Quốc đã chi hơn 659 triệu USD để cải thiện cảng ở đó. Ngoài ra, hồi năm ngoái, một vị tướng hàng đầu của Hoa Kỳ đã nói rằng Bata dường như là nơi chính quyền này đã tạo ra động lực lớn nhất trong cố gắng mở rộng của họ.
Trung Quốc phát triển hải quân vượt xa Hoa Kỳ
Tuy nhiên, chính quyền này đang gặp phải những khó khăn. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn cai trị Trung Quốc như một quốc gia độc đảng, không có nhiều đồng minh chính thức như Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là họ không thể chỉ đơn giản trông chờ rằng sự hiện diện quân sự của mình sẽ được chào đón ở bất cứ đâu trên thế giới cho đến khi họ thực sự có thể xây dựng các căn cứ của riêng mình.
Ông Wooley nói, “Họ không thuộc về một liên minh phòng thủ điển hình như NATO hoặc AUKUS tương đối mới, vì vậy họ không có mối quan hệ với các quốc gia có sân chơi bình đẳng dưới dạng mối quan hệ nơi mà họ có thể đặt tàu của mình như hạm đội Hoa Kỳ ở Napoli chẳng hạn.”
“Nếu họ muốn khai triển tàu ra xa hơn, thì họ không có những mối quan hệ đó với một đồng minh, chủ nhà của một căn cứ hải quân. Họ không có nhiều tàu tiếp tế như các lực lượng hải quân hiện đại khác có thể có, vì vậy việc tìm kiếm một địa điểm để đặt căn cứ hải quân là điều hợp lý.”
Do đó, ông Wooley nói rằng chính quyền này có thể sẽ tiếp tục mở rộng hạm đội hải quân của mình trong thập niên tới. Trong khi đó, sự vượt trội về số lượng sẽ tiếp tục tạo ra nhu cầu về các cơ hội đặt trụ sở mới ở ngoại quốc.
“Tôi nghĩ rằng việc hải quân Trung Quốc tiếp tục phát triển trong thập niên tới là tất yếu,” ông Wooley cho biết.
“Quý vị sẽ nghĩ mình muốn có một căn cứ, vì vậy hơi khó để tưởng tượng là sẽ không có một căn cứ hải quân nào ở ngoại quốc ngoài Djibouti.”
Lực lượng hải quân của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên hơn 400 tàu trong vòng hai năm tới, mở rộng lực lượng hàng hải của chính quyền này một cách đáng kể so với lực lượng dưới 290 tàu của Hải quân Hoa Kỳ. Con số đó tăng lên hơn 600 tàu nếu tính cả lực lượng hải cảnh và dân quân biển của Trung Quốc.
Ngoài ra, trong khi gần 300 chiến hạm của Hoa Kỳ có công nghệ tân tiến hơn hầu hết hạm đội Trung Quốc, thì chỉ khoảng một phần ba lực lượng đó có thể sẵn sàng khai triển ngay lập tức vào bất kỳ ngày nào và phần ba đó còn trải dài trên toàn cầu. Tổng cộng, khoảng 60 chiến hạm của Hoa Kỳ được khai triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sẵn sàng đối mặt với sự xâm lược của Trung Quốc vào bất kỳ ngày nào.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times