Các chuyên gia thắc mắc tại sao TT Biden và ông Trump được đối xử khác biệt trong vụ việc về tài liệu mật
Cựu Trưởng cố vấn pháp lý cho rằng khoảng thời gian 2 tháng từ lúc phát hiện tới lúc tiết lộ công khai cho thấy ‘sự lấp liếm chính trị’
Khi các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa như Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) bày tỏ lo ngại rằng việc Tổng thống (TT) Joe Biden lưu giữ các tài liệu mật từ thời phó tổng thống của ông có thể bị “lấp liếm,” các chuyên gia pháp lý nói với The Epoch Times rằng tại sao TT Biden và cựu TT Donald Trump dường như đã được đối xử rất khác biệt trong hai trường hợp xảy ra cùng lúc này.
Hồi tháng 08/2022, các đặc vụ FBI đã thừa hành một trát khám xét dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở Palm Beach, Florida. Trát này cho biết có lý do chính đáng để tin rằng có “các tài liệu bổ sung chứa NDI [thông tin quốc phòng] có đánh dấu mật” hoặc “hồ sơ tổng thống phải tuân theo các yêu cầu lưu giữ hồ sơ” tại Mar-a-Lago.
Ngược lại, cả Trung tâm Penn Biden cũng như bất kỳ địa chỉ nào khác có liên quan đến ông Biden đều không bị đột kích sau khi các tài liệu mật được cho là đã được tìm thấy tại văn phòng ở Hoa Thịnh Đốn của trung tâm này, nằm trong một tòa nhà không có gì đặc biệt cách Tòa Bạch Ốc khoảng một dặm (1.6 km).
“Đâu là sự khác biệt trong những gì Tổng thống Trump đã làm so với những gì Tổng thống Biden đã làm hiện nay?” Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện James Comer (Cộng Hòa-Kentucky) thắc mắc, theo bài báo của CBS.
Các luật sư của ông Biden đã nói rằng những tài liệu này đã được tìm thấy hôm 02/11, chỉ vài ngày trước khi Đảng Cộng Hòa có một thành tích bầu cử giữa nhiệm kỳ không mấy khả quan. Tuy nhiên, công chúng đã không được thông báo về sự tồn tại của những tài liệu đó cho đến hôm 09/01, hai tháng sau khi các cuộc bầu cử đó diễn ra.
Ông Mike Davis, cựu trưởng cố vấn pháp lý cho các đề cử của Chủ tịch Tư pháp Thượng viện đương thời Chuck Grassley (Cộng Hòa-Iowa) và là nhà sáng lập Article III Project (A3P), cho biết sự chậm trễ đó là dấu hiệu của “một sự lấp liếm chính trị.”
Ông xem đó là một phần của một khuôn mẫu dưới thời chính phủ ông Biden.
“Có một tiêu chuẩn kép chính trị rõ ràng tại Bộ Tư pháp của ông Biden, đã được chính trị hóa và vũ khí hóa để chống lại những người thuộc Đảng Cộng Hòa,” ông Davis nói với The Epoch Times hôm 10/01.
Một chuyên gia về luật hành chính cũng có quan điểm tương tự.
“Thực tế là điều xảy ra đang thực sự tạo ra một quy tắc luật pháp: nếu quý vị là một thành viên Đảng Cộng Hòa, thì quý vị phải đáp ứng các tiêu chuẩn chính xác nhất định về hồ sơ, còn nếu quý vị là thành viên Đảng Dân Chủ thì quý vị không cần phải đáp ứng,” theo chuyên gia yêu cầu ẩn danh vì chính sách của công ty không cho phép nhân viên nói chuyện với giới truyền thông.
“Một tổng thống Đảng Cộng Hòa phải hoạt động trong môi trường luôn bị giám sát. Nếu quý vị là một tổng thống của Đảng Cộng Hòa, thì giả thiết là quý vị phải bảo toàn mọi thứ. Và đúng là quý vị phải cẩn thận nhiều hơn. Nếu quý vị là thành viên Đảng Dân Chủ, thì hãy yên tâm, quý vị sẽ được áp dụng các thủ tục khác nhau.”
Ông nói thêm, theo một hệ thống phù hợp hơn, tiêu chuẩn do vụ của ông Trump đặt ra cũng sẽ được áp dụng cho trường hợp của ông Biden.
“Bộ Tư pháp không nên nói, ‘Hãy đàm phán. Quý vị hãy xem lại và cho chúng tôi biết những gì quý vị tìm thấy.’ Bộ Tư pháp lẽ ra phải ngay lập tức yêu cầu FBI đột kích vào những văn phòng đó. Tại sao? Nếu không ghi chép lại và kiểm kê, thì làm sao chúng ta biết được những tài liệu đó là mật hay tối mật?”
Ông Davis đã đối chiếu trường hợp hồ sơ của ông Trump với câu chuyện đang phát triển về việc ông Biden lưu giữ các tài liệu mật.
“Theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, Tổng thống Trump có quyền hợp hiến và theo luật tuyệt đối để giải mật và giữ hồ sơ tổng thống khi ông rời nhiệm sở. Cựu Phó Tổng thống Joe Biden hoàn toàn không có quyền,” ông nói.
Trích dẫn một quyết định của tòa phúc thẩm, một phân tích về trát khám xét Mar-a-Lago từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội cho thấy rằng thẩm quyền rộng lớn của ông Trump trong việc giải mật thông tin có thể bị hạn chế nếu ông không “làm theo các thủ tục đã được thiết lập.”
“Quy trình này là sự trừng phạt. Nói cách khác, các quan chức đưa ra các quy tắc, cho dù những quy tắc đó có hợp pháp hay không. Và nếu quý vị vi phạm những quy tắc đó, thì sẽ có những hậu quả,” chuyên gia pháp lý ẩn danh này cho biết.
Đối với ông Davis, những tiết lộ gần đây hơn về các tài liệu của phó tổng thống Biden đặt ra những câu hỏi quan trọng liên quan đến các thủ tục đã được thiết lập và cả an ninh quốc gia của Hoa Kỳ – những câu hỏi mà ông tin rằng các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện phải tìm được câu trả lời thông qua thẩm quyền giám sát của họ đối với một loạt ủy ban.
Ông hỏi, “Ông Hunter Biden có quyền vào văn phòng này không? Ông James Biden có quyền vào văn phòng này không? Những tài liệu mật này là gì? Họ đã thực hiện một cuộc đánh giá tình báo chưa? Họ đang lập kế hoạch thực hiện một cuộc đột kích của FBI? Họ có định thẩm vấn ông Hunter Biden, ông James Biden, và ông Joe Biden [hay] bất kỳ ai khác [có thể] có quyền vào văn phòng đó không?”
Chuyên gia: Cơ quan lưu trữ ‘không có thẩm quyền’ trong trường hợp ông Trump
Chuyên gia pháp lý trên cho biết Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia (NARA) không có thẩm quyền đề nghị vụ việc hồ sơ Trump cho Bộ Tư pháp, như đã xảy ra trước cuộc đột kích vào Mar-a-Lago.
Mặc dù Đề mục 44 cho thấy rõ rằng NARA có thể đề nghị các trường hợp liên quan đến hồ sơ của cơ quan liên bang với Bộ Tư pháp, nhưng không có ngôn ngữ tương tự nào trong đề mục đó liên quan đến hồ sơ tổng thống.
Chuyên gia này cho hay: “Trong những trường hợp đó, cơ quan lưu trữ này không có quyền đề nghị Bộ Tư Pháp điều tra.”
Theo ý kiến của chuyên gia này, nhóm pháp lý của cựu tổng thống lẽ ra nên đưa ra một thách thức pháp lý trên cơ sở đó.
Vị chuyên gia này nói: “Các luật sư của ông Trump đã không làm tròn trách nhiệm, khi so sánh các luật sư đó với đại diện pháp lý “chất lượng hàng đầu” của ông Biden.”
CBS đã đưa tin rằng Tổng chưởng lý Merrick Garland đã chỉ định Biện lý Liên bang tại Chicago, ông John R. Lausch Jr., để điều tra lý do tại sao Trung tâm Penn Biden lại giữ tài liệu mật.
CBS cho biết: “Việc xem xét này được coi là một bước sơ bộ, và tổng chưởng lý sẽ xác định xem có cần điều tra thêm hay không, bao gồm cả khả năng chỉ định một biện lý đặc biệt.”
Ông Lausch, một người do ông Trump bổ nhiệm, là một trong hai Biện lý Liên bang duy nhất do ông Trump bổ nhiệm vẫn giữ vai trò này dưới thời ông Biden. Mặc dù ban đầu ông bị yêu cầu từ chức, nhưng các Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth (Dân Chủ-Illinois) và Dick Durbin (Dân Chủ-Illinois) đã đề nghị rằng ông không bị buộc phải từ chức.
Ông là người mà những thượng nghị sĩ nói trên muốn chỉ định cho vị trí này hồi năm 2017, như được một tuyên bố tại thời điểm đó cho thấy.
Ông Davis đã nghi ngờ về việc lựa chọn ông Lausch để điều tra vụ án này, mô tả ông như là một “sự lựa chọn không đủ khác biệt.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times