Các chuyên gia quân sự cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột Mỹ-Trung sau khi khí cầu do thám bị bắn hạ
Một số cựu quan chức quân đội nói rằng Hoa Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với những bất lợi đáng kể nếu một cuộc xung đột với chính quyền Trung Quốc về Đài Loan diễn ra, trong bối cảnh các phản lực cơ của quân đội Hoa Kỳ vừa bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay trên bầu trời Hoa Kỳ.
Ông James Anderson, người từng là Quyền Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đặc trách về chính sách dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nói với Fox News: “Thật không may, nói một cách nhìn chung và đại thể, trong vài thập niên qua, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể các năng lực trên không, trên biển, trong không gian, trên mạng, và hỏa tiễn.”
“Trong một số tình huống có thể xảy ra, ban đầu chúng ta rất có khả năng gặp bất lợi trong cạnh tranh vì họ có lợi thế sân nhà về khả năng điều động nhanh các lực lượng địa phương,” ông nói, “mà điều đó thực sự quan trọng đối với [quân đội Trung Quốc].”
Tuần trước, Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), tân Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao tại Hạ viện, cho biết nguy cơ xảy ra xung đột với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan “là rất cao” sau khi một tướng Hoa Kỳ công bố một bản ghi nhớ về một khả năng xung với nhà cầm quyền này vào năm 2025.
Tướng Mike Minihan, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Lưu động Không quân, đã viết thư cho ban lãnh đạo chỉ huy lực lượng khoảng 110,000 quân nhân của cơ quan này, nói rằng: “Linh tính mách bảo tôi rằng chúng ta sẽ tham chiến vào năm 2025.”
“Tôi hy vọng là ông ấy sai… Tuy nhiên, tôi nghĩ ông ấy nói đúng,” ông McCaul nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước (30/01-05/02).
Mặc dù quan điểm của vị tướng này không đại diện cho Ngũ Giác Đài, nhưng cách nhìn của ông cho thấy sự lo ngại ở các cấp cao nhất của quân đội Hoa Kỳ về một nỗ lực có thể xảy ra của Trung Quốc nhằm kiểm soát Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố là một tỉnh nổi loạn. “Chúng tôi đang chuẩn bị cho điều đó và chúng ta nên làm như vậy,” Thượng nghị sĩ Dick Durbin (Dân Chủ-Illinois), một thành viên trong ban lãnh đạo Thượng viện, nói với các hãng thông tấn hồi tuần trước khi trả lời câu hỏi về khả năng xảy ra xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. “Có bốn quốc gia trên thế giới mà chúng tôi theo dõi rất cẩn thận về mặt an ninh của chính mình. Trung Quốc là số một.”
Tuy nhiên, những lo ngại đó càng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua nhiều vùng lãnh thổ Hoa Kỳ trong vài ngày qua trước khi bị một chiến đấu cơ F-22 của Hoa Kỳ bắn hạ ngoài khơi bờ biển South Carolina. Sự hiện hữu của khinh khí cầu này trên bầu trời Hoa Kỳ, được phát hiện lần đầu tiên ở Montana, đã khiến Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo rằng ông sẽ hủy chuyến đi dự kiến tới Trung Quốc trong năm nay.
Trong khi đó, Hoa Kỳ chưa tham gia vào một cuộc xung đột nào như vậy trong nhiều thập niên kể từ Đệ nhị Thế chiến. Một cuộc xung đột có thể xảy ra sẽ đòi hỏi một số lượng lớn chiến hạm và hàng không mẫu hạm để kiểm soát khu vực Thái Bình Dương.
Ông Mark Cancian, một cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với WJAR-TV hồi tuần trước, “Hoa Kỳ đã không tham gia một cuộc xung đột như vậy kể từ năm 1945 và số người thương vong sẽ xuất hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn. Đây là sự mô phỏng chiến tranh cho ba hoặc bốn tuần tham chiến.” Ông cho biết một cuộc xung đột như vậy “thực sự đòi hỏi một sự thay đổi văn hóa trong quân đội Hoa Kỳ.”
Ông Cancian lưu ý, một vấn đề là sản lượng công nghiệp của Hoa Kỳ đã sụt giảm trong những thập niên gần đây. Theo các nhà kinh tế, trong những năm gần đây, cụ thể là sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, một số lượng lớn các quốc gia có cơ sở sản xuất tại Hoa Kỳ và phương Tây đã thuê gia công sản xuất tại Trung Quốc và các quốc gia khác.
“Chắc chắn đó là một mối lo ngại trên thực tế,” ông nói với hãng thông tấn WJAR-TV. “Hàng tồn kho của chúng ta không lớn và [cũng như] khả năng thay thế đối với các mặt hàng này, hơn nữa năng lực sản xuất tăng đột biến của ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta không lớn nên trong một cuộc xung đột kéo dài, chúng ta sẽ có nguy cơ cạn kiệt các loại vũ khí và đạn dược chủ chốt.”
Hôm Chủ Nhật (05/02), ông Heino Klinck, một cố vấn cao cấp của Cục Nghiên cứu Á Châu Quốc gia, nói với Fox News rằng rất khó để dự đoán điều gì có thể xảy đến.
“Có những lĩnh vực mà họ chiếm ưu thế, và cũng có những lĩnh vực chúng ta chiếm ưu thế, vì vậy đây không hẳn là kiểu so sánh giữa táo và cam,” ông Klinck, người từng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách khu vực Đông Á trước khi không còn giữ chức vụ này hồi năm 2021, nói với hãng thông tấn nói trên. “Trung Quốc chắc chắn có lợi thế địa lý hầu như dựa trên thực tế là họ chỉ cách Đài Loan 100 dặm (160 km), vì vậy điều đó đòi hỏi phải sắp xếp vấn đề hậu cần từ trước,” ông nói thêm.
Ông Anderson lưu ý rằng Trung Quốc đã không tiến hành một chiến dịch quân sự quan trọng nào trong nhiều thập niên. Lần cuối cùng Bắc Kinh tham chiến trong một cuộc xung đột là với Việt Nam hồi năm 1979 dọc theo biên giới hai nước, trong khi Hoa Kỳ đã tham gia vào nhiều cuộc xung đột kể từ khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến.
“Thực tế là họ không có kinh nghiệm tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ lớn ở quy mô cần thiết để chiếm đảo Đài Loan,” ông Anderson nói với Fox. “Đúng vậy, họ đã tấn công nhiều hòn đảo ngoài rìa của Đài Loan trong nhiều cuộc khủng hoảng vào những năm 1950, nhưng đó là những chiến dịch quy mô rất nhỏ.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times