Các chuyên gia pháp lý: Bản cáo trạng mới truy tố cựu TT Trump có động cơ chính trị
Các chuyên gia pháp lý nói với The Epoch Times rằng bản cáo trạng mới do một đại bồi thẩm đoàn liên bang chấp thuận về việc truy tố cựu Tổng thống Donald Trump, cáo buộc ông lưu giữ trái phép các tài liệu an ninh quốc gia sau khi ông rời Tòa Bạch Ốc hồi tháng 01/2021 là có động cơ chính trị.
Ngoài việc bản thân việc đệ trình các cáo buộc liên bang đối với một cựu tổng thống Hoa Kỳ là chưa từng có, bản cáo trạng truy tố ông Trump lần này còn là độc nhất vô nhị bởi vì nhà phát triển địa ốc này hiện là ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử năm 2024.
Đảng Dân Chủ cho rằng bản cáo trạng này là chính đáng và đã được đưa ra muộn, nhưng Đảng Cộng Hòa cho rằng bản cáo trạng này và các cáo buộc hình sự khác đang chờ giải quyết nhắm vào ông Trump tạo thành sự can thiệp của Đảng Dân Chủ vào cuộc bầu cử sắp tới.
Bản thân ông Trump đã nói trong một video dài bốn phút được đăng vào tối hôm 08/06 rằng bất kỳ cáo buộc hình sự nào cũng sẽ không ngăn cản ông tranh cử Tổng thống để thay thế vị trí của ông Joe Biden, một thành viên Đảng Dân Chủ.
Ông đã gọi những cuộc điều tra khác nhau này là “sự can thiệp bầu cử.”
“Tôi là một người vô tội. Tôi không làm gì sai cả,” cựu tổng thống này — người mà trước đây đã giao 15 thùng tài liệu bị tranh chấp cho Cục Lưu trữ Quốc gia — cho biết.
Ông Trump đã bị đàn hặc hai lần và hai sự kiện đó đã được các hãng truyền thông đưa tin rầm rộ.
Cuộc đàn hặc đầu tiên đã được Hạ viện Hoa Kỳ do Đảng Dân Chủ kiểm soát khi đó tổ chức hồi tháng 12/2019 về các điều khoản buộc tội ông lạm quyền và cản trở Quốc hội liên quan đến các liên lạc với tổng thống Ukraine. Hồi tháng 01/2021, tức một tuần trước khi rời nhiệm sở, ông đã bị đàn hặc lần thứ hai do một điều khoản buộc tội kích động nổi loạn liên quan đến hành vi xâm phạm an ninh của Quốc hội của những người biểu tình dẫn đến việc Quốc hội phê chuẩn cuộc bầu cử ngày 06/01/2021 bị trì hoãn hàng giờ đồng hồ. Ông đều được Thượng viện Hoa Kỳ tuyên trắng án cho cả hai lần đàn hặc này. Ông Trump là vị tổng thống thứ ba bị đàn hặc sau ông Andrew Johnson năm 1868 và ông Bill Clinton năm 1998. Cả ông Johnson và ông Clinton đều được Thượng viện tuyên trắng án.
Bản cáo trạng dài 49 trang nói trên, được đệ trình lên Tòa Địa hạt Liên bang phía Nam Florida, đã được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) công bố vào chiều hôm 09/06.
Tài liệu pháp lý này cáo buộc Trump vi phạm 37 trọng tội liên quan đến việc ông quản lý hồ sơ của chính phủ tại nơi ở của ông trong Câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida.
Cụ thể, tổng thống thứ 45 này bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Gián điệp liên bang và các đạo luật liên bang khác vì được cho là âm mưu cản trở công lý, tuyên bố sai sự thật, và che giấu tài liệu.
Theo bản cáo trạng này, ông Trump đã lưu trữ các tài liệu mật ở những địa điểm trái phép tại tư gia của ông, như trong phòng ngủ của ông, một phòng tắm, và một phòng khiêu vũ. Ông Trump cũng bị cáo buộc đã chia sẻ một số tài liệu với những người khác không có giấy phép an ninh.
Bản cáo trạng này nêu rõ, “Các tài liệu mật mà ông Trump cất giữ trong các thùng của ông chứa thông tin liên quan đến năng lực phòng thủ và vũ khí của cả Hoa Kỳ và ngoại quốc; các chương trình hạt nhân của Hoa Kỳ; khả năng bị tấn công quân sự của Hoa Kỳ và các đồng minh; cũng như các kế hoạch trả đũa có thể xảy ra để đáp trả một cuộc tấn công từ ngoại bang.”
Tài liệu pháp lý này cho biết thêm, “Việc tiết lộ trái phép các tài liệu mật này có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ, các quan hệ ngoại giao, sự an toàn của quân đội Hoa Kỳ, các nguồn nhân lực và tính khả thi liên tục của các phương pháp thu thập thông tin tình báo nhạy cảm.”
Trợ lý kỳ cựu của ông Trump, ông Waltine Nauta, một cựu thủy thủ trong Hải quân Hoa Kỳ từng làm việc trong Tòa Bạch Ốc dưới thời ông Trump, cũng bị buộc tội hình sự trong cùng một bản cáo trạng. Ông Nauta bị cáo buộc đã chuyển các tài liệu của chính phủ khỏi Tòa Bạch Ốc và giúp ông Trump khiến các quan chức liên bang, những người yêu cầu trả lại những tài liệu này, không tiếp cận được chúng.
Ông Curt Levey, một luật sư kiêm chủ tịch của tổ chức Committee for Justice theo phái bảo tồn truyền thống, đã lặp lại lời bình luận của Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), người đã viết trên Twitter rằng bản cáo trạng sẽ làm suy yếu “niềm tin của công chúng vào các thể chế liên kết nền cộng hòa của chúng ta.”
Ông Levey nói thêm rằng ông Rubio “không phải là người hâm mộ ông Trump.”
Ông Levey nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn, “Thật đáng kinh ngạc cho những gì chính phủ ông Biden và các đồng minh của họ sẵn sàng làm để bảo đảm rằng họ duy trì quyền lực và trừng phạt địch thủ của mình.”
“Ý tôi là, họ sẵn sàng phá hoại toàn bộ hệ thống pháp luật của chúng ta.”
Ông Levey nói: “Tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải gọi vụ này theo đúng bản chất của nó: Tổng thống Biden đang cố gắng bỏ tù đối thủ tiềm năng trong cuộc tranh cử năm 2024 của mình… thay vì để cử tri quyết định” số phận của ông ấy.
Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ Merrick Garland và Biện lý Đặc biệt Jack Smith ở DOJ đều “làm việc cho ông Biden — ông ấy có thể sa thải họ bất cứ lúc nào ông ấy muốn.”
“Chẳng ích gì khi làm ra vẻ Bộ Tư pháp là độc lập theo cách nào đó, hay vị biện lý đặc biệt này là độc lập,” ông Levey nói, ám chỉ tuyên bố của Biden rằng ông không dính líu cuộc điều tra các tài liệu an ninh quốc gia nói trên.
“Tôi đoán điều duy nhất cứu chúng ta khỏi trở thành một nước cộng hòa chuối và một trò cười cho phần còn lại của thế giới là sự thực rằng án lệ của Tòa án Tối cao đã làm rõ [theo Hiến pháp Hoa Kỳ] rằng quý vị không thể thêm điều kiện” cho tư cách ứng cử tổng thống năm 2024 của ông Trump.
Ông Levey nói, “Vì vậy, họ thực sự không thể ngăn cản ông ấy tranh cử tổng thống — hoặc chiến thắng vì vấn đề đó — nhưng chắc chắn rằng họ đang cố gắng hết sức để làm như thế. Tranh cử tổng thống từ trong tù thì vất vả hơn rất nhiều. Vì vậy, chắc chắn là họ đang cật lực tác động vào chuyện này để chiếm lợi thế.”
Ông cho biết, phần lớn những cáo buộc đối với cựu tổng thống này dường như là về cái gọi là các hành vi phạm tội can thiệp vào các thủ tục và thực thi công lý (process crimes) như cản trở công lý và khai man.
Ông Levey nói: “Tất nhiên, Bộ Tư pháp nổi tiếng về điều đó trong trường hợp họ không có một vụ kiện với bằng chứng thuyết phục.”
Ông Levey cũng cáo buộc DOJ áp dụng một tiêu chuẩn kép đối với các chính trị gia Đảng Dân Chủ bị cáo buộc làm tương tự những điều mà ông Trump bị cáo buộc đã làm.
Theo ông, khi bà Hillary Clinton bị cáo buộc đã lưu trữ trái phép các tài liệu mật của chính phủ trên máy chủ máy điện toán ở nhà của bà, DOJ đã sử dụng quyền tự quyết của mình để quyết định không truy tố bà.
Và ngày nay “chúng ta không nghe thấy các cáo buộc nhắm vào ông Biden”, người được cho là đã lưu giữ bất hợp pháp các tài liệu mật của chính phủ sau khi nhiệm kỳ phó tổng thống của ông kết thúc hồi tháng 01/2017, ông Levey nói.
Ông nói thêm, “Khá rõ ràng là Bộ Tư pháp đứng về phía nào trong vụ này.”
Luật sư này dẫn lời người đứng đầu lực lượng cảnh sát mật của Liên Xô Lavrentiy Beria: “Hãy để tôi nhìn người đó; Tôi sẽ cho quý vị biết các cáo buộc.”
“Nếu quý vị muốn bỏ tù các đối thủ chính trị của mình, thì quý vị luôn có thể tìm ra một lý do trên danh nghĩa để làm như vậy. Hãy để tôi nói rõ. Vụ này là về chính trị và không liên quan gì đến pháp quyền.”
Luật sư Paul Jonna, một luật sư đối tác tại công ty luật LiMandri & Jonna LLP, cho biết những cáo buộc này nằm trong một “cuộc săn phù thủy” lớn hơn.
Ông Jonna nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn, “Những suy nghĩ ban đầu của tôi khi hay tin vụ này là quý vị đang thấy một trong những ứng cử viên hàng đầu” trong cuộc bầu cử vào năm tới trong khi đối thủ của ông ấy “về cơ bản đang vũ khí hóa Bộ Tư pháp.”
Ông Jonna, người cũng là một cố vấn đặc biệt của Thomas More Society, một công ty luật vì lợi ích công cộng, cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến nhiều lần Bộ Tư pháp hành động như thế này.”
“Nhưng với tôi, vụ án này khó có thể thành công. Về cơ bản, chúng ta hiện đang chứng kiến Bộ Tư pháp tiến hành một cuộc săn phù thủy.”
Ông Jonna dự đoán rằng nỗ lực đưa ông Trump vào tù sẽ thất bại.
“Tôi nghĩ hệ thống tư pháp sẽ hoạt động đúng đắn và vụ này sẽ không thành công,” ông nói.
Luật sư J. Christian Adams, chủ tịch của Public Interest Legal Foundation, một nhóm về cách điều hành hiệu quả chuyên về tính liêm chính trong bầu cử, đã đặt câu hỏi về động cơ của chính phủ ông Biden trong việc theo đuổi vụ truy tố này.
Ông Adams, người trước đây từng làm một luật sư dân quyền tại Bộ Tư pháp, nói với The Epoch Times qua thư điện tử, “Rõ ràng DOJ khá mất phương hướng và không thể được nhiều người tin tưởng.”
Luật sư này cho biết vài giờ trước khi bản cáo trạng được công khai, “Nhưng đôi khi họ làm đúng. Chỉ là tôi không biết đầy đủ về các dữ kiện trong vụ này.”
Ông Trump cũng đã bị truy tố ở New York về 34 trọng tội làm sai lệch hồ sơ kinh doanh liên quan đến khoản thanh toán 130,000 USD hồi tháng 10/2016 — một tháng trước cuộc bầu cử năm đó — mà ông được cho là đã sắp xếp để trả cho nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels. Món tiền giao dịch này — được các nhà phê bình gọi là “tiền bịt miệng” — được thực hiện theo một thỏa thuận không tiết lộ mà bà Daniels đã ký, trong đó bà cam kết sẽ không thảo luận công khai về mối quan hệ được cho là bà đã có với ông Trump một thập niên trước. Ông Trump đã phủ nhận mối quan hệ này.
Ông Trump nói bà Daniels đã vi phạm thỏa thuận và kiện bà tội phỉ báng. Hồi tháng 12/2018, tòa án phán quyết bà Daniel thua và phải trả cho ông Trump hơn 293,000 USD phí luật sư, chi phí, và các khoản tiền phạt. Cuối tháng đó, cựu luật sư của ông Trump, ông Michael Cohen, đã bị kết án ba năm tù vì thực hiện khoản thanh toán năm 2016 mà các hồ sơ tòa án mô tả là một “đóng góp quá mức cho chiến dịch tranh cử.”
Trong giai đoạn tranh tụng, cựu tổng thống này đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào. Hai cuộc điều tra khác về hành vi của ông hiện đang diễn ra.
Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times