Các chuyên gia: Kế hoạch khí hậu của lưỡng đảng sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ mà không giúp ích gì cho khí hậu
Các nhà phân tích ngành năng lượng cho rằng dự luật này sẽ đề ra một phương thức lập luận đáng ngờ để các chính trị gia áp thuế carbon cao đối với người Mỹ vốn đang gặp khó khăn.
Kế hoạch khí hậu của lưỡng đảng đang đạt được những bước tiến tại Thượng viện, nhờ cuộc bỏ phiếu hôm 18/01 với tỷ lệ 15 phiếu thuận-4 phiếu chống của Ủy ban Môi trường và Công trình Công cộng Thượng viện theo hướng ủng hộ dự luật này.
Được đặt tên là Đạo luật PROVE IT, dự luật này sẽ cung cấp bước đầu tiên để Hoa Kỳ áp đặt sắc thuế nhập cảng carbon đầu tiên của mình.
Người bảo trợ chính cho dự luật này là Thượng nghị sĩ Chris Coons (Dân Chủ-Delaware), và luật đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Các thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina), Bill Cassidy (Cộng Hòa-Louisiana), và Kevin Cramer (Cộng Hòa-North Dakota), và nhiều nhân vật nổi bật khác trong Đảng Cộng Hòa cũng nằm trong số những người ủng hộ luật này.
PROVE IT là viết tắt của cụm từ Cung cấp Cường độ Đáng tin cậy, Khách quan, Có thể kiểm chứng được, và Minh bạch. Nếu được thông qua, luật sẽ cho Bộ Năng lượng (DOE) hai năm để hoàn thành một nghiên cứu chi tiết về cường độ phát thải khí nhà kính của các sản phẩm năng lượng và kim loại được sản xuất trong nước so với các sản phẩm của ngoại quốc.
Các nhà quan sát kỳ vọng rằng những phát hiện của DOE sẽ không bị lờ đi, mà sẽ tạo cơ sở cho những thay đổi chính sách sâu rộng, bắt đầu bằng thuế quan đối với hàng hóa phát thải cao từ Trung Quốc và các quốc gia gây hại cho môi trường khác. Thuế carbon sẽ sớm được áp dụng sau đó.
Khi thời tiết mùa hè đang ngày càng trở nên nóng hơn và báo động về khí hậu cũng như số phận của hành tinh ngày càng gia tăng, các nhà tài trợ dự luật hy vọng sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất có trách nhiệm hơn với môi trường và giảm bớt khủng hoảng khí hậu bằng cách khuyến khích sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bền vững hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng đã nói với The Epoch Times rằng, nếu dự luật được thông qua gần với hình thức như hiện nay, thì lợi ích của dự luật này đối với môi trường sẽ gần như bằng không, và dự luật này sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ.
Điều mà một số người có thể xem là lập luận mạnh mẽ nhất từ quan điểm chính trị — rằng luật này sẽ trừng phạt Bắc Kinh vì hành vi thương mại vô trách nhiệm và lạm dụng — đã không thuyết phục được tất cả các chuyên gia. Họ nói rằng rốt cuộc, đạo luật này có thể được các nhà lập pháp Hoa Kỳ ưa chuộng hơn là bất kỳ người nào khác.
Ông Brent Bennett, giám đốc chính sách của Life: Powered, một sáng kiến của Quỹ Chính sách Công cộng Texas, nói với The Epoch Times: “Đạo luật PROVE IT dường như là một cách để những thành viên này nói rằng họ đang ‘làm điều gì đó’ về vấn đề biến đổi khí hậu — và nhận được sự tán dương phía sau từ các nhà vận động hành lang và khu vực bầu cử mà họ đang cố gắng làm hài lòng — mà không thực sự làm gì cả.”
Giảm phát thải ở mức tối thiểu
Nếu các mức thuế quan có hiệu lực, thúc đẩy các nhà nhập cảng tăng giá hàng hóa họ bán trong nước, thì việc tiến hành phân tích chi phí-lợi ích một cách cẩn thận là xác đáng. Nhưng ông Bennett và những người khác trong ngành năng lượng không mong đợi những kết quả hữu hình về mặt lợi ích.
Ông Bennett nói với The Epoch Times rằng bất kỳ mức giảm phát thải nào bắt nguồn từ thuế carbon đối với hàng nhập cảng sẽ ở mức tối thiểu. Ông lập luận rằng kết quả cuối cùng sẽ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong mục tiêu phát thải khí nhà kính, mà bản thân mục tiêu này nhiều nhất cũng chỉ là một mục tiêu nhẹ nhàng thôi.
Ông Bennett cho biết: “Vì việc loại bỏ tất cả lượng khí thải nhà kính của Hoa Kỳ vào năm 2050 sẽ làm giảm nhiệt độ toàn cầu vào năm 2100 xuống dưới 0.1 độ, nên tác động của việc giảm lượng khí thải từ hàng nhập cảng của chúng tôi thậm chí sẽ không thể đo lường được.”
Ông nói thêm, “Tuy nhiên, cái giá phải trả sẽ rất có thể đo lường được dưới hình thức các mức giá cao hơn mà người Mỹ sẽ phải trả cho hàng nhập cảng. Giống như mọi chính sách khí hậu được đề nghị cho đến nay, chính sách này không thể nào vượt qua được một bài kiểm tra chi phí-lợi ích thực sự.”
Ông Bennett ám chỉ đến sự phụ thuộc lớn của ngành sản xuất và sản xuất năng lượng trong nước của Hoa Kỳ vào nguyên liệu và sản phẩm nhập cảng, cũng như các bước mà các nhà sản xuất có thể thực hiện để bù đắp chi phí nhập cảng cao hơn. Ông dự đoán chi phí năng lượng đối với người dân bình thường sẽ tăng mạnh.
Ông Bennett cho biết, mặc dù nhu cầu kỷ luật Trung Quốc vì các chính sách và hành vi thương mại lạm dụng của quốc gia này là có thể hiểu được, nhưng với việc áp thuế nhập cảng chung đối với các sản phẩm có liên quan đến lượng khí thải carbon, Đạo luật PROVE IT sẽ trừng phạt không chỉ Trung Quốc mà còn hàng chục nhà xuất cảng, bao gồm cả bạn hữu và đồng minh của Hoa Kỳ. Ông cho rằng những hành động có tính nhắm thẳng để trừng phạt riêng chế độ ở Bắc Kinh là một chiến lược khả thi hơn.
Ông Bennett cảnh báo rằng có một điểm cần cân nhắc khác, đó là khả năng các đối tác thương mại sẽ đáp trả.
Ông nói, “Hầu hết các đối tác thương mại của chúng ta, bao gồm cả Trung Quốc, đều có thể chỉ ra một cách đúng đắn rằng lượng khí thải carbon trung bình trên dân số của họ thấp hơn của chúng ta, bởi vì Hoa Kỳ nằm trong số năm quốc gia có lượng khí thải carbon trung bình trên dân số hàng đầu trên thế giới. Việc không có nhiều sản phẩm được sản xuất ở các quốc gia khác có mật độ phát thải carbon thấp hơn so với các sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ một lần nữa cho thấy thực tế là mức thuế này sẽ không có tác dụng gì nhiều trong việc giảm lượng khí thải.”
Chịu chi phí
Ông Bennett nhận xét, kể cả những tổ chức có quan điểm và nghị trình ủng hộ sinh thái mạnh mẽ cũng rất tỉnh táo về việc áp thuế carbon có ý nghĩa gì ở cấp độ thực tế. Ông lưu ý rằng Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc đã ước tính rằng thuế carbon sẽ phải ở mức hàng trăm USD mỗi tấn — cao hơn cả mức thuế mà các cơ quan quản lý Âu Châu đang khai triển — để có thể tạo ra ảnh hưởng thực sự đến mức tiêu thụ năng lượng và do đó hạn chế lượng khí thải.
Ông Bennett cho biết, hậu quả xã hội của một gánh nặng như vậy là không dễ hình dung.
Ông nói: “Thật khó để tưởng tượng thuế nhập cảng carbon ở Hoa Kỳ tăng lên đến mức đó mà không có sự phản đối hàng loạt từ công chúng.”
Ông Bennett ám chỉ đến ví dụ của Đức, nơi những nỗ lực thúc đẩy nghị trình xanh đã vấp phải thực tế kinh tế và gây ra nhiều tranh cãi về pháp lý và chính trị.
Ông Bennett cho biết, “Hãy nhìn vào nước Đức, quốc gia đang sử dụng thủ thuật ngân sách để che giấu chi tiêu cho sản xuất phong năng và quang năng và hiện đang bị tòa án cấp cao buộc phải tính toán chi tiêu đó một cách hợp lý. Việc cắt giảm ngân sách được đề nghị để cân bằng khoản chi tiêu này đang gây ra các cuộc biểu tình lớn ở Berlin, và điều tương tự cũng sẽ xảy ra ở Hoa Kỳ nếu mức thuế này được áp dụng đủ lớn.”
Người tiêu dùng là bên chịu thiệt
Nhìn bề ngoài, Đạo luật PROVE IT có thể có mục đích vô hại, yêu cầu DOE nghiên cứu lượng khí thải carbon mà không bắt buộc phải thay đổi chính sách nào dựa trên kết quả của nghiên cứu đó. Nhưng theo quan điểm của ông Alexander Stevens, quản lý chính sách và truyền thông tại Viện Nghiên cứu Năng lượng có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, mục tiêu của luật này chắc chắn là thiết lập cơ sở cho thuế carbon đối với hàng nhập cảng.
Ông Stevens nêu rằng một trong những người ủng hộ đạo luật này, Thượng nghị sĩ Cassidy của Louisiana, đã giới thiệu luật vào tháng 11/2023 nhằm đề ra các mức thuế quan carbon đối với hàng nhập cảng. Hầu hết các nhà lập pháp ủng hộ thuế quan carbon cũng ủng hộ thuế carbon. Sự thay đổi theo hướng ủng hộ một loại thuế quan như vậy có thể giúp làm cho ý tưởng về thuế carbon trong nước trở nên phổ biến hơn, nhưng không phải ai cũng hiểu được gánh nặng tài chính mà sắc thuế như vậy sẽ gây ra cho người dân lao động.
Ông nói, trong cả hai trường hợp — cho dù nhà nhập cảng tăng giá để bù đắp khoản lỗ do phải trả thuế quan, hay người tiêu dùng phải trả thêm thuế — thì chính người tiêu dùng sẽ là bên chịu thiệt.
Ông Stevens nói với The Epoch Times, “Hậu quả kinh tế của thuế quan rất rõ ràng. Thuế quan về căn bản có chức năng như thuế đánh vào hàng nhập cảng, và người tiêu dùng là bên chịu chi phí cuối cùng. Trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, hầu hết các sản phẩm tiêu dùng đều kết hợp các thành phần từ thị trường ngoại quốc. Xét rằng năng lượng là đầu vào căn bản trong quá trình sản xuất nhiều loại hàng hóa khác nhau, một loại thuế quan nhằm giảm phát thải khí nhà kính có nghĩa là áp đặt một loại thuế — và sau đó là các đợt tăng giá — trên diện rộng.”
Những người ủng hộ Đạo luật PROVE IT có thể có cơ sở vững chắc hơn nếu họ có thể chứng minh rằng tác động thực sự đối với biến đổi khí hậu sẽ là đáng kể, nhưng giống như ông Bennett, ông Stevens tin rằng họ đã thất bại trong việc chứng minh lập luận này.
Theo quan điểm của ông Stevens, bằng chứng về mối tương quan giữa những chính sách thương mại được cho là cởi mở hơn và môi trường đã có kết quả trái chiều, và nhiều người đang hiểu sai vấn đề.
Ông nói: “Có rất nhiều bằng chứng cho thấy hiệu quả và sự đổi mới, được thúc đẩy bởi các chính sách cạnh tranh và thương mại tự do hơn, là công cụ thúc đẩy môi trường sạch hơn. Việc thực thi mức thuế quan carbon mới sẽ làm gián đoạn hơn nữa các mối quan hệ thương mại quốc tế và làm suy yếu các động lực thúc đẩy tính hiệu quả và đổi mới vốn có trong các chính sách thương mại tự do.”
Hơn nữa, ông Stevens tin rằng, các nhà sản xuất trong nước mà không phải trả thuế quan, do không sử dụng chuỗi cung ứng liên quan đến các nhà cung cấp ngoại quốc, có khả năng chính trị hóa các vấn đề kinh tế, chi tiêu xa hoa trong nỗ lực duy trì và củng cố lợi thế của họ. Khả năng này có thể có ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp bên ngoài lĩnh vực năng lượng.
Ông Stevens tiếp tục: “Để khiến vấn đề thêm phức tạp, thuế quan carbon có thể thay thế các kết quả tích cực bằng sự rối loạn chức năng chính trị và tham nhũng, tạo ra một chu kỳ có hại trong đó các nỗ lực vận động hành lang thành công cho các ngành được hưởng lợi từ các mức thuế này sẽ thúc đẩy các ngành khác trong nước tìm kiếm chủ nghĩa bảo hộ thông qua các chính sách môi trường.”
Tâm lý của công chúng
Ông Stevens tin tưởng, trong khi biến đổi khí hậu là một thực tế và tình trạng nắng nóng cực độ gần đây đã gây áp lực rất lớn lên mạng lưới năng lượng của Texas và các địa phương khác — một tình huống mà việc đầu tư quá mức vào năng lượng tái tạo không giúp ích được gì — thì công chúng không chia sẻ niềm tin của giới tinh hoa chính trị về thuế quan như một phương tiện để khuyến khích thương mại có trách nhiệm hơn.
Ông Stevens trích dẫn kết quả của một cuộc khảo sát gần đây của Liên minh Năng lượng Hoa Kỳ, một tổ chức vận động có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, và Ủy ban Khai phóng Thịnh vượng, một tổ chức vận động hành lang cũng có trụ sở tại thủ đô. Cuộc khảo sát đã tiếp cận 1,600 cử tri có khả năng bỏ phiếu trải rộng trên tám tiểu bang — Pennsylvania, Wisconsin, Arizona, Nevada, Michigan, Missouri, Ohio, và Georgia — và nhận thấy rằng chỉ 3% số người được hỏi cho rằng biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách nhất mà đất nước đang phải đối mặt. Đồng thời, 59% số người được hỏi xác định nền kinh tế là mối quan tâm hàng đầu hoặc thứ hai của họ. Hơn nữa, 51% cho biết họ phản đối thuế carbon dioxide (CO2) đối với hàng nhập cảng.
Ông Stevens nói, mặc dù những hậu quả có thể xảy ra của Đạo luật PROVE IT không nhận được nhiều sự ủng hộ của công chúng, nhưng điều đó không ngăn được một số người ủng hộ thuế quan carbon và thuế carbon cố gắng thuyết phục rằng đạo luật này là một phương tiện để trừng phạt nhà cầm quyền độc tài của Trung Quốc.
Ông Stevens nói: “Bởi vì thứ này không được ưa chuộng về mặt chính trị, những mức thuế khí hậu này đang được rao giảng như một cách để chống lại Trung Quốc vì đó là cách duy nhất để làm cho thuế năng lượng trở nên dễ chấp nhận đối với những khán giả theo phái bảo tồn truyền thống.”
Nhưng các nhà xuất cảng Trung Quốc sẽ không phải là người chi trả cho thuế quan, và mặc dù nhạy cảm với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc cũng như hiểu biết về sự cần thiết phải gây áp lực lên chính quyền ở đó, nhưng ông Stevens vẫn không cảm thấy thuyết phục về hiệu quả của thuế quan.
Ông nói: “Trong trường hợp này, sử dụng thuế quan để cố gắng vũ khí hóa chuỗi cung ứng toàn cầu là một chiến lược gây phản tác dụng, vì cách tiếp cận đó sẽ thực sự định hình lại mạng lưới chuỗi cung ứng theo cách đẩy nhanh sự trỗi dậy của Trung Quốc thay vì cản trở.”
Khiến Bắc Kinh bực bội
Nhưng một số người theo dõi cuộc chiến thương mại giữa một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ, và bên kia là chính quyền Trung Quốc, lại không đồng tình với quan điểm rằng Bắc Kinh sẽ không chịu thiệt hại dưới bất kỳ hình thức nào khi Đạo luật PROVE IT được thông qua.
Ông Michael E. Webber, Chủ tịch về Kỹ thuật Năng lượng Thế kỷ John K. McKetta tại Đại học Texas ở Austin, nói với The Epoch Times, “Từ lâu, người ta đã biết rằng ngành sản xuất của Hoa Kỳ, vốn phải tuân thủ luật lao động và môi trường nghiêm ngặt, là đắt đỏ hơn so với ngành sản xuất ở ngoại quốc vốn thiếu sự bảo hộ đối với người lao động hoặc hệ sinh thái.”
Ông Webber tin tưởng, trước khi Hoa Kỳ và các cường quốc liên kết có thể áp dụng các hình phạt thích hợp đối với Bắc Kinh vì xuất cảng các sản phẩm gây hại cho môi trường trên khắp thế giới, thì tiến hành nghiên cứu là để đánh giá mức độ tác hại chính xác mà các chất ô nhiễm đó gây ra, so với mức độ tác hại của các quốc gia khác.
“Đo lường mức độ ô nhiễm liên quan đến hoạt động sản xuất ở ngoại quốc tạo thuận lợi cho những nỗ lực trong tương lai nhằm định giá ô nhiễm đó, điều này sẽ có tác động ròng làm cho hàng hóa ‘rẻ’ (nhưng bẩn) được sản xuất ở nơi khác trở nên đắt hơn, và do đó làm cho hàng hóa nội địa sạch hơn có tính cạnh tranh về giá cao hơn,” ông nói.
Ông Webber nói: “Điều thú vị là sự kết hợp kỳ lạ giữa những người cùng phe — những người theo chủ nghĩa môi trường, những người theo chủ nghĩa bảo hộ, và những người cứng rắn về an ninh — tất cả đều có thể thấy điều gì đó được lòng họ trong đạo luật này.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times