Các chuyên gia gợi ý 8 cách giúp con trẻ tự học tại nhà
Giáo dục tại nhà là một trong những biện pháp hữu hiệu rèn luyện tính tự giác và mang lại thành tích học tập cao cho con trẻ, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh.
1. Không gian học tập: chọn không gian học có sự tập trung
“Nhà” là một môi trường thoải mái và thư giãn cho trẻ em. Đồ chơi, truyện tranh, máy chơi game, tivi, máy tính và những cám dỗ khác làm trẻ mất tập trung. Cha mẹ có thể thiết lập một không gian yên tĩnh cho việc học tập của trẻ. Có thể là một bàn học hoặc một góc cố định nào đó được dọn dẹp gọn gàng, loại bỏ các vật dụng giải trí; tạo môi trường giống như trong lớp học, ví dụ như trẻ nhỏ có thể tiếp cận các dụng cụ học tập (như tài liệu tham khảo, sách, vở, bút, v.v. cũng có thể chuẩn bị cùng với một ly nước). Việc học ở nhà hàng ngày cần một không gian học tập cố định để hình thành thói quen “ngồi đây là học”. Bằng cách này, trẻ sẽ có tâm thái học tập trong một thời gian ngắn mà không bị phân tâm bởi những thứ khác.
2. Thói quen hàng ngày: thiết lập một lịch trình hàng ngày
Sinh hoạt có quy tắc và ổn định sẽ mang lại sự an tâm và thoải mái cho trẻ nhỏ. Cha mẹ có thể lên kế hoạch đầy đủ về thời gian biểu và thời gian học tập cố định cho con cái. Điều này sẽ giúp trẻ tìm thấy trật tự trong cuộc sống bận rộn. Việc lập thời gian biểu là để trau dồi khả năng kỷ luật của trẻ; nếu trẻ có bất kỳ phản kháng nào thì cha mẹ nên thảo luận và điều chỉnh để phù hợp với không gian của trẻ; không hoàn toàn cứng nhắc tuân theo theo thời gian biểu; sự linh hoạt phù hợp có thể làm cha mẹ và trẻ thấy hài lòng.
* Đề xuất lịch làm việc:
Đặt mục tiêu chính
Trong trường học thường tổ chức các kỳ thi hay báo cáo nhằm kiểm tra hiệu quả và mục tiêu học tập của học sinh. Năm 1954, Ông Peter Drucker, bậc thầy về quản lý đã đề nghị phương cách đặt ra các mục tiêu (SMART) như sau:
– Specific: Rõ ràng
– Measurable: Có thể đo lường và định lượng được
– Attainable: Có thể đạt được
– Relevant: Thích hợp
– Time-based: Có thời gian rõ ràng
Điều quan trọng là không nên đặt mục tiêu quá lớn. Các mục tiêu ngắn hạn và sự tiến bộ từng bước có thể khuyến khích trẻ em học tập, và giúp trẻ có động lực để tiến lên từ cảm giác hoàn thành.
Để trẻ lên kế hoạch về trình tự
Với trẻ em, việc học cách chịu trách nhiệm có ý nghĩa hơn học cách vâng lời. Sự ép buộc sẽ chỉ mang lại áp lực; vì vậy khi cùng con lên kế hoạch thời gian biểu, hãy để trẻ tự quyết định thứ tự học tập, khiến trẻ có ý thức hơn về nhiệm vụ hoàn thành việc học của mình. Phụ huynh chỉ cần nhắc nhở, gợi ý rằng các môn học đòi hỏi tư duy linh hoạt, tự lập nên học vào buổi sáng lúc đầu óc tỉnh táo; buổi chiều nên học các môn tương tác như năng khiếu, hoặc liên hệ với giáo viên và bạn học để trả lời câu hỏi học buổi sáng.
Nghỉ ngơi để đi con đường dài hơn
Bác sĩ tâm thần người Hoa Kỳ – Puri, đề cập một bài báo do Tiến sĩ Colette A. Poole-Boykin đăng trên phương tiện truyền thông trực tuyến GMA vào tháng 5 đã chỉ ra rằng lấy số tuổi của một đứa trẻ nhân với 2 đến 5 phút là thời gian đứa trẻ có thể liên tục tập trung. Theo tuyên bố này, trẻ 10 tuổi có thể tập trung liên tục trong khoảng 20–50 phút. Cần có kế hoạch nghỉ ngơi phù hợp; học trong tình trạng không được nghỉ ngơi đầy đủ chỉ đem lại một nửa kết quả, hao tổn sức lực mà còn khiến trẻ chống đối việc học.
Nếu trẻ biết chính xác khi nào mình có thể nghỉ ngơi, trẻ sẽ có động lực hơn để ngồi vào bàn và hoàn thành việc trẻ nên hoàn thành. Do đó, thay vì nói với trẻ “đi học đi”, tốt hơn là bạn nên nói với trẻ theo cách khác, “Con có thể nghỉ 10 phút nếu con làm toán 40 phút.”
3. Tập thể dục liên tục: duy trì sức khỏe cũng có thể tăng hiệu quả học tập
Nhiều nghiên cứu của Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng tập thể dục tạo ra ba chất dẫn truyền thần kinh: dopamine (chất tạo tâm trạng tích cực), serotonin (cải thiện trí nhớ) và norepinephrine (cải thiện sự tập trung), giúp ích rất nhiều cho hiệu quả học tập. Đặt biệt, cha mẹ có thể lên kế hoạch tập thể dục trong thời gian biểu, hoặc khuyến khích con cái đi dạo, chạy bộ, hoặc thậm chí chơi bóng với con trong thời gian nghỉ ngơi. Nếu thời gian eo hẹp, bạn có thể đạt được hiệu quả tương tự bằng cách chơi bật nhảy hoặc nhảy dây tại nhà cùng con.
4. Liên hệ thực tế: thoát khỏi sách giáo khoa
Việc học đôi khi có vẻ nhàm chán trên lý thuyết, nhưng nếu biết kết hợp và áp dụng vào thực tế cuộc sống, thì nó không chỉ giúp trẻ tăng hứng thú học tập mà còn giúp trẻ đào sâu và mở rộng trí nhớ và hiểu biết. Đối với các môn học như lịch sử, địa lý, phụ huynh có thể đưa con đi tham quan thực tế các danh lam thắng cảnh hoặc xem các kênh địa lý thế giới; các môn học liên quan đến khoa học thường có thể được chứng minh trong cuộc sống như phản ứng điện từ, quy luật thay đổi của mặt trăng; Môn học ngữ văn có thể thay sách giáo khoa bằng tiểu thuyết kinh điển, thơ và văn xuôi, hoặc xem phim tài liệu của các danh nhân văn học, v.v. Hãy để việc học trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày, và nó cũng có thể trở thành niềm vui cho cả cha mẹ lẫn con cái.
5. Hệ thống khen thưởng: xây dựng lòng tự tin và cảm giác hoàn thành
Nhiều giáo viên sẽ thực hiện một hệ thống khen thưởng trong lớp, và phụ huynh cũng có thể làm như vậy; chẳng hạn như làm bài tập, làm việc nhà, hạnh kiểm tốt trong ngày, v.v. có thể được một điểm, và mười điểm có thể đổi lấy phần thưởng. Điều quan trọng nhất là phải biết trẻ muốn phần thưởng gì và món quà gì sẽ thúc đẩy trẻ. Những đứa trẻ khác nhau có sở thích khác nhau, vì vậy bạn có thể để chúng quyết định loại phần thưởng nào chúng muốn; chẳng hạn như xem một bộ phim sau bữa ăn, đến cửa hàng tạp hóa để mua một túi bánh quy, v.v. Cố gắng không thưởng cho trẻ bằng những thứ hữu hình mua được và đừng để trẻ quen với việc thỏa mãn bản thân bằng những thứ vật chất.
6. Việc sử dụng các sản phẩm 3C: vừa phải nhưng cân bằng
– 3C (máy vi tính, phương tiện liên lạc, và sản phẩm điện tử gia dụng)
Sống trong thế hệ 3C, giải trí hàng ngày của trẻ em hầu như đều có được từ điện thoại di động, máy tính bảng, máy vi tính. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo các bậc cha mẹ nên chủ động chọn các trò chơi di động hoặc các ứng dụng khác có chất lượng cao và an toàn cho con em mình, tránh để trẻ tìm kiếm hoặc tải game từ các trang web không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, bạn cũng có thể cùng con sử dụng các sản phẩm của 3C như xem album cùng nhau, một mặt giúp cha mẹ và con cái vui chơi, mặt khác giúp trẻ rèn luyện khả năng phân biệt ưu nhược điểm của thông tin Internet. Ngày nay, khi dịch bệnh nghiêm trọng, trẻ em có thể giao tiếp với các bạn cùng lớp và giáo viên trong trường thông qua phần mềm xã hội; điều này có thể giảm bớt sự cô đơn và cũng là một trong những cách quan trọng để trẻ em duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần.
7. Giữ liên lạc với giáo viên
Mặc dù con học trực tuyến ở nhà nhưng không phải phụ huynh hoàn toàn đơn độc mà có thể liên hệ với giáo viên nhiều hơn, tìm hiểu tình hình học của con ở trường thông qua giáo viên để điều chỉnh thời gian biểu ở nhà. Và nếu gặp bất cứ vướng mắc nào trong quá trình giảng dạy, bạn cũng nên liên hệ với giáo viên bất cứ lúc nào để đạt kết quả tốt nhất khi học tại nhà.
8. Cảm xúc và thái độ của cha mẹ
Trẻ có thể không hiểu được lời nói hoặc ý kiến, nhưng cảm nhận được cảm xúc là một khả năng bẩm sinh. Thái độ của cha mẹ rất quan trọng đối với trẻ. Những lời động viên đơn giản có thể khiến trẻ cảm thấy vui; ngược lại, cau mày, những tiếng thở dài ngắt quãng, hoặc thiếu kiên nhẫn sẽ khiến trẻ cảm thấy tồi tệ. Do dịch bệnh, các thành viên trong gia đình dành thời gian cho nhau lâu hơn trước đây, vai trò “giám sát” cũng sẽ tạo ra sự đối lập vô hình giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ nên làm chủ cảm xúc của mình cẩn thận hơn, dành vài chục giây, hít thở sâu khi nhận ra rằng mình sắp nổi giận, và nghĩ về mục đích mà mình muốn đạt được. Nếu trẻ chống lại việc học, hãy bình tĩnh và trao đổi với trẻ để hiểu tại sao trẻ chống lại; hoặc để trẻ làm việc khác trước và đối xử với trẻ một cách kiên nhẫn. Chỉ cần cha mẹ làm chủ được cảm xúc của mình thì nhất định sẽ tạo ra được kết quả đôi bên cùng có lợi.