Các chuyên gia: Chi tiêu nhiều có thể là hồi chuông báo tử cho triển vọng kinh tế năm 2024
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng tâm lý lạc quan xuất phát từ thông báo lãi suất của Hệ thống Dự trữ Liên bang vào tuần trước có thể là quá sớm.
Thông báo của Chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang Jerome Powell tại cuộc họp chính sách tuần trước (18-24/12) rằng ông dự định sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại đã có tác động thúc đẩy ngay lập tức trên thị trường tài chính, với Chỉ số Tổng hợp NASDAQ và Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones tăng lên mức cao kỷ lục.
Thông báo hôm 13/12 đánh dấu cuộc họp thứ ba liên tiếp trong đó các quan chức Fed cho biết ý định giữ lãi suất ở mức hiện tại. Ông Powell cũng ám chỉ về khả năng xảy ra ít nhất ba lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024, càng làm tăng thêm tâm lý lạc quan ở Wall Street.
Mặc dù ông Powell đã nêu ra khả năng Fed sẽ có thể phải tăng chứ không phải là hạ lãi suất vào năm tới, nhưng thị trường vẫn tin tưởng rằng việc cắt giảm lãi suất đáng kể, lên tới 125 điểm cơ bản, có thể sắp xảy ra.
Rõ ràng, nhiều nhà quan sát đang ca ngợi các tuyên bố của Fed như một sự thừa nhận — rằng tình trạng lạm phát phi mã đeo bám chính phủ của Tổng thống Joe Biden, khiến cuộc sống của những người Mỹ đi làm trở nên căng thẳng và làm tổn hại đến vị thế của tổng thống trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử năm tới bấy lâu nay — cuối cùng đã rút lui.
Tỷ lệ lạm phát của Hoa Kỳ trong năm dương lịch hiện tại là ở mức 3.1%, chưa bằng một nửa tỷ lệ 6.5% của năm ngoái và thấp hơn rõ rệt so với con số 7% của năm 2021.
Không nghi ngờ gì nữa, những con số này mang lại hy vọng cho Tổng thống Biden, người đang tụt hậu trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri tiềm năng so với đối thủ hàng đầu thuộc Đảng Cộng Hòa, cựu Tổng thống Donald J. Trump.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế đã nói với The Epoch Times rằng khoản chi tiêu rất lớn giúp đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn bấp bênh trong ba năm đầu tiên của chính phủ Tổng thống Biden có thể gây ra những hậu quả đau đớn cho nền kinh tế, và cho triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Biden. Các nhà kinh tế cảnh báo, lạm phát giảm và tin tốt từ Fed có thể là một niềm hy vọng sớm vụt tắt hơn là điềm báo cho sự phục hồi kinh tế dài hạn.
Các nhà kinh tế nhận thấy một số kịch bản khủng khiếp và gây bất ổn có thể xảy ra vào năm 2024, từ lạm phát quay trở lại đến sự suy giảm của thị trường đối với các tài sản đầu cơ mà toàn bộ giá trị có thể biến mất chỉ sau một đêm. Các chuyên gia cảnh báo, khi nói đến việc giải quyết những hậu quả của các gói chi tiêu rất lớn, đất nước có thể đang tiến gần đến thời điểm bắt đầu thời kỳ khó khăn hơn là kết thúc của khó khăn.
Lãng phí không kiểm soát
Theo quan điểm của ông Gary Wolfram, giáo sư khoa kinh tế tại Trường Cao đẳng Hillsdale College ở Michigan, những nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát khiến cuộc sống của rất nhiều người trở nên khó khăn là không khó để xác định.
Ông Wolfram nói với The Epoch Times, “Lý do khiến chúng ta phải chịu lạm phát là vì từ tháng 02/2020 đến 02/2022, chúng ta đã tăng nguồn cung tiền lên 40%. Nếu quý vị tăng nguồn cung tiền theo tỷ lệ đó, thì quý vị sẽ bị lạm phát.”
Ông tiếp tục: “Một đợt gia tăng lớn đã xảy ra và hiện tại nguồn cung tiền lại giảm xuống, vì vậy chúng ta đang giảm lạm phát.”
Mặc dù đây là tin tốt cho những người đang phải chật vật để có được thực phẩm và đổ đầy bình xăng, và việc giữ lãi suất ổn định có thể khiến công chúng cảm thấy như là một sự thay đổi lớn đang diễn ra, nhưng các hành động của Fed hầu như không tính đến các khía cạnh khác của bức tranh kinh tế. Ông Wolfram cảnh báo rằng việc này có thể khiến những tiến bộ khiêm tốn đã diễn ra trong năm nay bị xóa sạch.
Trong phạm vi mà Tổng thống Biden đã không lường trước được những hậu quả tiềm tàng của một cuộc chi tiêu hoang phí chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ, ông ấy có thể phải trả giá cho sự thiển cận của mình vào tháng Mười Một.
Ông Wolfram nói, “Nhìn chung, chính sách của ông ấy là chính phủ can thiệp nhiều hơn rất nhiều, với mức thâm hụt hàng ngàn tỷ USD và mức nợ quốc gia tăng lớn nhất từ trước đến nay, và từ góc độ chính sách công, tôi nghĩ thâm hụt lớn sẽ gây bất lợi.”
Theo số liệu của Bộ Ngân khố, thâm hụt trong năm tài khóa 2023 của Mỹ đã lên tới 1.7 ngàn tỷ USD. Cho đến nay trong năm tài khóa 2024 (bắt đầu từ ngày 01/10 năm 2023), chính phủ liên bang đã chi nhiều hơn số tiền thu vào là 381 tỷ USD.
Những con số này sẽ không gây ngạc nhiên cho những ai theo dõi chính sách tài khóa của Tổng thống Biden. Hồi cuối tháng 12/2022, ông Biden đã ký gói tài trợ trị giá 1.7 ngàn tỷ USD cho chính phủ liên bang. Năm 2021, Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ năm 2021 của ông — chỉ là một phần trong chương trình Xây dựng lại Tốt hơn — đã tiêu tốn 1.9 ngàn tỷ USD cho các khoản tài trợ kích thích chi tiêu.
Viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga là một cam kết to lớn khác. Hôm thứ Hai (25/12), phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cảnh báo rằng quỹ dành cho quốc phòng của Ukraine sẽ nhanh chóng cạn kiệt sau gói bổ sung dự kiến. Cảnh báo này được đề ra ngay sau yêu cầu của tổng thống vào tháng Mười về gói viện trợ trị giá 106 tỷ USD cho Israel, Ukraine, Đài Loan, và an ninh biên giới.
Phiên bản năm tài khóa 2024 của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, do Hạ viện thông qua trong cuộc bỏ phiếu vào tuần trước, phân bổ thêm 886 tỷ USD chi tiêu quân sự.
Cho dù người ta có đồng ý với các thành phần khác nhau của các gói chi tiêu này hay không, thì các gói này vẫn cho thấy Tổng thống Biden là người chi tiêu hoang phí nhất từng nắm giữ Tòa Bạch Ốc. Từ thời điểm ông nhậm chức vào tháng 01/2021 cho đến tháng 12/2023, nợ quốc gia đã tăng vọt 6.1 ngàn tỷ USD, từ mức 27.8 ngàn tỷ USD lên mức 33.9 ngàn tỷ USD.
Ai sẽ mua trái phiếu Hoa Kỳ?
Ông Wolfram tin rằng nợ và thâm hụt không phải là không có những hậu quả tác động đáng kể xảy ra sau đó.
Ông nói, “Công chúng lo ngại về thâm hụt hàng ngàn tỷ USD và khoản nợ lên tới hơn 100% tổng sản phẩm quốc nội, những điều chúng ta chưa từng chứng kiến kể từ Đệ nhị Thế chiến. Tôi thực sự nghĩ rằng quý vị sẽ nhận được những hậu quả không lường trước được từ những khoản thâm hụt rất lớn này.”
Một hậu quả rõ ràng là quan điểm của người dân về khả năng thanh toán và khả năng giữ lời hứa đối với các mức nợ của chính phủ đã chịu ảnh hưởng. Để minh họa cho quan điểm của mình, ông Wolfram đã trích dẫn các lý thuyết kinh tế của Adam Smith, nhà kinh tế học người Scotland có tầm ảnh hưởng lớn ở thế kỷ 18.
Ông Wolfram nói, “Hãy xem góc nhìn của Adam Smith. Điều ông ấy nói là nếu quý vị đang có mức thâm hụt quá lớn thì mọi người có thể sẽ không mua trái phiếu của quý vị. Nhưng dù sao một phần của vấn đề là, giải pháp thay thế là gì? Trái phiếu Trung Quốc? Trái phiếu phát hành bằng đồng euro?”
Ông nói thêm: “Vì vậy, nếu như có người bắt đầu nói: ‘Tôi sẽ không mua trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ’ thì cuối cùng Fed có thể sẽ phải mua những trái phiếu đó.”
Ông Wolfram nêu lên thực tế rằng khi Hệ thống Dự trữ Liên bang mua công khố phiếu phát hành cho các ngân hàng, và bỏ công khố phiếu ra khỏi sổ sách của họ, thì các ngân hàng sẽ nhận thấy mình bị ngập trong một lượng lớn tiền mặt và giá trị của tiền theo đó sẽ giảm xuống.
Ông tiếp tục, “Việc Fed mua trái phiếu làm tăng lượng tiền mặt dự trữ của các ngân hàng, nhưng nếu nguồn cung tiền tăng lên thì sẽ tạo ra áp lực lạm phát, và quý vị sẽ phải trả giá cho điều đó dưới hình thức lạm phát. Hoặc với mức thuế cao hơn, nhưng ngoài thuế tài sản hoặc thứ gì đó tương tự, thì các khoản thuế cao hơn dường như sẽ không xảy ra. Một khoản thuế cao hơn chắc chắn là không đủ để giải quyết vấn đề.”
Tai họa không lường trước
Ông Jeffrey Hooke, giáo sư Trường Kinh doanh Carey thuộc Đại học John Hopkins và từng là giám đốc một ngân hàng đầu tư, thừa nhận rằng thời điểm cuối năm 2023 đã mang đến một số tin tức tốt và triển vọng cho tương lai là không hoàn toàn ảm đạm.
Ông nói, “Tôi nghĩ nền kinh tế đang phát triển tốt và lạm phát có vẻ sẽ ổn định ở mức 4 hoặc 5%. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn rất thấp.”
Ông Hooke không ngạc nhiên trước sự hưng phấn ở Wall Street ngay sau cuộc họp của Fed vào tuần trước.
Ông cho biết: “Thị trường chứng khoán đã bị lãi suất chi phối rất nhiều trong khoảng 12 tháng qua, và trở nên vô cùng nhạy cảm với những gì Fed sẽ làm. Thị trường đang cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất nữa, và lãi suất thấp hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng.”
Tuy nhiên, rõ ràng là không thể lường trước được những sự kiện kinh tế vĩ mô hay vi mô nào có thể khiến vấn đề trở nên phức tạp vào năm 2024, và bất kỳ thái độ lạc quan nào cũng phải đi kèm với sự thận trọng, ông Hooke cảnh báo.
Ông nói, “Điều có thể làm hỏng thành quả công việc có thể là một vụ phá sản ngân hàng khác, có thể liên quan đến sự sụt giảm giá trị địa ốc thương mại. Đó là một sự kiện có thể phá vỡ kịch bản lạc quan này. Hoặc một điều gì đó bất ngờ, một loại khủng hoảng địa chính trị hoặc bất ổn chính trị nào đó ở hải ngoại gây tổn hại đến nguồn cung dầu.”
Ông lưu ý, ngay cả nhiều tháng sau khi đại dịch COVID-19 suy yếu, một số lĩnh vực của nền kinh tế phụ thuộc vào lượng người đi lại đông đúc vẫn chưa hoạt động bình thường trở lại, và những gì diễn ra với các lĩnh vực này không xảy ra một cách biệt lập. Những thói quen làm việc từ xa đã bén rễ trong thời kỳ đại dịch phần lớn vẫn tồn tại trong chúng ta.
“Một số ngân hàng hạng trung có nhiều rủi ro địa ốc thương mại, và nếu quý vị theo dõi, thì giá trị của nhiều tòa nhà văn phòng đã giảm, và thậm chí, ở một mức độ nào đó, giá trị của các tài sản địa ốc thương mại nhỏ hơn như trung tâm thương mại cũng vậy, bởi vì người dân chẳng hề đi mua sắm hay đến văn phòng ở trung tâm thành phố của họ,” ông Hooke nói.
Ông cảnh báo rằng tình hình tài chính của một số ngân hàng nhỏ hơn rất bấp bênh và năm 2024 có thể chứng kiến một số sự kiện kịch tính.
Ông Hooke nói: “Nếu có một ngân hàng trở nên rủi ro quá mức, thì công chúng có thể lo lắng và có thể có một cuộc rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng này như điều mà quý vị chứng kiến đã xảy ra với Silicon Valley Bank và các ngân hàng khác. Điều đó có thể khiến người ta rút tiền cho vào nơi an toàn hơn, họ có thể rút tiền, và đầu tư vào các cổ phiếu rủi ro và cổ phiếu công nghệ cao.”
Ông Hooke nêu lên những rắc rối gần đây của First Republic Bank, ngân hàng đã sụp đổ vào tháng 05/2023 trong bối cảnh một cuộc rút tiền hàng loạt, và sàn giao dịch mã kim FTX, công ty đã sụp đổ gần như chỉ sau một đêm sau khi một dòng tweet từ ông Triệu Trường Bằng (Changpeng Zhao), người đứng đầu sàn giao dịch đối thủ Binance, gây ra sự hoảng loạn về tình hình tài chính của FTX.
Đầu cơ
Ông Hooke dự đoán, khi Bitcoin phục hồi sau đợt sụt giảm mạnh vào năm 2022, mọi người có thể ngày càng bị thu hút về khu vực có tính đầu cơ cao này của thị trường vào năm 2024.
Ông cho biết ông thấy xu hướng này đã đang diễn ra bất chấp sự thù địch công khai đối với tài sản kỹ thuật số của các nhân vật nổi danh như người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) Gary Gensler. Ông Gensler đã gọi mã kim là “một lĩnh vực đầy rẫy gian lận, đầy rẫy những kẻ lừa đảo” và đã tăng cường đáng kể các hành động thực thi của SEC đối với các sàn giao dịch tiền điện toán.
Ông Hooke nói: “Rất nhiều người không quan tâm đến những gì SEC nói, họ đang mua vào tài sản này.”
Ông nhận xét rằng việc ông Triệu nhận tội rửa tiền tại tòa án liên bang Seattle vào tháng trước và việc ông từ chức vị trí hàng đầu tại Binance.US đã hầu như không làm chậm được xu hướng này.
Ông Hooke tiếp tục, “Bitcoin đang tăng giá, và quý vị thấy mọi người đổ xô vào những tài sản rủi ro này giống như cách họ đã làm cách đây vài năm. Có một chủ đề lặp lại giữa việc giảm lãi suất và những tài sản rủi ro này. Khi lãi suất giảm hoặc mọi người nghĩ rằng lãi suất sẽ giảm xuống nữa, thì họ sẽ tìm kiếm những khoản đầu tư thay thế mà họ cho rằng sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.”
Ông Brian Domitrovic, chủ nhiệm khoa lịch sử tại Đại học Sam Houston của tiểu bang Texas, chuyên về lịch sử kinh tế, tin rằng giá Bitcoin và lạm phát có liên quan chặt chẽ với nhau.
Ông Domitrovic nói, “Theo quan điểm của tôi, thị trường tiền tệ toàn cầu đang kỳ vọng một cuộc cải tổ trong hệ thống tiền tệ — một cái gì đó giống với chế độ bản vị vàng cổ điển hơn. Khi giá Bitcoin ở mức cao, điều đó cho thấy thị trường tư nhân đang tạo ra một đối thủ của đồng USD một cách thành công. Diễn biến này đóng vai trò là động lực để đồng USD tự cải tổ, có lẽ là theo hướng cổ điển. Một cuộc cải tổ theo hướng cổ điển đối với đồng USD sẽ làm tăng giá trị của USD. Do đó, việc Bitcoin giảm giá phù hợp với chiều hướng ngược lại, đó là sự gia tăng giá trị của đồng USD.”
Ông Domitrovic lập luận, mức tăng trưởng khiêm tốn trong những dòng tiền của những ngày gần đây không phải xuất phát từ sự lạc quan về hiệu quả hoạt động của nền kinh tế dưới thời Tổng thống Biden, mà là từ nhận thức rằng ông Biden khó có thể tại vị lâu hơn nữa và nền kinh tế sẽ sớm nằm trong tay những người sẽ tránh những sai lầm nghiêm trọng của chính phủ này.
Ông nói, “Tôi không nghĩ Hệ thống Dự trữ Liên bang có vai trò quan trọng trong việc ấn định lãi suất. Không có thị trường nào lại bị thống trị bởi chỉ một thành viên nhỏ. Sự lạc quan mới mà chúng ta có thể đang chứng kiến là do thị trường hiểu rằng Đảng Dân Chủ sẽ không nắm giữ vị trí tổng thống sau cuộc bầu cử.”