Các chất làm ngọt nhân tạo phá huỷ đường ruột của bạn như thế nào?
Các chất làm ngọt nhân tạo không calo thường có nghĩa là không có dinh dưỡng và một loạt các vấn đề tiềm ẩn.
Sau nhiều năm tìm hiểu về sự nguy hiểm của các chất làm ngọt nhân tạo, tôi đã viết một cuốn sách có tựa đề “Sweet Deception: Why Splenda, NutraSweet, and the FDA May Be Hazardous to Your Health” (tạm dịch: “Sự lừa dối ngọt ngào: Tại sao Splenda, Nutrasweet và FDA có thể gây nguy hại với sức khỏe của bạn” ) và xuất bản vào năm 2006. Kể từ đó, tôi đã cảnh báo thế giới qua các bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy chất làm ngọt nhân tạo có thể tàn phá sức khỏe theo nhiều cách khác nhau. Hiện nay, nhiều nghiên cứu mới đã phát hiện các chất làm ngọt nhân tạo phá huỷ vi sinh vật đường ruột thậm chí còn lớn hơn so với những gì người ta nghĩ trước đây.
Các nhà khoa học phát hiện ba trong số những chất làm ngọt nhân tạo phổ biến nhất, bao gồm sucralose (Splenda), aspartame (NutraSweet, Equal, và Sugar Twin) và saccharin (Sweet’n Low, Necta Sweet, và Sweet Twin) có tác động gây bệnh trên hai loại vi khuẩn đường ruột.
Cụ thể, nghiên cứu sử dụng dữ liệu trong phòng thí nghiệm được công bố trên Tạp chí Khoa học Phân tử Quốc tế đã chứng minh các chất làm ngọt nhân tạo phổ biến này có thể kích thích biến đổi lợi khuẩn thành tác nhân gây bệnh và có khả năng làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh bằng cách nào mà hai loại lợi khuẩn có thể gây bệnh và xâm nhập vào thành ruột.
Vi khuẩn được nghiên cứu là Escherichia coli (E. coli) và Enterococcus faecalis (E. faecalis). Ngay từ năm 2008, các nhà nghiên cứu đã phát hiện sucralose làm giảm số lượng vi khuẩn đường ruột ít nhất là 47.4% và làm tăng độ pH trong lòng ruột. Một nghiên cứu khác cho thấy sucralose có tác dụng trao đổi chất lên vi khuẩn và có thể ức chế sự phát triển của một số loài nhất định.
Chỉ 2 lon soda ăn kiêng có thể làm thay đổi lợi khuẩn đường ruột
Một nghiên cứu phân tử gần đây từ Đại học Anglia Ruskin cho thấy khi E.coli và E.faecalis trở thành vi khuẩn gây bệnh đã giết chết các tế bào Caco-2 nằm trên thành ruột. Nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh sucralose làm thay đổi vi khuẩn đường ruột.
Tuy nhiên, dữ liệu từ nghiên cứu này chỉ ra rằng nồng độ từ hai lon nước ngọt ăn kiêng, sử dụng một trong ba chất làm ngọt nhân tạo có thể làm tăng đáng kể khả năng E. coli và E. faecalis gắn kết vào những tế bào Caco-2 và gia tăng sự phát triển của các màng sinh học vi khuẩn.
Khi vi khuẩn tạo ra màng sinh học, nó sẽ hỗ trợ sự xâm nhập của vi khuẩn vào các tế bào trên thành ruột. Màng sinh học làm vi khuẩn trở nên kém nhạy cảm hơn với điều trị và tăng khả năng biểu hiện độc lực gây bệnh. Mỗi chất trong ba chất làm ngọt nhân tạo được thử nghiệm cũng kích thích vi khuẩn gắn vào tế bào Caco-2, trừ một trường hợp.
Các nhà nghiên cứu phát hiện saccharin không có ảnh hưởng đáng kể đến việc E.coli xâm nhập vào tế bào Caco-2. Ông Havovi Chichger, tác giả chính, giảng viên cao cấp Khoa học Y sinh Đại học Anglia Ruskin, đã nói về kết quả của nghiên cứu trong một thông cáo báo chí:
“Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra rằng một số chất làm ngọt nhân tạo phổ biến nhất trong thực phẩm và đồ uống – saccharin, sucralose và aspartame – có thể khiến vi khuẩn bình thường và khoẻ mạnh trong ruột trở thành vi khuẩn gây bệnh.”
“Những thay đổi này có thể dẫn đến vi khuẩn xâm nhập và làm tổn thương đường ruột của chúng ta, điều này có thể liên quan đến tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng máu và suy đa tạng.”
Các chất làm ngọt nhân tạo có thể phá vỡ mục tiêu ăn kiêng
Thật không may, sự phát triển của nhiều loại đồ ăn chế biến sẵn chứa các chất tạo ngọt nhân tạo nhân tạo cực kỳ ngon miệng và rẻ tiền khiến sở thích ăn ngọt của nhiều người trở thành một cơn nghiện. Do đó, ngành công nghiệp ăn kiêng đang trở thành một lĩnh vực đầu tư hấp dẫn cho những nhà sản xuất thực phẩm không calo, được tạo ra từ phòng thí nghiệm quảng cáo cho việc giảm cân.
Một nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Milken Đại học George Washington vào năm 2017 cho thấy số người trưởng thành sử dụng chất làm ngọt ít calo tăng 54% từ năm 1999 đến năm 2012. Nó đại diện cho 41.4% số người hay 129.5 triệu người trưởng thành Mỹ lúc bấy giờ. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên 141.18 triệu người, chiếm 42.6% dân số.
Có vẻ sự gia tăng ở người trưởng thành sử dụng chất làm ngọt ít calo từ năm 1999 đến năm 2012 vẫn ổn định đến năm 2020. Điều này một phần có thể do bằng chứng ngày càng tăng cho thấy các chất làm ngọt ít calo, chẳng hạn Splenda, là một đóng góp lớn vào sự gia tăng số người thừa cân và béo phì.
Khi tỷ lệ béo phì cũng như các tình trạng sức khỏe liên quan đến béo phì tiếp tục tăng vọt, các nhà sản xuất tìm kiếm một “thực phẩm được chế biến hoàn hảo” để kích thích doanh số bán hàng và tiêu thụ.
Vì vậy, đại dịch béo phì là một trong những thách thức sức khỏe cộng đồng toàn cầu quan trọng nhất hiện nay, liên quan đến 4.7 triệu ca tử vong sớm trên thế giới vào năm 2017. Nghiên cứu gần đây cho thấy chất làm ngọt nhân tạo có thể góp phần dẫn tới một loạt các tình trạng sức khỏe nhiều hơn những gì mà chúng ta đã biết từ trước đến nay.
Ảnh hưởng của sự chuyển hoá chất làm ngọt không Calo
Điều quan trọng là nhận ra rằng mặc dù các chất làm ngọt nhân tạo có rất ít hoặc không có năng lượng, nhưng chúng vẫn có hoạt động chuyển hoá. Tờ New York Times đưa tin FDA thông báo cấm sử dụng saccharin trong thực phẩm và đồ uống vào năm 1997 vì nó liên quan đến sự phát triển các khối u ác tính của bàng quang trên những động vật thí nghiệm.
Tuy nhiên, sau đó FDA đã chấp thuận sử dụng saccharin với lý do “hơn 30 nghiên cứu trên người đã chứng minh kết quả tìm thấy ở chuột không liên quan với người, và saccharin là an toàn khi sử dụng cho con người.”
Nhưng chỉ vì FDA đã chấp thuận điều gì đó, nó không có nghĩa là tốt cho bạn. Các nhà khoa học đã giải thích rằng có nhiều nghiên cứu chứng minh mối liên quan giữa chất làm ngọt nhân tạo với việc tăng nguy cơ béo phì, kháng insulin, tiểu đường type 2 và các hội chứng chuyển hóa. Một bài báo đăng trên tạp chí Physiology and Behavior đã trình bày ba cơ chế chất làm ngọt nhân tạo gây rối loạn chuyển hoá:
- Tác động vào những đáp ứng kiểm soát đường và cân bằng năng lượng nội môi
- Phá hủy vi sinh vật đường ruột và làm giảm dung nạp đường
- Tương tác với các thụ thể vị ngọt trên đường tiêu hoá có vai trò hấp thụ đường và kích thích bài tiết insulin.
Như nghiên cứu trước đây và gần đây đã chứng minh, các chất làm ngọt nhân tạo có một tác động khác biệt đáng kể đến vi sinh vật đường ruột so với đường. Đường gây hại vì nó thường là thức ăn của các vi khuẩn có hại. Nhưng tác động của các chất làm ngọt nhân tạo có thể tồi tệ hơn, vì chúng hết sức độc hại với vi khuẩn đường ruột.
Một nghiên cứu trên động vật được đăng trên tạp chí Molecules đã phân tích sáu chất làm ngọt nhân tạo gồm saccharin, sucralose, aspartame, neotame, advantame và acesulfame potassium – K. Dữ liệu cho thấy chúng đã phá huỷ ADN, và tác động đến quá trình hoạt động bình thường và lành mạnh của vi khuẩn đường ruột.
Đồ uống ăn kiêng làm tăng nguy cơ tử vong sớm
Một nghiên cứu kéo dài 20 năm trên 451,743 người từ 10 quốc gia Âu Châu cũng đã phát hiện mối liên quan giữa đồ uống có chất làm ngọt nhân tạo và tỷ lệ tử vong. Các nhà nghiên cứu đã loại trừ những người tham gia từng mắc bệnh ung thư, đột quỵ và tiểu đường.
Thống kê cuối cùng có 71.1% người tham gia nghiên cứu là nữ. Kết quả cho thấy rằng những người uống từ 2 ly nước ngọt mỗi ngày (được làm ngọt bằng đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo) có tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn.
Các nhà nghiên cứu định lượng một cốc nước ngọt tương đương 250ml (8.4 ounces), ít hơn một lon tiêu chuẩn 330ml được bán ở Âu Châu. Nói cách khác, các kết quả nghiên cứu dựa trên dung tích nước ngọt ít hơn 2 lon soda mỗi ngày.
Về nguyên nhân tử vong, các nhà nghiên cứu nhận thấy có 43.2% do ung thư, 21.8% do bệnh tim mạch và 2.9% do bệnh lý đường tiêu hoá. So với những người uống ít nước ngọt hơn (ít hơn 1 ly mỗi tháng) hững người uống từ 2 ly một ngày có khả năng là người trẻ, hút thuốc lá và hoạt động thể chất.
Dữ liệu chỉ ra mối liên quan giữa nước ngọt có chất làm ngọt nhân tạo với tử vong do các bệnh lý tim mạch và nước ngọt có đường với tử vong do các bệnh lý tiêu hoá. Điều này cho thấy các chính sách nhằm loại bỏ hoặc giảm tiêu thụ đường có thể dẫn đến hậu quả tai hại khi các nhà sản xuất định dạng lại sản phẩm của họ bằng cách sử dụng các chất làm ngọt nhân tạo.
Nhiều tổn hại sức khỏe hơn liên quan đến các chất làm ngọt nhân tạo
Nghiên cứu này cũng phát hiện uống nước ngọt có liên quan đến bệnh Parkinson “với sự liên quan tích cực không đáng kể giữa nước ngọt có đường và nước ngọt có chất làm ngọt nhân tạo.”
Aspartame là một chất làm ngọt nhân tạo khác được nghiên cứu trong nhiều thập niên qua. Trong một nghiên cứu, những người trưởng thành khỏe mạnh được yêu cầu ăn một chế độ nhiều aspartame trong 8 ngày, tiếp đến là chế độ không có aspartame trong 2 tuần và sau đó là chế độ ít aspartame trong 8 ngày.
Trong thời gian tiêu thụ nhiều aspartame, các đối tượng bị trầm cảm, đau đầu và có tâm trạng kém. Họ thực hiện các bài kiểm tra định hướng không gian kém hơn, cho thấy aspartame có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần kinh.
Nghiên cứu thứ hai đánh giá liệu aspartame có làm những người bị rối loạn cảm xúc dễ tổn thương hơn không. Các nhà nghiên cứu nhận vào 40 người bị trầm cảm đơn cực và những người không có tiền sử rối loạn tâm thần. Nghiên cứu này đã bị dừng lại sau khi 13 người hoàn thành các can thiệp vì các phản ứng nghiêm trọng.
Những con chuột uống nước có aspartame phát triển các triệu chứng của hội chứng chuyển hóa. Một nghiên cứu khác trên động vật cho thấy aspartame có tác động tiêu cực đến khả năng dung nạp insulin và thành phần vi sinh vật đường ruột.
Một nghiên cứu sâu hơn trên động vật đã xác định sucralose ảnh hưởng đến chức năng gan, “chỉ ra các tác động độc hại khi ăn sucralose thường xuyên”. Phát hiện cho thấy “nên thận trọng khi dùng sucralose để tránh tổn thương gan.”
Các nhà khoa học đã phát hiện một loạt các triệu chứng liên quan đến việc tiêu thụ sucralose, bao gồm đau nửa đầu, tăng nguy cơ tiểu đường type 2 và gan, thận to.
Đường thay thế chỉ có tác động duy nhất lên đường máu
Có một vài chất thay thế đường từ thực vật, gồm cỏ ngọt stevia, La Hán Quả và đường allulose.
Stevia là thảo dược có vị ngọt từ cây cỏ stevia (cỏ ngọt) ở Nam Mỹ. Nó được bán như thực phẩm chức năng và được sử dụng để tạo vị ngọt trong hầu hết các món ăn và đồ uống.
La Hán Quả giống với cỏ ngọt stevia nhưng đắt hơn một chút.
Một sự lựa chọn tự nhiên khác là allulose [đường ăn kiếng có nguồn gốc từ thực vật như lúa mì, quả sung v.v…] Tuy nó được quan tâm tại thị trường Nhật Bản nhưng lại ít được biết đến ở phương Tây. Đường allulose có trong một vài loại quả với hàm lượng ít và được FDA chỉ định là thực phẩm có chứng nhận an toàn GRAS (Generally Recognized As Safe.)
Các nhà nghiên cứu cho biết chất này có giá trị năng lượng “hiệu quả bằng 0”, điều này cho thấy loại đường hiếm này có thể là một chất làm ngọt hữu ích với những người béo phì trong việc hỗ trợ giảm cân.
Ngoài việc chứa ít hoặc không có calo, đường allulose còn tạo ra một phản ứng sinh lý giúp hạ đường máu, giảm mỡ bụng và giảm tích tụ mỡ quanh gan.
Tiến sĩ Joseph Mercola là người sáng lập Mercola.com. Ông là một bác sĩ chấn thương chỉnh hình, tác giả bán chạy nhất và nhận được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực sức khỏe tự nhiên. Tầm nhìn chính của ông là thay đổi mô hình y tế hiện đại bằng cách cung cấp cho mọi người nguồn tài nguyên quý giá để giúp họ kiểm soát sức khỏe của mình. Bài báo này được xuất bản trên Mercola.com