Bức tranh ‘Câu chuyện về các hành tinh và lục địa’: Mối tương quan giữa Thần và Người
Các nhà thiên văn học sử dụng nhiều loại kính viễn vọng để quan sát các thiên thể đang xoay vòng trên bầu trời đêm. Vào thế kỷ 18, họ đo đạc và lập biểu đồ hệ mặt trời, cùng các mô tả chi tiết về quỹ đạo của các hành tinh và vệ tinh. Nhưng Giovanni Battista Tiepolo đã vẽ bức tranh ‘Câu chuyện về các hành tinh và lục địa’ theo cách hiểu của ông về vũ trụ.
Bức tranh tường khổ lớn này của Tiepolo mang ý nghĩa tượng trưng về bản chất của con người và mối quan hệ của họ với các vì sao. Khi người xem nhìn lên bức tranh, họ không nhìn thấy bóng tối lạnh lẽo, mà là một vũ trụ sôi động, đầy sự sống và phồn vinh.
Bức bích họa được vẽ tại Würzburg, Đức, trong cung điện suy tàn của Hoàng tử – Giám mục Carl Philipp von Greiffenclau.
Tiepolo mô tả Apollo trong ánh sáng chói lọi ở trung tâm của bức tranh, như đang dẫn hướng Mặt Trời trong hành trình hằng ngày của nó trên bầu trời. Từ trên cao, các vị thần trên đỉnh Olympus hướng đến các hành tinh, và chỉ dẫn nhân loại khi họ nhìn xuống bốn lục địa Á, Âu, Mỹ, Phi ở viền xung quanh bức tranh.
Bên dưới, các ngôi đền Hy Lạp hay La Mã cùng các nhạc sỹ đang chơi violin, cello tạo nên châu Âu và thế giới phương Tây. Voi và thợ đá ở bên trái đại diện cho châu Phi. Các chiến binh mạnh mẽ ở bên trên khiến chúng ta liên tưởng đến châu Mỹ. Bên phải là châu Á, được mô tả với hình ảnh một con lạc đà, các thương gia và các học giả.
Bức tranh mô tả một cảnh tượng dường như náo động và chao đảo. Tuy nhiên, các khung cảnh và chi tiết được bố cục chặt chẽ theo ý đồ của tác giả.
Các vị Thần trên đỉnh Olympus tự tại bay lượn trong không trung hay ngự trên các tầng mây kỳ vĩ, bắt đầu một ngày thiên sử trong niềm hân hoan. Mọi thứ xung quanh như tuôn trào. Các vị Thần có những cử chỉ khoáng đạt, biểu cảm và điềm đạm, không bị cản trở trong không gian gần như vĩnh hằng. Họ hoàn thành nhiệm vụ của mình chỉ với một hành động nhẹ nhàng.
Trên mặt đất là các công cụ, vật nuôi, người giàu, người nghèo, người nhàn rỗi và người chăm chỉ; họ đều ở rìa của bức tranh. Con người lăn lộn, cuồn cuộn và vấp ngã trong tư thế xiêu vẹo; gánh nặng của trọng lực và của nhiệm vụ duy trì sự sống đè lên vai họ. Người già và người trẻ đan xen nhau trong một thế giới vô thường.
Ngay phía trên Apollo là Thần Mercury, đang ra hiệu cho những con ngựa của Apollo ghì cương lại và buộc nó vào cỗ xe mà Apollo sử dụng để bắt đầu cuộc hành trình.
Trong đám mây đen bên dưới Apollo là Thần Mars, Thần Chiến Tranh và Thần Venus. Họ như đang trò chuyện và nhìn xuống châu Âu, nơi có thể thấy những thanh kiếm và giáo mác xa xa. Điều này ngụ ý rằng chiến tranh có thể sắp xảy ra, nhằm tăng mức độ trừng phạt của Thần tới con người cho những hành động sai lầm của họ, từ đó giữ được sự cân bằng cho nhân loại.
Trong một khung cảnh hoành tráng, Giovanni Battista Tiepolo dễ dàng thể hiện được những xung đột và khao khát của nhân loại. Khi chúng ta dùng kính viễn vọng quan sát các thiên thể xoay vòng trong một vũ điệu xuyên bầu trời đêm, nó thôi thúc chúng ta suy tư về cuộc sống. Và trong cung điện của Hoàng tử – Giám mục Carl Philipp von Greiffenclau, khi ai đó ngước lên nhìn, họ cũng sẽ bắt gặp một ẩn đố tương tự.