Bức thư yêu cầu Phòng Thương mại cho phép học viên Pháp Luân Công tham gia diễn hành năm mới ở San Francisco
‘Tôi đề nghị quý vị dành chút thời gian và gạt bỏ những quan niệm sai lầm của mình về một nhóm người đã thực sự tìm được nơi nương náu ở đây.’
Cuộc diễn hành mừng Tết Nguyên Đán ở San Francisco là một “cuộc diễn hành đầy màu sắc về văn hóa và truyền thống Trung Hoa” và là cuộc diễn hành lớn nhất bên ngoài châu Á, theo Phòng Thương mại Trung Quốc địa phương, nơi tổ chức ngày lễ hàng năm này kể từ năm 1958.
Năm nay, cuộc diễn hành được tổ chức vào ngày 24/02. Nhưng khi sự kiện này đến gần, một nhóm người Hoa — các học viên Pháp Luân Công ở vùng Bay Area — đã bị từ chối tham gia cuộc diễn hành, và đây không phải là lần đầu tiên họ được thông báo là sẽ không được phép tham gia. Giờ đây, bằng hữu và những người ủng hộ nhóm này đang yêu cầu phòng thương mại giữ gìn sự tự do được tôn vinh ở Hoa Kỳ bằng cách để cho nhóm tu luyện tinh thần này được tham gia dịp lễ kỷ niệm này.
Một lá thư đề ngày 14/02 từ ông Hank Bagwell, nhà sản xuất và đạo diễn của công ty sản xuất phim Lost Pirate Pictures ở Tennessee, gửi đến Phòng Thương mại Trung Quốc tại San Francisco, viết: “Tôi đề nghị quý vị dành một chút thời gian và gạt bỏ những quan niệm sai lầm của mình về một nhóm người đã thực sự tìm được nơi nương náu ở đây và dừng lại việc đàn áp không ngừng của quý vị đối với họ.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần dựa trên nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này, bao gồm các bài giảng đạo đức và các bài tập tĩnh tại, lần đầu tiên được giới thiệu ra công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992 và theo ước tính đã có khoảng 70 triệu học viên vào cuối những năm 1990. Năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lo sợ rằng quyền lực của chế độ sẽ bị ảnh hưởng bởi lượng lớn người theo học môn này, nên đã bắt đầu một chiến dịch đàn áp tàn bạo môn tu luyện này. Theo các nhóm nhân quyền, kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và giam giữ bất hợp pháp, thường xuyên phải đối mặt với sự tra tấn kể cả tử vong.
Ông Bagwell nói với The Epoch Times rằng lần đầu tiên ông biết đến Pháp Luân Công là từ buổi chiếu phim tài liệu “Finding Courage” (“Đi tìm Dũng khí”) tại một liên hoan phim Arizona. Đây là một bộ phim nói về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ nhắm vào các học viên môn tu luyện này ở Trung Quốc. Ông cho biết ông đến đó để chiếu một trong những bộ phim của riêng mình.
Ông đã gặp một số học viên của môn tu luyện này, một trong số họ đã phải ngồi tù 12 năm ở Trung Quốc, và ông nhanh chóng kết bạn với nhiều thành viên hơn trong nhóm.
“Càng biết họ, tôi càng nghĩ, ‘Tại sao những người này lại bị bức hại? … Họ không hút thuốc. Họ không uống rượu. Họ tin vào việc chăm sóc thân thể và tập các bài công pháp và thiền định này,” ông bày tỏ.
Trong một liên hoan phim khác ở San Francisco, ông Bagwell biết được rằng Phòng Thương mại Trung Quốc tại San Francisco đã nhiều lần từ chối cho các học viên Pháp Luân Công tham gia cuộc diễn hành Tết Nguyên Đán hàng năm, điều mà ông cảm thấy là mang tính bài xích Mỹ quốc và không công bằng. Ông đã khuyến khích những người tổ chức của nhóm này nên ghi danh tham gia cuộc diễn hành năm 2024, và họ đã làm như vậy nhưng lại bị từ chối. Đó là lúc ông Bagwell quyết định viết một lá thư mới đây gửi đến Phòng thương mại Trung Quốc này, các nhà tài trợ của họ, cũng như các quan chức địa phương và tiểu bang, yêu cầu thay đổi.
“Quý vị làm gương về cách chúng tôi nhìn nhận những người mà chúng tôi có thể không biết hoặc không hiểu, và tôi một lần nữa yêu cầu quý vị chấm dứt thực trạng kiểm duyệt và phân biệt đối xử mà quý vị đã thực hiện khi nói đến Pháp Luân Đại Pháp,” bức thư viết, và được gửi đến các nhà tài trợ sự kiện như Alaska Airlines, Toyota, Ngân hàng Hoa Kỳ, và Lục quân Hoa Kỳ, cũng như các quan chức như Thị trưởng San Francisco London Breed và Tổng chưởng lý California Rob Bonta.
Ông Bagwell cũng cho biết ông cảm thấy lo ngại khi phòng thương mại này cho phép một số nhóm tham gia cuộc diễn hành nhưng lại từ chối những nhóm khác.
“Đây là một quốc gia tuyệt vời, nơi mà chúng ta có được sự tự do qua tranh đấu gian khổ mà có được để trở thành bất cứ điều gì và mọi thứ chúng ta muốn, cũng như để đón nhận và chia sẻ hành trình cá nhân của mình,” ông viết trong thư.
Là người từng chế tác các bộ phim tài liệu về các cựu chiến binh và ông nội của ông cũng là cựu chiến binh trong Đệ nhị Thế chiến, ông nói rằng ông sẽ không khoanh tay đứng nhìn và chứng kiến tự do mà họ đã tranh đấu và đạt được bị tước đoạt đi.
“Tôi chỉ đang cố gắng trở thành tiếng nói cho những người không có tiếng nói, và điều đó bắt đầu từ những vấn đề của cựu chiến binh và vẫn tiếp tục làm như vậy. … Tôi không đạt được gì từ việc này đâu,” ông nói.
Theo một thành viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp ở San Francisco, người trợ giúp tổ chức các sự kiện địa phương, việc ngăn chặn sự tham gia của nhóm này là một điều đáng thất vọng. Ông chia sẻ rằng các nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Công về chân, thiện, và nhẫn bao gồm các giá trị có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống cổ xưa của Trung Quốc, và do đó nhóm này sẽ là một phần bổ sung tuyệt vời cho cuộc diễn hành đại diện cho nền văn hóa này. Ví dụ, Phật giáo coi trọng lòng từ bi, Đạo giáo coi trọng sự chân thật, và Nho giáo tuân thủ nguyên lý nhẫn, vì vậy Pháp Luân Công thực sự đại diện cho văn hóa truyền thống Trung Hoa.
“Các học viên Pháp Luân Đại Pháp thực sự là một nhóm cốt lõi cố gắng bảo tồn văn hóa truyền thống Trung Hoa,” ông nói.
Người tổ chức, không muốn nêu tên vì sợ bị chính quyền Trung Quốc trả đũa, cho biết ông tin rằng có thể có một lý do khiến các học viên Pháp Luân Công liên tục bị ngăn cản tham gia cuộc diễn hành này.
“Pháp Luân Công bị từ chối có thể vì một lý do. Đó là vì áp lực từ Trung Quốc cộng sản,” ông nói. “Rất nhiều người biết hiện nay Pháp Luân Công đang bị đàn áp ở Trung Quốc. Chính quyền cộng sản Trung Quốc theo một cách nào đó lo sợ rằng thông điệp về Pháp Luân Đại Pháp sẽ được lan truyền ra hải ngoại.”
Bà Eva Chuk, một học viên Pháp Luân Công, lần đầu tiên thay mặt nhóm ghi danh tham gia cuộc diễn hành vào giữa những năm 2000, kể lại rằng bà đã nhận được cuộc gọi lại từ phòng thương mại này vào thời điểm đó và được thông báo rằng cuộc diễu hành đã kín chỗ.
Bà cho hay, vào phút cuối, nhóm đã “không chính thức” nhận được sự cho phép của một thành viên hội đồng của phòng này để tham gia sự kiện. Khi họ đến nơi, các thành viên trong phòng đã thông báo rằng họ không nên ở đó. Họ được bảo rằng việc họ được phép là “không thể.” Nhưng họ đã cho biết tên của thành viên đã cấp phép cho họ, và vì họ đã ở đó nên họ không bị cản trở việc đi lại trên tuyến đường diễn hành. Tuy nhiên, họ được thông báo rằng họ sẽ không được phép tham dự về sau.
Khoảng 300 học viên Pháp Luân Công tham gia cuộc diễn hành năm đó, trong đó có một đoàn học viên biểu diễn năm bài công pháp nhẹ nhàng của môn tập và một ban nhạc diễn hành. Nhưng theo bà Chuk, họ bị xếp ở vị trí rất xa so với các thành viên khác trong đoàn diễu hành đến nỗi khán giả và đoàn làm chương trình truyền hình gần như đã rời đi hết khi họ đi ngang qua.
Nhóm này cuối cùng đã đệ đơn kiện, nhưng sau đó một thẩm phán đã ra phán quyết rằng phòng thương mại này có quyền lựa chọn nhóm nào có thể tham dự. Chỉ khi gần đây nhóm mới ghi danh lại, bà Chuk cho biết, và lưu ý rằng hy vọng của họ khi tham gia cuộc diễn hành là để có nhiều người hơn biết được sự thật về Pháp Luân Công và nhìn nhận môn tập luyện này dưới góc độ tích cực.
“Vì vậy, trong cuộc diễn hành này, chúng tôi nghĩ đây là cơ hội rất tốt để nói ra sự thật. … Nhiều người đến Khu Phố Tàu của San Francisco, vì vậy điều này rất quan trọng đối với chúng tôi,” bà nói.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times