Brazil: Những người ủng hộ ông Bolsonaro từ chối chấp nhận kết quả bầu cử, chặn đường cao tốc làm tắc nghẽn giao thông
Các rào chắn bốc khói mù mịt làm bằng lốp xe cháy cắt ngang các con đường ở Brazil. Tại các khu vực khác của đất nước, các dòng xe bán tải nối đuôi nhau nhiều ngày dọc theo các tuyến đường cao tốc, làm tê liệt giao thông.
Cảnh tượng này là biểu tượng của sự tận tâm và hy vọng được truyền cảm hứng từ Tổng thống đương nhiệm Jair Bolsonaro, người đã bị loại trong cuộc bầu cử với tỷ lệ sít sao trước đối thủ cánh tả Luiz Inacio Lula da Silva hôm 30/10.
Đây cũng là lời nhắc nhở rõ ràng rằng người Brazil không sẵn sàng đóng mức thuế cao hơn và phát triển các chương trình phúc lợi xã hội, vốn là thương hiệu của các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa xã hội trong khu vực. Ông Lula đã nêu rõ cả hai ý định này trong suốt các chiến dịch tranh cử.
Năm ngày sau khi có kết quả bầu cử, các rào chắn chặn đường và các cuộc biểu tình phản đối chiến thắng của ông Lula vẫn tiếp diễn, bất chấp cảnh sát đã tháo dỡ hơn 730 chướng ngại vật trên cả nước kể từ cuộc bầu cử.
Các tiểu bang có tỷ lệ ủng hộ ông Bolsonaro cao cũng là các khu vực nông nghiệp và giao thông trọng yếu như Santa Catarina và Mato Grosso. Các hoạt động tại đây bị gián đoạn gây nên mối lo ngại về chuỗi cung ứng.
Kết quả bầu cử tổng thống hôm 30/10 đã gây chấn động đối với các cử tri bầu cho ông Bolsonaro. Theo Cảnh sát Cao tốc Liên bang Brazil (PRF), chỉ trong vòng vài giờ sau khi công bố kết quả, hàng ngàn người đã xuống đường và phong tỏa các tuyến phố khắp 26 tiểu bang.
Đồng thời, ở thủ đô Brasilia, hàng ngàn người biểu tình đã tụ tập bên ngoài các trụ sở quân đội, yêu cầu can thiệp quân sự. Những người ủng hộ ông Bolsonaro lên tiếng kêu gọi thực hiện một cuộc kiểm toán kết quả bầu cử chính thức.
Sáng hôm 03/11, báo cáo của PRF cho biết việc phong tỏa đường phố vẫn diễn ra tại 74 địa điểm ở 8 tiểu bang. Cơ quan này sau đó cập nhật rằng 24 rào chắn vẫn được để qua đêm vào hôm 03/11.
Trong một video đăng trên Twitter hôm 02/11, ông Bolsonaro đã yêu cầu người biểu tình gỡ bỏ các rào chắn này.
“Tôi biết quý vị thất vọng … tôi cũng vậy. Nhưng chúng ta phải ngẩng cao đầu,” ông Bolsonaro nói, bổ sung rằng, “Tôi sẽ đưa ra một lời thỉnh cầu cho quý vị: hãy dọn sạch [các rào chắn] trên đường cao tốc.”
Cũng trong video đó, người đứng đầu đất nước khích lệ những người ủng hộ hãy biểu tình bằng những cách khác, gọi hành động phong tỏa đường phố là “cách của những người cánh tả” để bày tỏ sự phản đối.
Tuy vậy, một số người Brazil không nghĩ rằng phe ủng hộ Bolsonaro sẽ dễ dàng thoái lui như vậy, ngay cả sau khi các con đường đã được thông thoáng.
Người Brazil muốn rời khỏi đất nước
Bà Renata Castro, Esq. nói với The Epoch Times: “Tôi không nghĩ rằng những người biểu tình sẽ dừng lại … các cử tri ủng hộ ông Bolsonaro đang phản đối về việc ông Lula đắc cử, chứ không phải phản đối về việc liệu ông ấy có được bầu một cách dân chủ hay không.”
Bà Castro là một luật sư nhập cư và là người sáng lập công ty Castro Legal Group ở Coral Springs, Florida. Là một người Mỹ gốc Brazil sống ở Hoa Kỳ hơn 20 năm, bà đã chứng kiến quá trình nhiều chính phủ khác nhau tiếp quản quyền lực ở quê hương mình.
Bà nói rằng công ty hành nghề luật của bà đang gồng mình lên cho một lượng khách hàng lớn bởi “người Brazil đã hết hy vọng rằng Brazil là đất nước của tương lai và giờ họ muốn rời khỏi đất nước.”
Bà Castro giải thích rằng với chiến thắng của ông Lula, các doanh nhân Brazil và những người ở giai tầng kinh tế cao coi Hoa Kỳ là nơi ẩn náu tiềm năng khỏi “những khoản thuế khủng khiếp và bạo lực lan rộng.”
Điều đó làm nổi bật một yếu tố căn bản quan trọng đối với nhiều người ủng hộ ông Bolsonaro, những người phủ nhận chiến thắng của ông Lula. Họ muốn có các giải pháp cho tình trạng đói nghèo và bạo lực tràn lan của đất nước mà không phải chịu thuế cao hơn.
Không lãng phí thời gian, nhóm chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử đã trình bày một bản đề nghị sửa đổi hiến pháp, bao gồm một điều khoản miễn trừ, cho phép ông Lula vượt ra ngoài giới hạn chi tiêu hiện tại dành cho năm 2023.
Chính sách đứng đầu trong danh sách ưu tiên của ông Lula là tăng lương tối thiểu lên cao hơn 1.34% so với lạm phát, mở rộng các phúc lợi, và cải thiện chăm sóc y tế. Một cuộc họp đã được lên kế hoạch để tổ chức hôm 08/11 nhằm thảo luận về gói chi tiêu cho năm 2023, điều mà một số chuyên gia cho rằng sẽ vượt quá 19 tỷ USD.
Chỉ riêng mức tăng đề nghị của ông Lula cho phúc lợi gia đình, tên là Auxilio Brasil, đã tiêu tốn tới 10 tỷ USD.
Ông Lucas Costa nói với The Epoch Times: “Quý vị biết họ định lấy tiền ở đâu để trả cho việc này không? Chính là từ chúng tôi, chúng tôi sẽ phải chi trả cho các chính sách đó.”
Ông Costa sở hữu hai cơ sở kinh doanh tại thành phố mang tính biểu tượng Rio de Janeiro [của Brazil]. Ông nhớ lại khoảng thời gian ông Lula làm tổng thống và nói rằng các chính trị gia Brazil có một lịch sử lâu dài trong việc đưa ra những lời hứa chẳng đi đến đâu.
“Họ [các chính trị gia] nghĩ rằng vấn đề rất dễ giải quyết, nên họ chỉ cần bỏ ra nhiều tiền hơn. Ông Lula nghĩ rằng chỉ cần đánh thuế các công ty và tầng lớp giàu có hơn thì mọi thứ được giải quyết,” ông nói và cho biết thêm, “Điều đó đã diễn ra như thế nào đối với Argentina?”
Ông Costa hỏi một cách khoa trương: “Quý vị có thể cải thiện nền kinh tế mà không làm cho người dân nghèo đi không?”
Quá khứ phạm tội bị lãng quên?
Đây không phải là cuộc đua đầu tiên của ông Lula để tranh cử chức tổng thống. Ông từng là tổng thống từ năm 2003-2011 và rất nổi tiếng trong và ngoài nước. Từng là một ông chủ nghiệp đoàn, ông Lula đã mạnh miệng nói rằng ông sẽ xóa sạch nạn tham nhũng trong chính phủ với tư cách là một nhà đấu tranh cánh tả của giai cấp công nhân.
Tuy nhiên, những lời hứa lớn lao đó đã đổ sập trong bối cảnh ông đối diện với các cáo buộc phạm tội và cuối cùng bị kết luận là có tội trong vụ bê bối rửa tiền Petrobas.
Tháng 05/2017, ông Lula ra hầu tòa và bị kết tội rửa tiền và tham nhũng trong một phiên tòa được mệnh danh là “phiên tòa thế kỷ” của Brazil.
Cựu tổng thống đã bị kết án 10 năm tù và thua trong một cuộc bỏ phiếu của Tòa án Tối cao để được thả tự do trong khi thực hiện kháng cáo vào tháng 04/2018.
Bất chấp phán quyết của tòa, ban đầu, ông Lula không chịu nộp mình cho cảnh sát. Ông lẩn trốn trong một văn phòng trụ sở nghiệp đoàn bên ngoài Sao Paulo, nơi mà những người ủng hộ đứng canh gác và từ chối cho cảnh sát tiến vào tòa nhà.
Sau một thời gian căng thẳng bế tắc, ông Lula đã lùi bước và để các nhà chức trách bắt giam vào ngày 07/04/2018.
Năm 2019, vị tổng thống mới đắc cử này lại bị kết án trong một vụ bê bối tham nhũng nữa liên quan đến việc nhận hối lộ từ các công ty xây dựng. Việc bị kết tội đã khiến bản án của ông tăng thêm 12 năm 11 tháng tù nữa.
Tuy nhiên, tòa án đã lật lại các phán quyết trước đó một cách đáng kinh ngạc, khi họ đảo ngược quyết định yêu cầu bỏ tù những người đã bị kết án, nhưng đã từ chối đơn kháng cáo lần đầu của những người đó, vào tháng 11/2019.
Điều này cho phép ông Lula được tự do và tiếp tục kháng cáo các tội danh chống lại mình như một công dân bình thường.
Và giờ đây sau khi tái đắc cử, ông phải đối mặt với một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc đang vật lộn với suy thoái kinh tế và lạm phát.
Ông Castro cho biết, lời hứa của ông Bolsonaro rằng ông sẽ có lập trường cứng rắn với tình trạng tham nhũng phổ biến trong chính phủ và tội phạm trên toàn quốc là một thất bại hoàn toàn và cho ông Lula “cơ hội để có được nhiệm kỳ thứ ba trong nền dân chủ còn khá non trẻ của Brazil.”
Chuyên gia cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông Desmond Lachman, viết trong một bài báo cho tờ Barron’s rằng: “Nếu tư duy kinh tế của ông Lula không thay đổi, thì Brazil có thể rơi vào một đợt trượt dốc kinh tế khó khăn nữa.”
Ông Lachman lưu ý rằng việc làm rung chuyển con thuyền tiền tệ trong nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latinh này là “điều cuối cùng mà một nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều thách thức cần hiện nay.”
Hôm 03/11, ông Bolsonaro đã cam kết tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực chính phủ với Phó Tổng thống đắc cử Geraldo Alckmin, điều này sẽ cho phép lễ nhậm chức của ông Lula diễn ra vào hôm 01/01.
Ông Alckmin nói với các phóng viên địa phương sau cuộc gặp với nguyên thủ quốc gia sắp mãn nhiệm này: “Tổng thống nhắc lại cam kết của các quan chức ông về quá trình chuyển giao quyền lực, được ghi dấu bằng tính minh bạch, việc chiểu theo kế hoạch, và tính dễ đoán.”
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times