Bóng ma của sự tách rời ám ảnh Bắc Kinh
Tách rời là một đòn bẩy quan trọng trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc
Đã có một loạt các bài báo gần đây về các vấn đề nghiêm trọng với nền kinh tế Trung Quốc (tham khảo các bài viết trên The Wall Street Journal, Fortune, Financial Times, Nikkei-China, Barrons và Reuters, để hiểu về chủ đề này). Nếu Tạp chí ủng hộ sự hợp tác Mỹ-Trung Foreign Affairs xuất bản một bài báo với nội dung mà đối với họ chắc chắn đó phải là một nhan đề gây chấn động, “Hồi kết của Phép màu Kinh tế Trung Quốc,” thì sự việc chắc hẳn đang trở nên nghiêm trọng.
Đáp lại, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đang cố tô vẽ nhằm giữ dòng vốn đầu tư trực tiếp của ngoại quốc vốn giúp nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển. Dưới đây là một số tiêu đề như vậy gần đây: “CPI giảm, nhưng nhu cầu sẽ sớm phục hồi” (Nhật báo Trung Quốc, hôm 08/08); “Trung Quốc khai triển các biện pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế, niềm tin” (Nhân dân Nhật báo, hôm 05/08); và “Các công ty ngoại quốc nhận được nhiều ưu đãi hơn” (Nhật báo Trung chu Quốc, hôm 03/08).
“Phép màu kinh tế” của Trung Quốc hoàn toàn không phải là phép màu nào hết, vì nền tảng cho sự phát triển của họ được các chính trị gia và doanh nhân phương Tây, những người được hưởng lợi trực tiếp từ việc “mở cửa Trung Quốc” với thế giới, chủ ý tạo ra. Giờ đây, những người cộng sản dưới sự chỉ thị của ông Tập Cận Bình đang bộc lộ thái độ liều lĩnh đối với giả định ban đầu rằng sự hiếu chiến của Trung Quốc có thể bị ngăn cản và hạn chế thông qua các chính sách hợp tác, cũng như việc Trung Quốc gây ảnh hưởng thành công trong giới chính trị Hoa Kỳ, thì điều mà những người cộng sản coi là một lời nguyền rủa — tách rời (và phiên bản nhẹ nhàng hơn của nó là “giảm thiểu rủi ro”) — hiện đang được thảo luận và thực hiện rộng rãi trong một số trường hợp trong giới chính trị và kinh doanh phương Tây.
Chúng ta hãy xem xét chủ đề này.
Các trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc là một nền kinh tế xuất cảng. Mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là trở thành trung tâm sản xuất chính của thế giới. Đây là cốt lõi của Sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập: xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cần thiết để tiếp cận các nguồn nguyên liệu thô ngoại quốc và xuất cảng thành phẩm từ các nhà máy Trung Quốc đến các điểm đến trên toàn thế giới. Phương Tây đã tạo thuận tiện cho chiến lược Vành đai và Con đường bằng cách bãi bỏ quy định về vận tải đường bộ, đường sắt, cảng, và vận chuyển mở vào những năm 1990, vốn là những yếu tố then chốt của hệ thống toàn cầu cho việc vận chuyển hàng hóa từ nhà máy/nhà sản xuất đến điểm đến cuối cùng/người tiêu dùng.
Chính sách hợp tác của Hoa Kỳ đã tiếp tục mang lại cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khoản vay lãi suất thấp, thương mại tự do, chuyển giao công nghệ, và mở rộng đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc vào việc xây dựng các ngành công nghiệp Trung Quốc vốn là động lực đằng sau sự tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là kể từ thời chính phủ cựu Tổng thống Clinton.
Những trụ cột này đã mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc cộng sản: (1) dòng vốn đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc dường như là không ngừng chảy vào các nhà máy Trung Quốc và các doanh nghiệp khác của những người ngoại quốc mong muốn tham gia vào “phép màu kinh tế Trung Quốc;” (2) tiếp cận trực tiếp với công nghệ mới nhất của phương Tây thông qua các liên doanh cho phép đánh cắp và chuyển giao tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp Trung Quốc và Quân Giải phóng Nhân dân (PLA); (3) thặng dư thương mại đã tài trợ cho quá trình hiện đại hóa và xây dựng quân đội của Trung Quốc vì các sản phẩm của Trung Quốc rẻ hơn các sản phẩm sản xuất trong nước ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác; và (4) sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào Trung Quốc đã phát triển theo thời gian.
Trụ cột quan trọng khác là nguồn cung năng lượng ổn định và chi phí thấp. Một Trung Quốc nghèo nàn về năng lượng đã siêng năng làm việc để có được nguồn cung hydrocarbon giá rẻ từ Nga (NYTimes, Foxnews, và News Yahoo), từ Trung Đông (từ Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, và Iran) và Venezuela, và xây dựng các nhà máy điện đốt than đồng thời đánh lạc hướng với mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060.
Thống lĩnh chuỗi cung ứng
Tờ Investopedia định nghĩa chuỗi cung ứng như sau: “Một chuỗi cung ứng là một mạng lưới các cá nhân và công ty tham gia vào việc tạo ra sản phẩm và phân phối sản phẩm đó đến người tiêu dùng. Các liên kết trong chuỗi này bắt đầu từ người sản xuất nguyên liệu thô và kết thúc khi xe chuyển thành phẩm đến tay người dùng cuối cùng.”
Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược nắm giữ các chuỗi cung ứng đầu-cuối vì mục đích lợi nhuận và áp lực địa chính trị. Do đó, Trung Quốc là nhà cung cấp chính các nguyên tố đất hiếm, dược phẩm và tiền chất của chúng, xe điện, pin lithium, tấm pin mặt trời, dụng cụ cầm tay, phụ tùng xe hơi, và nhiều sản phẩm khác mà người Mỹ và những người khác đã phụ thuộc vào đó trong những năm qua.
Một lĩnh vực quan trọng của lỗ hổng chiến lược là Trung Quốc là quốc gia duy nhất có chuỗi cung ứng nam châm vĩnh cửu được tích hợp đầy đủ (nam châm vĩnh cửu được sử dụng trong tủ lạnh, dụng cụ, phương tiện giao thông, v.v.). Một cuộc xâm lược qua eo biển của PLA vào Đài Loan sẽ phá vỡ một chuỗi cung ứng quan trọng khác, vì Hoa Kỳ phụ thuộc vào Đài Loan để sản xuất chất bán dẫn và vi mạch, được sử dụng trong máy điện toán và các sản phẩm công nghệ thông tin.
Theo Hiệp hội Henry Jackson, “Trung Quốc là nhà cung ứng chiến lược của Hoa Kỳ trong 424 mặt hàng. 114 trong số này được sử dụng trong cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia.” Các nhà hoạch định chiến lược Hoa Kỳ và Quốc hội đang xem xét các cách để giảm thiểu những sự phụ thuộc này thông qua việc tách rời.
Tách rời
Tách rời là chiến lược giảm sự phụ thuộc vào công nghệ và năng lực của ngoại quốc. Trong trường hợp của Trung Quốc, điều này đề cập đến việc tìm kiếm các nguồn cung ứng khác cho các sản phẩm và công nghệ quan trọng hơn những sản phẩm và công nghệ được sản xuất tại Trung Quốc cộng sản. Việc tách rời làm giảm áp lực địa chính trị mà Trung Quốc có thể gây ra cho Hoa Kỳ trong các cuộc khủng hoảng quốc tế.
Điệp khúc tách rời ngày càng lớn hơn khi PLA gia tăng căng thẳng với Hoa Kỳ, Đài Loan, Philippines, và Nhật Bản. Việc áp đặt thuế quan, khuyến khích tài chính cho việc chuyển sản xuất trở lại Hoa Kỳ và các quốc gia khác, cùng các quy định cấm xuất cảng một số loại công nghệ tân tiến đang được Hoa Kỳ và các đồng minh tích cực xem xét như các phương pháp tách rời khỏi Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Baker đã lập luận vào tháng Mười Hai năm ngoái rằng, “Mỹ và các đồng minh của họ phải tách rời các ngành công nghiệp chiến lược khỏi REE [các nguyên tố đất hiếm] của Trung Quốc.” Sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc đối với REE mang lại cho nước này một lợi thế địa chính trị và đòn bẩy nguy hiểm đối với thế giới khi Bắc Kinh theo đuổi các chiến lược đối đầu với các quốc gia dọc biên giới, để cạnh tranh dầu mỏ và các nguyên liệu thô khác.
Theo Financial Times, các giám đốc điều hành của công ty xe hơi đang tham gia vào một “nỗ lực phối hợp nhằm cắt giảm sự phụ thuộc của họ vào mạng lưới rộng lớn các nhà sản xuất linh kiện của Trung Quốc.” Những lo ngại được bày tỏ liên quan đến mong muốn “thu mua và cung ứng ổn định” (một uyển ngữ ám chỉ những lo ngại liên quan đến sự gián đoạn vì “các lý do địa chính trị”).
Một số doanh nghiệp lớn đang bắt đầu giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng của họ với Trung Quốc. Trang Bloomberg cho biết “các công ty đang tìm kiếm các chuỗi cung ứng linh hoạt hơn — có nhiều hàng tồn kho hơn hoặc có tính minh bạch hơn — cũng như đa dạng hóa các nguồn cung.” Đơn cử, theo Apple Insider, “Apple đang nỗ lực đẩy nhanh việc chuyển một phần chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, với việc các đối tác trong chuỗi cung ứng được cảnh báo về việc dự trù tăng khâu lắp ráp ở Ấn Độ và Việt Nam.”
Một hình thức tách rời quan trọng khác liên quan đến tài chính và đầu tư. Reuters đưa tin hôm 14/08 rằng “các nhà đầu tư quỹ phòng hộ có trụ sở tại Hoa Kỳ trong đó có Coatue, D1 Capital, và Tiger Global đã cắt giảm thông thương với các công ty Trung Quốc trong quý hai.”
Đòn tâm lý
Người Trung Quốc cộng sản hiểu rằng họ phụ thuộc vào đầu tư ngoại quốc, tự do thương mại, và tiếp tục thống trị các chuỗi cung ứng quan trọng. Thặng dư thương mại từ nền kinh tế xuất cảng của họ thúc đẩy sự bình yên trong nước và sự mở rộng cũng như hiện đại hóa của PLA.
Kết quả là, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đang tập trung những chùm tia laser vào thứ khiến họ ngày càng sợ hãi 一 “tách rời”. Một số tiêu đề gồm: “Hoa Kỳ sẽ phải ‘trả giá đắt’ nếu tách rời Trung Quốc” (Nhân dân Nhật báo, hôm 02/08); “‘Tách rời’ sẽ bị lịch sử lãng quên” (Nhật báo Trung Quốc, hôm 28/06); và “Tách rời Trung Quốc không phải là đáp án” (Nhân dân Nhật báo, ngày 03/02).
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times