Bốn thí nghiệm sinh học hủy hoại đạo đức được giới khoa học gia Trung Quốc tán dương là ‘tiên phong của thế giới’
Trên toàn thế giới, các nghiên cứu khoa học và thí nghiệm liên quan đến các vấn đề đạo đức trước hết phải vượt qua sự kiểm tra khắt khe của các hội đồng đạo đức [trong lĩnh vực hữu quan]. Trong những năm gần đây, Trung Cộng đã tiến hành nhiều thí nghiệm trong lĩnh vực y sinh và công nghệ gene phá vỡ ranh giới đạo đức của nhân loại.
Trung Quốc bắt đầu thực hiện Đánh giá Đạo đức về Nghiên cứu Y sinh Liên quan đến Con người vào ngày 01/12/2016. Tuy nhiên, 122 khoa học gia Trung Quốc cùng ký một bức thư ngỏ vào năm 2018 để phản đối những đứa trẻ bị chỉnh sửa gene đã lên án đánh giá đạo đức y sinh của Trung Quốc là một “trò giả dối.”
Tại Hoa Kỳ, khi các quy định về đạo đức và luân lý đối với nghiên cứu trên động vật ngày càng nghiêm ngặt hơn, ngân sách và kinh phí có xu hướng giảm trong những năm gần đây, khiến Trung Quốc trở thành địa điểm hấp dẫn nhất cho những thí nghiệm loại này. Ví dụ, năm 2014, chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành lệnh tạm dừng tài trợ đối với hoạt động nghiên cứu tăng chức năng – [nghiên cứu liên quan đến các tác động nhằm thay đổi virus để khiến chúng có khả năng lây nhiễm mạnh hơn] – đối với bệnh cúm, các chủng virus corona của Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS) và Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS). Năm 2019, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) thông báo rằng đến năm 2035 họ sẽ ngừng tiến hành hoặc tài trợ cho các nghiên cứu trên động vật có vú.
Năm 2011, Trung Cộng đã coi đây là mục tiêu phát triển quốc gia nhằm tạo ra các mô hình bệnh ở động vật linh trưởng thông qua nhân bản vô tính (cloning) và các công nghệ sinh học khác. Theo Báo cáo Phát triển Công nghiệp Y sinh Trung Quốc năm 2020 do China Venture công bố, “thị trường dược phẩm sinh học tổng thể ở Trung Quốc đã tăng từ 28.7 tỷ USD lên 49.6 tỷ USD từ năm 2016 đến năm 2019, với CAGR (tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm) là 20%. Dự kiến sẽ đạt 130.2 tỷ USD vào năm 2025.”
Dưới đây là bốn thí nghiệm do các nhà khoa học Trung Quốc tiến hành mà truyền thông Trung Cộng tán dương là những nghiên cứu “tiên phong của thế giới.”
Thí nghiệm 1: Mô hình mang thai trên chuột đực
Vào ngày 09/06/2021, các nhà nghiên cứu từ Đại học Y Hải quân Trung Quốc đã xuất bản một nghiên cứu sơ bộ về “một mô hình mang thai trên chuột đực” trên trang web không được bình duyệt BioRxiv.
Nghiên cứu này mô tả một phương pháp cụ thể để làm cho một con chuột đực mang thai với sự đánh đổi của ba con chuột cái.
- Đầu tiên, họ phẫu thuật khâu kiểu lưng tựa lưng của con chuột đực đã bị triệt sản với một con chuột cái lại với nhau để tạo ra một môi trường vi mô giống cái cho chuột đực, tạo thành một cặp cộng sinh dị tính (heterosexual parabiotic pair).
- Tử cung của một con chuột cái khác được cấy ghép vào con chuột đực bị dính liền này.
- Cuối cùng, phôi thai giai đoạn phôi nang phát triển ở con chuột cái thứ ba được cấy vào tử cung ghép của con đực và tử cung của con cái.
- Sau 21 ngày rưỡi, 27 trong số 280 phôi đực đã phát triển bình thường và 10 chuột con khỏe mạnh đã được sinh ra bằng phương pháp mổ lấy thai. Ít nhất 46 con chuột đực và 138 con chuột cái đã được sử dụng trong thí nghiệm này.
Đưa tin câu chuyện trên với tiêu đề “Đàn ông sinh con có còn là viễn cảnh quá xa vời?,” cổng thông tin điện tử Trung Quốc Sina nói rằng “Các nhà khoa học Trung Quốc đã thực hiện một điều kỳ diệu” và “đã phá vỡ quy luật phổ quát của giới tự nhiên từ cổ chí kim.”
Tuy nhiên, thí nghiệm này đã bị một số chuyên gia chất vấn và lên án.
Bà Emily McIvor, cố vấn chính sách khoa học cao cấp cho Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA), đã mô tả thí nghiệm này là “thấp hèn.” Bà nói rằng không nên coi động vật là “đồ vật dùng một lần.”
Bà chia sẻ với Mail Online, “Động vật xứng đáng được tôn trọng và được sống trong yên bình, chứ không phải bị nuôi trong phòng thí nghiệm, bị tiến hành làm thí nghiệm và bị đối xử như những đồ vật dùng một lần.”
“Ghép hai con chuột nhạy cảm vào với nhau thông qua phẫu thuật—chúng đã phải chịu đựng mổ xẻ và đau đớn kéo dài hàng tuần lễ—là phi đạo đức và thuộc lĩnh vực khoa học kiểu quái vật Frankenstein,” bà nói thêm.
Bà cũng cho biết bà tin rằng “những thí nghiệm gây sốc này chỉ được thực hiện hoàn toàn do sự tò mò và chẳng làm được gì để chúng ta hiểu thêm về hệ thống sinh sản của con người.”
Thí nghiệm 2: Phôi thai loài lai giữa người và khỉ
Vào ngày 15/04/2021, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ Côn Minh ở Vân Nam, Trung Quốc và Viện Khoa học Sinh học Salk ở Hoa Kỳ đã công bố một bài báo trên trang web Cell, thông báo rằng họ đã nuôi thành công phôi thai khỉ lai người đầu tiên, tức là phôi thai gồm cả tế bào có nguồn gốc từ người và khỉ.
Các nhà khoa học đã chích tế bào gốc của người vào phôi thai khỉ với hy vọng rằng các cơ quan nội tạng được nuôi cấy từ khỉ có thể được cấy ghép vào người. Điều này đã dẫn đến tranh cãi rộng rãi về mặt đạo đức.
Tiến sĩ Anna Smajdor, giảng viên và nhà nghiên cứu về đạo đức y sinh tại Trường Y Norwich thuộc Đại học East Anglia, nói với BBC rằng nghiên cứu trên đã đặt ra “những thách thức đáng kể về đạo đức và pháp lý.”
Bà nói với BBC, “Các nhà khoa học đứng sau nghiên cứu này tuyên bố rằng những phôi khỉ lai người này mang lại cơ hội mới, bởi vì ‘chúng ta không thể thực hiện một số loại thí nghiệm nhất định ở người.’ Nhưng liệu những phôi này có phải là con người hay không vẫn còn là một nghi vấn.”
Giáo sư Julian Savulescu, giám đốc Trung tâm Oxford Uehiro về Đạo đức Thực hành và đồng giám đốc của Trung tâm về Đạo đức và Nhân văn Wellcome, Đại học Oxford, nói với BBC rằng nghiên cứu này “mở ra chiếc hộp Pandora cho những sinh vật tạp chủng.”
Tuy nhiên, người đứng đầu dự án người Trung Quốc, viện sĩ Quý Duy Trí (Ji Weizhi) của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nói rằng phôi thai lai tạp người-khỉ chỉ tạo ra một môi trường trong đó tế bào gốc của con người được phát triển, hiện tượng di truyền học sinh sản vốn không xảy ra và nó “tuyệt đối không phải là một tạp chủng người-khỉ,” vì vậy dự án này không có vấn đề về đạo đức.
Năm 2019, Phòng thí nghiệm Tế bào gốc và Sinh học Sinh sản trọng điểm Quốc gia ở Bắc Kinh đã tạo ra “loài lai giữa heo và khỉ” đầu tiên bằng cách thêm tế bào khỉ vào phôi thai heo.
Mặc dù hai con lai giống đã tử vong sau chỉ mới hai tuần [ra đời], nhưng nghiên cứu này vẫn bị các khoa học gia trên toàn thế giới chỉ trích, cho rằng nghiên cứu này gây chấn động về mặt luân lý đạo đức.
Thí nghiệm 3: Trẻ sơ sinh được chỉnh sửa gene
Tháng 12/2018, nhà khoa học Trung Quốc ông Hạ Kiến Khuê (He Jiankui) đã thông báo tại một hội nghị học thuật lớn ở Hồng Kông về sự ra đời của một cặp song sinh được chỉnh sửa gene “miễn nhiễm với AIDS.” Ông khẳng định đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới.
Ông cho biết nhóm của ông đã sử dụng công nghệ CRISPR để “chỉnh sửa” gene CCR5 trong phôi thai để các em bé có thể có khả năng tự nhiên chống lại bệnh AIDS trong tương lai.
Vụ việc đã làm dấy lên sự lên án rộng rãi từ cộng đồng khoa học toàn cầu, với các chuyên gia lo ngại rằng việc thay đổi bộ gene của phôi thai có thể gây ra những tác hại không mong muốn, không chỉ đối với cá nhân bị chỉnh sửa mà còn đối với các thế hệ tương lai, những người truyền lại chính những thay đổi này.
Ông Krishanu Saha, một nhà kỹ thuật sinh học tại Đại học Wisconsin-Madison, một thành viên của một nhóm điều tra tính an toàn của công nghệ, nói với BBC, “Được thôi, hãy giả sử chúng ta đang chích một trình chỉnh sửa bộ gene vào não để nhắm vào các tế bào thần kinh trong hồi hải mã,” ông nói thêm, “làm thế nào để chúng ta bảo đảm rằng những trình chỉnh sửa bộ gene đó không đi vào cơ quan sinh sản và kết thúc bằng việc tác động vào trứng hoặc tinh trùng? Sau đó, cá nhân đó có thể chuyển trình chỉnh sửa cho con cái của họ.”
Một ủy ban quốc tế của các viện khoa học điều tra vấn đề này đã công bố một báo cáo vào ngày 03/09/2020, nói rằng một khi bộ gene của phôi người được chỉnh sửa, nó sẽ không được sử dụng cho việc sinh sản cho đến khi có bằng chứng chắc chắn rằng những thay đổi bộ gene ở tinh trùng sống sót có thể đưa đến kết quả đáng tin cậy và không gây ra những thay đổi không mong muốn. Chưa có công nghệ chỉnh sửa bộ gene nào có thể đáp ứng tiêu chuẩn này.
Ngay cả ở Trung Quốc, 122 nhà khoa học đã ký một bức thư ngỏ cảnh báo rủi ro của những thí nghiệm loại này và lên án “đánh giá đạo đức y sinh là một trò giả dối” của các cơ quan chức năng.
Giới chức Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra ngay sau khi tin tức được công bố, nói rằng có vấn đề với các tài liệu đánh giá đạo đức liên quan đến nghiên cứu này.
Cơ quan tuyên truyền Nhân Dân Nhật Báo của Trung Cộng cũng đã thay đổi giọng điệu sau khi ca ngợi nghiên cứu này là “một bước đột phá lịch sử” và xuất bản một bài báo có tiêu đề “Phát triển Công nghệ Không thể Bỏ lại Đạo đức Phía sau.”
Vào ngày 30/12/2019, một tòa án Trung Quốc đã ra phán quyết trong một phiên tòa bí mật rằng ông Hạ Kiến Khuê sẽ ngồi tù ba năm và nộp phạt 430,000 USD vì “tiến hành bất hợp pháp các thí nghiệm chỉnh sửa gene trên phôi người.” Hai người khác có liên quan cũng đã bị kết án.
Thí nghiệm 4: Thí nghiệm tăng chức năng trên các chủng virus corona
“Nữ người dơi” (Bat Woman) Thạch Chính Lệ, một nhà khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về đạo đức và luân lý bằng cách thực hiện một thí nghiệm tăng chức năng (Gain of Function, GOF) trong quá trình nghiên cứu của bà về virus Trung Cộng, nguyên nhân gây ra COVID-19.
Năm 2015, bà Thạch, cùng với các cộng sự của mình, đã xuất bản một bài báo trên tạp chí Nature Medicine về biến đổi gene của một virus corona trên dơi giống SARS (SARS-CoV) để cho phép nó lây nhiễm sang người với khả năng lây nhiễm cao hơn.
Nghiên cứu GOF này, trong đó virus đã được biến đổi gene để làm cho nó có khả năng gây chết người hoặc có khả năng lây nhiễm cao hơn, dẫn đến việc tạo ra một chủng virus mới dự kiến sẽ gây ra một đợt bùng phát ở người, cái gọi là “mầm bệnh đại dịch tiềm tàng (PPP).”
Sau khi bài báo được công bố, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã chất vấn về những nguy hiểm tiềm ẩn và các vấn đề đạo đức của cuộc thí nghiệm.
Bởi vì nguy cơ lây lan rộng rãi hoặc thậm chí ở mức toàn cầu của các mầm bệnh độc hại có thể là kết quả của nghiên cứu GOF/PPP lớn hơn nhiều so với lợi ích thu được từ nghiên cứu, nghiên cứu loại này đã làm dấy lên những lo ngại về mặt đạo đức một cách rộng rãi và được coi là không phù hợp với yêu cầu của Bộ luật Nuremberg đối với các nguyên tắc đạo đức chung về “thành quả hữu ích vì lợi ích của xã hội, không thể thu được bằng các phương pháp khác” cũng như tỷ lệ giữa rủi ro và lợi ích nhân đạo.
Năm 2014, chính phủ Hoa Kỳ đã đình chỉ tài trợ cho nghiên cứu GOF liên quan đến bệnh cúm, các chủng virus corona của Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS) và Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS).
Tháng 08/2020, ông Michael J. Imperiale, giáo sư Khoa Vi sinh và Miễn dịch học tại Đại học Michigan, và ông Arturo Casadevall, giáo sư và chủ nhiệm Khoa Vi sinh Phân tử và Miễn dịch học tại Trường Y khoa Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins, cùng viết một bài báo nói rằng, “chúng tôi không lo ngại về khái niệm của các thí nghiệm GOF… Thay vào đó, chúng tôi đang nói cụ thể về các thí nghiệm liên quan đến mầm bệnh đại dịch.”
Họ nói thêm, “Người ta không nên thực hiện các thí nghiệm GOF chỉ đơn giản là để ‘xem điều gì sẽ xảy ra’ mà không có bằng chứng chắc chắn rằng điều đó có thể xảy ra một cách tự nhiên. Nói cách khác, chỉ vì một thí nghiệm có thể được thực hiện không có nghĩa là nó nên được thực hiện.”
Trong một email gửi tới The New York Times ngày 15/06, bà Thạch lập luận rằng thí nghiệm của bà khác với GOF vì mục tiêu của bà không phải là làm cho virus nguy hiểm hơn mà là để hiểu cách nó lây lan qua các loài.
Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc (Sean Lin), cựu giám đốc phòng thí nghiệm của nhánh bệnh do virus thuộc Viện nghiên cứu Quân đội Walter Reed, nói với The Epoch Times Hoa ngữ rằng bản thân thí nghiệm giữa các loài sẽ tạo ra những loại virus mới không có trong tự nhiên, khiến chúng không chỉ độc hại hơn hoặc lây nhiễm cao hơn, mà còn giúp virus đột biến và dẫn đến đột biến giữa các loài.
Do Jennifer Bateman và Jennifer Zeng thực hiện
An Nhiên biên dịch
Mời quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: