Bộ trưởng thương mại cho biết Hoa Kỳ có thể trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất vi mạch bán dẫn vào năm 2030
Thông qua nhiều khoản đầu tư khác nhau, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo hy vọng Hoa Kỳ có thể trở thành nước dẫn đầu toàn cầu trong ngành vi mạch.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo tin rằng Hoa Kỳ có thể trở thành quốc gia đóng vai trò chủ đạo trong ngành vi mạch toàn cầu vào cuối thập niên này.
Trong bài diễn văn ngày 26/02 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Hoa Thịnh Đốn, bà Raimondo nói rằng các khoản đầu tư, chẳng hạn như các khoản đầu tư theo Đạo luật CHIPS và Khoa học, sẽ “đưa quốc gia này đi đúng hướng để sản xuất khoảng 20% lượng vi mạch logic tân tiến nhất thế giới” vào năm 2030.
Bà nói: “Sự thật phũ phàng là, Hoa Kỳ không thể dẫn đầu thế giới với tư cách là quốc gia dẫn đầu về công nghệ và đổi mới trên một nền tảng không vững chắc như vậy.”
“Chúng ta cần sản xuất những vi mạch bán dẫn này ở Mỹ. Chúng ta cần phát triển nhiều tài năng hơn nữa ở Mỹ. Chúng ta cần nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển hơn ở Mỹ cũng như sản xuất ở quy mô lớn nhiều hơn.”
Được Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào năm 2022, Đạo luật CHIPS và Khoa học cho phép cung cấp khoảng 280 tỷ USD tài trợ mới để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sản xuất vi mạch bán dẫn trong nước trên toàn Hoa Kỳ. Vi mạch bán dẫn, hay còn gọi là mạch tích hợp, được sản xuất thuần túy từ các nguyên tố, điển hình là silicon hoặc germanium.
Bà Raimondo nói, “Mọi người ở đây đều biết vi mạch bán dẫn quan trọng như thế nào. Mọi thứ đều có thêm sức mạnh nhờ vi mạch bán dẫn — cần gạt nước kính chắn gió, điện thoại, máy điều hòa nhịp tim, gần như mọi thiết bị quân sự.”
Bà nói thêm: “Vi mạch ở khắp mọi nơi, trong mọi thứ thiết yếu đối với cuộc sống của chúng ta — từ lúc quý vị thức dậy vào buổi sáng cho đến khi quý vị đi ngủ.”
Hiện tại, theo bà bộ trưởng, sản lượng vi mạch bán dẫn trong nước đang là con số 0. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hy vọng sẽ củng cố vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, đặc biệt là các vi mạch cần thiết để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Hoa Kỳ là quốc gia đi đầu về thiết kế vi mạch và phát triển các mô hình ngôn ngữ AI. Tuy nhiên, không có vi mạch tân tiến nào cần thiết để giúp AI hoạt động được sản xuất hoặc đóng gói trên đất Mỹ.
Bà nói: “Phải mất hàng chục ngàn vi mạch bán dẫn hàng đầu để đào tạo ra được chỉ một mô hình ngôn ngữ lớn.”
“Sự thật là AI sẽ là công nghệ quyết định trong thế hệ của chúng ta. Quý vị không thể dẫn đầu về AI nếu quý vị không dẫn đầu trong việc tạo ra những vi mạch tân tiến nhất. Và vì vậy, công việc của chúng ta trong việc thực hiện đạo luật CHIPS trở nên quan trọng hơn rất nhiều.”
Nên thực hiện sớm hơn là muộn
Theo bà Raimondo, chính phủ liên bang đã nhận được hơn 600 đề nghị từ các công ty bán dẫn quan tâm đến việc nhận tài trợ nhưng một lượng “đa số đáng kể” sẽ không nhận được tài trợ. Bà cho biết bộ đang ưu tiên các dự án sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030.
Bà nói, “Chúng tôi đã quyết định ưu tiên các dự án sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030. Tôi muốn nói rõ: có rất nhiều đề nghị đáng giá mà chúng tôi đã nhận được với kế hoạch đưa vào hoạt động sau năm 2030, và hiện tại, chúng tôi đang nói không với những dự án đó vì chúng tôi muốn tối đa hóa tác động của chúng ta trong thập niên này.”
Bộ trưởng nói thêm: “Quý vị biết đấy, sẽ là không có trách nhiệm khi cung cấp tài trợ cho một dự án sẽ đi vào hoạt động sau 10 hoặc 12 năm nữa, nếu điều đó đồng nghĩa với việc nói không với những dự án ưu tú có thể đi vào hoạt động trong năm nay.”
Bà Raimondo cũng tiết lộ rằng hầu hết các công ty bán dẫn đang tìm kiếm trợ cấp của chính phủ sẽ không đạt được số tiền họ yêu cầu. Bà cho biết các công ty sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu đã yêu cầu hơn 70 tỷ USD, nhưng bộ hiện đang tham gia vào các cuộc đàm phán khó khăn đang diễn ra với từng công ty vì ở giai đoạn này, chỉ có 28 tỷ USD được đưa ra.
Bà nói, “Tôi nói với họ rằng quý vị sẽ may mắn nếu nhận được chỉ một nửa số tiền đó.”
“Khi họ đến để hoàn tất một thỏa thuận, họ nhận được chưa đến một nửa những gì họ đã muốn và họ nói với tôi rằng họ cảm thấy không may mắn. Đó là sự thật. Chúng ta phải cứng rắn với các công ty.”
Hoa Kỳ có thể sớm sở hữu cả một chuỗi cung ứng đầy đủ đối với vi mạch bán dẫn
Do chỉ đầu tư vào các dự án có thời gian quay vòng ngắn hơn, bà Raimondo cho rằng Mỹ “có thể trở thành ngôi nhà của cả một chuỗi cung ứng silicon để sản xuất những vi mạch bán dẫn hàng đầu này từ sản xuất polysilicon đến sản xuất tấm wafer, đến chế tạo, đến đóng gói nâng cao.”
“Nhân tiện, đó là cách chúng ta chơi. Khi tôi nói, hãy mạnh dạn lên, thì đây không phải là nói về xây dựng một vài công trình mới rồi là xong. Không phải thế. Mà là từ đầu chí cuối.”
Người đứng đầu bộ thương mại cho biết thêm: “Polysilicon đến việc gói ghém nâng cao đối với mọi công đoạn ở giữa, bao gồm cả nghiên cứu và phát triển (R&D), ở Hoa Kỳ.”
Hiện tại, chỉ có một số ít công ty sản xuất vi mạch tấn tiến với số lượng đáng kể và gần như tất cả đều ở Đài Loan.
Bộ trưởng Raimondo nói, “Chúng ta không thể cho phép mình quá phụ thuộc vào một nơi nào đó trên thế giới để có được phần cứng quan trọng nhất trong Thế kỷ 21. Sự phụ thuộc đó rủi ro hơn nhiều.”
“Các quốc gia khác như Trung Quốc không ngại ngùng trước tham vọng của mình và họ đang thực hiện nó, Trung Quốc đang ngày càng đảm nhận vai trò đầy tham vọng trong việc tăng cường sản xuất vi mạch của riêng họ.”
Cuộc đua công nghệ
Cuối năm ngoái (2023), chính phủ Tổng thống Biden đã mở rộng các hạn chế đối với xuất cảng vi mạch bán dẫn sang Trung Quốc, tìm cách làm chậm sự phát triển công nghệ quân sự tân tiến của ĐCSTQ.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times