Bộ trưởng Tài chính: ‘Các biện pháp bất thường’ sẽ được thực hiện nếu Quốc hội không tăng giới hạn nợ
Hôm 23/07, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc hội đình chỉ hoặc nâng giới hạn nợ quốc gia trước ngày 01/08/2021, nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả kinh tế thảm khốc.
Bà Yellen cảnh báo rằng nếu Quốc hội không hành động, bộ của bà sẽ cần phải thực hiện “các biện pháp bất thường” để ngăn chính phủ vỡ nợ đối với các khoản vay của mình.
Bà Yellen viết trong một bức thư cho các nhà lãnh đạo quốc hội rằng, “Nếu Quốc hội không có hành động đình chỉ hoặc tăng giới hạn nợ trước ngày Thứ Hai, 02/08/2021, Bộ Tài chính sẽ cần bắt đầu thực hiện một số biện pháp bất thường bổ sung để ngăn chặn việc Hoa Kỳ vi phạm các nghĩa vụ (tài chính) của mình.”
Mức trần nợ là một giới hạn pháp lý về số tiền mà Bộ Tài chính có thể vay. Khi chính phủ liên bang chi tiêu nhiều hơn số tiền thu được, chính phủ sẽ vay tiền để trang trải khoản chênh lệch, thông thường bằng cách phát hành giấy tờ ghi nợ (IOU) dưới dạng chứng khoán Kho bạc Hoa Kỳ.
Đến cuối năm 2020, chính phủ liên bang đã đạt giới hạn nợ là 22 ngàn tỷ USD và tính đến ngày 30/06, đã vay thêm 6.5 ngàn tỷ USD, nâng tổng số nợ của liên bang lên 28.5 ngàn tỷ USD.
Dưới thời cựu Tổng thống (TT) Donald Trump, Quốc hội, thông qua Đạo luật Ngân sách lưỡng đảng vào tháng 08/2019, dự kiến hết hạn vào ngày 31/07/2021, đã đình chỉ việc vay nợ của Hoa Kỳ. Chính phủ TT Biden vẫn chưa tiết lộ kế hoạch ứng phó với giới hạn nợ quốc gia.
Bà Yellen đã làm rõ rằng hành động của Quốc hội nhằm tăng giới hạn nợ không cho phép chi tiêu bổ sung, mà nó “chỉ đơn giản là cho phép Bộ Tài chính thanh toán các khoản chi đã được ban hành trước đó.”
Nếu Quốc hội không thể tăng giới hạn nợ, Bộ Tài chính sẽ buộc phải cố gắng đình chỉ một số khoản thanh toán như các khoản cho những người được hưởng An sinh xã hội, nhân viên chính phủ, hoặc các quân nhân để tiết kiệm tiền mặt.
Bà Yellen viết “Việc không đáp ứng những nghĩa vụ đó sẽ gây ra những tổn hại không thể khắc phục được đối với nền kinh tế Hoa Kỳ và sinh kế của tất cả người dân Hoa Kỳ. Thậm chí, mối đe dọa không đáp ứng các nghĩa vụ đó đã [từng] gây ra những tác động bất lợi trong quá khứ, bao gồm cả việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm duy nhất trong lịch sử quốc gia vào năm 2011.”
Bà Yellen viết tiếp trong bức thư: “Khoảng thời gian mà các biện pháp bất thường có thể kéo dài sẽ có sự không chắc chắn đáng kể do nhiều yếu tố, bao gồm những thách thức trong việc dự báo các khoản chi và thu của chính phủ Hoa Kỳ trong những tháng tới, vốn đã trầm trọng do sự bất ổn tăng lên của các khoản chi và thu liên quan đến tác động kinh tế của đại dịch.”
Hôm 21/07, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cho biết ngay cả [khi dùng đến] biện pháp bất thường, Bộ Tài chính Hoa Kỳ dự kiến vẫn sử dụng hết giới hạn nợ vào tháng 10 hoặc tháng 11.
Văn phòng này cho biết trong báo cáo của mình rằng, “Thời gian và quy mô của các nguồn thu (thuế) và các khoản chi tiêu trong những tháng tới có thể khác biệt đáng kể so với dự đoán của CBO. Do đó, các biện pháp bất thường có thể bị cạn kiệt và Bộ Tài chính có thể hết tiền mặt, sớm hơn hoặc muộn hơn so với các dự án của CBO.”
Trong khi đó, Đảng Dân Chủ đang tìm cách chi thêm hàng ngàn tỷ dollar trong khi Đảng Cộng Hòa phản đối bất kỳ gói tài trợ khổng lồ nào không có mục tiêu khắc phục các vấn đề trước mắt một cách cụ thể. Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) đã chỉ ra rằng các thành viên Đảng Cộng Hòa sẽ không bỏ phiếu ủng hộ việc tăng trần nợ.
Ông McConnell nói với Punchbowl News trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 21/07 rằng, “Tôi không thể tưởng tượng sẽ có một cuộc bỏ phiếu nào của Đảng Cộng Hòa để nâng trần nợ sau những gì chúng ta đã trải qua.” Ông cho biết: “Tôi không thể tưởng tượng được một đảng viên Đảng Cộng Hòa nào trong môi trường mà chúng ta đang hiện hữu này – chính sách thuế và chi tiêu theo kiểu miễn phí cho tất cả – lại bỏ phiếu để nâng giới hạn nợ.”
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) nói với hãng thông tấn Bloomberg rằng Đảng Dân Chủ đang “cân nhắc tất cả các lựa chọn,” trong một cuộc phỏng vấn ngắn với Bloomberg hồi đầu tháng 07/2021.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết hôm 23/07 rằng Bộ trưởng Tài chính gửi những bức thư như vậy là theo thông lệ và chính phủ Hoa Kỳ chưa bao giờ cho phép vỡ nợ.
Bà Psaki nói với các ký giả rằng, “Chúng tôi hy vọng Quốc hội sẽ hành động kịp thời để tăng hoặc đình chỉ” giới hạn nợ và “bảo vệ niềm tin và sự tín nhiệm đầy đủ của Hoa Kỳ.”
Do Masooma Haq thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: