Bình phẩm sách: ‘Sự Dối Trá Của Giáo Dục Đại Học: Các Trường Đại Học Của Mỹ Quốc Đang Phá Sản và Tẩy Não Tương Lai Của Giới Trẻ Mỹ Như Thế Nào’
Người sáng lập tổ chức bất vụ lợi Turning Point USA (TPUSA) phơi bày sự dối trá của bậc giáo dục đại học
Ý kiến cho rằng học đại học là một trò lừa đảo và không đáng để bỏ ra mức học phí đắt đỏ, đã được tranh luận sôi nổi trong nhiều năm qua. Hiện nay, kế hoạch mới nhằm xóa nợ sinh viên của tổng thống Biden đã xuất hiện trên trang nhất của các bản tin. Nhiều người cho rằng kế hoạch này là sai lầm về cả về mặt đạo đức lẫn tài chính.
Việc xóa nợ sinh viên sẽ không ngăn được các trường đại học thu thêm học phí trong tương lai. Bằng cách tiếp tục bảo đảm cho các khoản vay mà không buộc các trường học chịu trách nhiệm về mức học phí của họ hoặc tính hữu dụng của các bằng cấp, chính phủ liên bang sẽ tạo điều kiện cho các trường đại học phóng tay chi tiền cho nhiều khoản vay dành cho sinh viên hơn. Việc xóa nợ sinh viên sẽ dẫn đến mức học phí tăng cao hơn vì khoản thanh toán sẽ được bảo đảm.
Với sự tham gia của Ông Lớn (Big Brother), sinh viên sẽ không cần phải chịu trách nhiệm cá nhân một cách nghiêm túc. Hệ thống nợ vay sinh viên có thể bị bãi bỏ hoàn toàn vì nó có thể trở nên vô nghĩa.
Tác giả Charlie Kirk đề cập đến những chủ đề này và các vấn đề khác đang diễn ra tại các trường cao đẳng và đại học trong cuốn sách mới của ông có nhan đề ‘Sự Dối Trá Của Giáo Dục Đại Học: Các Trường Đại Học Của Mỹ Quốc Đang Phá Sản và Tẩy Não Tương Lai Của Giới Trẻ Mỹ Như Thế Nào.”
Chi phí suy giảm
Ông Kirk không học đại học. Thay vào đó, ông đã trở thành tiếng nói dẫn dắt trên khắp các trường đại học Mỹ quốc, ủng hộ những sinh viên có khuynh hướng bảo tồn truyền thống. Ngày nay, ông Kirk là một nhà hoạt động bảo tồn truyền thống người Mỹ và là người dẫn chương trình trò chuyện trên đài phát thanh. Vào năm 2012, ông đã cùng với ông Bill Montgomery sáng lập tổ chức Turn Point USA, và đảm nhiệm vai trò giám đốc điều hành kể từ thời điểm đó.
Ông Kirk cảm thấy chỉ có những sinh viên muốn có một bằng cấp chuyên môn mới nên vào đại học, chẳng hạn như các bác sĩ, luật sư, hoặc kỹ sư. Còn 95% sinh viên còn lại sẽ được lợi hơn về mặt tài chính, mục tiêu nghề nghiệp, và lối sống nếu họ được đào tạo nhiều hơn về mặt kỹ thuật. Ông nghĩ rằng giáo dục đại học là một trò lừa đảo.
Trong quá khứ, một biện pháp kiểm soát mạnh mẽ chống lại sự lãng phí của chính phủ và sự cồng kềnh của thể chế giáo dục là thực tế rằng, ở Mỹ quốc, các sinh viên phải có trách nhiệm tự trang trải chi phí học đại học.
Ngày nay, chi phiếu để trống của chính phủ đối với giáo dục đại học dưới hình thức khoản vay sinh viên được liên bang bảo đảm đã tác động đến học phí. Chính phủ liên bang đã đưa ra một loạt các khoản vay đại học giá rẻ, dễ tiếp cận, mà điều này đã thúc đẩy các trường đại học tăng học phí. Các trường đại học không cần lo lắng nếu sinh viên không đủ khả năng chi trả tiền học. Bên cạnh việc tăng học phí, trách nhiệm giải trình của trường đại học được giảm bớt và bộ máy quản lý học vụ cũng trở nên cồng kềnh.
Ngoài ra, để có được thứ hạng cao hơn, các trường đại học công lập và tư thục đã rót một số tiền cao ngất ngưỡng vào các học bổng tài năng (mức học bổng được trao dựa trên thành tích của sinh viên), việc này mang đến lợi ích không tương xứng cho những sinh viên giàu có hơn theo cách phương hại đến những sinh viên rất cần sự giúp đỡ về mặt tài chính. Điều này là bởi vì trường đại học nào có điểm số càng cao trong các bảng xếp hạng, thì trường đó càng có thể tăng học phí.
Ông Kirk gán cho các trường đại học là những trường có quỹ phòng hộ đi kèm. Một số trường nhận được khoản quyên tặng nhiều hơn cả ngân sách của một số tiểu bang nhỏ. Ví dụ: Năm 2020, các khoản tài trợ tài chính cho Đại học Harvard là khoảng 41.9 tỷ USD, Đại học Yale là 31.1 tỷ USD, Đại học Stanford là 29 tỷ USD, và Đại học Princeton là 26 tỷ USD.
Ông đặt ra câu hỏi liệu sinh viên có thực sự muốn tự làm bản thân nghèo đi để làm giàu cho “tổ chức giáo dục tham nhũng, bóc lột” không?
Thất bại của trường đại học
Hầu hết các sinh viên cảm thấy rằng chi phí học đại học là đáng giá nếu họ có được một trải nghiệm phong phú ở trường học và/hoặc có một công việc được trả lương cao sau khi tốt nghiệp. “Tuy nhiên, trên thực tế, cứ 10 sinh viên bỏ học thì có 4 sinh viên rời khỏi trường với điểm trung bình từ 3.0 trở lên. Và 39% sinh viên bỏ học nói rằng trường đại học không xứng đáng với số tiền họ bỏ ra,” ông Kirk nói.
Ông Kirk tin rằng các trường đại học không dạy những kỹ năng cần thiết cho môi trường việc làm. Ngoài ra, các trường đại học không còn dạy sinh viên cách tư duy. Trong nhiều trường hợp, việc giảng dạy đã biến chất thành việc truyền bá thuần túy các tư tưởng cộng sản. Thậm chí nhiều giáo sư còn không quan tâm đến việc liệu sinh viên có đến lớp hay không.
Thêm vào đó, ông Kirk tin rằng trải nghiệm ở trường đại học khiến các sinh viên ít có khả năng cư xử có trách nhiệm hơn. Sinh viên đang học xa nhà và không có trách nhiệm với cha mẹ của mình. Môi trường dung túng và thậm chí thúc đẩy hành vi trái với đạo đức.
Ông phủ nhận lập luận cho rằng, trong hầu hết các trường hợp, kinh nghiệm có được từ trường đại học sẽ giúp cho sinh viên có một nghề nghiệp xứng đáng. Nhiều nhà tuyển dụng không còn cảm thấy ấn tượng với những tấm bằng đại học, vì chúng đã trở nên quá phổ biến và không chuẩn bị cho sinh viên bước vào thế giới công việc thực tiễn. Kết quả là, học đại học trở thành một con đường không có giá trị đối với hầu hết những người trẻ tuổi.
Ông Kirk đã trích dẫn một bài báo viết cho tờ The Wall Street Journal của tác giả Russell Ronald Reno III, biên tập viên của tạp chí First Things, nói rằng: “Tôi không có ý định thuê một sinh viên tốt nghiệp từ một trong những trường đại học danh giá của Mỹ.” Theo ông Kirk, biên tập viên Reno cũng tuyên bố rằng những sinh viên này quá dễ bị kích động, quá nhanh chóng “hoảng sợ trước những cuộc khủng hoảng giả,” và quá nôn nóng để đưa ra “những lời cáo buộc kích động.”
Chủ nghĩa thức tỉnh
Các bậc cha mẹ có khuynh hướng bảo tồn truyền thống nên cân nhắc kỹ trước khi gửi con em họ vào một trường đại học, nơi mà các giá trị con em họ theo đuổi sẽ trở thành mục tiêu bị công kích. Sinh viên có thể bị quấy rối, đe dọa, hoặc bị bắt nạt vì danh tính bảo tồn truyền thống của mình. Chủ nghĩa thức tỉnh ngày nay (mà nhiều người có thể tin là chủ nghĩa cộng sản) có thể dễ dàng nhận ra bởi hành vi không khoan dung, kiểm duyệt, và lăng mạ các giá trị truyền thống.
Quá trình truyền bá chủ nghĩa thức tỉnh trong khuôn viên trường đại học bắt đầu bằng việc ngăn cấm trao đổi tự do những quan điểm. Sinh viên có thể cảm thấy bị áp lực khi phải đưa ra câu trả lời trong lớp hoặc trong các kỳ thi mà họ không tin tưởng, chỉ để thỏa hiệp với các khuynh hướng chính trị hoặc khuynh hướng xã hội của những vị giáo sư của họ. [Hiện tượng] không khoan dung xuất hiện ở khắp mọi nơi trong khuôn viên trường học. Trên thực tế, các trường cao đẳng và đại học đang trở nên nổi tiếng về tình trạng bạo lực và thù hận đối với những người theo phái bảo tồn truyền thống.
Những học sinh chuẩn bị vào đại học phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Điều gì sẽ xảy ra nếu những sinh viên này không muốn trở thành một phần của bầu không khí ngột ngạt ở các trường đại học này, nhưng họ sẽ cảm thấy rằng mình cần phải học đại học để thành công trên con đường hoạn lộ? Ông Kirk đưa ra những lựa chọn về cách thức thành công mà không cần đến một tấm bằng đại học. Một phần của giải pháp này là chỉ cần vượt qua điều mà ông Kirk cảm thấy là định kiến lỗi thời của việc không học đại học.
Ông nói rằng chúng ta cần phải phá bỏ sự thống trị của cánh tả cấp tiến đối với các viện đại học. Chúng ta cần loại bỏ các chính sách bảo trợ liên bang được cấp cho các trường đại học. Chúng ta nên khuyến khích các nhà tài trợ trao tặng cho các tổ chức thiện nguyện hơn là cho các trường đại học. Ông khuyến khích các độc giả giúp chung tay xây dựng Mỹ quốc phát triển, không cho phép các trường đại học phá hoại đất nước.
Đây là một cuốn sách tuyệt vời chứa đựng thông tin được nghiên cứu kỹ lưỡng, và có hình thức trình bày rõ ràng, súc tích. Ngay cả khi bạn là một độc giả không có mối liên hệ trực tiếp nào với các trường đại học vào lúc này, thì tôi tin rằng bạn sẽ thích cuốn sách này vì nó mang đến một cái nhìn mới mẻ về các vấn đề của việc học đại học.
‘Sự Dối Trá Của Giáo Dục Đại Học: Các Trường Đại Học Của Mỹ Quốc Đang Phá Sản và Tẩy Não Tương Lai Của Giới Trẻ Mỹ Như Thế Nào.’
Bình An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times