Bình luận sách: “Một phiếu biểu quyết: Cách một Thẩm phán tại Tối cao Pháp viện có thể thay đổi lịch sử”
Một cái nhìn rõ nét hơn về Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ
Ngay phía trên cửa chính vào tòa nhà tòa án tối cao là bốn chữ: “Equal Justice Under Law” (Công Bình Trước Pháp Luật) – Những từ thể hiện trách nhiệm cuối cùng của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, nơi đóng vai trò bảo vệ và diễn dịch Hiến Pháp.
Sau sự ra đi của cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg và tiếp đó là bổ nhiệm tân thẩm phán Amy Coney Barrett, thì Tối cao Pháp viện và cuộc bầu cử tổng thống đã trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận. Đây cũng là thời điểm hoàn hảo để cuốn sách mới nhất của Thượng nghị sĩ Ted Cruz được xuất bản: “Một phiếu biểu quyết: Một thẩm phán Tối cao Pháp viện có thể thay đổi lịch sử như thế nào”.
Thượng nghị sĩ Cruz đã đúc kết nhiều kinh nghiệm qua thời gian dài làm việc trong ngành luật. Ông từng là thư ký của Tòa án Tối cao, tổng chưởng lý của Texas, và là một luật sư tranh tụng. Ông cũng là ứng cử viên cho đề cử tổng thống trong Đảng Cộng hòa năm 2016, và hiện là thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Texas.
Thượng nghị sĩ Cruz tin rằng việc một thẩm phán của Tối cao Pháp viện có thể thay đổi lịch sử có rất nhiều ý nghĩa, vì Quốc hội ngày càng cho phép Tòa án Tối cao quyết định các vấn đề gây tranh cãi mà Quốc hội không muốn giải quyết về mặt pháp lý. Là một người bảo thủ, Cruz mong muốn các thẩm phán của Tòa án Tối cao sẽ là những người giải thích Hiến Pháp một cách chặt chẽ hơn là ban hành luật mới.
Khi cuốn sách ra mắt trước sự kiện bổ nhiệm tân thẩm phán Barrett, Thượng nghị sĩ Cruz đã giải thích rằng: Chỉ với một phiếu, chúng ta có thể sẽ mất nền Cộng hòa mà những người cha lập quốc đã truyền lại cho hậu thế. Năm thẩm phán với khuynh hướng lập hiến có thể bảo đảm nước Mỹ tiếp tục phát triển thịnh vượng, nhưng năm thẩm phán với tư tưởng tự do có thể biến đổi nền móng đất nước này.
Cuốn sách của Cruz sẽ đem đến cho người đọc những điều đáng suy ngẫm. Phần mở đầu và phần kết luận gồm các quan điểm, lời giới thiệu, và tiểu sử của tác giả. Các chương còn lại tập trung vào quyền tự do hiến pháp và các cuộc chiến quyết liệt của tòa án. Mỗi chương là một vụ kiện mà kết quả có thể khác đi chỉ do một trong các thẩm phán thay đổi phán quyết của họ.
Cuốn sách mới nhất của Ted Cruz giải thích về vai trò của Tối cao Pháp viện ngày nay.
Tự do tín ngưỡng
Không có quyền nào quý giá hơn quyền tự do tín ngưỡng. Đó là điều cơ bản cho thấy nước Mỹ là như thế nào. Cruz nhắc nhở chúng ta rằng nhiều người tìm đến quốc gia này bởi họ là nạn nhân của các cuộc đàn áp tôn giáo.
Tác giả Cruz cho biết, các Tổ phụ lập quốc muốn bảo vệ đức tin nên đã không yêu cầu bỏ tượng Chúa ra khỏi những quảng trường công cộng. Tuy nhiên, điều này đã xảy ra với những vụ kiện mà Tòa án đã cấm việc đọc lời cầu nguyện chung và cả việc đọc Kinh Thánh ở các trường công lập.
Cruz từng tham gia vụ kiện giữa Van Orden và Perry vào năm 2005, khi ấy tỷ lệ biểu quyết của các thẩm phán là 5/4. Thomas Van Orden đã kiện Texas, cho rằng tượng đài Mười Điều Răn trên khuôn viên tòa nhà thủ đô của tiểu bang thể hiện sự vi hiến của chính phủ vì ủng hộ tôn giáo. Đa số thẩm phán Tối cao Pháp viện cho rằng tượng đài là hợp hiến, vì nó thể hiện giá trị lịch sử chứ không phải giá trị tôn giáo thuần túy.
Tác giả Cruz cũng nói về tổ chức “Những Chị em nhỏ của Người nghèo” (Little Sister of the Poor), một dòng nữ tu Công giáo đã phát thệ sống trong nghèo khó và cam kết giúp đỡ người già và người nghèo. Khi ấy, Quốc hội đã thông qua chương trình ObamaCare – chương trình này yêu cầu tổ chức “Những Chị em nhỏ của Người nghèo” và các tổ chức tôn giáo khác phải trả tiền thuốc tránh thai và thuốc phá thai cho những người khác, nếu từ chối, họ phải đối mặt với hàng triệu USD tiền phạt.
Câu hỏi về cách cân bằng giữa tự do tôn giáo với sức khỏe phụ nữ đã được đưa ra trước Tòa án tối cao ba lần với các câu hỏi pháp lý khác nhau. Hiện nay, việc miễn trừ các biện pháp tránh thai cho hội “Những Chị em nhỏ của Người nghèo” đang có hiệu lực, nhưng nó có thể thay đổi sau cuộc bầu cử.
Quyền lựa chọn trường học
Tác giả Cruz tin rằng quyền lựa chọn trường học là cuộc đấu tranh dân quyền quyết định của thời đại chúng ta. Ông muốn đem đến cho tất cả các gia đình và trẻ em sự lựa chọn tối ưu về một nền giáo dục chất lượng. Ông đề cập đến vụ tố tụng khi Zelman kiện Simmons-Harris vào năm 2002 (tỷ lệ biểu quyết 5/4), trong đó Tòa án Tối cao ủng hộ một chương trình Ohio trao tem phiếu học phí cho phụ huynh trong Học khu Thành phố Cleveland để họ gửi con cái đến trường công hoặc các trường tư mà họ lựa chọn.
Tu chính án thứ hai
Tu chính án thứ hai viết rằng: “Một lực lượng dân quân được điều tiết tốt là điều cần thiết cho an ninh của một quốc gia tự do, quyền của người dân được giữ và mang theo vũ khí sẽ không bị xâm phạm.”
Cruz cho rằng những người lập ra các điều khoản của Tu chính án thứ hai đã đưa điều khoản đó vào Tuyên ngôn Nhân quyền để bảo vệ cuộc sống, nhà cửa, và gia đình của chúng ta. Trong vụ kiện giữa quận Columbia và Heller năm 2008 (tỷ lệ biểu quyết 5/4), Tòa án Tối cao đã quyết định rằng Tu chính án thứ hai bảo vệ quyền một cá nhân được giữ và đem vũ khí để tự vệ. Cruz cho rằng bất chấp quyết định này, việc tịch thu súng ngày càng trở thành trọng tâm của phái cấp tiến.
Phá thai
Cruz ủng hộ sự sống. Không đồng tình với án lệ Roe và Wade (1973), ông lập luận rằng Tuyên ngôn Độc lập bảo đảm “tất cả mọi người sinh ra đều được bình đẳng, rằng họ được Tạo hóa ban tặng cho một số quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. “Sự sống” là “quyền không thể chuyển nhượng” đầu tiên và áp dụng cả cho thai nhi.
Trong chương này, tác giả thảo luận hai phán quyết về việc “sinh con một phần”, một thủ thuật phá thai muộn khi bác sĩ đỡ một phần thai nhi, và sau đó, lúc đầu của đứa trẻ vẫn còn trong bụng mẹ, họ dùng kéo và kẹp để kết thúc cuộc đời của đứa trẻ. Trong vụ Stenberg kiện Carhart năm 2000 (tỷ lệ biểu quyết 5/4), Tòa án Tối cao đã hủy bỏ lệnh cấm của Nebraska đối với phá thai một phần. Sau đó, vào năm 2003, Quốc hội thông qua và tổng thống đã ký “Đạo luật Cấm Phá thai từng phần”. Trong vụ Gonzales kiện Carhart năm 2007 (tỷ lệ biểu quyết 5/4), Tòa án Tối cao đồng ý và nói rằng quyết định cấm này là hợp hiến.
Tự do ngôn luận
Tòa án Tối cao đã phán quyết trong vụ Citizens United kiện Ủy ban Bầu cử Liên bang năm 2009 (tỷ lệ biểu quyết 5/4) rằng điều khoản tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất cấm Chính phủ hạn chế các khoản chi độc lập cho truyền thông chính trị của các công ty, bao gồm các công ty phi lợi nhuận, liên đoàn lao động, và các hiệp hội khác.
Quyết định này đã bị phản đối vì cho phép các tập đoàn khổng lồ mua các cuộc bầu cử chính trị. Cruz không đồng ý với lời phê bình đó, giải thích rằng mặc dù các tập đoàn không phải là cá nhân, nhưng về mặt pháp lý họ có thể được coi là những người đến với nhau vì một mục đích chung. Đương nhiên, trong trường hợp này, Tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận sẽ được áp dụng.
Tác phẩm của Ted Cruz là một cuốn sách giá trị. Sau khi đọc tác phẩm của ông, độc giả sẽ dễ dàng nhận thấy Tòa án Tối cao có tác động như thế nào đối với cuộc sống của người dân Mỹ và tại sao tác giả lại ủng hộ các thẩm phán phù hợp với Hiến Pháp.
Linda Wiegenfeld thực hiện
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times