Biểu tượng chính thức của Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ: Semper Supra
Tuyên bố của Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ ngày 22/7 đã tiết lộ biểu tượng chính thức: Semper Supra, tức ‘‘Luôn Luôn Cao Hơn’’ kèm với việc chú giải chi tiết về thiết kế.
“Biểu tượng và phương châm tôn vinh di sản và lịch sử của Lực Lượng Vũ trụ Hoa Kỳ. Được sử dụng lần đầu vào năm 1961, biểu tượng delta nhằm tôn vinh di sản của Bộ Tư lệnh Vũ trụ và Không lực Hoa Kỳ”, các quan chức Lực Lượng Vũ trụ Hoa Kỳ cho biết trong bản tuyên bố.
Ngôi sao ở trung tâm của thiết kế đại diện cho Bắc Đẩu tinh, tượng trưng cho ánh sáng dẫn đường.
Con dấu chính thức của Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ, cũng sử dụng biểu tượng delta, đã được giới thiệu lần đầu vào đầu năm nay.
Trong khi một số người cho rằng con dấu này đạo nhái hình ảnh của hạm đội Starfleet trong loạt phim khoa học viễn tưởng “Star Trek”, thì Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ nêu rõ rằng biểu tượng delta đã được Không lực Hoa Kỳ sử dụng từ đầu những năm 1940, trước khi tiếp tục được dùng ở các tổ chức không gian vũ trụ đầu tiên của Không lực Hoa Kỳ, từ năm 1961 – trước khi tập phim “Star Trek” đầu tiên được công chiếu.
Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ được chính thức thành lập vào năm 2019, bên cạnh các Lực lượng Lục quân, Hải quân, Không quân, Tuần duyên và Thủy quân lục chiến với tư cách là một quân chủng độc lập. Đây là lần đầu tiên một quân chủng mới được thành lập trong hơn 60 năm vừa qua.
Việc thành lập Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ kết hợp với chiến lược phòng thủ không gian vũ trụ trong cùng một đơn vị quản lý, diễn ra khi Hoa Kỳ tăng tốc trong cuộc chạy đua vũ trụ mới với Nga và Trung Cộng.
Lâu nay, chiến tranh không gian vũ trụ có thể được hiểu một cách đơn giản là chiến tranh vệ tinh, chủ yếu là bảo vệ, vũ khí hóa và vô hiệu hóa các kiến trúc về nhận biết và đánh giá thông tin toàn diện, dùng để giữ vững quân đội và xã hội hiện đại.
Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ đã đặt ra các mục tiêu trong Chiến lược Không gian Vũ trụ Quốc phòng được công bố hồi tháng trước.
Trích dẫn từ một biên bản ban đầu của bộ tài liệu Chiến lược Không gian Vũ trụ, được công bố ngày 17/6/2020, cho biết, “Trung Cộng và Nga đều vũ khí hóa không gian vũ trụ như một phương tiện nhằm làm giảm hiệu quả quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh, đồng thời thách thức quyền tự do hoạt động của chúng ta trong không gian vũ trụ”. Tài liệu này đề ra cơ cấu cần thiết để đạt được “lợi thế quân sự toàn diện” trong không gian vũ trụ trong vòng 10 năm.
Ba mục tiêu chính được xác định cho Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ gồm: duy trì ưu thế về không gian vũ trụ của Hoa Kỳ; cung cấp sự hỗ trợ về không gian vũ trụ cho tất cả các hoạt động quân sự chung; và “đảm bảo sự ổn định trong không gian vũ trụ”, hoặc để ngăn chặn sự xâm lược và duy trì các thỏa thuận quốc tế về không gian vũ trụ với sự hiện diện lâu dài, tương tự như cách mà Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ kiểm soát các vùng biển quốc tế.
Khẩu hiệu “Semper Supra” của Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ được thể hiện bằng tiếng La tinh, có sự tương đồng với khẩu hiệu của Lực lượng Thủy quân lục chiến và Tuần duyên. Khẩu hiệu của Lực lượng Thủy quân lục chiến là Semper Fidelis, nghĩa là Always Faithful (Luôn luôn Trung thành); trong khi khẩu hiệu của Lực lượng Tuần duyên là Semper Paratus, nghĩa là Always Ready (Luôn luôn Sẵn sàng).
Khẩu hiệu của Lực lượng Hải quân thường được gọi là “Not self but country” (Không vì bản thân, mà vì quốc gia). Tuy nhiên, theo thông tin trong mục “Lịch sử” của trang web Lực lượng Hải quân thì khẩu hiệu này không được chính thức công nhận.
Lực lượng Không quân thì dùng khẩu hiệu “Aim High … Fly-Fight-Win” (Nhắm mục tiêu cao … Bay – Chiến đấu – Chiến thắng) vào năm 2010; còn khẩu hiệu của Lục quân là “This We’ll Defend” (Chúng tôi sẽ bảo vệ tổ quốc).
Trong khi nhiều đơn vị của quân đội Hoa Kỳ có khẩu hiệu riêng, thì toàn bộ quân đội Hoa Kỳ dường như không có một khẩu hiệu chính thức nào.
Tác giả: Simon Veazey