Biên bản của Fed cho thấy sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa, sau đó lãi suất sẽ cao hơn trong ‘một thời gian’
Tại cuộc họp chính sách mới nhất, các quan chức Hệ thống Dự trữ Liên bang đang nghiêng về hướng tăng lãi suất thêm một lần nữa và sau đó giữ lãi suất ở mức cao trong ‘một thời gian.’
Hồ sơ thảo luận mới đây được công bố giữa các nhà hoạch định chính sách của Hệ thống Dự trữ Liên bang cho thấy rằng họ dự kiến có một đợt tăng lãi suất nữa và sau đó họ sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong “một thời gian,” mặc dù sự gia tăng gần đây của lãi suất công khố phiếu dài hạn có thể đã làm thay đổi tính toán đó.
Biên bản cuộc họp tháng Chín gần đây nhất của cơ quan ấn định lãi suất Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) được công bố hôm 11/10 cho thấy “đa số” các quan chức tin rằng một đợt tăng lãi suất nữa “có thể là phù hợp” để đạt được mục tiêu lạm phát gần hơn với mục tiêu 2% của Fed.
Tại cuộc họp đó, các thành viên FOMC đã chọn giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5.25-5.5% — mức cao nhất trong 22 năm.
Ngược lại, biên bản viết, “một số người đã đánh giá rằng có khả năng sẽ không cần một đợt tăng lãi suất nào nữa,” đó là một quan điểm phù hợp chặt chẽ với kỳ vọng của thị trường về khả năng trên 90% sẽ có một đợt tạm dừng khác tại cuộc họp tiếp theo của FOMC vào tháng Mười Một.
Trước khi biên bản này được công bố, sự gia tăng [lãi suất] của công khố phiếu Hoa Kỳ có kỳ hạn dài hơn — khiến các khoản vay của chính phủ trở nên đắt đỏ hơn — đã khiến một số quan chức Fed đề nghị rằng ngân hàng trung ương có thể giữ nguyên lãi suất trong tháng Mười Một.
Tâm điểm là sự tăng vọt lợi suất trái phiếu
Kể từ cuối tháng Bảy, lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm tiêu chuẩn đã tăng từ khoảng 4% lên khoảng 4.8% — mức cao nhất trong 16 năm.
Theo Freddie Mac, lãi suất vay nợ mua nhà, vốn gắn chặt với lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm, đã tăng lên 7.5%, mức cao nhất trong 23 năm.
Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng, làm tăng chi phí đi vay của doanh nghiệp.
Ông Philip Jefferson, phó chủ tịch hội đồng quản trị Fed, cho biết trong bài nói hôm thứ Hai (10/10) trước Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia (NABE) rằng lãi suất trái phiếu cao hơn là điều mà ông sẽ “nghĩ tới khi tôi đánh giá đường hướng chính sách trong tương lai.”
Nói tại cùng một sự kiện, bà Lorie Logan, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas và là thành viên bỏ phiếu của FOMC, nói rằng những biến động của thị trường xung quanh lãi suất trái phiếu dài hạn sẽ thắt chặt các điều kiện tài chính và thực hiện được một số mục tiêu của Fed, hạ thấp khả năng ngân hàng trung ương này phải tiến hành một đợt tăng lãi suất khác.
Đề cập đến lãi suất chuẩn của ngân hàng trung ương, bà Logan nói: “Nếu lãi suất dài hạn vẫn ở mức cao” khi các nhà đầu tư yêu cầu lợi nhuận cao hơn khi nắm giữ những trái phiếu dài hạn mà họ cho là rủi ro hơn, thì “có thể sẽ ít cần phải tăng lãi suất quỹ liên bang hơn nữa.”
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta Raphael Bostic nói với Hiệp hội Ngân hàng Hoa Kỳ hôm thứ Ba (11/10) rằng ông không nghĩ cần tăng thêm lãi suất. Ông cho biết chính sách tiền tệ đã đủ tính thắt chặt và phần lớn tác động của loạt đợt tăng lãi suất của Fed cho đến nay vẫn chưa được cảm nhận rõ ràng.
Biên bản cuộc họp mới nhất của Fed cho thấy tất cả các thành viên ủy ban ấn định lãi suất “đồng ý rằng chính sách sẽ vẫn mang tính thắt chặt trong một thời gian,” xác nhận điều đó bằng cách nói rằng dấu hiệu về thời điểm bắt đầu hạ lãi suất sẽ không đến cho đến khi FOMC “tin tưởng rằng lạm phát đang giảm dần theo hướng mục tiêu của Fed.”
Biên bản viết: “Một số người tham gia lưu ý rằng tốc độ lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% của Ủy ban sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của họ về mức lãi suất chính sách nào là đủ thắt chặt và thời gian duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ.”
Sau khi biên bản được công bố, các chỉ số chính của Wall Street đóng cửa cao hơn sau một phiên giao dịch đầy biến động.
Lạm phát tăng tốc trở lại
Dữ liệu giá mới nhất cho thấy lạm phát đã tăng tốc trong tháng Tám lên 3.7% so với cùng thời kỳ năm trước, tăng từ mức 3.2% một tháng trước đó. So với tháng trước, giá tăng ở mức 0.6%, tăng từ mức 0.2% của tháng trước.
Các thị trường đang chờ dữ liệu lạm phát tiếp theo được công bố, dự kiến hôm 12/10.
Chương trình Inflation Nowcasting của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland dự đoán rằng lạm phát trong tháng Chín phù hợp với tốc độ 3.7 của tháng Tám, trong khi mức tăng so với tháng trước được dự kiến là 0.4%.
Dữ liệu giá sản xuất công bố hôm 11/10 cho thấy lạm phát chi phí kinh doanh, vốn là tiền đề của lạm phát tiêu dùng, ở mức 2.2% so với cùng thời kỳ năm trước — tăng từ mức 2.0% một tháng trước đó.
Ông Mark Hamrick, nhà phân tích kinh tế cao cấp tại Bankrate, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử rằng ông kỳ vọng dữ liệu lạm phát thứ Năm (12/10) sẽ cho thấy “có thể giảm nhẹ ở mức khiêm tốn so với mức tăng 3.7% trong tháng Tám, giảm từ mức cao nhất trong bốn thập niên là 9.1% hồi tháng 06/2022, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu 2% của Hệ thống Dự trữ Liên bang.”
Ông nói thêm: “Đối với những người tiêu dùng đang cố gắng quản lý tài chính cá nhân của họ trong bối cảnh lạm phát, tình hình giá cả giống như đang chiến đấu với bệnh tật. Vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất không có nghĩa là cảm thấy tốt hơn hay khỏe mạnh.”
Niềm tin người tiêu dùng suy giảm
Theo Conference Board, tháng Chín chứng kiến niềm tin của người tiêu dùng giảm tháng thứ hai liên tiếp xuống mức thấp nhất trong vòng bốn tháng.
Kỳ vọng về triển vọng kinh tế trong sáu tháng tới đã giảm xuống dưới ngưỡng suy thoái 80 của Conference Board, phản ánh niềm tin ngày càng suy yếu về điều kiện kinh doanh, tình trạng việc làm sẵn có, và thu nhập.
Bà Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng tại Conference Board, cho biết trong một tuyên bố: “Các câu trả lời viết tay cho thấy người tiêu dùng tiếp tục bận tâm đến giá cả tăng nói chung, và giá cả hàng bách hóa và xăng dầu nói riêng. Người tiêu dùng cũng bày tỏ lo ngại về tình hình chính trị và lãi suất cao hơn.”
Sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng trùng khớp với những nhận xét gần đây của cựu Giám đốc điều hành Walmart Bill Simon, người đã nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn hôm 09/10 rằng một loạt các yếu tố — phân cực chính trị, lạm phát, và lãi suất cao — tất cả đều phối hợp với nhau để làm suy yếu người tiêu dùng và xu hướng chi tiêu của họ.
Ông Simon nói với cửa hàng: “Hàng loạt các vấn đề đó gây gánh nặng cho người tiêu dùng và khiến họ cảnh giác. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, có lý do để người tiêu dùng tạm dừng [chi tiêu].”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times