Bị ĐCSTQ gắn mác ‘phản bội’: Nghị sĩ Úc lên án sự thâm nhập của Bắc Kinh ở hải ngoại
Ông Limbrick cho biết ông rất phẫn nộ khi tiền đóng thuế của người Úc lại được sử dụng vào cuộc đàn áp ở Trung Quốc.
Nghị sĩ David Limbrick của tiểu bang Victoria đã chỉ trích gay gắt một chương trình của đài truyền hình quốc gia Úc vì chương trình này đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lợi dụng để tiếp tục đàn áp một nhóm tâm linh ở Trung Quốc.
Những lời bình luận này đã được đưa ra nhằm ủng hộ một kiến nghị của Nghị sĩ Adem Somyurek, trong đó có một đơn thỉnh cầu gửi đến Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO) yêu cầu cơ quan này cung cấp thông tin tổng quan cho các nghị sĩ tiểu bang về các chiến thuật tân tiến được các đặc vụ ngoại quốc sử dụng để chiêu mộ các nghị viên của Úc.
“Các nghị sĩ tiểu bang không nhận được bất kỳ thông tin nào về các buổi tóm lược tình hình bí mật liên quan đến an ninh quốc gia. Chúng tôi không nhận được thông tin mật,” ông Somyurek nói.
Hành động này được đưa ra sau những tiết lộ của ASIO rằng một nghị sĩ đương nhiệm đã phản bội nước Úc để theo một chế độ ngoại quốc, và tổ chức tình báo này đã chọn không nêu tên cá nhân đó.
Ông Somyurek nói: “Mặc dù tôi nhận ra tầm quan trọng của việc phải bảo vệ các cuộc điều tra đang diễn ra, nhưng tôi cho rằng việc không nêu tên cựu nghị sĩ có liên quan này sẽ gây ra nguy cơ gây xói mòn niềm tin vào Quốc hội,” đồng thời nhấn mạnh rằng việc duy trì niềm tin của công chúng đối với các thể chế của đất nước là điều tối quan trọng.
Tập đoàn phát thanh truyền hình Úc phớt lờ những lời cầu xin
Đáp lại, ông Limbrick đã chia sẻ một câu chuyện để minh họa việc chính phủ và các chính trị gia ở các cấp cần được giúp đỡ để hiểu các phương pháp mà các chế độ độc tài sử dụng khi cố gắng làm suy yếu chính quyền địa phương.
“Đầu năm 2020, tôi nhận được một lá thư từ nhóm Pháp Luân Công, một nhóm thiểu số đang bị đàn áp nặng nề ở Trung Quốc, và nhiều người trong số họ đã đào thoát khỏi Trung Quốc và xem Úc là quê hương của họ. Họ là những người tin vào sự khoan dung và lòng nhân ái,” ông nói trước Quốc hội Victoria hôm 06/03.
Ông Limbrick cho biết bức thư đã “thực sự khẩn nài” ABC đừng phát sóng một bộ phim tài liệu về Pháp Luân Công vì lo ngại rằng bộ phim này sẽ được sử dụng để tiếp tục đàn áp bằng hữu và thân nhân của họ ở Trung Quốc cũng như truyền bá thông tin sai lệch về môn tu luyện này.
“Ý tưởng rằng tiền đóng thuế của người Úc sẽ được sử dụng để sản xuất những tư liệu dùng để đàn áp tôn giáo là một trong những điều kỳ quặc nhất mà tôi có thể tưởng tượng.”
“ABC đã phớt lờ những lời cầu xin của họ và vẫn phát sóng bộ phim. Hóa ra, trên thực tế, [các học viên] Pháp Luân Công hoàn toàn đúng,” ông nói, kể lại rằng một ngày sau khi được phát sóng, bộ phim đã được dịch và phát hành trên một trang web do ĐCSTQ hậu thuẫn có nhiệm vụ truyền bá thông tin sai lệch về môn tu luyện này.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện thiền định tập trụng vào các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý cốt lõi Chân, Thiện, và Nhẫn.
Tuy rằng ban đầu ủng hộ môn tu luyện, với ước tính chính thức cho thấy số học viên là 100 triệu người, nhưng sau đó ĐCSTQ đã bất ngờ phát động một chiến dịch đàn áp tàn bạo nhắm vào các học viên Pháp Luân Công vào ngày 20/07/1999 — gần 25 năm trước.
Mặc dù cách Bắc Kinh mấy đại dương, nhưng các học viên sống ở Úc vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự đe dọa từ chế độ này thông qua việc gây áp lực lên thân nhân và bằng hữu của họ ở Trung Quốc, sự giám sát của địa phương, hoặc các vụ bạo hành thể xác và công kích bằng lời nói từ những người ủng hộ ĐCSTQ.
Ông Limbrick nói, “Tôi rất phẫn nộ khi đài truyền hình quốc gia của chúng ta [phát sóng] bộ phim này mặc dù đã được thông báo điều gì sẽ xảy ra. Và chính xác những gì [các học viên] Pháp Luân Công nói sẽ xảy ra thì đã xảy ra rồi.”
Nghị sĩ của tiểu bang Victoria này tiết lộ rằng ông đã ngay lập tức gửi đơn khiếu nại chính thức tới ABC cũng như Cơ quan Truyền thông và Truyền thông Úc (ACMA).
“ABC đã tự điều tra nội bộ và nhận thấy họ không làm gì sai. Và ACMA nói rằng không có gì sai cả,” ông nói.
“Tôi không đồng ý với những quan điểm đó. Tôi nghĩ rằng họ đã đặt một cộng đồng rất dễ bị tổn thương vào hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm qua những hành động của mình.”
Bị ĐCSTQ gắn mác là ‘kẻ phản bội’
Sau khi những lời khiếu nại chính thức của ông Limbrick với ABC về bộ phim tài liệu được truyền thông đưa tin, trang web của ĐCSTQ đã gán mác ông là “kẻ phản bội” nước Úc. Đây là một thông tin gây chấn động khủng khiếp đối với vị nghị sĩ này.
“Tôi thấy tên tôi trên trang web của Đảng Cộng sản [Trung Quốc]. Họ gọi tôi là kẻ phản bội đất nước, điều này khiến tôi tổn thương hơn bất cứ điều gì xảy ra với tôi tại Quốc hội,” ông nói.
“Lý do họ gọi tôi là kẻ phản bội là vì tôi đang bảo vệ quyền lợi cho một nhóm tôn giáo bị đàn áp và bất đồng ý kiến với kênh truyền thông nhà nước của chúng ta.”
Ông Limbrick nhấn mạnh rằng Úc cần phải thay mặt cho tất cả người dân Úc đứng lên chống lại loại hình chế độ này, đặc biệt là những người bất đồng chính kiến hiện đang gọi đất nước này là quê hương.
Ông nói: “Đây là hạng người mà chúng ta đang phải đối phó, những kẻ cố gắng xâm nhập và gây ảnh hưởng đến đất nước chúng ta.”
“Việc các nghị viên ít nhất cũng không được ASIO cung cấp thông tin tổng quan về những vấn đề này thật là một thiếu sót rành rành.”
Ông kêu gọi mọi người ủng hộ nhiều hơn cho các nghị sĩ để chống lại kiểu can thiệp này của ngoại quốc.
Úc tụt hậu so với thế giới
Hoa Kỳ, Canada, và Liên minh Âu Châu đều thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các học viên Pháp Luân Công và chỉ trích ĐCSTQ vì những hành vi tàn bạo về nhân quyền đối với môn tu luyện này.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thể hiện rõ sự ủng hộ với các học viên nhân dịp kỷ niệm 24 năm cuộc đàn áp trong khi EU đã thông qua một nghị quyết hồi tháng Một lên án cuộc đàn áp và kêu gọi mở một cuộc điều tra về cuộc đàn áp tàn bạo này.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times