Bị bão thổi tới đảo hoang, các thợ lặn tình cờ phát hiện chiếc máy tính lâu đời nhất
Vào năm 1900, một số thợ lặn đã bị một cơn bão thổi xa khỏi thuyền và dạt đến hòn đảo hoang vắng Antikythera. Khi cơn bão dừng lại, họ đã lặn xuống và tình cờ bắt gặp một đống tượng đồng và đá cẩm thạch trên một con tàu đắm, đây dường như là tàn tích của một nền văn minh cổ đại.
Ngay khi biết tin, chính phủ Hy Lạp đã thuê người trục vớt con tàu bị đắm. Trong quá trình trục vớt đã có một người chết và hai người bị liệt, tổng cộng mất 10 tháng mới hoàn thành công việc khó khăn và nguy hiểm này. Tuy nhiên, họ đã mang về những báu vật vô giá: Các bức tượng lớn bằng đá cẩm thạch và đồng, đồ trang sức, đồ thủy tinh sáng chói, vò hai quai, đồ gốm và đồ nội thất cổ… trong đó còn có một vương miện được trang trí công phu.
Những bảo vậy này sau đó đã được đặt trong Bảo tàng Khảo cổ học của Athens. Vài tháng sau, một viên đá bị ăn mòn đã dần dần vỡ ra, để lộ một vật dụng có bánh răng, khắc thang chia độ hình tròn và văn tự Hy Lạp cổ đại. Đây chính là thứ về sau được gọi là “Cỗ máy Antikythera” (Antikythera Mechanism), được cho là máy tính cổ nhất từng được phát hiện trên thế giới.
Máy tính thiên văn công nghệ cao
Vào năm 1905, nhà ngữ văn học người Đức Albert Rehm là người đầu tiên nhận ra cỗ máy Antikythera là một máy tính thiên văn. Ông Derek J. de Solla Price, một nhà sử học về khoa học và công nghệ tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton, Hoa Kỳ, thông qua chụp ảnh X-quang đã phát hiện ra rằng tỷ lệ của một bộ bánh răng trong cỗ máy Antikythera trùng với chu kỳ lịch âm của thời Babylon cổ đại. Mức độ tinh xảo trong thiết kế kết hợp với sự am hiểu về thiên văn cho thấy người chế tạo ra nó có yêu cầu rất cao về mặt chuẩn xác.
Về sau còn có rất nhiều học giả khác đã nghiên cứu chiếc máy này, trong đó đáng chú ý nhất là ông Michael T. Wright, giám đốc Bảo tàng Khoa học ở London, Vương quốc Anh. Ông đã hiệu chỉnh mô hình của ông Price bằng kỹ thuật chụp X-quang 3D. Ông Wright đồng ý rằng thang đo chia độ ở mặt sau của thiết bị là dựa trên “Chu kỳ Meton” (chu kỳ lịch âm của người Babylon), được đặt theo tên của nhà thiên văn Meton sống vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên.
Công cụ Giáo dục và Bói toán
Các nghiên cứu hiện tại cho rằng, văn tự trên cỗ máy Antikythera giống như một hướng dẫn sử dụng, cho phép người dùng hiểu những gì họ quan sát được trong khi vận hành, vì vậy nó được cho là một công cụ giáo dục vào thời điểm đó. Trong văn tự khắc trên đó có một đoạn mô tả những ngôi sao có thể hoặc không thể nhìn thấy vào những thời điểm khác nhau do ánh sáng chói lọi của mặt trời. Phong cách của những mô tả này được cho là rất gần với các tài liệu thiên văn nổi tiếng do nhà thiên văn học Hy Lạp cổ đại Geminus viết vào thế kỷ 1 trước Công nguyên.
Một đoạn chữ khác trên cỗ máy thì dường như đang thảo luận về màu sắc có thể có của nhật thực và nguyệt thực. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là chiêm tinh học, dùng để dự đoán hung hay cát từ các hiện tượng thiên văn.
Vào thời kỳ đó, nhà triết học kiêm chính trị gia La Mã Cicero đã viết rằng, bạn của ông kiêm cố vấn viên Poseidonius “gần đây đã tạo ra một quả địa cầu, khi nó quay, nó có thể cho thấy tình huống mặt trời, các ngôi sao và hành tinh di chuyển trên bầu trời vào ban ngày và ban đêm, giống như chúng thực sự ở trên bầu trời vậy”.
Ông còn đề cập rằng, nhà toán học trứ danh Archimedes cũng đã thiết kế một mô hình có thể “mô phỏng quỹ đạo của các thiên thể”. Tuy nhiên, đáng tiếc là luận văn công trình “Về việc chế tạo quả cầu” (On sphere-making) của Archimedes chưa từng được truyền ra bên ngoài.
Trong khi giải mã văn tự trên thiết bị, nhà khảo cổ học người Mỹ Alexander Jones và nhà sử học John Steele ở Đại học Durham, Vương quốc Anh đã phát hiện rằng, từ “Pachon” đại diện cho tháng đã từng xuất hiện trên lịch địa phương ở miền tây Hy Lạp, và lịch này có nguồn gốc từ thành phố Syracuse, nơi Archimedes sinh sống. Do đó, họ suy đoán rằng cỗ máy Antikythera được xây dựng theo lý thuyết của Archimedes.
Tại sao công nghệ cao không được sử dụng trong sản xuất?
Cỗ máy Antikythera đã cho thấy sự am hiểu thiên văn của người Hy Lạp cổ đại, điều quan trọng hơn là thông điệp cho thế hệ tương lai rằng người Hy Lạp cổ đại có kỹ năng thiết kế cơ khí xuất sắc nhưng chưa được biết đến. Một số nhà sử học đã chế nhạo người Hy Lạp thời điểm đó, vì họ đã không sử dụng công nghệ của họ cho những việc hữu ích. Nếu họ có động cơ hơi nước, tại sao không sử dụng nó vào các ngành nghề? Tại sao đồng hồ không được phát minh khi đã có thiết bị dây cót?
Điều này có thể liên quan đến thái độ của người Hy Lạp cổ đại đối với công nghệ: Sự phát triển của công nghệ là không gì ngoài mục đích tạo thuận lợi cho cuộc sống của con người và mang lại cho con người sự hưởng thụ nhiều hơn. Họ tin rằng sự vận động của vạn vật là sự sắp đặt của Thượng Đế; việc tạo ra các mô hình người, động vật và các thiên thể là một cách để lý giải và chứng minh các đặc tính của vũ trụ. Hay nói cách khác, công nghệ là một cách để hiểu các ý chỉ và an bài của Thượng Đế mà thôi!
Tài liệu tham khảo:
ADRIENNE LAFRANCE, “The Most Mysterious Object in the History of Technology,” The Atlantic, June 20 2016.