Khám phá khảo cổ mới: Công nghệ LiDAR phát hiện di chỉ văn minh Amazon cổ đại
Trước nay, con người luôn cho rằng rừng rậm Amazon hàng nghìn năm qua là một nơi không thể tiếp cận hoặc chỉ có một số ít người bản địa ẩn cư.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới sử dụng công nghệ cảm biến ánh sáng trên không để khám phá tàn tích của nền văn minh cổ đại bên dưới khu rừng rậm rạp này. Qua đó phát hiện rằng, có 26 khu định cư lớn nhỏ được kết nối với nhau, với các bậc thang nhân tạo, các tòa nhà bằng đất lớn và thậm chí cả kim tự tháp.
Rừng rậm Amazon là một trong số ít những khu rừng nguyên sơ còn sót lại trên Trái Đất, và các truyền thuyết nói rằng một số nền văn minh cổ đại đã mất được ẩn giấu bên trong khu rừng này. Ví dụ, El Dorado là một trong số đó, thu hút nhiều nhà thám hiểm Tây Ban Nha đi săn tìm kho báu, và một số người đến đó đã không bao giờ quay về.
Một nghiên cứu được công bố ngày 25/5/2022 trên tạp chí Nature đã mô tả những phát hiện mới của các nhà khoa học. Nhóm khoa học gia này đã sử dụng công nghệ viễn thám dựa trên ánh sáng – “Light Detection and Ranging” (viết tắt là LiDAR), dùng máy bay trực thăng để dò tìm từ độ cao 650 feet so với mặt đất. Kết quả, họ đã phát hiện thấy một thành phố bị thất lạc trong rừng rậm Amazon ở Bolivia.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng thành phố này tồn tại vào khoảng năm 500-1400 sau Công nguyên, tức khoảng 600 năm trước. Từ bản đồ sau khi thăm dò được vẽ ra, có thể thấy đây từng là một thành phố thịnh vượng với cấu trúc xã hội phức tạp. Các nhà nghiên cứu gọi đó là Văn hóa Casarabe (Casarabe Culture). Tổng diện tích khu định cư của bộ lạc này vượt quá 4,500 km vuông.
Nhóm nghiên cứu vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về khu định cư văn hóa, với 2 khu định cư lớn và 24 khu định cư nhỏ, 15 trong số đó đã được phát hiện trước đó. Tuy nhiên, nghiên cứu trước đây không thấy được mối liên kết giữa các khu định cư này, cho rằng họ là những thổ dân riêng biệt sống trong những khu rừng rậm rạp.
Qua phát hiện có thể thấy rằng ở thành phố này có một mạng lưới xã hội khá phức tạp. Nằm ở phía trên mặt đất, các cấu trúc giống như đường đắp cao kết nối các “thành phố” lớn và nhỏ, với hệ thống kiểm soát và tưới tiêu tích hợp quy mô lớn, bể chứa nước, kênh đào, các tòa nhà trên sân thượng cao 5 mét và thậm chí cả tòa nhà kim tự tháp cao 21 mét.
Điều khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên hơn nữa là các quy hoạch kiến trúc trong đó đã khéo léo tận dụng địa hình tự nhiên, áp dụng thành công các chiến lược phát triển bền vững và bảo vệ tốt nhất sự đa dạng của môi trường tự nhiên địa phương.
Lấy cảm hứng từ khám phá này, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng trong vài nghìn năm qua, rừng rậm Amazon không phải là nơi dân cư thưa thớt, nơi chỉ có một số bộ lạc nguyên thủy sinh sống, mà có thể đã có một số các nền văn minh phát triển.
Ông Heiko Prümers thuộc Viện Khảo cổ học Đức (German Archaeological Institute) là một trong những nhà nghiên cứu tham gia vào nghiên cứu này. Ông cho biết: “Tôi tin rằng trong 10 đến 20 năm tới, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều thành phố như thế này nữa, một số có thể có quy mô lớn hơn so với nghiên cứu này.”