Bệnh viện Vũ Hán cung cấp 4 quả tim trong 10 ngày: Nạn mổ cướp nội tạng vẫn tiếp diễn?
Chín tháng qua, một bệnh nhân 24 tuổi có tên là Tôn Linh Linh (Sun Lingling) phải sống trong tình trạng nhờ sự hỗ trợ y tế của bệnh viện do tổn thương tim. Các bác sĩ tại bệnh viện Liên hiệp Vũ Hán sau đó cho biết đã có sẵn bốn quả tim để phục vụ ca phẫu thuật ghép tim cho cô Tôn. Điều này khiến cộng đồng quốc tế đặt ra nhiều câu hỏi.
Cô Tôn sống ở Nhật Bản, bị mắc một căn bệnh tự miễn dịch hiếm gặp dẫn đến tổn thương tim không thể phục hồi. Vào giữa tháng Sáu, đội ngũ y tế đưa cô đến Bệnh viện Liên hiệp Vũ Hán của Trung Quốc trên một chuyến bay được thuê riêng.
Chỉ trong vòng 10 ngày, họ tìm thấy bốn quả tim phù hợp với cô. Sau cuộc phẫu thuật kéo dài bảy tiếng đồng hồ, cô đã bình phục và có thể tự ăn uống.
Những câu chuyện kể về sự sống sót của cô Tôn và hình ảnh cô mỉm cười tạo dáng với dấu tay chiến thắng trên giường bệnh đã xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo lớn ở Trung Quốc, với những tiêu đề ấn tượng như “Cuộc chạy đua sinh tử” (Hoa ngữ). Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản ca ngợi, cuộc phẫu thuật như một “huyền thoại” và coi đây là sự kiện thể hiện tình hữu nghị hợp tác Trung-Nhật.
Nhưng với hệ thống hiến tạng tự nguyện vẫn đang trong thời kỳ sơ khai của Trung Quốc, các chuyên gia đặt câu hỏi làm thế nào bệnh viện có thể tìm thấy nguồn nội tạng phù hợp nhanh đến vậy. Điều này làm dấy lên mối lo ngại lâu nay về các cáo buộc Trung Quốc đang thực hiện việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm để kiếm lời.
Nội tạng theo yêu cầu
Quả tim đầu tiên phù hợp với cô Tôn đến từ Vũ Hán vào ngày 16/06/2020, nhưng theo đánh giá của các bác sĩ, tình trạng sức khỏe của cô Tôn chưa phù hợp để thực hiện ghép tạng nên họ đã bỏ nội tạng này. Ba ngày sau, họ tìm thấy trái tim phù hợp thứ hai từ tỉnh Hồ Nam, gần Vũ Hán, nhưng do cô Tôn sốt cao nên ca phẫu thuật lại phải trì hoãn. Tới ngày 25/06 cô tiếp tục nhận được hai quả tim, một của một người phụ nữ ở Vũ Hán và một của một người đàn ông ở Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc. Họ chọn trái tim thứ hai vì thấy chức năng tim tốt hơn, theo một báo cáo truyền thông của Trung Quốc.
Tiến sĩ Torsten Trey, giám đốc điều hành của tổ chức nhân đạo ngành Y – Hiệp hội các Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) đặt câu hỏi: “Ai là những người đã hiến bốn trái tim này?” Ở Mỹ, theo dữ liệu thống kê của chính phủ từ năm 2018, các bệnh nhân phải đợi trung bình 6.9 tháng mới tìm thấy một nội tạng phù hợp. Theo tỷ lệ này, để có bốn trái tim ghép cho một người – có nghĩa là phải có bốn người tình nguyện hiến nội tạng phù hợp sau khi họ chết ở trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện (ICU) hoặc do tai nạn giao thông. Thường phải mất khoảng hai năm để có được nội tạng phù hợp.
Trong năm 2020, hơn 156 triệu người trưởng thành ở Mỹ – hay nói cách khác là một nửa dân số đã đồng ý hiến tạng tự nguyện. Trung Quốc mặc dù là quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng chỉ có một phần nhỏ dân số hiến tạng. Nguyên nhân là do tín ngưỡng và truyền thống văn hóa từ cổ xưa của người Trung Quốc trọng việc giữ gìn sự nguyên vẹn của thân thể sau khi chết.
Ông Jacob Lavee, giáo sư phẫu thuật và giám đốc khoa cấy ghép tim tại Đại học Tel Aviv, Israel, cho rằng: “Điều xảy ra với cô Tôn là quá bất thường, ngay cả đối với bất kỳ hệ thống hiến tạng tình nguyện nào đang hoạt động tốt. Và trong bối cảnh của Trung Quốc, một nhóm người hiến tạng như vậy chỉ trong vài ngày đã có nội tạng, làm dấy lên nghi ngờ cao độ về nguồn tạng này”.
Ông Trey nói: “Đúng hơn đó là một hệ thống hiến tạng ‘theo nhu cầu’” và gọi trường hợp của cô Tôn là “không thể giải thích được”.
Các ca ghép hai lá phổi
Hệ thống cấy ghép nội tạng của Trung Quốc đã được điều tra rất kỹ lưỡng trong những năm gần đây. Một tòa án nhân dân độc lập có trụ sở ở London đã ra kết luận vào tháng 06/2019 rằng chính quyền Trung Quốc đang thực hiện việc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm. Nguồn nội tạng chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định cải thiện tinh thần và thể chất đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp trong suốt hai thập niên qua.
Trong một báo cáo dài 160 trang công bố vào tháng Ba năm nay, tòa án này đã tuyên bố “không có bằng chứng nào chứng tỏ sự việc này đã dừng lại”, việc thiếu sự giám sát quốc tế đã khiến cho “nhiều người phải chết một cách khủng khiếp và vô ích”.
Theo một cuộc điều tra của tổ chức phi lợi nhuận Hoa Kỳ, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), khi virus viêm phổi Vũ Hán hoành hành ở Trung Quốc trong nửa đầu năm, ngành công nghiệp ghép tạng ở nước này vẫn hoạt động bình thường. Một y tá ở Quảng Tây chia sẻ với các nhà điều tra, mặc dù lo sợ bị nhiễm bệnh nhưng họ vẫn sẽ “phẫu thuật bất cứ khi nào có bệnh nhân”, chỉ là “không thực hiện việc này một cách điên cuồng như trước thời gian dịch bệnh mà thôi”.
Từ cuối tháng Hai, Trung Quốc đã thực hiện ít nhất sáu ca ghép hai lá phổi cho các bệnh nhân bị nhiễm COVID-19, ít nhất hai trong số đó đã được thực hiện tại Vũ Hán, nơi đại dịch bắt đầu bùng phát và cũng là điểm nóng của ngành ghép tạng ở đây. Các bệnh viện cung cấp rất ít thông tin về nguồn nội tạng.
Ông cũng chỉ ra rằng tương tự như trường hợp của cô Tôn, những ca cấy ghép hai lá phổi thành công cũng được giới thiệu rất nổi bật trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung. Trong một bức thư điện tử gửi tới The Epoch Times ông viết: “Thông điệp ở đây rất rõ ràng: Chúng tôi có nội tạng. An toàn. Hãy đến đây. Trung Quốc rất cởi mở với việc kinh doanh này”. Trong một cuốn sách khác có tên là “Thu hoạch Đẫm máu”, cuốn sách điều tra những lời tố cáo về hoạt động mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, có kể về câu chuyện một người Đài Loan đi du lịch để ghép tạng, người này đã tới Thượng Hải hai lần trong tám tháng để ghép tạng. Trong quá trình đó, người này đã được cung cấp tám quả thận, đến tận quả thận cuối cùng cơ thể người này mới thích ứng.
Ông Gutman nói, những hoạt động này này cho thấy dấu hiệu của một ngành công nghiệp ghép tạng “có một nguồn lớn, hoặc ổn định được lấy từ những tù nhân chính trị hoặc tín ngưỡng đã được làm xét nghiệm mô sẵn sàng cho việc cấy ghép”.
Vào tháng Bảy, Mạng truyền hình Fuji của Nhật Bản nhận nhiều chỉ trích từ những người ủng hộ nhân quyền khi phát sóng đoạn tin tức về cuộc phẫu thuật của cô Tôn. SMG, một tổ chức phản đối du lịch ghép tạng, đã viết thư cho đài truyền hình nói rằng việc làm này sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp ghép tạng đầy tai tiếng của Trung Quốc. Người ta đã tổng hợp tài liệu về lịch sử vi phạm nhân quyền của ngành này. Việc phát sóng như vậy có thể “khiến người xem có nguy cơ bị tổn hại”.
Những dữ liệu đáng ngờ
Trung Quốc mới thành lập hệ thống hiến tạng tự nguyện vào năm 2015 và hứa hẹn chỉ lấy nguồn cung từ hệ thống này. Nhiều nhà nghiên cứu đã vạch trần những tuyên bố như vậy bằng cách chỉ ra sự mâu thuẫn trong các hồ sơ của Trung Quốc.
Một nghiên cứu tháng được công bố trên tạp chí Y Khoa Đức (BMC Medical Ethics) vào tháng 11/2019 cho thấy, dữ liệu hiến tặng nội tạng của Trung Quốc “gần như chính xác với một công thức toán học”, nghiên cứu kết luận nhiều khả năng các nhà chức trách đã làm giả dữ liệu. Một bài báo khác được công bố trên tạp chí y khoa BMJ vào hồi tháng Hai đã chỉ ra rằng 440/445 bài báo khoa học về y tế không thể làm rõ liệu những cá nhân này có thực sự nguyện ý hiến các bộ phận cơ thể của họ hay không.
Trong cuộc điều tra bí mật gần đây của WOIPFG, một bác sĩ quân y cũng thừa nhận rằng nguồn nội tạng “chất lượng cao” là từ những người trẻ còn sống, thậm chí còn đề nghị các nhà điều tra đến xem nguồn nội tạng nếu họ muốn.
Lý Quốc Vĩ (Li Gouwei), một bác sĩ phẫu thuật ghép thận đến từ Đại học Quân Y số 4 tỉnh Thiểm Tây cho biết, trong một cuộc điện thoại bí mật vào tháng Một: “Miễn là thần kinh của bạn đủ cứng cỏi, tôi có thể đưa bạn đến giường bệnh để bạn nhìn… bạn sẽ thấy người đó ở độ tuổi 20”.
Sau đó, một điều tra viên của WOIPFG đã hỏi trong một cuộc phỏng vấn riêng: “Anh đang sử dụng nội tạng của học viên Pháp Luân Công, nhưng không thể công khai nói như vậy, và chỉ có thể nói rằng chúng có chất lượng tốt và không bệnh tật?”
Lý trả lời: “Đúng thế, nên nói như vậy”.
Ông Trey nói, “thời gian chờ ngắn chưa từng có” của các ca phẫu thuật ghép nội tạng gần đây của Trung Quốc như ca ghép hai lá phổi và trường hợp bệnh nhân người Nhật Bản, đã khiến cộng đồng quốc tế sửng sốt, và “phải có trách nhiệm từ chối các hoạt động y tế vô đạo đức này”.
Ông Trey nói thêm: “Nếu nước này không cho phép các cuộc thanh tra độc lập, thì không báo trước, cộng đồng ghép tạng quốc tế nên tách khỏi hệ thống cấy ghép của Trung Quốc”.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Hồng Xu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times Anh ngữ và Hoa ngữ
Xem thêm: