Bảo vệ trẻ em để ngăn chặn chu kỳ bạo lực gia đình
Các chuyên gia chuyên nghiên cứu về nghịch cảnh thời thơ ấu của Đại học Nam Úc (UniSA) cảnh báo rằng nếu không chuyển hướng các nguồn tài chính và nguồn lực lớn sang những [dự án] ngăn chặn nạn lạm dụng và bỏ rơi trẻ em, cũng như cung cấp các dịch vụ xã hội và các phương pháp trị liệu hiệu quả cho những người có tiền sử bị lạm dụng thời thơ ấu thì sẽ không thể sửa được chu kỳ lạm dụng trẻ em giữa các thế hệ.
Trong thông cáo của UniSA hôm 30/06/2022, Giáo sư Leonie Segal cho biết rằng điều tối quan trọng là các nhà chức trách phải nhận ra mối liên hệ giữa việc bị lạm dụng từ thời thơ ấu và bạo lực trong gia đình khi trưởng thành, đồng thời nhấn mạnh rằng bạo lực gia đình, bao gồm cả lạm dụng và bỏ rơi trẻ em trong gia đình, là một vấn đề lớn của xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Bà nói: “Điều này sẽ ảnh hưởng đến hơn 20% dân số và định hình mọi khía cạnh trong cuộc sống của một người, từ sức khỏe thể chất và tinh thần đến trình độ học vấn, khả năng tương tác với mọi người, việc làm và thậm chí cả tội phạm. Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà chức trách không hiểu là việc bị lạm dụng khi còn là trẻ con có mối quan hệ chặt chẽ với các hành vi bạo lực khi trưởng thành và nếu chúng ta không kịp thời có những phản ứng thích hợp để ngăn chặn việc này thì chúng ta sẽ khó có thể ngăn chặn được việc kia.”
Bà nói thêm, “Nếu chúng ta có thể làm được nhiều việc hơn nữa trong việc giúp đỡ các nạn nhân bị lạm dụng khi còn nhỏ thì chúng ta có thể ngăn chặn được các hành vi bạo lực của họ khi trưởng thành và ngăn chặn các nạn nhân tiếp tục bị cuốn vào các chu kỳ bạo lực khi trưởng thành.”
Theo báo cáo của Cục Thống kê Úc (ABS) từ năm 2019, khoảng 2.5 triệu người trưởng thành ở Úc (13%) đã từng bị lạm dụng thể chất hoặc tình dục trong thời thơ ấu của họ.
Ngoài ra, những người từng bị lạm dụng thời thơ ấu có nguy cơ thể hiện bạo lực khi trưởng thành cao gấp hai lần so với những người không bị lạm dụng và có nguy cơ gây bạo lực với bạn tình cao gấp ba lần.
Mối quan hệ nhân quả giữa việc bị lạm dụng khi còn trẻ con và bạo lực gia đình
Bà Segal cho biết có các bằng chứng chứng minh về mối quan hệ giữa việc bị lạm dụng khi còn nhỏ dẫn đến bạo lực gia đình khi trưởng thành là “không thể nhầm lẫn.”
“Ví dụ, một cháu bé có mẹ là đối tượng của hành vi ngược đãi hoặc bị bỏ rơi có nguy cơ trở thành đối tượng của hành vi ngược đãi trẻ em cao gấp 10 lần và gần 20 lần nguy cơ bị đưa vào các trại trẻ giáo dưỡng do những mối lo ngại nghiêm trọng về an toàn có thể xảy ra.”
Bà cũng lưu ý rằng việc lạm dụng và bỏ rơi trẻ em không phân biệt nam nữ, và cả hai đều có thể là nạn nhân hoặc thủ phạm của bạo lực gia đình.
Bà Segal cho biết, “Sự chú ý của giới truyền thông và do đó là dư luận tập trung vào bạo lực giới, nhưng chúng tôi biết rằng cả hai giới đều bị ảnh hưởng như nhau khi trẻ em và bà mẹ lại là người có nhiều khả năng gây ra bạo lực hơn.”
“Tại Úc, khoảng 17% phụ nữ và 6% nam giới cho biết đã từng bị bạn tình bạo hành thể xác hoặc tình dục, trong khi 23% phụ nữ và 16% nam giới cho biết đã từng bị lạm dụng tình cảm bởi các đối tác thân cận.”
Bà nói, “Chúng ta cần phải công nhận là bạo lực gia đình có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai và chu kỳ lạm dụng hầu như luôn bắt đầu từ thời thơ ấu.”
Mở rộng cuộc thảo luận
Bà Segal cho biết cần phải “mở rộng cuộc thảo luận” về mối quan hệ nhân quả, và việc này phải được thực hiện một cách có hiệu quả bằng cách nhận ra các con đường dẫn đến bạo lực với các bằng chứng có sẵn.
Bà nói, “Về mặt logic, điều này sẽ giúp cho việc hỗ trợ tốt hơn cho trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên bị lạm dụng và bỏ rơi như một thành phần chính của bất kỳ chiến lược phòng chống bạo lực gia đình nào.”
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Trẻ em Nam Úc, bà Katrine Hildyard nhấn mạnh rằng để đạt được những thay đổi thực sự, cần phải có sự tham gia trực tiếp của chính phủ và toàn thể cộng đồng, tập trung vào sự an toàn và phúc lợi của trẻ em.
Bà nói trong thông cáo của UniSA, “Chúng ta phải thay đổi và thực hiện sâu sắc các chương trình diễn thuyết công khai tốt hơn nữa để giúp mọi người hiểu rõ hơn về những rủi ro và căng thẳng của hệ thống bảo vệ trẻ em này.”
“Một trong các hành động cần thiết phải làm để đối phó với những thách thức này là cần có sự tham gia sâu hơn nữa của cộng đồng và làm thế nào để mọi người hiểu rõ hơn về sự phức tạp và sự liên kết giữa các vấn đề mà gia đình phải đối mặt và những tác động đến sự an toàn của trẻ em, chẳng hạn như bạo lực gia đình, bệnh tâm thần, nghèo đói và thất nghiệp, sự tổn thương giữa các thế hệ, lạm dụng ma túy, rượu và tội phạm trên mạng cũng như những tác động liên tục của đại dịch COVID-19.”
Bà Hildyard cho biết, mới đây, chính phủ Nam Úc đã chi một khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước cho việc bảo vệ trẻ em, điều đó đã thể hiện sự cam kết sâu sắc và cần thiết để cải thiện hệ thống bảo vệ trẻ em của nước này.
Bà chia sẻ thêm, “Chúng tôi cũng đang phối hợp làm việc với các bộ phận khác của chính phủ, các bên liên quan chính và các nhà cung cấp dịch vụ trong cộng đồng để bảo đảm rằng chúng tôi đang hỗ trợ và cung cấp nguồn lực để can thiệp một cách phù hợp tới các gia đình gặp rủi ro vào những thời điểm quan trọng và để xây dựng năng lực cũng như khả năng của họ.”
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times