Báo cáo từ Ngũ Giác Đài: ĐCSTQ lợi dụng cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan của TT Biden để tuyên truyền
Một báo cáo mới từ Bộ Quốc phòng tiết lộ, chính quyền Trung Quốc hăng hái lợi dụng cuộc rút quân đầy hỗn loạn khỏi Afghanistan hồi tháng 08/2021 của Tổng thống Joe Biden để gieo mầm nghi ngờ cho các đồng minh của Hoa Kỳ về vai trò lãnh đạo chiến lược và ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ.
Theo báo cáo trên, mưu đồ này diễn ra giữa lúc Trung Quốc nỗ lực thực hiện chính sách đối ngoại bành trướng hung hăng, tranh giành vị thế thống trị về mặt kinh tế trước các đối thủ Á Châu và một cuộc đối đầu có thể xảy ra với Đài Loan, hòn đảo tự trị mà chính quyền cộng sản này tuyên bố chủ quyền.
Công cụ tuyên truyền
Báo cáo thường niên này của Bộ Quốc phòng, có nhan đề “Diễn biến Quân Sự Và An Ninh Liên Quan Đến Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa Năm 2022,” thuật lại rằng các nhà chức trách Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt việc Hoa Kỳ rút quân vội vàng và đầy căng thẳng khỏi Afghanistan. Báo cáo nêu rõ, họ cho rằng việc rút quân này là bằng chứng cho thấy Mỹ là “một đối tác không đáng tin cậy và quyền lực đang suy giảm.”
Cũng theo báo cáo trên, luận điểm này của các quan chức chính quyền Trung Quốc không phải là lời chỉ trích vu vơ mà là một phần trong nỗ lực được hình thành cẩn thận nhằm khiến các đối tác chiến lược của Hoa Kỳ băn khoăn về khả năng phát triển của mối bang giao giữa họ với Hoa Thịnh Đốn.
Báo cáo nêu rõ, “[Trung Quốc] đã sử dụng một loạt các công cụ ngoại giao trong suốt năm 2021 để làm xói mòn ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên toàn cầu và phá hoại các mối liên kết đối tác an ninh do Hoa Kỳ hậu thuẫn như Nhóm Bộ tứ Quad (Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Hoa Kỳ) và Liên minh AUKUS (Úc, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ), mà Bắc Kinh nhận định là những kênh [có thể] kìm hãm sự trỗi dậy của họ.”
Những công cụ này, theo nội dung của báo cáo, cũng bao gồm một xu hướng công khai quy trách nhiệm cho Hoa Kỳ về những căng thẳng đang gia tăng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh, và quy kết những căng thẳng đó là do những tính toán sai lầm của Hoa Kỳ về những tầm nhìn và mục tiêu cụ thể của Trung Quốc trong nước và trên trường thế giới.
Nhưng lập trường của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc không dựa trên sự hoang tưởng hay gieo rắc sự hoang mang, báo cáo cho biết. Báo cáo đã cố gắng trình bày rõ bối cảnh chiến lược theo luận điệu của Bắc Kinh, nhắc đến Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới đây, và dựa trên một báo cáo do các quan chức ĐCSTQ soạn thảo về các thủ tục đó, để cung cấp bằng chứng về các chiến lược, chiến thuật, mục đích, và mục tiêu cụ thể của Bắc Kinh, đặc biệt liên quan đến việc nâng cao công nghệ, thiết bị, khả năng, và phạm vi hoạt động của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Báo cáo của Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ: “Báo cáo Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ chú trọng vào việc gia tăng và đẩy nhanh các mục tiêu hiện đại hóa của lực lượng PLA trong năm năm tới, bao gồm củng cố ‘hệ thống răn đe chiến lược.’”
Nghị trình theo chủ nghĩa bành trướng
Báo cáo cảnh báo về chiến lược Hợp nhất quân sự-dân sự (MCF) của chính quyền Trung Quốc, vốn tận dụng chuyên môn công nghệ dân sự và các nguồn lực của Trung Quốc cho các mục đích quân sự. Báo cáo lập luận rằng nghị trình của Bắc Kinh sẽ phát triển táo bạo hơn trong những năm tới và tiếp tục đe dọa sự ổn định khu vực nếu chế độ này có thể thực hiện được các mục tiêu của chiến lược MCF.
Chính quyền Trung Quốc theo đuổi chiến lược MCF dưới sự bảo trợ của Ủy ban Trung ương về Phát triển Hợp nhất Quân sự Dân sự (CCMCFD), được thành lập vào năm 2017 và chịu sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, các ủy viên khác của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, và các quan chức cấp dưới ở các cấp khác nhau của chính quyền này.
Mặc dù việc răn đe chiến lược nghe có vẻ giống như một mục tiêu thụ động, hướng đến việc bảo vệ Trung Quốc và các lợi ích của Trung Quốc khỏi những kẻ xâm lược ngoại bang hơn là thúc đẩy một nghị trình theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bành trướng xâm phạm đến chủ quyền của các nước khác, báo cáo này của Bộ Quốc phòng bày tỏ một ít sự nghi hoặc về thực tế đằng sau câu chú ngữ này.
Báo cáo này nêu chi tiết các quy hoạch lãnh thổ mà Bắc Kinh có thể sẽ theo đuổi với quyết tâm cao hơn ở Biển Đông, nơi có các tuyến đường vận chuyển cung cấp hơn 80% dầu thô cho Bắc Hàn, Nhật Bản, và Đài Loan. Báo cáo cho biết, việc Bắc Kinh thúc đẩy các yêu sách của mình đối với “đường chín đoạn” không rõ ràng, đã đặt chính quyền cộng sản này vào thế đối đầu trực tiếp với Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Philippines, trong khi Đài Loan đã kiên quyết tìm cách bảo vệ quyền sở hữu đảo Itu Aba thuộc Quần đảo Trường Sa khỏi các yêu sách của chính quyền Trung Quốc.
Báo cáo lưu ý rằng, hồi tháng 04/2021, để đẩy mạnh nghị trình theo chủ nghĩa bành trướng, chính quyền Trung Quốc đã thành lập hai đặc khu hành chính mới bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, đồng thời khẳng định yêu sách đối với hơn 80 điểm địa lý trong khu vực. Bắc Kinh cũng đưa ra yêu sách về một “vùng đặc quyền kinh tế” trong khu vực, ngăn cản quyền tiếp cận của các lực lượng quân sự từ các quốc gia khác.
Khai thác công nghệ dân sự
Đặc điểm nổi bật nhất trong nghị trình của chiến lược MCF là khai thác công nghệ mà cho đến nay thuộc về các tổ chức dân sự cho các mục đích quân sự rõ ràng.
Như được mô tả trong báo cáo này của Bộ Quốc phòng, điều này bao gồm một số nỗ lực tương quan với nhau gồm có việc kết hợp công nghệ dân sự và năng lực công nghiệp với lĩnh vực quốc phòng, áp dụng các sáng kiến khoa học và đột phá cho mục đích quân sự, áp đặt các yêu cầu quân sự lên các tổ chức dân sự và người lao động, mở rộng khả năng của quân đội để buộc các cá nhân nhập ngũ trong các lực lượng quân đội khi họ thấy phù hợp, và những nỗ lực và sáng kiến khác.
Theo báo cáo, trong mọi trường hợp, định nghĩa về an ninh quốc gia, khả năng răn đe, và các mục tiêu chính sách đối ngoại hợp pháp hoàn toàn do các nhà lãnh đạo ĐCSTQ quyết định.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times