Báo cáo: Trung Quốc đang phát triển vũ khí kiểm soát não bộ có thể mở đường cho trật tự thế giới mới
Theo một báo cáo mới, Trung Quốc đang phát triển các loại vũ khí nhắm đến các chức năng của não, với mục tiêu tham gia vào cuộc chiến nhận thức để gây ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo chính phủ và quân đội cũng như kiểm soát toàn bộ cư dân.
Báo cáo (pdf) của ba nhà phân tích tình báo và đồng sáng lập tổ chức Sáng kiến Đe dọa Sinh học của ĐCSTQ (CCP BioThreats Initiative) cho biết, “Nhiều người không biết rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) của họ đã tự khẳng định mình là những nhà lãnh đạo thế giới trong việc phát triển vũ khí NeuroStrike (Tấn công Thần kinh).”
Theo báo cáo này, tuy rằng hiện nay Trung Quốc không có cơ sở công nghiệp quốc phòng để chế tạo các loại công nghệ cho một chương trình “NeuroStrike” nào phù hợp với “tham vọng chiến lược” của ĐCSTQ, nhưng một bước đột phá trong nghiên cứu có thể mang đến hệ quả nghiêm trọng.
Báo cáo viết: “Bất kỳ bước đột phá nào trong nghiên cứu này đều sẽ cung cấp những công cụ chưa từng có cho ĐCSTQ để cưỡng ép thiết lập một trật tự thế giới mới, vốn là mục tiêu cả đời của [lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình.”
Tiết lộ trong báo cáo này làm tăng thêm những thách thức mà thế giới tự do đang phải đối mặt, khi mà mục tiêu của ĐCSTQ là định hình lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện tại. Hồi tháng Hai, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ cho biết trong một bản tin rằng Trung Quốc đang sử dụng các chương trình và sáng kiến để “thúc đẩy một trật tự do Trung Quốc lãnh đạo để thay thế” trật tự quốc tế hiện tại sẽ ưu tiên cho “chủ quyền quốc gia và ổn định chính trị hơn là các quyền cá nhân.”
Nói một cách khoa học, NeuroStrike được định nghĩa là việc nhắm mục tiêu được thiết kế vào bộ não của binh lính hoặc thường dân bằng công nghệ phi động học, với các mục tiêu là làm suy giảm nhận thức, giảm nhận thức tình huống, gây tổn thương thần kinh lâu dài, và làm suy giảm các chức năng nhận thức bình thường. Báo cáo này cho biết thêm rằng công nghệ phi động học gồm có vi sóng hoặc năng lượng định hướng khác.
Những loại vũ khí này có thể được cài vào trong các loại súng cầm tay hoặc các vũ khí lớn hơn để bắn ra các chùm điện từ, nhưng việc vũ khí hóa khoa học thần kinh của chính quyền Trung Quốc vượt ra ngoài “phạm vi và sự hiểu biết về vũ khí vi sóng cổ điển.”
Báo cáo giải thích: “Bối cảnh mới để phát triển NeuroStrike của họ bao gồm việc sử dụng các tương tác giữa con người và máy điện toán được phân phối rộng rãi để kiểm soát toàn bộ dân cư cũng như một loạt vũ khí được thiết kế để gây tổn hại đến nhận thức.”
Ba tác giả của báo cáo này là Tiến sĩ Ryan Clarke, một thành viên cao cấp tại Viện Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore; ông Lâm Hiểu Húc (Sean Lin), một cựu sĩ quan Lục quân Hoa Kỳ kiêm nhà vi trùng học; và ông L.J. Eads, một cựu sĩ quan tình báo của Không Lực Hoa Kỳ kiêm nhà sáng lập Data Abyss.
‘Gieo rắc nỗi sợ hãi mãnh liệt’
Ba tác giả này đã viết rằng chế độ Trung Quốc “xem NeuroStrike và chiến tranh tâm lý là một thành phần cốt lõi trong chiến lược chiến tranh bất đối xứng của họ nhắm vào Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.”
Cụ thể hơn, họ giải thích rằng các vũ khí NeuroStrike “phù hợp với” chiến lược “chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực” (A2/AD) hiện có của nhà cầm quyền cộng sản, chủ yếu nhằm ngăn chặn quân đội Hoa Kỳ can thiệp vào các cuộc xung đột do Trung Quốc khởi xướng ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, chẳng hạn như hành động xâm lược Đài Loan.
“Hãy tưởng tượng quân đội PLA đã được chích ngừa (ít nhất là một phần) được đưa vào một khu vực địa lý nơi có một chủng vi khuẩn đặc biệt đã được vũ khí hóa được phát tán trước khi họ xâm nhập để dọn đường và loại bỏ các điểm kháng cự,” báo cáo cho biết. “Tiếp đến, mọi nguồn kháng cự còn lại trên mặt đất sẽ được giải quyết bằng vũ khí NeuroStrike của ĐCSTQ để gieo rắc nỗi sợ hãi mãnh liệt và/hoặc các hình thức nhận thức không nhất quán khác dẫn đến không hành động.”
Theo tình huống này, quân đội Trung Quốc sẽ có thể thiết lập “sự kiểm soát tuyệt đối” đối với một khu vực, chẳng hạn như Đài Loan, đồng thời “cản trở mọi lựa chọn can thiệp chiến lược của Mỹ.”
“Điều này sẽ thực sự phủ nhận và khiến cho ưu thế áp đảo thông thường của Mỹ trở nên trì trệ với rất ít (nếu có) các biện pháp khắc phục ngắn hạn,” báo cáo cho biết thêm. “Tình huống này dựa trên các chương trình nghiên cứu hiện hữu của ĐCSTQ và những gì là mục tiêu chiến lược rõ ràng của các chương trình đó.”
Trong một báo cáo được công bố vào năm 2022, tổ chức Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ đã xác định khả năng A2/AD là một trong năm lĩnh vực mà Trung Quốc đang đầu tư như một phần trong nỗ lực thách thức Hoa Kỳ. Những khả năng đó bao gồm hỏa tiễn hành trình và đạn đạo tầm xa có khả năng tiếp cận các cơ sở tiếp vận và khai triển tài sản của Hoa Kỳ ở phía Tây Thái Bình Dương, trong đó có đảo Guam, cũng như hệ thống phòng không có thể vươn tới hơn 550 km (341 dặm) tính từ bờ biển Hoa Kỳ.
Bốn lĩnh vực khác là các hoạt động trên mặt biển và dưới biển như hỏa tiễn đạn đạo có thể nhắm mục tiêu vào hàng không mẫu hạm cách bờ biển Trung Quốc 1,500 km (932 dặm), các năng lực mạng nhằm chiếm lĩnh các hệ thống quân sự của Hoa Kỳ ngoài đời thực, các năng lực không gian như vũ khí chống vệ tinh, và các khoản đầu tư to lớn vào trí tuệ nhân tạo.
‘Ưu thế chiến lược’
Báo cáo tuyên bố rằng hồi năm 2021, Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt Học viện Khoa học Quân y (AMMS) do nhà nước Trung Quốc điều hành — một viện nghiên cứu cao cấp của quân đội Trung Quốc — vì “vai trò dẫn dắt” của họ trong nghiên cứu NeuroStrike.
Một trong những lý do khiến năm đó Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp đặt các hạn chế thương mại và đầu tư đối với AMMS và 11 viện nghiên cứu của AMMS là vì họ đã giúp đỡ quân đội Trung Quốc về “các vũ khí kiểm soát não bộ có chủ ý.”
Báo cáo cho biết: “AMMS đại diện cho một mạng lưới phức tạp gồm các mối liên kết toàn cầu vẫn còn công khai, bán công khai và hoàn toàn bí mật không ngừng ‘trợ lực’ cho các chương trình nghiên cứu và phát triển hung hãn nhất của họ,” đồng thời cho biết rằng việc theo dõi chặt chẽ tổ chức này là điều cần thiết.
Hồi năm 2017, ông Lý Bằng (Li Peng), một nhà nghiên cứu y tế tại một cơ quan cấp dưới của AMMS, đã viết trong một bài báo rằng “nghiên cứu về khoa học não bộ ra đời từ tầm nhìn về cách thức chiến tranh trong tương lai sẽ phát triển.” Ông nói thêm rằng nghiên cứu này rất quan trọng để bảo đảm “ưu thế về chiến lược” cho mọi quốc gia.
Theo một ấn phẩm năm 2020 của Đại học Quốc phòng, “các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Quân y đang sử dụng khỉ đuôi dài (macaque) để kiểm tra các kỹ thuật dành cho các tương tác não bộ và máy móc liên quan đến việc cấy các điện cực vào não.”
Trung Quốc được biết là đang sử dụng cái gọi là các chương trình chiêu mộ nhân tài để lôi kéo người ngoại quốc và công dân Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đến làm việc tại Trung Quốc. Các chương trình này, nổi tiếng nhất là “Chương trình Ngàn Nhân tài” và “Chương trình Trăm Nhân tài,” thường đưa ra các ưu đãi tài chính lớn cũng như chi phí tái định cư cho những người tham gia.
Ông Vương Dĩ Chính (Wang Yizheng) từng là giảng viên tại Đại học Thomas Jefferson nhưng hiện ông nhà nghiên cứu tại AMMS, viện sĩ tại Học viện Khoa học Trung Quốc do nhà nước điều hành, và là phó chủ tịch của Hiệp hội Khoa học Thần kinh Trung Quốc. Nghiên cứu của ông bao gồm sự hiểu biết về cơ chế tồn tại của tế bào thần kinh.
Hồi năm 2001, ông Vương quay về Trung Quốc và được vinh danh là một trong những người tham gia “Chương trình Trăm Nhân tài.”
FBI viết trên trang web của mình rằng các kế hoạch nhân tài của Trung Quốc khuyến khích hành vi đánh cắp bí mật thương mại và gián điệp kinh tế.
Cơ quan này cho biết, “Các kế hoạch nhân tài [của Trung Quốc] thường liên quan đến việc chuyển giao thông tin, công nghệ, hoặc tài sản trí tuệ không được tiết lộ và trái phép vốn một chiều và gây bất lợi cho các tổ chức của Hoa Kỳ.”
‘Hành động gây hấn ngày càng leo thang của ĐCSTQ’
Báo cáo cho biết Lực lượng Trợ giúp Chiến lược của PLA (PLASSF) có thể hợp nhất mọi năng lực của NeuroStrike trong tương lai.
Báo cáo cho biết: “PLASSF hiện hoạt động như một loại cấu trúc thượng tầng trên nền tảng đang phát triển và ngày càng tích cực của các loại tài sản quân sự của Trung Quốc (trên bộ, trên biển, trên không, trên mạng, và ngoài không gian) tại nhiều chiến khu ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương đồng thời đóng vai trò là nền tảng khai triển chính yếu cho vũ khí NeuroStrike mới.”
“Với các khả năng bổ sung của NeuroStrike vốn có thể gây thiệt hại, làm mất phương hướng hoặc thậm chí kiểm soát nhận thức của kẻ địch trên diện rộng (toàn bộ dân số), PLASSF sẽ đại diện cho sự gây hấn ngày càng leo thang theo cấp số nhân của ĐCSTQ ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.”
Để đối phó với các năng lực NeuroStrike của Trung Quốc, báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị cho chính phủ Hoa Kỳ, trong đó có tìm tòi các biện pháp khắc phục về mặt chính sách, ví dụ như các đánh giá đạo đức đối với một số nghiên cứu khoa học thần kinh và khoa học nhận thức. Theo báo cáo, làm như vậy sẽ cho phép các nhà nghiên cứu quốc tế “cảnh giác hơn” khi hợp tác với các nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Báo cáo này còn đưa ra một khuyến nghị khác là: “Các biện pháp trừng phạt nhắm thẳng vào chiến lược hợp nhất Quân sự-Dân sự toàn diện của ĐCSTQ với các lợi ích liên quan đến chương trình NeuroStrike của ĐCSTQ, trong đó có nhắm đến một số đảng viên cụ thể cùng tài sản của họ.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times