Báo cáo của LHQ: Quân đội Ukraine có phần trách nhiệm trong vụ tấn công của Nga vào viện dưỡng lão
Theo một báo cáo từ Liên Hiệp Quốc, quân đội Ukraine đã đặt dân thường vào tình thế nguy hiểm trong một cuộc tấn công hôm 11/03 vào một viện dưỡng lão ở đông nam Kyiv.
Chỉ hai tuần sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine hôm 24/02, một viện dưỡng lão ở làng Stara Krasnianka đã bị tấn công. Nằm ở khu vực phía đông của Luhansk, ngôi làng này cách Kyiv khoảng 360 dặm (580 km) về phía đông nam.
Giới chức Ukraine đã đổ lỗi cho quân đội Nga vì đã làm hơn 50 dân thường thiệt mạng trong một cuộc tấn công vô cớ. Nhưng báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) được công bố hồi cuối tháng Sáu cho thấy rằng các binh sĩ Ukraine cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong vụ việc này.
Báo cáo (pdf) liệt kê những gì Liên Hiệp Quốc đánh giá là vi phạm luật nhân đạo quốc tế đã xảy ra trong giai đoạn từ ngày 24/02 đến ngày 15/05 của cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra.
Theo báo cáo, các binh sĩ của lực lượng vũ trang Ukraine đã vào viện dưỡng lão ở Stara Krasnianka vào ngày 07/03, vì địa điểm này “có giá trị chiến lược do gần với một tuyến đường quan trọng.”
Báo cáo cho biết vào sáng ngày 11/03, quân lính từ các nhóm liên kết với Nga đã “tấn công viện dưỡng lão này bằng vũ khí hạng nặng, trong khi bệnh nhân và nhân viên vẫn ở bên trong.”
Vào thời điểm đó, 71 bệnh nhân khuyết tật và 15 nhân viên, cũng như binh lính Ukraine, đang ở trong viện dưỡng lão này mà không có nước hoặc điện.
“Một đám cháy đã bốc lên và lan rộng khắp viện dưỡng lão trong khi trận chiến vẫn tiếp tục,” báo cáo nêu rõ về vụ tấn công ngày 11/03. “Một số nhân viên và bệnh nhân đã rời khỏi viện dưỡng lão và chạy vào rừng, cho đến khi họ gặp các nhóm vũ trang liên kết của Nga cách đó 5 km, và nhận được sự trợ giúp.
“Theo nhiều lời kể khác nhau, ít nhất 22 bệnh nhân sống sót sau vụ tấn công, nhưng số người thiệt mạng chính xác hiện vẫn còn là một ẩn số.”
Trước khi xảy ra vụ tấn công, hồi đầu tháng Ba, ban quản lý viện dưỡng lão đã yêu cầu chính quyền địa phương di tản bệnh nhân nội trú, nhưng “được cho là không thể vì lực lượng vũ trang Ukraine được cho là đã đặt mìn ở khu vực xung quanh và chặn các con đường.”
OHCHR cho biết họ lo ngại rằng cả binh sĩ Nga lẫn binh sĩ Ukraine đã tiến hành các hoạt động quân sự gần dân thường nhưng không thực hiện bất kỳ biện pháp nào để bảo vệ dân thường, theo yêu cầu của luật nhân đạo quốc tế.
“OHCHR lo ngại hơn nữa trước các báo cáo về việc sử dụng con người làm lá chắn, vốn liên quan đến việc tìm cách sử dụng sự hiện diện hoặc di chuyển của một quần thể dân thường hoặc các cá nhân dân thường để làm cho một số điểm hoặc khu vực không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động quân sự,” văn phòng này cho biết thêm. “Việc sử dụng con người làm lá chắn bị đặc biệt nghiêm cấm theo Điều 28 của Công ước Geneva IV và Điều 51(7) của Nghị định thư bổ sung I.”
Ông David Crane, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và là một nhân vật kỳ cựu trong nhiều cuộc điều tra tội phạm chiến tranh quốc tế, nói với The Associated Press rằng quân đội Ukraine có thể đã vi phạm luật xung đột vũ trang khi không di tản những người cư ngụ trong viện dưỡng lão.
“Quy tắc mấu chốt là không được sử dụng thường dân làm bia đỡ đạn một cách có chủ đích. Có thế thôi. Dù vì bất cứ lý do gì đi chăng nữa,” ông nói với hãng thông tấn. “Người Ukraine đã đặt những người dân đó vào một tình cảnh mà thực tế là một khu vực giao tranh chí tử. Và các vị không thể làm điều đó.”
Cô Mimi Nguyen Ly đưa tin về thời sự thế giới với trọng tâm là tin tức Hoa Kỳ. Cô sống tại Úc. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].