Cuộc chiến Nga-Ukraine: Một cơ hội mới cho những kẻ mị dân tiêu diệt các quyền tự do trong nước
Các chính trị gia tận hưởng triệt để những thời buổi chiến tranh. Những giai đoạn gây chiến là khi các thành viên khao khát quyền lực nhất của tầng lớp chính trị đắm chìm trong những ảo tưởng chính trị suy đồi nhất của họ. Chiến tranh Nga-Ukraine cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Kể từ Đệ nhị Thế chiến, các chính trị gia phương Tây đã lợi dụng cuộc xung đột quân sự với vũ khí thường lớn nhất trên đất Âu Châu để trấn áp các quyền tự do dân sự trong nước và kéo các quốc gia của họ đến gần hơn một cuộc xung đột mở rộng với một cường quốc hạt nhân. Các biện pháp đối nội mà các chính phủ phương Tây đã theo đuổi đặc biệt kịch tính.
Chẳng hạn, Liên minh Âu Châu đã cấm các hãng thông tấn nhà nước của Nga như RT và Sputnik vì cáo buộc phát tán thông tin sai lệch. Tại Hoa Kỳ, quốc gia có các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận mạnh mẽ hơn, thì các cuộc tấn công chống lại quyền tự do biểu đạt đã mang một màu sắc doanh nghiệp hơn. Chẳng hạn như, các tổ chức Đại công ty Công nghệ hùng mạnh như Google đã nhiệt tình chặn các kênh nhận tài trợ từ Nga.
Hành động của các thành viên EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chẳng hạn như Cộng hòa Séc và Slovakia thậm chí còn gây sửng sốt hơn. Các nước này đã hình sự hóa bất kỳ hành vi nào có thể được hiểu là đang ủng hộ Nga xâm lược Ukraine.
Tương tự, Latvia đã tạo ra một đường dây nóng của cảnh sát, nơi công dân có thể báo cáo những cá nhân thể hiện sự ủng hộ đối với hành động quân sự của Nga ở Ukraine. Một số tiểu bang của Đức thậm chí vượt quá giới hạn hơn nữa bằng cách truy tố những cá nhân để lộ ra biểu tượng chữ Z có liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga.
Báo chí doanh nghiệp và các chính phủ đang đặt ra một tiền lệ đáng kinh ngạc. Định nghĩa về nội dung “thân Nga” có thể có khả năng được mở rộng để tấn công các nhà hoạt động phản chiến và những người chủ trương không can thiệp mà hoài nghi về việc các nước phương Tây đang cố gắng can dự vào cuộc chiến Nga-Ukraine.
Tuy cuộc xâm lược Ukraine của Nga là khủng khiếp, nhưng cần có những cuộc thảo luận trung thực về cuộc xâm lược này và điều gì đã dẫn đến cuộc chiến. Học giả về quan hệ quốc tế John Mearsheimer đã nói về việc các bước trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ như mở rộng NATO đã giúp tạo ra điều kiện cho tấn thảm kịch cường-quốc hiện nay ra sao. Vì chỉ đơn giản là đưa ra một lý thuyết khác cho những gì đã gây ra cuộc khủng hoảng an ninh hiện nay, mà ông Mearsheimer đã suýt phải đối mặt với một buổi đấu tố của các sinh viên trường Đại học Chicago, những người kiên quyết từ chối tán thành các quan điểm trái ngược của vị giáo sư này.
Với quỹ đạo gần đây, sẽ không khó để cho rằng ngay cả những phê bình theo chủ nghĩa hiện thực đối với chính sách ngoại giao của phương Tây cũng có thể bị trừng phạt về mặt xã hội và chính trị. Hành động đơn giản khi chỉ ra rằng những tham vọng địa chính trị của Hoa Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự bất ổn hiện nay có thể được coi là bài diễn thuyết “thân Nga” nếu những người ủng hộ chính phủ ngầm có cách làm của họ.
Những người bất đồng chính kiến bị trừng phạt vì quan điểm phản chiến không phải là điều gì mới trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhà lãnh đạo Xã hội chủ nghĩa Eugene V. Debs đã học được điều này một cách khó khăn trong Đệ nhất Thế chiến. Để bảo đảm rằng nỗ lực chiến tranh của Hoa Kỳ không bị thách thức, chính phủ [của cựu Tổng thống] Wilson đã thông qua Đạo luật Gián điệp vào năm 1917, sau đó là Đạo luật Xúi giục nổi loạn vào năm 1918.
Các dự luật này đã đưa ra những hình phạt hình sự hà khắc. Vào ngày 16/06/1918, ông Debs đã đọc một bài diễn văn ở Canton, Ohio, kêu gọi những người tham dự chống lại bản dự thảo Đệ nhất Thế chiến. Hành động của ông Debs cuối cùng đã khiến ông gặp rắc rối với pháp luật, và ông bị buộc 10 tội xúi giục nổi loạn. Nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa này đã nhận bản án 10 năm tù và bị tước quyền bầu cử suốt đời.
Phải có lệnh ân xá của Tổng thống Warren G. Harding, một trong những vị tổng thống bị các sử gia tòa án bêu rếu nhiều nhất, để cuối cùng đưa ông Debs ra khỏi tù, và ông ấy được trả tự do vào cuối năm 1921.
Sau đó, trong Chiến tranh Việt Nam, có một vài trường hợp FBI theo dõi các nhóm phản chiến hoặc thậm chí thâm nhập vào [tổ chức của] họ để cản trở hiệu quả [hoạt động]. Như ông Randolph Bourne đã tuyên bố trong một bản thảo chưa hoàn thành rằng, “Chiến tranh là sức khỏe của Nhà nước.” Tình hình vẫn như vậy, khi các chính phủ phương Tây đang làm việc ngoài giờ để tăng cường quyền lực của họ trong một cuộc xung đột giữa các cường quốc.
Các nền dân chủ tự do tự xưng đã thể hiện ra đúng màu sắc của họ trong đại dịch COVID-19, khi họ đối xử với công dân của mình chẳng qua giống như những con gia súc bị những nhà kỹ trị tính khí bất thường chọc phá và kích động. Giờ đây, khi Chiến tranh Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn, thì họ càng thể hiện rõ những ham muốn chuyên chế bị dồn nén của mình.
Một phần không thể thiếu trong bản tuyên bố giá trị độc nhất vô nhị của phương Tây là sự tôn trọng quyền tự do dân sự, điều mà vô số xã hội chưa bao giờ trân trọng trong các văn bản quản lý của họ. Nhưng giờ đây, điều đó đã thay đổi một cách mạnh mẽ. Những lời hùng biện ngạo mạn đến từ các chính phủ phương Tây về việc ủng hộ tự do là trống rỗng hết mức khi quan sát hành vi thực tế của họ.
Điều trớ trêu ở đây là phương Tây đã rơi xuống con đường kinh điển “quý vị trở thành thứ mà quý vị chống lại.” Chính các quốc gia phương Tây từng vỗ ngực nói về chủ nghĩa biệt lệ của họ giờ đang biến thành các quốc gia mà họ chỉ trích.
Chính trị không phải là không có cảm giác trớ trêu.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông José Niño là một nhà văn tự do sống ở Austin, Texas. Tài khoản trên Substack của ông là “Jose Nino Unfiltered.”