Bằng lòng can đảm và niềm hy vọng, chúng ta sẽ hồi phục sau đại dịch!
Sau khi cha tôi trở về từ cuộc chiến đấu với quân Đức ở Ý, ông đã đi học đại học, rồi tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Temple của thành phố Philadelphia. Đó là cách nước Mỹ vận hành: Bạn đối mặt với những khổ ải, nhưng nếu bạn có hoài bão, bạn có thể khiến mình vươn lên.
Cha tôi sinh năm 1925, trong thời kỳ diễn ra cuộc Đại Khủng Hoảng.
Trong thời gian đó, gia đình ông sống trong một ngôi nhà nền đất ở Pennsylvania. Ông nội tôi, một người học hết lớp 8, đã bỏ học để phụ giúp gia đình sau khi cha ông ấy {cụ nội tôi} qua đời. Cuối cùng, ông nội tôi đã kiếm sống bằng nghề thợ mộc, và trong một thời gian, đã làm việc trong một nhà máy làm kem. Một trong những đặc quyền của công việc đó là được ăn kem miễn phí. Ông nội sẽ mang kem miễn phí về nhà. Nhưng vì ông bà tôi không có tủ lạnh, nên ông nội sẽ đánh thức cha và bác tôi dậy khi trở về nhà lúc 5 giờ sáng, và cho họ ăn kem trước khi nó tan chảy. Và đó là bữa sáng của họ.
Sau khi cha tôi trở về từ cuộc chiến đấu với quân Đức ở Ý, ông đã đi học đại học, rồi tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Temple của thành phố Philadelphia. Đó là cách nước Mỹ vận hành: Bạn đối mặt với những khổ ải, nhưng nếu bạn có hoài bão, bạn có thể khiến mình vươn lên.
Tuy nhiên, cuộc Đại Khủng Hoảng vẫn có ảnh hưởng lâu dài đến cha tôi. Nếu một người trong nhà chúng tôi quên tắt đèn phòng khách, chúng tôi sẽ được nghe cha nói về điều đó trên bàn ăn tối. Khi chúng tôi dùng bữa trong nhà hàng, nước giải khát của chúng tôi sẽ là nước trắng, thay vì nước ngọt. Cha khuyến khích tất cả 6 người con của mình làm việc trong mùa hè, và mỗi chúng tôi đều được giao việc nhà. Thời gian sau đó, khi chúng tôi rời nhà ra riêng, cha sẽ để ý đến thời lượng của mỗi cuộc điện thoại, để tránh bị tính nhiều tiền điện.
Những vết thương đã lành, nhưng những vết sẹo thì vẫn còn.
Đừng hiểu lầm. Cha mẹ tôi rất hào phóng khi tặng quà Giáng Sinh hay quà sinh nhật. Nhưng cậu bé đã chịu đựng thời kỳ gian khổ của những năm 1930 đã mãi mãi ám ảnh người đàn ông là cha tôi.
Thế còn chúng ta thì sao?
Trong gần 2 năm, chúng ta đã sống trong nỗi ám ảnh về COVID. Chúng ta đã phải chịu đựng những cuộc phong tỏa khiến nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ phải đóng cửa vĩnh viễn. Chúng ta đã chứng kiến các trường học và các nhà thờ đóng cửa, những người thân lớn tuổi của chúng ta đã qua đời một thân một mình trong viện dưỡng lão, vì việc thăm viếng bị cấm đoán. Chúng ta đã giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, thậm chí khẩu trang hai lớp. Gần đây nhất, những lệnh bắt buộc chích ngừa vaccine – mà các chính phủ và các công ty yêu cầu mọi người đều phải chích – đã dẫn đến việc nhiều người Mỹ bị sa thải hoặc từ chức khỏi công việc của họ.
Rồi tiếp đến là những cái giá vô hình phải trả: những bệnh nhân ung thư, tim mạch không được điều trị vì quá sợ hãi khi đến gặp bác sĩ hoặc đến bệnh viện để được thăm khám; tình trạng nghiện rượu và thuốc giảm đau gốc opioid ngày càng phổ biến; hội chứng trầm cảm và hiện tượng tự tử gia tăng; chúng ta càng ngày càng mất niềm tin vào những ý kiến bình luận và sắc lệnh của những người được gọi là chuyên gia; và mọi người thì càng lúc càng trở nên sợ hãi với mọi thứ .
Những biện pháp và sắc lệnh chính trị này đã gây ra nhiều thiệt hại trong những tháng vừa qua.
Chúng ta, cũng như bao người đã phải gánh chịu những khổ đau về mặt tinh thần và tâm linh trong cuộc Đại Khủng Hoảng, đang băn khoăn tự hỏi: Chúng ta có thể làm gì để chữa lành những vết thương đó?
Và với tôi, đó là một số gợi ý như sau:
Giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử
Trong rất nhiều tháng qua, đời sống của nhiều người Mỹ đã chìm trong vũng lầy của sự sợ hãi. Những quan chức liên bang và một số những thống đốc của chúng ta, cũng như các phương tiện thông tin đại chúng đã thúc đẩy trạng thái lo âu này, khiến chúng ta hoảng sợ hơn là tìm cách trấn an chúng ta.
Chúng ta có thể bắt đầu phục hồi sức khỏe của mình bằng cách ít xem tin tức hơn, đặc biệt là trên tivi. Chúng ta cũng nên cân nhắc về quan điểm của những người được gọi là chuyên gia với một thái độ hoài nghi lành mạnh, yêu cầu sự thật từ họ hơn là các ý kiến bình luận.
Hãy chú tâm đến những tin tức, nhưng đừng bị ám ảnh bởi chúng.
Những mối quan hệ
Sự ngăn cách do giãn cách xã hội và khẩu trang gây ra tạo thành một cảm giác bị cô lập trên diện rộng. Hiện tại, tôi thấy những người sợ hãi tránh các cuộc họp mặt gia đình, những người yêu cầu tất cả mọi người tham dự đám cưới phải chích ngừa, hay những người đeo khẩu trang khi đi bộ ngoài trời trên đường phố ở Front Royal, Virginia.
Nếu chúng ta chuẩn bị bắt đầu quá trình chữa lành, thì điều quan trọng là chúng ta cần ở bên gia đình và bạn bè. Những ngày nghỉ lễ là thời điểm hoàn hảo để bắt đầu cuộc đoàn tụ đó. Chẳng hạn, Lễ Tạ Ơn với những thú vui đơn giản là ăn uống và chuyện trò sẽ mang đến [cho chúng ta] một cơ hội tuyệt vời để thăm hỏi nhau trực tiếp.
Con trẻ và lớp học
Tại Virginia nơi đây và tại những nơi khác trên toàn quốc, giáo dục đã trở thành một vấn đề chính trị. Điều đó đặc biệt diễn ra trong các trường công lập của chúng ta. Việc học tập từ xa đã mở rộng tầm mắt của các bậc cha mẹ về những gì con họ đang được dạy. Và kết quả là các học sinh đã được giáo dục tại gia hoặc được chuyển đến học ở những trường tư thục. Đối với các bậc cha mẹ có con em học tại những trường công lập, các cuộc phản đối chống lại những chính sách của hội đồng nhà trường đã tăng mạnh.
Bất kể con em mình theo học trường nào, đại dịch đã mang lại [cho chúng ta] động lực và cơ hội để đồng hành cùng con trong việc học. Chúng ta có thể bảo đảm các con mình thông thạo những kiến thức cơ bản về ba môn học cơ bản là toán, đọc, và viết. Chúng ta có thể làm điều đó bằng cách theo dõi những gì trường học đang dạy, hoặc bằng cách giúp đỡ con ở nhà.
Hoạt động ngoài trời
Hoạt động ngoài trời mang lại rất nhiều lợi ích, ngay cả khi chỉ diễn ra trong vài phút mỗi lần. Đi bộ, chạy bộ, tập thể dục trong công viên: tất cả những hoạt động này có thể tăng cường sức khỏe thể chất, giảm căng thẳng, giúp chúng ta ngủ ngon hơn, và nâng cao khả năng miễn dịch của ta.
Hãy tra Google cụm từ “Lợi ích sức khỏe khi hoạt động ngoài trời”. Bạn sẽ tìm thấy vô số trang web giới thiệu về những lợi ích khi bước ra khỏi nhà mình, và hòa vào thế giới rộng lớn hơn đang chờ chúng ta bên ngoài màn hình máy tính và máy thu hình.
Những quyển sách: Món ăn cho tâm hồn
Giống như thiên nhiên, những cuốn sách hay có thể là chỗ dựa tinh thần khi chúng ta đang gặp khó khăn hay đang lo lắng.
Một số độc giả giở lại lịch sử và những tiểu sử, để tìm kiếm niềm an ủi và sự khôn ngoan từ quá khứ, những bài học mà họ có thể áp dụng cho tình trạng khó khăn hiện tại của mình. Những người khác lại tìm thấy sự khuây khỏa và cái nhìn đầy chiều sâu trong tiểu thuyết hoặc thơ ca, chẳng hạn như những cuốn tiểu thuyết của Jane Austen, hoặc những vần thơ của Gerard Manley Hopkins. Các cuốn sách hướng dẫn về self-help {tự cải thiện bản thân} và các sách tâm linh cũng có thể mang đến cho chúng ta liều thuốc chữa lành trong những căng thẳng và tình huống nguy nan.
Tất nhiên, phim ảnh và podcast cũng có thể chỉ dẫn cho chúng ta, nhưng khi ta đọc sách, đó là khi hai tâm trí gặp nhau, một cuộc trò chuyện trao đổi giữa hai phía. Khi tác giả nói chuyện với chúng ta, chúng ta không chỉ là đang lắng nghe, mà còn đang trả lời lại trong sự tĩnh lặng của trái tim và tâm trí.
Hãy tìm đến những cuốn sách. Bất kể chúng là gì, chúng sẽ băng lại vết thương trong lòng bạn và khiến cả hiện tại lẫn tương lai [của bạn] tươi sáng.
Những cọng lông vũ
Emily Dickinson đã viết: “Hy Vọng mang trên mình những cọng lông vũ; nó đậu xuống trong tâm hồn [mỗi chúng ta].”
Trong 2 năm qua, trận đại dịch, nền chính trị đảng phái gay gắt, và những cơn chấn động văn hóa đã đánh bật hy vọng về một vòng lặp trong tâm trí của nhiều người Mỹ. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy hiện nay có 71% người Mỹ tin rằng đất nước chúng ta đang đi sai hướng. Và họ có thể đúng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải kiên trì hy vọng. Hiển nhiên là chúng ta không nên lạc quan một cách mù quáng trong hoàn cảnh này. Nhưng nếu chúng ta mất hết hy vọng, thì tất cả mọi thứ khác cũng mất theo.
Giống như các thế hệ đi trước, những người đã bước ra khỏi cuộc Đại Khủng Hoảng, chúng ta đã bị tổn thương bởi trận đại dịch này. Mặc dù vậy, chúng ta luôn có thể chữa lành những vết thương và mang theo những vết sẹo còn lại như những biểu tượng của niềm tự hào.
Thông điệp chúng gửi gắm là: Chúng ta đã sống sót. Chúng ta đã vượt qua. Và chúng ta đã chiến thắng.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: