Bạn đã bao giờ nghe thấy chất thay thế đường lành mạnh này?
Cuối cùng, cũng có một cách lành mạnh để thêm vị ngọt cho trà hoặc cà phê. Nhờ khả năng giảm viêm và chống căng thẳng oxy hóa mạnh mẽ, phương pháp đơn giản và rẻ tiền này mang lại nhiều hứa hẹn trong việc cải thiện sức khỏe để chống lại bệnh tật và khối u.
Có thể bạn đã biết rằng, viêm và tổn thương oxy hóa là nguyên nhân chính của đa số các bệnh kinh niên. Nhưng bạn có thể không biết về tầm quan trọng của nicotinamide adenine dinucleotide phosphate hydro (NADPH) và NADPH oxidase, thường được viết tắt là NOX, trong các quá trình này.
Trong một bài báo gần đây, Tiến sĩ James DiNicolantonio, đồng tác giả cuốn sách “Siêu nhiên liệu” với tôi, đã nêu chi tiết về tầm quan trọng của collagen và glycine trong việc ức chế phân hủy NADPH. Cùng với Tiến sĩ Jason Fung, Tiến sĩ DiNicolantonio cũng là đồng tác giả cuốn sách “Giải pháp tăng tuổi thọ,” nghiên cứu sâu về cách collagen và glycine có thể giúp kéo dài tuổi thọ.
Nếu thiếu NADPH, cơ thể sẽ không thể tái tạo glutathione khi hợp chất này bị oxy hóa. Glutathione rất quan trọng để thải độc, và cả collagen và glycine đều làm tăng mức NADPH một cách hiệu quả bằng cách ức chế enzym phân hủy NADPH.
Vì collagen và glycine đều dễ kiếm và tương đối rẻ, nên việc cân nhắc vai trò quan trọng của NADPH đối với sức khỏe tối ưu và ngăn ngừa bệnh kinh niên có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho nhiều người. Nhưng trước khi tìm hiểu chi tiết về cách glycine ảnh hưởng đến NOX và NADPH, hãy cùng xem lại một số điều cơ bản.
NADPH và NOX là gì?
NADPH là dạng khử của NADP+, cần thiết cho các phản ứng đồng hóa, bao gồm tổng hợp lipid và acid nucleic. NOX là một phức hợp enzyme liên kết với màng tế bào, hướng ra ngoại bào. Ức chế NOX là một chiến lược hữu ích giúp tăng NADPH và khả năng chống lại mất cân bằng oxy hóa của tế bào.
Rất nhiều bệnh lý có sự hoạt hóa enzyme NOX gây ra lượng lớn căng thẳng oxy hóa. Trên thực tế, theo Tiến sĩ DiNicolantonio, NOX hoạt động quá mức dường như đóng vai trò quan trọng trong một loạt các bệnh lý, chẳng hạn như:
- Các bệnh mạch máu và các biến chứng mạch máu của các bệnh khác (ví dụ như tiểu đường, suy thận, mù lòa và bệnh tim)
- Kháng insulin
- Rối loạn thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và Parkinson
- Bệnh ung thư
- Bệnh tăng nhãn áp
- Xơ phổi
- Rối loạn cương dương
Tiến sĩ DiNicolantonio đã giải thích trong một bài nghiên cứu chi tiết về khả năng ức chế và điều hòa phức hợp NOX của bilirubin và tảo xoắn:
“NADPH oxidase [NOX] hoạt động là chất trung gian chính của quá trình kích hoạt tế bào microglial tiền viêm*… Đa số căng thẳng oxy hóa trong tế bào mỡ là do enzyme NADPH oxidase, dường như giữ vai trò quan trọng trong sự đề kháng insulin và rối loạn sản xuất adipokine và cytokine trong các tế bào mỡ phì đại.”
6 cách ức chế NOX và tăng NADPH
NADPH được sử dụng như một chất khử để trung hòa các chất oxy hóa bằng cách cung cấp các electron. NADPH cũng cần thiết để tạo ra các hormone steroid và chất béo. Khi NADPH tụt xuống mức thấp, bạn sẽ phải đối mặt với rắc rối nghiêm trọng.
Điều đó thể hiện rằng, NADPH dường như là một phân tử sinh học có thể hữu ích hay có hại tùy thuộc vào mức độ quay vòng tại thời điểm đó. Vì vậy cơ thể cần điều chỉnh quá trình này một cách cẩn thận. Ví dụ, mặc dù NOX làm giảm NADPH, nhưng cũng rất quan trọng để hệ miễn dịch chống lại vi khuẩn và các tế bào T hoạt động bình thường.
Theo đó, việc tìm ra phương pháp ức chế hoặc điều chỉnh NOX là điều cần thiết để ngăn ngừa nhiều bệnh kinh niên. Dưới đây là một số cách không tốn kém và đơn giản:
- Niacinamide: Dùng nicotinamide để tăng mức NADPH.
- Giảm mức glucose và tránh fructose: Glucose dư thừa được chuyển thành fructose và làm giảm NAD+, vì vậy giữ glucose ở mức thấp và tránh fructose là một phần của chiến lược.
- Dinh dưỡng ketosis: Chuyển hóa ketone làm tăng quá trình khử các NAD coenzyme, giúp kiểm soát tổn thương oxy hóa bằng cách tăng NADPH và kích thích phiên mã các enzyme của con đường chống oxy hóa thông qua việc kích hoạt FOXO3a.
- Glycine và collagen: Như đã nêu chi tiết trong bài báo đặc sắc này, glycine và collagen (chứa glycine) cũng có tác dụng ức chế NOX, từ đó làm tăng mức NADPH. Glycine ức chế sản xuất superoxide thông qua trung gian NOX bằng cách đưa chloride vào tế bào, từ đó làm hạn chế bài tiết các ion chloride [từ túi nội bào] ra tế bào chất – quá trình cần thiết cho việc tạo superoxide. Vì vậy bằng cách giảm [dòng vận chuyển] các ion chloride, glycine giúp giảm căng thẳng oxy hóa.
Glycine làm tăng mức NADPH và có hoạt động chống ung thư
Theo bài báo đặc sắc này, bổ sung glycine có thể hữu ích cho việc “phòng ngừa và kiểm soát xơ vữa động mạch, suy tim, tăng sinh mạch liên quan đến ung thư hoặc rối loạn võng mạc và một loạt các hội chứng do viêm, gồm cả hội chứng chuyển hóa.” Glycine đồng thời cũng là chất bổ sung tuyệt vời bên cạnh tảo xoắn, vì cả hai đều giúp ức chế NOX.
Bài báo này cũng nêu chi tiết hoạt động chống sinh mạch của glycine – khả năng ức chế sự phát triển của các mạch máu nuôi khối u. Ví dụ, các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy những con chuột bị ung thư được cho ăn glycine có biểu hiện ức chế tăng sinh mạch và phát triển của khối u, mặc dù glycine không ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng sinh của tế bào ung thư.
Tiến sĩ DiNicolantonio và nhóm của ông đưa ra giả thuyết rằng một trong những lý do giải thích cho tác dụng chống khối u của glycerin là khả năng làm tăng mức chloride trong các tế bào nội mô, từ đó hạn chế bài xuất chloride từ túi nội bào. Kết quả là ức chế sự hoạt hóa phức hợp NOX có hoạt tính tiền tăng sinh mạch.
“Điều này có thể giải thích tác dụng chống sinh mạch đã được ghi nhận đầy đủ của việc tăng glycine huyết tương lên giới hạn sinh lý cao. Bổ sung glycine có thể mang lại lợi ích như một chất chống sinh mạch trên lâm sàng để đánh giá kiểm soát ung thư – mặc dù cần xem xét các tác dụng đồng thời của glycine đối với giám sát miễn dịch chống ung thư.
Tác dụng chống sinh mạch của glycine cũng có thể được ứng dụng trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị tái tạo màng mạch liên quan đến bệnh võng mạc do tiểu đường và thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. Sẽ rất thú vị để xác định xem liệu biểu mô sắc tố võng mạc có biểu lộ các thụ thể glycine hay không.”
Glycine cũng có lợi cho sức khỏe mạch máu
Hoạt hóa phức hợp NOX cũng đóng một vai trò quan trọng trong bệnh tim, và bằng cách ức chế NOX (để tăng NADPH), glycine cũng có thể chống lại các vấn đề tim mạch. Tiến sĩ DiNicolantonio và nhóm của ông giải thích:
“Vai trò của sự hoạt hóa phức hợp [NOX] trong việc kích thích hiện tượng tiền viêm của nội mô mạch máu đã được ghi nhận rõ ràng; đặc biệt là vai trò trung gian trong quá trình hình thành xơ vữa. Có thể đưa ra giải thuyết rằng một tỷ lệ đáng kể [NOX] được hoạt hóa trong các túi nội bào, và dễ chịu ảnh hưởng bởi mức chloride trong tế bào.
Nếu vậy, chúng ta có thể mong đợi nồng độ glycine huyết tương tăng cao, thông qua việc kích thích các kênh clorua được hoạt hóa bởi glycine. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng viêm nội mạc bằng cách ức chế hoạt động của [NOX] nội mạc. Hơn nữa, tác động phân cực của glycine lên lớp nội mô cũng có thể gia tăng sức khỏe mạch máu nhờ kích hoạt dòng canxi đi vào các tế bào, từ đó làm tăng hoạt động bảo vệ của enzyme nitric oxide synthase ở nội mô.
Do tác động đã được ghi nhận của glycine đối với đại thực bào, cũng không loại trừ khả năng rằng bổ sung glycine có thể chống lại sự hình thành xơ vữa và bất ổn của mảng bám nhờ tác dụng chống viêm trên các đại thực bào và tế bào bọt (foam cell)… Glycine cũng có thể chống oxy hóa cơ tim…. Hơn nữa, việc bổ sung glycine cũng làm giảm phì đại tim ở những con chuột bị tình trạng tim quá tải hoặc sử dụng angiotensin II.”
Bổ sung glycine có thể cải thiện sức khỏe
Xem xét tầm quan trọng của việc giảm viêm và căng thẳng oxy hóa, cũng như vai trò của NOX và NADPH trong các quá trình này, bổ sung glycine có thể trở thành một phương pháp hỗ trợ đầy hứa hẹn đơn giản và rẻ tiền. Cá nhân tôi dùng một phần tư thìa cà phê (khoảng 1g) hai lần một ngày.
Với vị ngọt nhẹ, bạn thậm chí có thể dùng glycine như một chất thay thế đường lành mạnh trong trà hoặc cà phê. Theo ghi nhận của Tiến sĩ DiNicolantonio, “Tiêu thụ hàm lượng cao 31g mỗi ngày được chứng minh là an toàn. Do đó, glycine rất lý tưởng để kết hợp vào các thực phẩm chức năng và thức uống.” Bài báo cũng trích dẫn một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung glycine có thể hữu ích để phòng ngừa và/hoặc điều trị:
- Hội chứng chuyển hóa – Như đã lưu ý trong bài báo của Tiến sĩ DiNicolantonio, “Ở những người bị hội chứng chuyển hóa được bổ sung 15g glycine mỗi ngày (chia ba lần), các chỉ số căng thẳng oxy hóa trong huyết tương đã giảm 25% so với giả dược”
- Các biến chứng của bệnh tiểu đường
- Rối loạn gan do rượu và không do rượu
- Phì đại tim
Bổ sung glycine cũng có thể:
- Duy trì tính toàn vẹn của sụn
- Cải thiện giấc ngủ
- Kiểm soát các tác động chuyển hóa bất lợi của việc ăn nhiều fructose
- Tăng tổng hợp glutathione, đặc biệt khi được sử dụng kết hợp với chất bổ sung N-acetylcysteine (NAC)
- Loại bỏ chất oxy hóa bằng cách chuyển đổi thành pyruvate, là chất loại bỏ trực tiếp hydrogen peroxide và ức chế sự hình thành các sản phẩm cuối cùng của quá trình đường hóa [phân tử đường liên kết với protein hoặc lipid] do tuổi già
- Chống oxy hóa bằng cách tăng tổng hợp heme và bilirubin, mặc dù còn thiếu bằng chứng về điều này và hiệu quả có thể là khiêm tốn
- Giúp giải độc glyphosate: Glyphosate là một chất tương tự acid amin glycine, có khả năng gắn vào những nơi cần glycine. Điều quan trọng là, vì quá trình giải độc đã làm cạn kiệt glycine nên nhiều người trong chúng ta không có đủ glycine để giải độc [glyphosate] hiệu quả. Để loại bỏ glyphosate, bạn cần bão hòa cơ thể bằng glycine. Tiến sĩ Dietrich Klinghardt, một chuyên gia về độc tính kim loại và mối liên quan với các bệnh nhiễm trùng kinh niên, khuyên bạn nên dùng 1 thìa cà phê (4g) bột glycine hai lần một ngày trong vài tuần và sau đó giảm liều xuống một phần tư thìa cà phê (1g) hai lần một ngày. Điều này khiến glyphosate mất khả năng gắn kết vào tế bào và được đào thải qua nước tiểu.
Trong khi bột glycine là lựa chọn rẻ tiền, thì collagen là lựa chọn thay thế rất giàu glycine khác. Nếu chọn collagen, tôi khuyên bạn nên tìm kiếm các sản phẩm collagen từ động vật ăn cỏ hữu cơ.
Bài viết trên được xuất bản lần đầu vào ngày 29/03/2022 trên Mercola.com
Ghi chú của dịch giả:
Huyền Cầm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times