Vì sao Coenzyme Q10 là chất bổ sung quan trọng đứng hàng thứ ba trên thế giới?
Coenzyme Q10 (CoQ10) là chất bổ sung được sử dụng nhiều thứ ba trên thế giới vì hiệu quả về mặt lâm sàng trên nhiều bệnh lý như bệnh tim mạch, bệnh gan nhiễm mỡ, bệnh thận kinh niên, cao huyết áp v.v…
Mặc dù chất này không được Cục Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận như một loại thuốc điều trị hoặc phòng ngừa, nhiều nghiên cứu mới cho thấy sử dụng chất bổ sung CoQ10 có thể giúp ngăn ngừa các bệnh lý kinh niên, bao gồm rung nhĩ (AFib), bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), kháng insulin, suy tim, ung thư và chứng đau nửa đầu, v.v.
Ubiquinol – là dạng khử, giàu electron của CoQ10 mà cơ thể thường sản xuất tự nhiên – đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi vận chuyển electron của ty thể, nơi tạo điều kiện biến đổi cơ chất và oxy thành năng lượng sinh học (adenosine triphosphate hay ATP) cần cho sự sống của tế bào, sửa chữa và tái tạo.
Coenzyme Q10 là một chất chống oxy hoá tan trong dầu, có nghĩa là nó hoạt động trong các phần có chất béo của cơ thể chẳng hạn như màng tế bào.
Coenzyme Q10 dọn dẹp những sản phẩm phụ có thể gây hại của quá trình trao đổi chất, được gọi là các gốc oxy hóa tự do (ROS). Ubiquinol và Coenzyme Q10 giúp bảo vệ màng tế bào khỏi tác hại của quá trình oxy hoá, và đã được chứng minh là hữu ích đối với một số bệnh lý và bệnh kinh niên.
Tại sao Coenzyme Q10 quan trọng với sức khỏe chúng ta?
Coenzyme Q10 hữu ích cho tất cả tế bào trong cơ thể của bạn, đặc biệt nhất là đối với tế bào cơ tim. Nhiều bệnh lý, bao gồm bệnh tim và chứng đau nửa đầu – là những bệnh mà CoQ10 được cho là có tác dụng có lợi – dường như bắt nguồn từ rối loạn chức năng ty thể.
Tế bào cơ tim có khoảng 5,000 ty thể trong mỗi tế bào, trong khi tế bào gan có từ 1,000 đến 2,000 ty thể. Trong các tài liệu tham khảo khác, ty thể chiếm 35% thể tích mô cơ tim và chỉ 3% đến 8% thể tích mô cơ vân.
Trung hòa sản phẩm phụ
Khoảng 90% hoặc hơn ROS trong cơ thể được tạo ra từ ty thể. Nếu ví ty thể như một loại động cơ, thì quá trình đốt cháy (trao đổi chất) diễn ra trong ty thể tạo nên khí thải – các sản phẩm phụ gây hại khi được sản xuất quá nhiều.
Một trong những chức năng của CoQ10, hay ubiquinol, là trung hoà các sản phẩm phụ.
Khi ubiquinol bị thiếu, các sản phẩm phụ còn lại bắt đầu gây tổn thương tế bào.
Ubiquinol đặc biệt có lợi đối với sức khỏe tim mạch.
Giảm chất chỉ điểm tình trạng viêm
Protein phản ứng viêm C (CRP) là một chất chỉ điểm cho tình trạng viêm, và khi CRP của bạn tăng cao cho thấy bạn có nguy cơ mắc bệnh tim cao.
Hai chất chỉ điểm khác của tình trạng viêm là gamma-glutamyl transferase (GGT), dấu hiệu sớm của bệnh suy tim, và peptit natri lợi niệu loại b ở đầu tận cùng N (NT-proBNP).
Có một mối tương quan giữa hàm lượng 2 chất chỉ điểm trên và ubiquinol. Khi ubiquinol được bổ sung, cả hai chất này giảm xuống và các gen liên quan đến chúng cũng bị điều chỉnh giảm.
Mức CoQ10 thấp cũng được phát hiện ở những người mắc các loại ung thư điển hình, bao gồm ung thư phổi, vú và tuyến tụy, cũng như di căn khối u ác tính, củng cố thêm lý thuyết chuyển hoá của bệnh ung thư. Từ “coenzyme” cũng cho thấy dẫn chứng về tầm quan trọng của nó; ví dụ như nó hoạt động hiệp đồng với các enzyme khác để tiêu hoá thức ăn.
Coenzyme Q10 cũng có khả năng tăng sự hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng của cơ thể. Đặc biệt hơn, Coenzyme Q10 giúp tái chế vitamin C và E,11,12 từ đó làm tăng thêm tác dụng có lợi của chúng.
Coenzyme Q10 có thể giúp cải thiện tình trạng rung nhĩ
Rung nhĩ là tình trạng nhịp tim bất thường, thường nhanh xảy ra khi tâm nhĩ, buồng trên của tim, đập không đồng bộ với tâm thất, buồng dưới của tim. Đây là triệu chứng phổ biến của những người mắc bệnh suy tim hoặc bệnh tim nhưng người bình thường cũng có thể xảy ra hiện tượng này.
Căng thẳng oxy hóa và tăng ROS có thể đóng một vai trò trong sự tiến triển của rung nhĩ. Ngược lại, loại bỏ ROS và giảm căng thẳng oxy hóa cũng được chứng minh là một phần cần thiết để giữ chức năng tim bình thường.
Trong một nghiên cứu, 102 bệnh nhân bị rung nhĩ được chia thành 2 nhóm. Một nhóm được cho chất bổ sung CoQ10 trong khi nhóm còn lại được cho dùng giả dược. Kết quả sau 12 tháng sử dụng chất bổ sung, 12 người trong nhóm giả dược có các đợt rung nhĩ tương đương với chỉ 3 người trong nhóm sử dụng CoQ10.
CoQ10 có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD)
NAFLD (bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu) là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh gan kinh niên trên thế giới, với tỷ lệ 25%. Béo phì và kháng insulin làm tăng nguy cơ mắc NAFLD. Rối loạn chức năng ty thể và căng thẳng oxy hoá, là 2 dấu hiệu nổi bật của sự thiếu hụt CoQ10, cũng được chứng minh là có vai trò trong sự thiếu hụt choline.
Hiện nay, chưa có một phương pháp điều trị y tế nào được chấp thuận cho NAFLD. Việc thay đổi lối sống, như loại bỏ dầu thực vật và carb đã qua chế biến, vẫn là tiêu chuẩn vàng để kiểm soát NAFLD và hy vọng ngăn chặn sự tiến triển của bệnh này. Vì mức CoQ10 có xu hướng cạn kiệt ở người bị NAFLD, nên việc bổ sung chất này đã được chứng minh là giúp giảm căng thẳng oxy hoá và viêm.
Trong một nghiên cứu, 44 bệnh nhân được chia làm 2 nhóm. Một nhóm được cho 100 mg CoQ10 mỗi ngày, trong khi nhóm còn lại được cho dùng giả dược. Sau 4 tuần kết hợp bổ sung, nhóm được cho CoQ10 đã giảm cân nặng và giảm mức AST huyết tương, một dấu hiệu trong máu cho thấy có bệnh gan hoặc tổn thương gan hoặc cả hai.
CoQ10 có thể là đáp án cho nhiều bệnh lý khác
Ngoài việc giúp bệnh nhân bị AFib và NAFLD, CoQ10 có thể là đáp án cho nhiều bệnh lý kinh niên khác, bao gồm:
- Huyết áp cao – CoQ10 tác động trực tiếplên lớp nội mạc của bạn, làm giãn nở mạch máu và giảm huyết áp. CoQ10 cũng làm giảm aldosterone, một hormone giúp giữ muối và nước. Khi aldosterone giảm xuống, muối và nước dư thừa sẽ được bài tiết qua thận, khiến huyết áp cơ thể giảm xuống.
- Suy tim – Thiếu CoQ10 liên quan đến tiên lượng kém trên những bệnh nhân suy tim. Bổ sung CoQ10 để đưa mức CoQ10 trở về bình thường giúp ngăn chặn tổn thương tế bào tim và cải thiện rõ rệt chứng suy tim.
- Bệnh thận kinh niên – Căng thẳng oxy hóa tăng là một yếu tố chính trong bệnh thận kinh niên và các trường hợp liên quan bệnh tim mạch. Bệnh nhân mắc bệnh thận kinh niên có xu hướng giảm mức CoQ10 trong máu của họ. CoQ10 đã được chứng minh là cải thiện chức năng ty thể và giảm căng thẳng oxy hoá trên bệnh nhân mắc bệnh thận kinh niên, có hoặc không lọc máu.
- Đột quỵ –Viêm hệ thống, căng thẳng oxy hóa và tổn thương tế bào thần kinh đóng vai trò trong sự gia tăng đột quỵ.Các nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung CoQ10 có thể làm giảm các tổn thương do thiếu máu cục bộ và cải thiện kết quả ở những bệnh nhân đã được điều trị bằng statin sau khi bị đột quỵ (statin làm giảm nồng độ CoQ10 trong cơ thể).
- Rối loạn lipid máu – Trong một nghiên cứu, 101 người tham gia bị chứng rối loạn lipid máu được cho 120mg CoQ10 hoặc giả dược mỗi ngày trong 24 tuần. Dù không sử dụng bất kỳ một thuốc hạ lipid nào, người tham gia sử dụng CoQ10 đã giảm hàm lượng LDL và triglyceride có hại và tăng tổng khả năng chống oxy hóa.
- Viêm hệ thống – Các nghiên cứu cho thấy bổ sung 60mg đến 500mg CoQ10 trong 8 đến 12 tuần có thể làm giảm một cách rõ rệt yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-α), IL-6 and CRP; là 3 dấu hiệu cho thấy sự lan rộng của viêm.
- Chứng đau nửa đầu – Thiếu CoQ10 là một yếu tố cơ bản phổ biến của chứng đau nửa đầu vô căn. Bổ sung CoQ10 có thể giúp giảm lần xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của chứng đau nửa đầu và hạn chế các triệu chứng liên quan như buồn nôn và nhạy cảm với ánh sáng.
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) – Trong một nghiên cứu, 86 phụ nữ mắc PCOS được chia thành các nhóm, nhóm được cho mỗi riêng CoQ10, nhóm được cho CoQ10 với vitamin E, nhóm còn lại được cho vitamin hoặc giả dược. Sau 8 tuần, nhóm chỉ dùng CoQ10 đã cải thiện mức hormone sinh dục (lượng testosterone và hormone tạo hoàng thể thấp hơn) và cải thiện tình trạng kháng insulin.
- Kháng Insulin – Mức CoQ10 trong ty thể thấp hơn ở các mô kháng insulin. Trong một nghiên cứu, hấp thu 100 mg CoQ10 hàng ngày làm cải thiện sự kháng insulin và mức insulin huyết tương ở bệnh nhân có các dấu hiệu của hội chứng chuyển hóa.
CoQ10 so với Ubiquinol
Như đã đề cập, ubiquinol là dạng khử của CoQ10 (hay còn gọi là ubiquinone). Chúng thực ra là cùng một chất, khi CoQ10 mất đi 2 electron sẽ chuyển sang dạng ubiquinol. Trong cơ thể, sự chuyển đổi này diễn ra hàng nghìn lần mỗi giây bên trong ty thể.
Việc đảo qua lại giữa hai dạng phân tử này là một phần của quá trình chuyển hoá thức ăn thành năng lượng. Sự sản xuất ubiquinol tăng mạnh từ thời thơ ấu cho đến giữa cuối tuổi 20. Khi bạn đến tuổi 30, quá trình này bắt đầu giảm đi. Người trẻ có thể sử dụng chất bổ sung CoQ10, nhưng người lớn tuổi nên sử dụng dạng ubiquinol, vì nó dễ hấp thu hơn.
Bổ sung ubiquinol như thế nào?
Cơ thể có thể tạo ra CoQ10 một cách tự nhiên, nhưng sự thay đổi di truyền trong quá trình trao đổi chất, ăn uống kém, căng thẳng oxy hóa, tình trạng kinh niên và lão hóa đều có thể cản trở việc sản xuất CoQ10 và dẫn đến thiếu CoQ10. Các thuốc statin cũng có thể làm triệt tiêu CoQ10.
Để duy trì sức khỏe tốt, cơ thể người trưởng thành cần có 0.5 đến 1.5g CoQ10 và đôi khi cần sử dụng thực phẩm bổ sung để duy trì mức đó. Các yêu cầu về liều lượng sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng cá nhân và nhu cầu của bạn.
Theo nguyên tắc chung, bạn càng gầy, bạn càng cần nhiều hơn. Liều đề xuất thường từ 30mg đến 100mg mỗi ngày nếu bạn là người khỏe mạnh, hoặc 60mg đến 1,200mg hàng ngày nếu bạn đang bị ốm và có bệnh lý tiềm ẩn.
Kiên Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times