Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng liên quan đến chứng trầm cảm kháng trị và ý nghĩ tự sát
Các liệu pháp vitamin có thể giúp điều trị nguyên nhân gốc rễ, mang lại hy vọng mới trong việc ngăn chặn tình trạng tự tử đang gia tăng.
Một tia hy vọng đã xuất hiện từ một cuộc khủng hoảng ảm đạm. Khi tỷ lệ tự tử tăng vọt lên mức chưa từng có trên khắp Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu tại University of California–San Diego (UC–San Diego) đã phát hiện một bước tiến tiềm năng: một số hợp chất trong máu có thể xác định người có nguy cơ tự tử cao nhất.
Họ đã tìm thấy các dấu hiệu cho thấy bổ sung vitamin có thể giúp đẩy lùi làn sóng tối tăm của chứng trầm cảm kháng trị và các ý nghĩ tự tử.
Xét nghiệm máu tiết lộ dấu hiệu của ý nghĩ tự sát
Hoa Kỳ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tự tử, năm 2022 ghi nhận tỷ lệ tử vong do tự tử cao kỷ lục. Tỷ lệ này tăng 36% từ năm 2000 đến năm 2021. Vào năm 2021, cứ mỗi 11 phút lại có một vụ tự tử được báo cáo. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong nhóm tuổi từ 10 đến 34.
Ước tính có khoảng 21 triệu người Mỹ trưởng thành — tương đương hơn 8% dân số trưởng thành ở Hoa Kỳ — đã trải qua trầm cảm kháng trị nặng, một trong những rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến nhất.
Các triệu chứng của rối loạn trầm cảm kháng trị nặng (MDD) bao gồm tâm trạng chán nản kéo dài (ít nhất hai tuần), mất hứng thú với các hoạt động, gặp các vấn đề về giấc ngủ và ăn uống, năng lượng thấp, tập trung kém và mặc cảm tự ti. Phụ nữ và thanh niên từ 18 đến 25 tuổi là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Nghiên cứu gần đây của Đại học UC–San Diego, được công bố trên Tập san Nature (Tự nhiên), đã phân tích máu của 99 người bị chứng rối loạn trầm cảm kháng trị nặng và có ý định tự tử, cũng như 94 người đối chứng khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu đã xác định 5 chỉ số sinh học giúp phân biệt các nhóm này. Những chỉ số này cho thấy rối loạn chức năng ty thể — suy giảm khả năng sản xuất năng lượng trong tế bào — ức chế sự giao tiếp giữa các tế bào, có thể khơi mào ý tưởng tự tử.
Adenosine triphosphate (ATP) là phân tử chính mà tế bào dùng để lưu trữ năng lượng. Bên trong tế bào, ATP cung cấp năng lượng cho các chức năng bình thường. Tuy nhiên, việc xuất hiện ATP bên ngoài tế bào báo hiệu cơ thể đang bị tổn thương hoặc bị căng thẳng. Tiến sĩ Robert Naviaux, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, điều này kích hoạt các phản ứng bảo vệ để ngăn chặn mối đe dọa tiềm ẩn.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng các ý định tự tử có thể bắt nguồn từ một động lực sinh học mạnh mẽ ở cấp độ tế bào để ngăn chặn căng thẳng trở nên không thể chịu đựng được.
Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng liên quan đến chứng trầm cảm kháng trị
Phân tích máu những người tham gia nghiên cứu cho thấy, người bị chứng trầm cảm kháng trị nặng cũng đồng thời bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, bao gồm thiếu hụt các chất chống oxy hóa CoQ10, lutein và carnitine vốn là những chất giúp chuyển hóa chất béo thành năng lượng và folate (vitamin B9). Vì một số dưỡng chất có sẵn trong các loại thực phẩm bổ sung nên các nhà nghiên cứu có thể khám phá các phác đồ điều trị cá nhân hoá, để giải quyết các vấn đề trao đổi chất liên quan đến trầm cảm.
Tuy nhiên, thực phẩm bổ sung không phải là thuốc chữa bệnh. Tiến sĩ Naviaux cho biết, “Không có chất chuyển hóa nào trong số này là liều thuốc thần kỳ có thể đảo ngược hoàn toàn chứng trầm cảm.” Tuy nhiên, các bác sĩ có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất theo đúng hướng để giúp bệnh nhân đáp ứng tốt hơn với các liệu pháp điều trị. Ông nói, ở những người có ý định tự tử, điều đó có thể đủ để ngăn họ cố gắng tự tử.
Có mối liên quan giữa chứng trầm cảm kháng trị và các bệnh như bệnh tim, ung thư và tiểu đường. Việc nhắm mục tiêu vào các yếu tố trao đổi chất mang lại hy vọng cải thiện kết quả điều trị cho các căn bệnh vốn làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Khi các cơ sở về thiếu hụt chất dinh dưỡng và trao đổi chất của chứng trầm cảm kháng trị được hiểu rõ hơn, tình trạng này có thể dần thoát khỏi sự kỳ thị và tự đổ lỗi cho bản thân, trở thành một chứng rối loạn được y học xác nhận với các nguyên nhân thực thể và các lựa chọn điều trị hiệu quả.
Thực đơn ngăn ngừa thiếu hụt chất dinh dưỡng liên quan đến trầm cảm kháng trị
Theo nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Naviaux, việc tăng cường hấp thụ các dưỡng chất thiết yếu như folate (vitamin B9) có thể giúp giảm nguy cơ trầm cảm. Ngoài ra, vitamin B12 cũng hứa hẹn giúp giảm các triệu chứng trầm cảm. Một nghiên cứu tổng quan năm 2020 cho thấy dùng vitamin B12 sớm có thể trì hoãn sự khởi phát chứng trầm cảm kháng trị và cải thiện hiệu quả của thuốc chống trầm cảm.
Emily Feivor, chuyên gia dinh dưỡng có chứng nhận tại Bệnh viện đại học Northwell Long Island Jewish Forest Hills ở New York, nói với The Epoch Times rằng, ước tính khoảng 15% dân số sống trong tình trạng thiếu vitamin B12. Bà nói, “Vì vitamin B12 chỉ được tìm thấy tự nhiên trong các sản phẩm động vật nên những người không ăn thịt, cá, thịt gia cầm hoặc sữa có nguy cơ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng.” Lưu ý rằng bổ sung thực phẩm chức năng có thể khôi phục tốt mức vitamin B12.
Lutein, một chất dinh dưỡng được xác định trong nghiên cứu của Đại học UC–San Diego, là chất chống oxy hóa bổ trợ sức khỏe của mắt, trong đó trứng và rau lá xanh là nguồn thực phẩm chứa nhiều lutein nhất.
Sự thiếu hụt carnitine thường liên quan đến rối loạn di truyền nhưng cũng có thể xảy ra ở những người có thực đơn ăn uống thiếu các sản phẩm từ động vật. Các triệu chứng bao gồm: yếu cơ, mệt mỏi, dễ cáu kỉnh, hạ đường huyết và khó thở hoặc sưng tấy trong các trường hợp nghiêm trọng khi tim bị ảnh hưởng. Bà Feivor đề nghị nên thường xuyên ăn thịt, cá, sữa và thịt gia cầm để duy trì đủ lượng carnitine.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times