Bạn có nhận đủ lưu huỳnh trong chế độ ăn uống không?
Để đảm bảo việc tối ưu hóa tất cả những lợi ích sức khỏe mà lưu huỳnh mang lại, bạn nên tiêu thụ khoảng 3 chén các loại rau giàu lưu huỳnh mỗi ngày, bao gồm cả những loại thuộc họ hành tỏi và họ cải.
Lưu huỳnh, một dưỡng chất quan trọng đối với hoạt động của tế bào, có thể không nằm đầu bảng trong danh sách các dưỡng chất cần được bổ sung của bạn, nhưng lại là một khoáng chất thiết yếu mà bạn không thể thiếu. Hãy cùng đọc tiếp những thông tin dưới đây để tìm hiểu những cách thức có thể giúp bạn nâng cao sức sống và quá trình trao đổi chất bằng cách thêm nhiều thực phẩm giàu lưu huỳnh vào chế độ ăn hàng ngày.
Lưu huỳnh là một khoáng chất tự nhiên, phi kim loại và thuộc top 10 những nguyên tố phổ biến nhất trong vũ trụ. Lưu huỳnh có màu vàng nhạt và không có mùi. Mùi “trứng thối” đặc trưng được cho là do lưu huỳnh chỉ xuất hiện khi nguyên tố lưu huỳnh tương tác với các vật chất hữu cơ khác và tạo ra khí hiđro sunfua độc hại.
Lưu huỳnh là khoáng chất có nồng độ lớn thứ ba trong cơ thể con người (sau canxi và phốt pho) và được coi là yếu tố cơ bản quan trọng đối với sức khỏe con người. Mặc dù không có nhu cầu khuyến nghị hàng ngày dành cho lưu huỳnh, nhưng người trưởng thành hiện nay chủ yếu thu nạp lưu huỳnh từ chế độ ăn uống hàng ngày nhờ quá trình tổng hợp protein, đặc biệt là các acid amin chứa lưu huỳnh như methionine, cysteine, cystine, homocysteine, homocystine và taurine.
Đối với những người tiêu thụ ít chất đạm (protein) hoặc lấy nguồn protein hoàn toàn từ thực vật trong chế độ ăn, việc nạp đủ lưu huỳnh thông qua lượng protein ăn vào có thể là một thách thức. Khi lưu huỳnh không được tiêu thụ hoặc tổng hợp đầy đủ sẽ có thể dẫn đến các tình trạng như suy dinh dưỡng protein – năng lượng và các bệnh về khớp, cũng như tích tụ chất độc trong cơ thể. Đây là một yếu tố trong việc hình thành các loại bệnh lý.
Các biến chứng sức khỏe tiềm tàng được nhấn mạnh ở những người bị nhiễm HIV, sử dụng thuốc qua đường tĩnh mạch hoặc vận động viên sức bền hoặc vận động viên thành tích cao. Những yếu tố này có thể làm giảm mức glutathione (một hợp chất chứa lưu huỳnh được sản xuất tự nhiên bởi gan, có tác dụng chống oxy hóa) trong huyết tương. Chính vì điều này và các nguy cơ suy dinh dưỡng khác, việc bổ sung thực phẩm giàu lưu huỳnh trong chế độ ăn uống của bạn trở nên cực kỳ quan trọng để duy trì một sức khỏe tối ưu.
Lưu huỳnh trong chế độ ăn: Liệu bạn đã hấp thu đủ?
Tuy chưa được nghiên cứu rộng rãi trong dinh dưỡng của con người, nhưng lưu huỳnh vẫn giữ một vai trò thiết yếu đối với sức khỏe con người. Các hợp chất có chứa lưu huỳnh được tìm thấy trong tất cả các tế bào của cơ thể và việc duy trì nồng độ lưu huỳnh ở mức thích hợp là cần thiết để duy trì các quá trình sống quan trọng của tế bào.
Các chức năng chính của lưu huỳnh trong cơ thể bao gồm nuôi dưỡng các ti thể có nhiệm vụ sản xuất năng lượng cần thiết cho các tế bào hoạt động bình thường cũng như thực hiện các quá trình trao đổi chất. Lưu huỳnh cũng cần thiết để duy trì cân bằng nitơ trong tế bào, giúp tổng hợp protein thành năng lượng cho cơ thể.
Lưu huỳnh giúp tạo ra collagen và các mô liên kết cần thiết cho các khớp xương khỏe mạnh, đồng thời giữ cho tóc, da và móng tay chắc khỏe. Tuy nhiên, một trong những chức năng quan trọng nhất của lưu huỳnh là tổng hợp glutathione, một chất chống oxy hóa mạnh giúp trung hòa các gốc tự do và thải độc tố như thuốc, steroid, kim loại nặng và xenobiotics (những chất hóa học không được sản xuất hoặc tồn tại tự nhiên trong cơ thể).
Ngoài ra, lưu huỳnh còn hỗ trợ việc loại bỏ độc tố bằng cách giữ cho máu lưu thông tự do qua các động mạch và ngăn ngừa hẹp thành mạch máu do tích tụ mảng bám. Đây cũng chính là lý do khiến lưu huỳnh đang được khám phá như một chất ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch.
Các loại rau củ giàu lưu huỳnh
Rất nhiều loại thực phẩm có chứa lưu huỳnh, đặc biệt dưới dạng organosulfur. Thực vật hấp thu organosulfur từ đất, và sau đó chuyển sang cho những động vật nào ăn chúng. Tuy nhiên, do việc sử dụng thuốc trừ sâu và tình trạng đất khô cằn trong chuỗi thực phẩm hiện đại của chúng ta, vì vậy vẫn có khả năng bạn không nhận được đầy đủ lưu huỳnh từ chế độ ăn uống của mình.
Để đảm bảo việc tối ưu hóa tất cả những lợi ích sức khỏe mà lưu huỳnh mang lại, bạn nên tiêu thụ khoảng 3 chén các loại rau giàu lưu huỳnh, bao gồm cả những loại thuộc họ hành tỏi và họ cải mỗi ngày.
Hành tỏi thuộc họ thực vật có hoa nằm trong chi Allium, có mùi hành hoặc tỏi nồng và thường có củ. Mặc dù nghe tên có vẻ xa lạ, nhưng chắc chắn là bạn đều quen thuộc với những loại rau củ này, bao gồm tỏi, hành tây, tỏi tây, hành tím và hẹ.
Các loại rau họ cải thuộc họ Brassicaceae, bao gồm súp lơ, bắp cải, cải xoăn, arugula (xà lách rocket), cải thìa, cải xoong, cải ngọt, củ cải, bông cải xanh, cải Brussels và các loại rau lá xanh tương tự.
Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí Hóa học Thực phẩm đã chứng minh các lợi ích sức khỏe liên quan đến việc tiêu thụ cả rau củ họ hành tỏi và rau họ cải. Nghiên cứu có tiêu đề “Sự đóng góp của các loại rau củ họ hành tỏi và họ cải đối với lượng lưu huỳnh trong chế độ ăn uống”, ước tính lượng lưu huỳnh tiêu thụ từ nhật ký thực phẩm hàng ngày của những người tham gia, sau đó xác nhận kết quả bằng cách sử dụng những phân tích về chế độ ăn uống.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lượng lưu huỳnh từ các loại rau thuộc họ hành tỏi và họ cải đóng góp tới 42% tổng lượng lưu huỳnh tiêu thụ. Điều này chứng minh rằng việc tiêu thụ những thực phẩm này cung cấp một tỷ lệ đáng kể nhu cầu lưu huỳnh tổng thể trong chế độ ăn.
Một động lực khác để bạn đưa thêm nhiều thực phẩm loại này vào chế độ ăn uống hàng ngày, đó là việc tiêu thụ các loại rau thuộc họ hành tỏi và họ cải có liên quan đến các đặc tính ngăn ngừa ung thư và bảo vệ bạn trước các bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường type 2 và bệnh thoái hóa thần kinh.
Các loại thực phẩm giàu lưu huỳnh khác
Các loại thực phẩm giàu lưu huỳnh khác bao gồm hầu hết các loại đậu, với đậu nành hấp (edamame) có hàm lượng acid amin chứa lưu huỳnh là methionine và cysteine cao nhất.
Nhiều loại trái cây cũng có chứa lưu huỳnh, trong đó bơ là loại quả đứng đầu danh sách, tiếp đến là trái đào và mâm xôi. Sulfur dioxide được sử dụng như một chất bảo quản để sấy khô trái cây, vì vậy thưởng thức các loại trái cây khô như mơ, chà là, sung và mận là một cách khác để nạp thêm lưu huỳnh vào chế độ ăn uống hàng ngày của bạn với điều kiện là bạn không bị mẫn cảm với sulfur dioxide.
Cuối cùng, các sản phẩm từ động vật ăn cỏ có xu hướng chứa hàm lượng acid amin cao như cysteine và methionine, trong đó nội tạng có hàm lượng lưu huỳnh cao nhất. Trứng gà và trứng cút, đặc biệt lòng đỏ, là một nguồn cung cấp lưu huỳnh tuyệt vời và có thể thích hợp cho những người ăn chay. Cua, tôm hùm và sò điệp được đánh bắt bền vững cũng có hàm lượng lưu huỳnh cao, giống như hầu hết các loại hạt và quả hạch.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times