Mùa hè ngủ trưa, ăn thức ăn có màu đỏ để nuôi dưỡng trái tim
Hàng năm vào khoảng mùng 5 tháng 5, chính là tiết lập hạ, đây là tiết đầu tiên của mùa hè. Trung Y sử dụng “hỏa” trong ngũ hành để mô tả đặc điểm khí hậu của mùa hè.
Vào mùa hè, dương khí rất thịnh. Từ xuân sang hè, dương khí của cơ thể con người dần dần hướng đến bề mặt cơ thể, toàn bộ cơ thể con người đã hình thành một trạng thái, trong đó dương khí ở bên ngoài và âm khí ở bên trong.
Trong “Hoàng đế nội kinh – Tố vấn” viết rằng, vào mùa hè cần “ngủ đêm dậy sớm”. Thức dậy sớm hơn mặt trời mọc, tức là khoảng 6 giờ vào mùa hè; còn tối đi ngủ không muộn quá 23 giờ đêm.
Vào mùa hè dương khí ở bên ngoài, nên bảo trì tinh thần vui vẻ, để khí trong cơ thể thông suốt, ra vào tự nhiên, cảm xúc hướng ngoại. Bạn có thể thực hiện nhiều hoạt động ngoài trời hơn như đi du lịch, để cơ thể khỏe mạnh và vui vẻ.
Mùa hè chú trọng dưỡng tim, bài tiết mồ hôi. Buổi sáng ăn một ít hành tây
Trái tim trong cơ thể con người giống như mặt trời. Khí của tim cũng giống như khí hè, bắt đầu từ lập hạ, dương khí của tim sẽ tăng trưởng nhanh chóng. Nếu muốn khí huyết của cơ thể lưu thông tốt hơn, có thể đẩy khí dương ra ngoài nhanh hơn, do vậy dưỡng tim là rất quan trọng.
Một trong những điểm chủ yếu chính là phát hãn – ra mồ hôi. Trung Y nói rằng mồ hôi là dịch của tim, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên vào mùa hè, ra mồ hôi có thể điều chỉnh nhiệt độ của các cơ quan nội tạng; đồng thời mồ hôi cũng giống như nước tiểu, đóng vai trò bài tiết các chất cặn bã trong cơ thể, điều hòa chất lỏng và nhiệt độ. Ngoài ra, mồ hôi có tính acid yếu, có thể giữ cho da có tính acid và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn một cách hiệu quả.
Làm thế nào để giúp tiết mồ hôi và bảo vệ tim? Đặc biệt là một số người cao tuổi khí huyết không thông, dễ tắc nghẽn, có thể thử ăn một chút hành tây vào mỗi buổi sáng; người thích uống rượu có thể uống một chút rượu vào buổi sáng để khí huyết lưu thông. Khí mạch thông có thể ngăn chặn được nguy cơ mắc các bệnh về tim.
Những người đang nổi nóng tức giận nên uống nhiều nước, cố gắng khiến mồ hôi thoát ra, ăn nhiều trái cây và rau củ, ăn ít đồ cay.
Ngủ trưa vào mùa hè để bồi bổ tim, 2 kiểu người không nên ngủ quá lâu
Rất nhiều người chúng ta đều biết cần ngủ vào giờ “tý ngọ”. Giờ Tý là 23 giờ đêm đến 1 giờ sáng hôm sau, giờ Ngọ là từ 11 giờ đến 13 giờ, nên nghỉ ngơi một chút. Đây là một phương pháp rất tốt để bồi bổ khí dương của cơ thể.
Do thời tiết mùa hè nắng nóng, ban đêm ngủ không đủ giấc, khiến sau một buổi sáng làm việc và học tập, cơ thể tiêu hao rất nhiều tinh lực và thể lực, vì vậy ngủ trưa là cách rất tốt để bổ sung năng lượng cho cơ thể, ngăn ngừa bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim. Mặt khác, 11 giờ trưa đến 13 giờ là thời điểm khí dương mạnh nhất, nghỉ ngơi vào lúc này cơ thể có thể kết nối với năng lượng dương của đất trời, là cách tự nhiên và tiện lợi nhất để bồi bổ tim mạch.
Tất nhiên, thời gian ngủ không nên quá lâu, khoảng 15 đến 30 phút là được. Nếu ngủ quá lâu, cơ thể người sẽ tiến vào giai đoạn ngủ sâu, lượng máu lên não giảm, hô hấp chậm, trao đổi chất ít, sau khi ngủ dậy sẽ xuất hiện tình trạng không cung cấp đủ máu lên não, rối loạn chức năng tạm thời, từ đó cảm thấy đau đầu chóng mặt.
Người già trên 65 tuổi và người bị xơ cứng mạch máu não không được ngủ quá lâu. Vì thời điểm này vừa ăn xong, máu sẽ lưu thông chậm hơn, và khả năng đột quỵ sẽ cao hơn so với người bình thường. Đối với hai kiểu người này, một giấc ngủ ngắn 15 phút là đủ.
Mùa hè nên ăn nhiều đồ chua, cay, ngọt và thực phẩm màu đỏ. 2 loại cháo bồi bổ cho tim
Điểm chính trong chế độ ăn vào mùa hè là tăng vị chua, cay, ngọt, và bớt vị đắng.
Theo Ngũ hành Âm Dương, tim thuộc hỏa, hè 3 tháng là hỏa, sinh ra để tăng cường khí cho tim.
Mùa hè Tâm khí rất mạnh, cần được điều hòa. Nhưng vị đắng vào tim sẽ thành hỏa, ko thích hợp để giảm tính nóng, nên cần hạn chế vị đắng. Đồng thời nên bổ sung thêm vị cay, vì cay thuộc phổi, phổi thuộc Kim. Khi hỏa thịnh (hỏa khắc kim), hỏa sẽ khắc chế phổi, ăn một chút đồ ăn cay sẽ có thể bồi bổ phổi đồng thời giúp tâm khí được thông suốt.
Còn tăng vị chua là để bảo vệ gan, gan là mộc, mộc sinh hỏa, vào mùa hè khi tim càng hỏa, làm mộc yếu dần, lúc này ăn một số đồ chua có thể dưỡng gan. Gan và thận là tương sinh, thận cũng có thể được nuôi dưỡng, gân cốt khỏe mạnh.
Món ăn thích hợp vào mùa hè là cháo long nhãn và cháo hạnh nhân bách hợp, có tác dụng bồi bổ tim mạch, có lợi cho phổi.
1. Cháo long nhãn
Công thức: 25 gam long nhãn, 100 gam gạo tẻ, cùng lượng đường trắng thích hợp.
Cách làm: Cho long nhãn và gạo tẻ vào nồi, thêm một lượng nước vừa đủ, đun trên lửa lớn cho đến khi sôi, sau đó vặn nhỏ lửa cho đến khi chín, thêm lượng đường thích hợp.
Công hiệu: Dưỡng tim và tỳ, dưỡng huyết an thần.
Hợp với: Người làm việc quá sức, hay buồn phiền ,suy nghĩ quá nhiều, thân thể gầy yếu, hay quên, rối loạn kinh nguyệt.
Kiêng kỵ: Tránh uống rượu, trà đặc, cà phê khi uống cháo long nhãn.
2. Cháo hạnh nhân bách hợp
Công thức: 30 gam hạnh nhân, 60 gam hoa bách hợp tươi, 60 gam gạo nếp, cùng lượng đường và mật ong thích hợp.
Cách làm: Vo sạch gạo nếp và ngâm trong khoảng hai giờ. Hạnh nhân ngâm nước ấm rồi bóc vỏ, ngắt hoa bách hợp tươi chần qua nước để loại bỏ màng (có thể dùng hoa bách hợp khô rửa sạch ngâm mềm), cho gạo nếp và hạnh nhân vào nồi, thêm một lượng nước vừa đủ. Đun lửa lớn cho đến khi sôi thì chuyển sang lửa nhỏ nấu từ từ, khi cháo chín thì cho hoa bách hợp vào, nấu cho đến khi cháo đặc lại thì thêm đường, mật ong.
Công hiệu: Dưỡng tim, có lợi cho phổi.
Bách hợp đi vào kinh phế cũng phối hợp với kinh tâm, có vị ngọt tính bình, hơi đắng, tác dụng dưỡng phổi giảm ho, mát tim an thần. Hạnh nhân có vị đắng vào kinh phế, có tác dụng nhuận phế, giảm ho.
Mùa hè cũng thích hợp ăn nhiều thức ăn màu đỏ, thức ăn màu đỏ đa số đều có tính ấm nóng, nhiều khí dương, nhiều năng lượng. Ví dụ như đậu đỏ, hoa bụp giấm, táo tàu, táo đỏ, câu kỷ, dâu tằm, táo gai, anh đào, cà rốt, v.v. Những thực phẩm này có thể dùng làm thức ăn vặt hoặc làm món ăn, mỗi ngày có thể thay bằng các món khác nhau, dùng trong một thời gian có tác dụng dưỡng tim, bổ sung dương khí.
Mùa hè làm cứu ngải là cách tốt nhất để tăng cường dương khí
Còn có một điều đáng làm khác vào mùa hè, đó là cứu ngải (đốt ngải cứu khô lên các điểm cụ thể trên cơ thể). Có một câu nói trong dân gian là “Lập hạ làm cứu ngải, hơn ăn nhân sâm ngàn năm.” Cứu ngải chính là cách tốt nhất để tăng cường dương khí.
Lửa thuần dương từ cứu ngải có thể khôi phục dương khí, hơi nóng thông qua bề mặt cơ thể tiến vào huyệt đạo, khí nóng truyền vào làm ấm khí huyết, thông kinh mạch mà tiêu trừ bách bệnh. Các huyệt thường được sử dụng để đốt cứu ngải bao gồm: Túc Tam Lý, Huyệt Đại Chùy, Dương Lăng Tuyền và Tam Âm Giao.
Tác giả: Bác sĩ Phùng La Tiểu Khiết (Trưởng Phòng khám Trung y Khôn Đức tại New York)
Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: