BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Tôn giáo đang trở thành mục tiêu mới nhất của cuộc cách mạng AI như thế nào
Những người ủng hộ trí tuệ nhân tạo tìm cách viết lại Kinh Thánh và sử dụng chatbot để điều hành các buổi lễ nhà thờ
Trí tuệ nhân tạo được thiết lập để thay đổi thế giới hiện đại theo nhiều cách khác nhau — tạo ra tác phẩm nghệ thuật, trợ giúp các nhà văn, và thậm chí mô phỏng giọng nói của mọi người. Nhưng ít ai ngờ rằng nó được giao nhiệm vụ soạn thảo các nghi lễ tôn giáo và thậm chí viết lại một trong những cuốn sách được đọc và tôn kính nhất trong lịch sử, Kinh Thánh.
Thật vậy, ở Đức, hôm 09/06, hàng trăm người theo đạo Tin lành đã tham dự một buổi lễ phụng vụ ở Nuremberg, Đức, dưới sự dẫn dắt của một “chatbot” vô cảm đang ban phước lành cùng với một bài thuyết giảng do chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT soạn thảo.
Chatbot là một chương trình do AI điều khiển bắt chước các cuộc trò chuyện của con người thông qua văn bản hoặc giọng nói.
Vài tuần trước đó, một cố vấn cao cấp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã gợi ý rằng AI có thể được sử dụng để “viết lại” Kinh Thánh để làm cho nó trở nên “bao quát hơn” và hấp dẫn trên toàn cầu.
Những diễn biến này đặt ra thách thức chưa từng có về mặt văn học và thần học đối với các thẩm quyền tôn giáo đã được thiết lập trên toàn thế giới.
Ông Yuval Noah Harari, một nhà sử học và triết gia người Israel, là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất “Sapiens: A Brief History of Humankind.” (“Sapiens: Lược sử về Loài người”). Trong cuộc phỏng vấn với ký giả Pedro Pinto hôm 19/05 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, ông đã dự đoán khả năng tiềm ẩn của AI trong việc tạo ra một văn bản tôn giáo toàn cầu.
“Trong tương lai,” ông nói, “chúng ta có thể thấy những giáo phái và tôn giáo đầu tiên trong lịch sử có những văn bản thiêng liêng được viết bởi một trí thông minh phi nhân loại.”
Hiện tại, các tín đồ đã và đang được dẫn dắt bởi trí thông minh nhân tạo.
Trong buổi lễ do AI chủ trì nói trên, hàng trăm tín đồ Cơ Đốc Lutheran đã tụ tập để tham dự phụng vụ tại Nhà thờ St. Paul ở Nuremberg.
Khi các giáo dân ổn định chỗ ngồi, một chatbot ChatGPT, được nhân cách hóa thành một người đàn ông da đen có râu, xuất hiện trên một màn hình lớn được đặt phía trên bàn thờ và bắt đầu tiến hành buổi lễ.
“Quý vị thân mến, thật vinh dự cho tôi khi được đứng đây và thuyết giảng cho các quý vị với tư cách là trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại đại hội Tin lành năm nay ở Đức,” hình đại diện này nói.
Một trong bốn hình ảnh và giọng nói của AI đã dẫn dắt buổi phụng vụ của các tín đồ Cơ Đốc trong hơn 40 phút, dẫn dắt các bài hát, ban phước lành, và giảng môt bài thuyết pháp không phải do con người viết mà do máy viết. Khuôn mặt của các avatar này luôn vô cảm. Sau sự kiện này, mọi người nói rằng những giọng nói đó rất đơn điệu.
Ông Jonas Simmerlein, một nhà thần học và triết gia 29 tuổi từ Đại học Vienna, nói với một phóng viên rằng: “Tôi đã hình dung ra buổi lễ này — nhưng thực ra tôi thích đồng hành cùng nó hơn vì tôi có thể nói rằng khoảng 98% đến từ máy móc.”
“Tôi đã nói với trí tuệ nhân tạo đó, ‘Chúng ta đang ở đại hội nhà thờ, bạn là một nhà thuyết giáo… một buổi lễ nhà thờ sẽ trông như thế nào?’”
‘Không có trái tim và linh hồn’
Buổi lễ thử nghiệm này được tổ chức trong một đại hội Tin lành địa phương, được cho là đã thu hút hàng chục ngàn tín đồ.
Chatbot đó đã thay đổi diện mạo bốn lần — hoán đổi qua lại giữa hai người phụ nữ và hai người đàn ông — và thuyết giảng về việc để lại quá khứ sau lưng và tập trung vào những thử thách trong tương lai, đồng thời đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào Chúa Jesus Christ.
Quan điểm của mọi người đối với nhà thuyết giáo điện toán này là khá là trái chiều. Một số người háo hức quay lại hình ảnh đó, trong khi những người khác lại xem xét một cách nghiêm túc. Đôi lúc cách biểu đạt vô hồn của chatbot gây ra tiếng cười khi nó nhắn nhủ các tín đồ rằng “để giữ vững đức tin của mình, chúng ta phải cầu nguyện và thường xuyên đi nhà thờ.”
Bà Heiderose Schmidt, 54 tuổi, nói với một phóng viên: “Chẳng có trái tim và linh hồn.”
Là người làm việc trong lĩnh vực CNTT, bà nói rằng sự tò mò đã lôi kéo bà đến sự kiện này. Tuy nhiên bà thấy rằng sự việc ngày càng trở nên khó chịu khi buổi lễ tiếp tục diễn ra.
“Các hình ảnh đại diện không thể hiện bất kỳ cảm xúc nào, không có ngôn ngữ cơ thể và giọng nói quá nhanh và đều đều khiến tôi rất khó tập trung vào những gì chúng đang nói.”
Tuy nhiên, những người khác thì đã tỏ thái độ chấp nhận hơn và bị ấn tượng với công nghệ mới này.
“Thực sự tôi đã hình dung rằng buổi lễ sẽ tồi tệ hơn,” ông Marc Jansen, một mục sư Lutheran 31 tuổi, người đã đưa một nhóm thanh thiếu niên đến buổi lễ cho biết. “Nhưng tôi thực sự ngạc nhiên [bởi] chương trình này hoạt động tốt đến thế.”
“Bên cạnh đó, ngôn ngữ của AI hoạt động khá tốt, mặc dù đôi khi vẫn còn hơi lủng củng.”
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng dường như không có chút tinh thần và cảm xúc nào.
Cô Anna Puzio, 28 tuổi, nhà nghiên cứu về đạo đức công nghệ từ Đại học Twente, Hà Lan, cho biết: “Thách thức mà tôi nhận thấy đó là AI rất giống con người và rất dễ bị nó đánh lừa.”
Ông Harari nói, thật vậy, việc sử dụng AI để chủ trì các nghi lễ tôn giáo có thể mang lại cho nó quyền kiểm soát chưa từng có, gồm cả khả năng “thao túng và kiểm soát con người cũng như định hình lại xã hội.”
“Một khi có thể, nó không cần phải cử những con robot sát thủ đến để bắn chúng ta. Nó có thể khiến con người tự bóp cò súng.”
Phải chăng là Ngày tận thế?
Vì vậy, đây có phải là cơ hội để loại bỏ yếu tố con người vốn dễ sai sót và cho “Lời Tốt lành” (Kinh Thánh) đi qua phần mềm được tối ưu hóa vì mục đích tốt đẹp hay không? Hay đó là cơ hội để thao túng những nhóm người đông đảo trên quy mô lớn?
Luật sư kiêm blogger Jeff Childers đã cảnh báo về cơ hội thứ hai này.
Trong blog “Coffee và Covid” của mình trên Substack, ông Childers đã dự đoán rằng việc AI gây ảnh hưởng đến tôn giáo sắp diễn ra.
Ông đã đưa ra dự đoán trên chỉ vài ngày trước khi ông Harari bình luận công khai về khả năng sẽ xuất hiện các Kinh Thánh do AI viết, và ngay trước buổi lễ phụng vụ do AI chủ trì tại Đức.
Ban ngày, ông Childers là luật sư tranh tụng thương mại ở Gainesville, Florida. Vào ban đêm, ông thường tập trung vào việc thu thập tin tức cho trang blog mà ông đã ra mắt khi đại dịch bắt đầu.
Ông cũng tự mô tả mình là một người theo premillennialist (thuyết cho rằng Chúa Jesus sẽ quay trở lại trị vì thế giới trong một ngàn năm hạnh phúc), một tín đồ Cơ Đốc kiên định với cách giải thích về “Thời kỳ cuối cùng” đúng như được mô tả trong sách Khải huyền của Kinh Thánh.
“Vì vậy, trong sách Khải Huyền, [có đoạn] mô tả về ngày tận thế,” ông Childers nói với The Epoch Times. “Và các nhân vật trong sách khá đa dạng. Một trong số đó là Antichrist (Kẻ phản Chúa) được Hollywood phổ biến đến công chúng cũng như tất cả các nhân vật trong sách.”
“Một nhân vật khác… là con thú thứ hai có sừng như cừu non,” ông nói. “Và con thú thứ hai có thể làm phép lạ khi có sự hiện diện của Kẻ phản Chúa. Và người ta thường gọi con thú thứ hai là Nhà Tiên Tri Giả. Bởi vì, như sách Khải huyền mô tả, nó sẽ khiến cả thế giới tôn thờ con thú đó, Kẻ phản Chúa.”
Ông nói, nhiều người dự đoán Kẻ phản Chúa sẽ là một nhân vật chính trị và nghĩ rằng con thú thứ hai là một nhân vật tôn giáo. Nhưng “Nhà Tiên tri giả” đó có thể trông như thế nào?
Ông giải thích: “Có đủ loại giả thuyết như nó sẽ là một bức tượng có sự sống hoặc, quý vị biết đấy, những thứ siêu nhiên điên rồ đại loại như thế.”
Hãy nghĩ về một siêu máy điện toán có khả năng truy cập vào lượng dữ liệu chưa từng có, và có khả năng bắt chước phong cách của các nhân vật lịch sử trong quá khứ, đồng thời tạo và trình bày thông tin cho con người theo cách ngày càng gần gũi hơn.
“Quý vị sẽ muốn lắng nghe lời khuyên răn từ Chúa Jesus, hoặc nhà tiên tri Mohammed, Đức Phật, và sẽ có phiên bản AI của những nhân vật lịch sử này,” ông nói, đồng thời tin tưởng rằng mọi người sẽ “bắt đầu thực sự tôn thờ những thứ này.”
Hóa ra, việc phát triển các chương trình chatbot như vậy đã đang được tiến hành.
Trò chuyện với các vị Thần
Hiện đã có các chương trình ChatGPT để phúc đáp các câu hỏi về tôn giáo, thậm chí cho phép người dùng nói chuyện với “các vị Thần” của họ.
GitaGPT đang vận hành một nền tảng tuyên bố cho phép người dùng nói chuyện với một số vị thần, bao gồm Krishna, Shiva, Ganesha, Shir Ram, và Chanakya. Trang web này cũng có một chatbot Phật.
Ngoài ra còn có một QuranGPT có thể đưa ra chỉ dẫn tinh thần cho người Hồi giáo và một Robo Rabbi để giao tiếp với vai trò là một nhà lãnh đạo và thuyết giảng cho người Do Thái.
Các nền tảng AI như thế này giờ đây có thể soạn thảo nội dung mới và đưa ra các ý tưởng cũng như giải pháp mới dựa trên việc diễn giải dữ liệu. Các chuyên gia cho biết, Rồi dần dần, AI sẽ phát triển thêm nhiều khả năng, trở nên tinh tế hơn và giống con người hơn.
“Tôi truy cập ChatGPT và nói, ‘ChatGPT, hãy tập hợp tất cả những điều tốt đẹp nhất của các tôn giáo trên thế giới, bỏ đi những điều xấu và đưa cho tôi xem Chương Một của một cuốn thánh thư mới dựa trên những gì bạn nghĩ ra,” ông Childers nói.
“Và chắc chắn, nó hiển thị ra thứ gì đó. Và đây chỉ là thế hệ thứ tư [của thứ công nghệ này], phải không? ChatGPT [thế hệ] thứ năm sắp ra mắt.”
Ông cũng coi ChatGPT là một cách để các thế lực cầm quyền khôi phục những người gác cổng thông tin và giành lại quyền kiểm soát đã bị mất đối với việc truyền bá thông tin khi bắt đầu có mạng internet.
“Một trong những vấn đề mà họ gặp phải trong đại dịch là thông tin sai lệch và thông tin giả, phải không? Có nghĩa là chúng tôi có quá nhiều cách để nói chuyện với nhau,” ông nói.
“Họ cố gắng đè bẹp chúng tôi trên mạng xã hội và chúng tôi đã tìm ra những cách khác — chúng tôi sử dụng Telegram, chúng tôi sử dụng các từ mã để tránh các cảm biến nhân tạo và tất cả những thứ giống như vậy. Sử dụng AI mà mọi người tin tưởng là một cách tuyệt vời để kiểm soát con người.”
Ông Harari dường như chia sẻ sự hiểu biết đó về tiềm năng kiểm soát của AI.
“Trái ngược với những gì mà một số thuyết âm mưu giả định, quý vị không thực sự cần phải cấy vi mạch bán dẫn vào não người để kiểm soát hoặc thao túng họ,” ông Harari lưu ý trong cuộc phỏng vấn của mình.
Ông Childers lo lắng về ảnh hưởng đối với những người tìm đến AI để trả lời cho những câu hỏi thần học sâu sắc nhất của họ.
“Hy vọng gì đây đối với những người bình thường đi quanh quẩn ngoài kia, vốn tự coi mình là một tín đồ Cơ Đốc, không đọc Kinh Thánh, nhưng có thể ngay lập tức nhận được câu trả lời cho tất cả các câu hỏi thần học của mình bằng hình đại diện tôn giáo hữu ích này của AI trên điện thoại của họ? ”
Người đấu với máy
Các nhà lãnh đạo tôn giáo—từ tu sĩ đến thầy tế và từ mục sư đến tộc trưởng—đều trải qua các giai đoạn đào tạo giáo dục khác nhau để đối mặt một cách chín chắn với những thách thức đối với tín ngưỡng của mình.
Nhưng cho đến hiện tại, những kẻ thách thức tại trần gian chỉ là con người đồng loại. Bây giờ, họ đột nhiên đang phải cạnh tranh với các chương trình AI có quyền truy cập vào tất cả các phần kinh sách được số hóa có thể truy cập của mỗi tôn giáo.
Ông Childers nói: “Các tôn giáo truyền thống sắp có một cuộc khảo nghiệm nghiêm túc về sự can đảm. Và họ sẽ phải đối phó về mặt thần học với những thứ mà con người đã tạo ra này.”
Ông Connor Penn là một linh mục Công giáo và là cha sở giáo xứ tại nhà thờ St. Catherine of Siena ở Clearwater, Florida. Ở tuổi 30, ông sắp bắt đầu năm thứ ba trong vai trò là một linh mục, một cam kết trọn đời với chức vụ của mình. Một phần vai trò của ông là bảo vệ Giáo hội Công giáo vượt qua những thách thức của thế kỷ 21.
Ông nói với The Epoch Times rằng AI vẫn chưa ảnh hưởng đến giáo xứ của ông.
Nhưng ý nghĩ đối mặt với thử thách sắp tới không làm ông sợ hãi. Đối với ông, những chiếc máy điện toán nhân tạo này vẫn không thể sánh được với sự can thiệp thiêng liêng của Chúa.
Ông nói: “Niềm tin căn bản của chúng tôi với tư cách là những tín đồ Cơ Đốc là Kinh Thánh không chỉ là tập hợp những hiểu biết sâu sắc và những lời dạy thông thái, mà Kinh Thánh còn được Chúa soi dẫn.”
“Có điều gì đó về điều đã được Chúa truyền lại cho chúng ta thông qua các công cụ của con người—những câu chuyện được kể lại, được truyền thừa qua nhiều thế hệ—rằng có điều gì đó trong đó mà Chúa muốn chúng ta biết.”
Ông nói: “AI có thể tạo ra toàn bộ cuốn Kinh Thánh thứ hai này, nhưng chúng tôi sẽ không tin rằng điều đó được truyền cảm hứng giống như cách Kinh Thánh được Chúa soi dẫn.”
Vì vậy, ông không hề lo lắng rằng AI sẽ khiến Kinh Thánh trở nên “không phù hợp” hoặc “không liên quan”.
Cha Penn, vốn được nhiều giáo dân biết đến, “không nghi ngờ gì” rằng mọi người sẽ tìm đến AI để biết thông tin về Chúa Jesus và mọi người sẽ đổ xô đến AI để có được những câu trả lời ngay lập tức.
Nhưng bất kể câu trả lời mà máy điện toán đưa ra cho họ là gì, ông tin rằng chân lý của Cơ Đốc Giáo sẽ tỏa sáng và chạm đến trái tim của mọi người. Điều đó vẫn sẽ luôn như thế bất kể có bao nhiêu động cơ chẳng hạn như “tính toàn diện” và sự tuân thủ chính quyền có thể cố gắng làm hỏng hình ảnh và thông điệp này.
Cha Penn nói: “Khi chúng ta dành thời gian và sự tĩnh lặng để lắng nghe tiếng nói đó [của Chúa], điều đó sẽ nói lên nhiều sự thật hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể tìm kiếm từ trí tuệ nhân tạo.”
Và cha Penn không lo lắng về một chatbot đóng giả làm Đấng Sáng Thế. Ông nói, AI không bao giờ có thể làm được điều đó bởi vì Chúa “nói với chúng ta trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta.”
Tuy nhiên, cha Penn nhìn thấy một tiềm năng tích cực trong công nghệ này.
“Hy vọng của tôi đối với AI là nó sẽ đáp ứng mối quan tâm của mọi người” trong việc đào sâu hơn vào đức tin của họ.