BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Chuyên gia an ninh quốc tế cho biết nếu Hoa Kỳ gửi thêm vũ khí cho Ukraine thì chiến tranh có thể vượt khỏi tầm kiểm soát
Mặc dù sự kiện hạt nhân khó có thể xảy ra nhưng phải được xem xét ‘vô cùng nghiêm túc’
Một chuyên gia an ninh quốc tế cho biết, việc tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine có thể khiến cuộc chiến với Nga tiếp tục leo thang và rốt cuộc có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, mở rộng ra ngoài Ukraine.
Ông Max Abrahms, giáo sư khoa học chính trị, nói với chương trình “Crossroads” của EpochTV hôm 17/07, “Tôi không tin rằng việc cung cấp vũ khí liên tục [và] vô thời hạn cho người Ukraine sẽ buộc [Tổng thống Nga Vladimir] Putin phải đơn giản rời khỏi toàn bộ lãnh thổ sau năm 1991 này.”
Ông Abrahms nói thêm: “Tôi thực sự tin rằng chúng ta đổ càng nhiều vũ khí vào đây thì Nga sẽ càng quyết tâm gấp bội.”
Năm 1991, Liên bang Xô Viết, bao gồm 15 nước cộng hòa trong đó có Ukraine, không còn tồn tại với tư cách là một quốc gia có chủ quyền và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô đã giành được độc lập.
Ông Abrahms nói rằng ông ủng hộ một loại giải pháp “không chính thức” hoặc “ngã rẽ” để giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ông Abrahms cho rằng cuộc chiến có khả năng mở rộng thành “chiến tranh nóng” bên ngoài Ukraine.
Ông cho biết cuộc chiến này đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho người Ukraine, trong đó có thường dân. Ông Abrahms tiếp tục: “Nga có thể gây thiệt hại cho nhiều thường dân hơn nếu họ muốn, mặc dù không rõ “giới hạn nào dành cho ông Putin.”
“Chiến lược hiện tại của Hoa Kỳ về cơ bản là ép buộc ông Putin ngồi vào bàn đàm phán bằng cách không ngừng giúp đỡ cho Ukraine, những tôi nghĩ rằng chiến lược đó sẽ không hiệu quả.”
Ông Abrahms cho biết, có lẽ Hoa Kỳ đang dựa vào “mô hình răn đe” để tiếp cận cuộc chiến ở Ukraine. “Ý tưởng là nếu một bên, chẳng hạn như bên Ukraine, đủ mạnh, thì điều này sẽ ngăn cản Nga không tiếp tục tham chiến.”
Nhưng ông Abrahms cho biết cũng có “một mô hình xoắn ốc” nên được xem là “quan trọng không kém.”
“Ý tưởng là chúng ta càng chi viện vũ khí nhiều bao nhiêu, bao gồm cả những vũ khí đang gây tranh cãi, thì thực sự càng có thể khiến phía Nga củng cố khả năng leo thang nhiều bấy nhiêu, và thậm chí tình hình sẽ còn vượt khỏi tầm kiểm soát hơn nữa, cả ở Ukraine lẫn những nơi khác.”
Ông Abrahms tin rằng các nhà lãnh đạo các nước NATO, những người đã họp lại hồi đầu tháng này (07/2023) tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva, ủng hộ mạnh mẽ mô hình răn đe, nhưng “thực sự họ cũng cần phải xem trọng mô hình xoắn ốc”.
Khả năng làm hại thường dân
Ông Abrahms lo ngại rằng “việc phương Tây rót vũ khí vào Ukraine sẽ kéo dài cuộc chiến tranh tiêu hao này, [và] thực ra sẽ còn khiến người Nga rất có thể chĩa mũi súng vào chính người dân hơn.”
Ông Abrahms cho biết trong “cuộc nghiên cứu nghiêm túc theo phương pháp luận” đã phát hiện ra rằng yếu tố then chốt quyết định việc một chính phủ có ít hay nhiều khả năng sử dụng vũ lực tràn lan nhắm vào người dân, cố gắng tàn sát hàng ngàn người, là mức độ tuyệt vọng của chính phủ đó.
“Sự tuyệt vọng được đo bằng độ dài của cuộc chiến, cũng như số lượng binh lính mà họ đã mất trong cuộc chiến.”
Ông nói: “Đã có thường dân đổ máu ở Ukraine, nhưng điều này thực sự có thể trở nên tệ hơn.”
Ông Abrahms giải thích rằng các chủ thể phi nhà nước chuyển sang khủng bố cũng có sự tương đồng như thế bởi vì họ tuyệt vọng và không có “các con đường cải tổ chính trị nào khác.”
Ông Abrahms nói thêm rằng vai trò của sự tuyệt vọng nên được tính đến như một yếu tố rủi ro làm leo thang cuộc chiến nhắm vào thường dân.
Ông cũng chỉ trích việc chính phủ Tổng thống Biden cung cấp cho Ukraine bom chùm, loại vũ khí bị cấm ở nhiều quốc gia và có thể làm tăng số lượng thương vong ở thường dân.
Ông Abrahms cho biết loại bom này “có thể tồn tại trong nhiều năm” và gây thương tích hoặc thiệt mạng cho thường dân.
“Điều này hết sức trớ trêu bởi vì chủ yếu Hoa Kỳ biện minh rằng họ ủng hộ cho Ukraine là để bảo vệ người dân trước ông Vladimir Putin. Nhưng trên thực tế, các vũ khí của chính chúng ta sẽ gây hại cho một số người dân.”
Khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân
Ông Abrahms cho rằng vũ khí hạt nhân không thể nào được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng Hoa Kỳ vẫn cần lo lắng về một sự kiện hạt nhân.
“Rủi ro thực ra được quyết định qua hai yếu tố, khả năng xảy ra điều đó và nếu điều đó xảy ra thì hậu quả nghiêm trọng đến mức nào.”
“Tôi nghĩ, chính bởi vì điều tuyệt đối đúng là việc sử dụng hạt nhân sẽ rất thảm khốc và thậm chí có thể dẫn đến một cuộc thế chiến khác, nên chúng ta cần phải xem xét vô cùng nghiêm túc điều đó.”
Ông Abrahms nói, chính phủ muốn biện minh cho quan điểm của Hoa Kỳ về các cuộc xung đột “bằng những từ ngữ hết sức có đạo đức” mà tại đó Hoa Kỳ chiếm lợi thế còn kẻ thù của họ là “vô cùng xấu xa.”
Ông Abrahms khẳng định, cuộc chiến ở Ukraine rất phức tạp, hơn nữa cả phía Nga và phía Ukraine đều vi phạm về mặt đạo đức.
Ông cho biết cuộc nghiên cứu của ông cho thấy rằng “một phe cực hữu trong các chiến binh Ukraine có liên hệ với chủ nghĩa tân Quốc xã.”
Bằng chứng thường được trích dẫn về mối liên hệ của các chiến binh Ukraine với chủ nghĩa tân Quốc xã là Tiểu đoàn Azov, một tổ chức bán quân sự tình nguyện được thành lập hồi năm 2014, một tháng sau khi cuộc chiến bắt đầu ở vùng Donbas của Ukraine giữa các lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn và các lực lượng Ukraine. Tiểu đoàn này tham chiến và đạt được một số thành công trong việc chống quân ly khai.
Hồi cuối năm 2014, tiểu đoàn gồm hơn 400 quân nhân này đã được mở rộng thành một trung đoàn và sáp nhập vào Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine và tại đây họ đã tăng lên khoảng 2,500 binh sĩ.
Ông Abrahms cho biết qua thời gian Tiểu đoàn Azov vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ với chủ nghĩa tân Quốc xã, kể cả sau cuộc xâm lược của Nga hồi tháng 02/2022 và cho dù tiểu đoàn này đã được hợp nhất vào quân đội Ukraine.
Ông Abrahms nói thêm rằng luận điệu của giới quyền uy trở thành là: sau khi tiểu đoàn này hợp nhất với quân đội Ukraine thì không cần phải lo lắng về hệ tư tưởng tân Quốc xã của họ.
“Giới quyền uy cố gắng minh oan cho nhiều khía cạnh tiêu cực của cuộc chiến, nhưng nhìn chung ở cả hai bên, cuộc chiến này thực sự khá nhơ nhuốc.”
Ông Massimo Introvigne, một nhà xã hội học người Ý và là giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu về các Tôn giáo Mới ở Ý, cho biết bên phía Nga cũng có những người theo chủ nghĩa tân Quốc xã đang chiến đấu.
Ông Introvigne viết cho Bitter Winter rằng một số thành viên của Tổ chức Thống nhất Quốc gia Nga — một đảng tân Quốc xã đã bị cấm ở Nga vào năm 1999 trên lý thuyết nhưng vẫn còn hoạt động — hiện có mặt trên lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở miền đông Ukraine và đang chiến đấu cho phía Nga.
Mối liên hệ với chủ nghĩa tân Quốc xã
Hồi năm 2014, ông Andreas Umland, một nhà khoa học chính trị đã nghiên cứu về Tiểu đoàn Azov, nói với hãng thông tấn Hromadske.tv của Ukraine rằng một số sáng lập viên và thành viên của Tiểu đoàn Azov “theo tân Quốc xã” chứ không phải bản thân tiểu đoàn này.
Sau khi hợp nhất với quân đội Ukraine, tiểu đoàn này vẫn giữ nguyên phù hiệu móc sói được Đức Quốc xã sử dụng. Tuy nhiên, ông Umland nói với Agence France-Presse một tháng sau cuộc xâm lược của Nga rằng ở Ukraine, biểu tượng này “không còn mang hàm ý là một loại biểu tượng phát xít nữa.”
Trước cuộc xâm lược Ukraine, ông Putin đã công bố một bài diễn văn dường như được ghi âm trước, trong đó ông nói rằng ông đã cho phép một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Trong bài diễn văn này, ông Putin khẳng định rằng chiến dịch này nhằm “phi quân sự hóa và phi Quốc xã hóa” ở Ukraine.
Ông Introvigne viết cho tổ chức Human Rights Without Frontiers rằng mối liên hệ của Ukraine với Đức Quốc xã bắt đầu từ Đệ nhị Thế chiến khi một phong trào dân tộc chủ nghĩa của Ukraine bắt đầu hợp tác với Đức Quốc xã trong cuộc xâm lược vào Liên Xô năm 1941.
Ông Introvigne viết rằng, sự áp bức của Liên Xô đã gây ra rất nhiều đau khổ cho người dân Ukraine mà đỉnh điểm là nạn đói nhân tạo Holodomor “do Stalin tạo ra để xóa sổ giai tầng tiểu địa chủ Ukraine, những người được xem là nòng cốt của phong trào ủng hộ độc lập. Khi đó, ít nhất ba triệu rưỡi người Ukraine đã chết đói vào năm 1932 và 1933.”
“Sau khi độc lập, một phong trào tân Quốc xã nhỏ đã phát triển ở Ukraine,” ông Introvigne cho biết. “Phong trào này không bao gồm các cựu chiến binh của Đệ nhị Thế chiến… Một tỷ lệ khá lớn những kẻ theo tân Quốc xã mới mẻ, trẻ tuổi này xuất thân từ những người hâm mộ bóng đá quá khích.”
Bản tin có sự đóng góp của Jack Phillips và Reuters
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times