BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Các nhà lập pháp có quan điểm khác nhau về việc gia hạn quy định giám sát trước các lạm dụng của DOJ, FBI
Sau một loạt cáo buộc lạm dụng quy định giám sát đối với công dân Mỹ, các nhà lập pháp đang có ý kiến trái chiều về việc gia hạn Mục 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISA), một quy định giám sát rộng rãi sau ngày 11/09.
Thẩm quyền hạn chế để thu thập thông tin tình báo ngoại quốc được cấp theo Mục 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISA), một quy định giám sát sau ngày 11/9 cho phép tình báo Hoa Kỳ quyền nhắm mục tiêu vào “(i) những người không phải là người Mỹ (ii) những người có nhiều khả năng đang ở bên ngoài Hoa Kỳ (iii) để thu thập thông tin tình báo ngoại quốc.”
Tuy nhiên, thẩm quyền này có thể cấp một vòng tìm kiếm mở rộng khả dĩ cho FBI và các cơ quan tình báo khác, những cơ quan có thể sử dụng quyền lực tương tự đối với công dân Mỹ có bất kỳ liên lạc nào với người ngoại quốc bị nhắm mục tiêu.
Điều khoản này là một trong nhiều thẩm quyền giám sát được thiết lập sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001, sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 nếu Quốc hội không gia hạn. Nhưng nhiều người trong Quốc hội lo ngại về chương trình này sau khi một loạt vi phạm pháp luật liên quan đến bộ máy chính phủ được đưa ra ánh sáng.
Hết báo cáo này tới báo cáo khác đã tiết lộ sự lạm dụng chương trình trên, nổi bật nhất là của FBI. Vi phạm nghiêm trọng nhất xảy ra vào năm 2021 khi người ta tiết lộ rằng cơ quan này đã sử dụng quy định tình báo ngoại quốc 3.3 triệu lần đối với công dân Mỹ mà không có lệnh hoặc sự chấp thuận của tòa án. Một số trong số 3.3 triệu truy vấn về người Mỹ đó đã được thực hiện nhắm vào một thành viên ẩn danh của Quốc hội.
Sau báo cáo đó, FBI tuyên bố sẽ thực hiện các thay đổi — một lời tuyên bố mà cơ quan này đã nhắc lại sau khi một báo cáo hồi tháng 04/2023 tiết lộ rằng cơ quan này đã thực hiện thêm 278,000 truy vấn bất hợp pháp đối với công dân Mỹ sau khi thực hiện các cải cách trước đó mà cơ quan này cho biết sẽ giải quyết vấn đề này.
Báo cáo tháng Tư này cũng tiết lộ rằng quyền lực của FISA đã được sử dụng gần 20,000 lần để nhắm vào các nhà tài trợ chính trị cho một chiến dịch quốc hội giấu tên — chỉ tám trong số đó được phát hiện là thực sự liên quan tới tình báo ngoại quốc.
Triển vọng khác nhau
Một số nhà lập pháp đã thảo luận vấn đề này với The Epoch Times và đưa ra những quan điểm khác nhau về việc đổi mới chương trình trên. Hầu hết cho rằng chương trình này là một công cụ quan trọng và hữu ích trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế nhưng cho biết các hành vi lạm dụng là đáng lo ngại và cần được giải quyết.
Thượng nghị sĩ John Comyn (Cộng Hòa-Texas) cho hay: “Chúng ta cần duy trì khả năng thu thập thông tin tình báo chống gián điệp ngoại quốc, nhưng chúng ta cũng cần bảo vệ quyền riêng tư của công dân Mỹ và bảo đảm rằng họ được hưởng các quyền theo Hiến pháp.”
Ông nói thêm, “Liên quan đến việc thu thập ngẫu nhiên và sử dụng thông tin FISA được thu thập hợp pháp cho các cuộc điều tra tội phạm liên quan đến công dân Hoa Kỳ, về vấn đề đó, có thể cung cấp các lớp bảo vệ bổ sung được Hiến pháp cho phép.”
Để giám sát công dân Mỹ theo FISA, các cơ quan tình báo phải đệ trình lên Tòa án Giám sát Tình báo ngoại quốc, cơ quan giám sát chính của FISA.
Tuy nhiên, các thủ tục của việc này được tiến hành hoàn toàn bí mật, không giống như hầu hết các tòa án Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là chính xác những gì diễn ra trong một phiên tòa FISA không phải là thông tin công khai, ngoại trừ một số thông cáo được biên tập lại kỹ lưỡng do tòa án đó ban hành.
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (Dân Chủ-Connecticut) cũng đề nghị cải cách việc thu thập dữ liệu nhắm vào người Mỹ.
Ông nói: “Cần phải có một số thay đổi trong luật này, cần phải có một số cải cách để việc này được thông qua, không phải bàn cãi nữa.”
“Ví dụ như tăng cường quy trình đối lập để các quan điểm khác nhau được thể hiện trong đơn xin lệnh giám sát.”
Trong phiên điều trần hôm 13/06 của Ủy ban Tư pháp Thượng viện về vấn đề này, Thượng nghị sĩ Dick Durbin (Dân Chủ-Illinois), người trước đây đã chỉ trích Mục 702, đề cập đến báo cáo tháng Tư và nói rằng những phát hiện trên một lần nữa đặt ra nghi vấn về khả năng của các cơ quan tình báo trong việc sử dụng công cụ này trong giới hạn mà luật quy định.
Khi đề cập đến lần tái cấp phép có giới hạn của chương trình này hồi năm 2017 dưới thời Tổng thống đương thời Donald Trump, ông Durbin nói: “Kể từ lần tái cấp phép cuối cùng của Mục 702, nhiều vi phạm Hiến Pháp, luật định, và các hạn chế do tòa án áp đặt đối với Mục 702 đã được đưa ra ánh sáng.”
Ông Durbin nói thêm: “Những cuộc tìm kiếm này đã ảnh hưởng đến tất cả công dân Mỹ, chẳng hạn như những cá nhân được liệt kê trong báo cáo sát nhân của cảnh sát, bao gồm nạn nhân, người thân, và nhân chứng.”
Ông cũng lưu ý rằng thẩm quyền giám sát đã được áp dụng cho các vấn đề hoàn toàn ở quốc nội, trong đó có cả Black Lives Matter và những người biểu tình ngày 06/01.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) cũng cho biết ông có “mối lo ngại sâu sắc” về việc tái cấp phép Mục 702.
Ông Hawley nói: “Tôi không biết tại sao chúng ta lại trao cho họ quyền này mà không có bất kỳ hình thức cải cách nào.”
“Chỉ cần nhìn vào 278,000 truy vấn bất hợp pháp đối với dữ liệu cá nhân của người Mỹ, và lời bào chữa của họ rằng điều đó là không cố ý. Không cố ý ư? Làm ơn đi, chúng tôi không cả tin vậy đâu. Ý tôi là, với tôi điều đó thật vô lý.”
Thượng nghị sĩ Jim Risch (Cộng Hòa-Idaho) cho biết ông ủng hộ việc gia hạn Mục 702, và nói rằng mặc dù điều quan trọng là phải “loại bỏ sự lạm dụng,” nhưng Mục 702 hoặc một chương trình tương tự là cần thiết vì mục đích an ninh quốc gia.
Khi được hỏi về ý kiến của ông trong việc gia hạn Mục 702, Dân biểu Bob Good (Cộng Hòa-Virginia), một thành viên nổi bật của House Freedom Caucus đầy quyền lực, đã nhanh chóng trả lời rằng ông “hoàn toàn phản đối điều đó,” vì chuỗi các vụ lạm dụng được báo cáo.
Khi được hỏi liệu ông có thể chấp nhận bất kỳ cải cách nào hay không, ông Good trả lời: “Các quyền hiến định của người dân Mỹ phải là tối quan trọng.”
Sự tiếp quản quan liêu
Dân biểu Jack Bergman (Cộng Hòa-Wisconsin) cho là quy định giám sát sau sự kiện 11/09 này được đưa ra “vì những lý do chính đáng,” nhưng nói rằng giống như các chương trình khác của chính phủ do bộ máy quan liêu thực thi, các quan chức đã sử dụng chương trình này cho các mục đích khác với những gì Quốc hội dự định ban đầu.
Ông nói rằng đã đến lúc Quốc hội phải “xem xét kỹ lưỡng để xem điều gì đã thay đổi kể từ khi chúng ta cho phép thực thi quy định đó bởi vì … hầu hết những việc chúng ta nên làm tại Quốc hội cần có một giới hạn về thời gian.”
“Có như vậy chúng ta mới đánh giá lại được chứ không thể cứ để mãi như vậy. Bởi vì sau đó bộ máy quan liêu sẽ kiểm soát quy định đó.”
Dân biểu Tim Burchett (Cộng Hòa-Tennessee) đã lặp lại quan điểm này.
Ông Burchett nói: “Tôi nghĩ chúng ta cần suy nghĩ lại về toàn bộ tình huống của tòa án FISA. Đó là một hành động tiếm quyền điển hình của các quan chức không được dân cử.”
“Tôi thực sự không thích chính phủ theo dõi người Mỹ,” ông nói thêm.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) nói rằng Mục 702 là “một thẩm quyền quan trọng,” nhưng giống như những người khác, ông bày tỏ lo ngại về chuỗi các hành động được cho là lạm quyền này.
Ông Cruz bày tỏ lo ngại về việc “chính phủ lạm dụng các thẩm quyền đó để nhắm mục tiêu vào công dân Mỹ. Như chúng ta đã thấy, chính phủ đã chính trị hóa hoàn toàn Bộ Tư pháp, FBI, và các cơ quan tình báo.”
Điều này “[khiến] người Mỹ ít tin tưởng hơn rằng mục này sẽ được áp dụng một cách trung lập,” ông Cruz nói.
Cần phải cải cách
Thượng nghị sĩ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky) nói với The Epoch Times rằng giải pháp là cải cách hệ thống FISA để hoàn toàn không áp dụng quy định này đối với công dân Mỹ.
“Đề nghị của chúng tôi là một sửa đổi nhằm hạn chế FISA chỉ áp dụng cho người ngoại quốc, mà về cơ bản người Mỹ sẽ không nằm trong phạm vi ảnh hưởng,” ông Paul trả lời khi được hỏi quan điểm của ông về cải cách FISA.
“Nếu quý vị muốn điều tra một người như ông Carter Page hay ông Donald Trump, quý vị phải đến một tòa án thông thường, xin một trát thông thường, vốn tuân theo Hiến Pháp,” ông Paul nói, đề cập đến trường hợp mà ông Carter Page, một cộng sự của Tổng thống Donald Trump, đã bị theo dõi dưới thẩm quyền FISA.
Một cuộc điều tra của tổng thanh tra về trường hợp của ông Page phát hiện ra rằng FBI đã nhận được lệnh theo dõi — một phần của cuộc điều tra về những tuyên bố bị vạch trần là giả dối rằng ông Trump đã thông đồng với Nga — bằng cách đưa ra một loạt tuyên bố sai sự thật và bỏ bớt sự thật trước tòa án FISA.
Trường hợp này là một trong những vụ sử dụng FISA đối với một công dân Mỹ gây chú ý nhất.
“Vấn đề với FISA là nó có tiêu chuẩn thấp hơn,” ông Paul nói. “Tiêu chuẩn theo Hiến Pháp này là cơ sở chính đáng chứng minh hành vi phạm tội. Quý vị có thể yêu cầu thời gian, địa điểm, sự việc cụ thể dựa trên cơ sở chính đáng để tin một người cụ thể phạm tội. Cơ sở chính đáng này cho tòa án FISA là cơ sở mà theo đó quý vị có mối liên hệ với chính phủ ngoại quốc hoặc tổ chức ngoại quốc.”
“Đó là một tiêu chuẩn thấp hơn,” ông Paul nhấn mạnh.
Ông nói thêm, “Tòa án FISA thực sự vi hiến khi hiện giờ sử dụng các lệnh của tòa án FISA đối với người Mỹ.”
Tóm lại, ông nói “Cách duy nhất để khắc phục FISA là chỉ áp dụng nó cho những người không phải là người Mỹ.”
Khi được hỏi về đề nghị của ông Paul, ông Cruz đã tỏ vẻ ủng hộ.
“Đó chính là mục đích quy định này được tạo ra là tập trung vào công dân ngoại quốc, và tôi thực sự lo ngại về việc chính phủ Tổng thống Biden lạm dụng các cơ quan giám sát của họ để nhắm vào công dân Mỹ,” ông nói.
Ông Hawley cũng đưa ra đề nghị tương tự, nói rằng thẩm quyền thu thập bằng chứng trong nước và ngoại quốc có thể cần phải được tách biệt. Ông nêu ra sự cần thiết phải “cải cách cơ cấu” đối với cách thức áp dụng Mục 702.
“Chúng ta có nên tách riêng hoạt động thu thập thông tin tình báo trong và ngoài nước của họ dựa trên điều được cho phép theo Mục 702 không? Chúng ta có nên để một cơ quan khác chịu trách nhiệm một phần thực hiện quy định này không?” ông Hawley nói. “Chúng ta phải tăng cường giám sát. Tôi nghĩ có lẽ chúng ta phải thu hẹp phạm vi như hiện tại của mục 702.”
“Tôi rất lo lắng về hiện trạng này.”
Lần cuối khi Quốc hội cấp phép lại FISA, chương trình này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn của GOP.
Tại Hạ viện, Dân biểu Darin LaHood (Cộng Hòa-Illinois) đang lãnh đạo một nhóm làm việc gồm sáu thành viên chuyên trách việc xem xét các cải cách tiềm năng của FISA.
Nhưng trong bối cảnh GOP lo ngại rằng Bộ Tư pháp và FBI đã bị “vũ khí hóa” cho các mục đích chính trị, thì các thành viên Đảng Cộng Hòa dường như ít có khả năng giao lại quyền hạn tương tự đó cho FBI một cách dễ dàng. Một số thành viên Đảng Dân Chủ cũng vẫn chỉ trích mạnh mẽ hầu hết các quyền giám sát được cho phép kể từ ngày 11/09.
Cộng đồng tình báo khẳng định rằng dù có những lạm dụng, nhưng FISA là một quy định về giám sát quan trọng cần thiết cho an ninh quốc gia.
Vân Sa và Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times