BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Các chuyên gia cho biết Trung Quốc thao túng hệ thống nhân quyền của Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy nghị trình của mình
Theo các chuyên gia và những người ủng hộ, chính quyền cộng sản Trung Quốc đang ngày càng phá vỡ các thủ tục và quy định liên quan đến nhân quyền tại các diễn đàn toàn cầu, bao gồm cả Liên Hiệp Quốc, với ý định thúc đẩy nghị trình và giảm thiểu việc giám sát các hành vi vi phạm của họ.
Ông Tsering Passang, sáng lập viên kiêm chủ tịch nhóm vận động Liên minh Toàn cầu vì Tây Tạng và các Dân tộc Thiểu số bị Bức hại, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử, “Bắc Kinh sẽ tiếp tục viết ra những luận điệu của riêng họ, kể cả về nhân quyền, bằng cách định hình một trật tự mới như cách họ nhìn nhận, trật tự này sẽ hoàn toàn khác với quan điểm của các đồng minh do Hoa Kỳ lãnh đạo trong những năm tới.”
Một số hãng truyền thông và các nguồn lực trực tuyến của nhà nước Trung Quốc ca ngợi sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các diễn đàn nhân quyền cũng như việc vận động và thúc đẩy nhân quyền toàn cầu của Trung Quốc. Ngược lại, thế giới tự do đã công bố nhiều báo cáo — bao gồm lời khai của các nạn nhân đã đào thoát khỏi Trung Quốc — về những vi phạm lặp đi lặp lại của nhà nước Trung Quốc ở trong và ngoài nước.
Các chuyên gia nêu bật cuộc chiến về luận điệu mà tình huống này mang lại cho các diễn đàn đa phương, nơi chế độ Trung Quốc xác định mọi nỗ lực của phương Tây nhằm buộc Trung Quốc hoặc các đồng minh của nước này phải chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền là một cuộc tấn công nhắm vào chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Trong khi chế độ này sử dụng những khái niệm về nhân quyền trong các luận điệu của mình, thì mục tiêu của họ là vừa bảo vệ các chính sách cộng sản vừa chỉ trích thế giới tự do.
Ông Benedict Rogers, đồng sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành của Hong Kong Watch và là tác giả của cuốn sách mới “The China Nexus” (Quan Hệ Trung Quốc) tin rằng, theo một cách nào đó, nhân quyền toàn cầu ngày nay phụ thuộc vào các nghị trình về chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
“Ở một mức độ nhất định, đúng, và với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, họ có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình,” ông Rogers nói với The Epoch Times trong một thư điện tử. “Ví dụ, lý do khiến các cuộc khủng hoảng ở Myanmar và Bắc Hàn không được chú ý nhiều hơn, ít nhất một phần là do Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để bảo vệ những nước đó về mặt ngoại giao và chính trị.”
Chính quyền Trung Quốc đã liên tục ra tay giải cứu các đồng minh bất chấp hồ sơ vi phạm nhân quyền của những nước này. Ví dụ, theo Mạng lưới Nhân quyền Syria (SNHR), cho đến năm 2020, Bắc Kinh đã 16 lần phủ quyết các dự thảo nghị quyết nghiêm khắc nhất và có thể hiệu quả nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhắm đến chế độ Syria.
Trong một báo cáo hồi tháng 07/2020, SNHR đã cáo buộc rằng những hành động phủ quyết nói trên đã dẫn đến việc hại chết “gần một phần tư triệu người Syria” và khiến cho “gần 150,000 người khác bị bắt giữ, đồng thời khiến tình trạng không bị trừng phạt ngày càng lan rộng.”
Bà Sophie Richardson, Giám đốc đặc trách Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), đã viết trong một bài nghiên cứu (pdf) do Brookings xuất bản hồi năm 2020 rằng chính quyền Trung Quốc trong những năm gần đây đã phê chuẩn nhiều hiệp ước nhân quyền cốt lõi của Liên Hiệp Quốc, đã từng là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HRC), đồng thời đã biệt phái các nhà ngoại giao Trung Quốc vào các vị trí trong hệ thống nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
“Đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, chính phủ Trung Quốc không chỉ đơn thuần tìm cách vô hiệu hóa sự giám sát của các quy định nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đối với Trung Quốc, mà còn mong muốn vô hiệu hóa khả năng của hệ thống đó trong việc buộc bất kỳ chính phủ nào phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng,” bà Richardson viết trong bài nghiên cứu có tiêu đề “Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Hệ thống Nhân Quyền Toàn cầu.”
Bà đã nhấn mạnh rằng “sự phát triển không có nhân quyền” mà Bắc Kinh ủng hộ ở Trung Quốc hiện đang được thiết lập như một quy định chính sách ngoại giao của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Bà Richardson viết: “Bắc Kinh ngày càng theo đuổi sự phát triển không có nhân quyền trên toàn thế giới, và cố gắng khai thác sự cởi mở của các thể chế trong các nền dân chủ để áp đặt thế giới quan của mình và bịt miệng những người chỉ trích.”
Ông Passang cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng quyền phủ quyết của mình trong những năm gần đây để ngăn chặn sự can thiệp của quốc tế vào các vấn đề mà họ xem là công việc nội bộ, chẳng hạn như tình hình ở Tây Tạng hay Tân Cương.
Ông tin rằng hệ thống Liên Hiệp Quốc đã bị chệch khỏi các mục tiêu cao cả mà tổ chức này vốn được thành lập và dường như đang hoạt động có lợi cho các quốc gia hùng mạnh hơn ngày nay.
“Theo quan điểm của tôi, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đã được hưởng lợi nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào tại Liên Hiệp Quốc kể từ khi CHND Trung Hoa của ĐCSTQ được Hoa Kỳ và các đồng minh của họ trao ghế thường trực tại Liên Hiệp Quốc sau khi thay thế Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan).”
Ông Passang nói: “Đừng quên Quốc Dân Đảng của Trung Hoa Dân Quốc (ROC), nay là Đài Loan, là một thành viên sáng lập của Liên Hiệp Quốc sau Đệ nhị Thế Chiến.”
‘Một quỹ đen của Trung Quốc’
Trung Quốc là nhà tài trợ lớn thứ hai cho Liên Hiệp Quốc sau Hoa Kỳ. Các nhà phê bình nói rằng Bắc Kinh sử dụng các kênh tài trợ này cho các nghị trình của mình, bao gồm cả việc thu phục ý kiến của các quốc gia phụ thuộc vào họ về mặt kinh tế.
Theo cuốn sách của tác giả Rogers, “The China Nexus” (“Quan Hệ Trung Quốc”), hồi năm 2016, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ quyên góp một tỷ USD cho Liên Hiệp Quốc, với một khoản thanh toán 20 triệu USD mỗi năm, “bề ngoài là vì hòa bình, an ninh và phát triển.”
“Theo cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Kelley Currie, 10 triệu USD trong số này được chuyển thẳng vào văn phòng của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ‘về cơ bản là để sử dụng cho mục đích cá nhân của ông ấy để làm bất cứ điều gì ông ấy muốn, mà không có sự giám sát nào từ bất kỳ ai khác ngoài văn phòng của ông ấy và chính quyền Trung Quốc,” tác giả Rogers nói với The Epoch Times, đồng thời cho biết thêm rằng bà Currie đã đích thân nói với ông rằng đặc biệt Ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc đã biến thành một “lãnh địa của Trung Quốc” do một quan chức Trung Quốc điều hành trong nhiều năm.
Ông nói, nửa còn lại trong số 20 triệu USD mỗi năm mà Trung Quốc trao cho Liên Hiệp Quốc sẽ được chuyển đến bộ phận này, đặc biệt là để thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc trong hệ thống Liên Hiệp Quốc.
“Đại sứ Currie mô tả đây là ‘một quỹ đen của Trung Quốc.’ Trung Quốc cũng đã học được cách thao túng cuộc họp kín của G77 gồm các nước đang phát triển, vốn có 134 thành viên, khiến cuộc họp này trở thành cuộc họp kín đa số trong Đại Hội đồng. Điều này cho phép Trung Quốc huy động sự phản kháng đối với các nghị quyết chỉ trích hồ sơ nhân quyền của họ cũng như thao túng hệ thống này,” ông Rogers nói.
Trong một báo cáo hồi năm ngoái, Hội đồng Đại Tây Dương đã tập trung vào phương thức hoạt động của Trung Quốc ở Nam bán cầu hoặc châu Phi cận Sahara, Mỹ Latinh, và Trung Đông. Tổ chức này cho biết Trung Quốc theo đuổi một diễn ngôn toàn cầu có lợi cho các nghị trình của mình bằng cách thúc đẩy “sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo” trong khu vực đối với các chuẩn mực do Trung Quốc định nghĩa.
“Điều này bao gồm các nguyên tắc ‘không can thiệp’ vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và dựa trên một khái niệm ‘nhân quyền’ vốn chủ động hạ thấp các quyền tự do cá nhân và công dân để ủng hộ sự phát triển kinh tế lấy nhà nước làm trung tâm. Bà Kenton Thibaut, thành viên Hội đồng Đại Tây Dương về Trung Quốc và là tác giả của báo cáo trên, cho biết diễn ngôn của Trung Quốc nhằm đứng về phía đối lập với một khuôn khổ nhân quyền của phương Tây mà Trung Quốc chỉ trích là đã được sử dụng cho mục đích can thiệp, chẳng hạn như ở Afghanistan và Iraq.”
Ông Passang cho rằng Bắc Kinh cũng can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia vốn phụ thuộc vào viện trợ và đầu tư của Trung Quốc.
“Đơn cử, việc viện trợ tài chánh của Trung Quốc cho Nepal phải có một cam kết từ quốc gia nhận … Chính phủ Nepal không được cho phép cộng đồng người tị nạn Tây Tạng ở đó tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị, nhân quyền, và tôn giáo nào liên quan đến Tây Tạng và Đức Đạt Lai Lạt Ma, mà Bắc Kinh coi là liên quan đến chính trị,” ông Passang nói, đồng thời cho biết thêm rằng ngay cả việc mặc một chiếc áo thun có dòng chữ “Free Tibet” (Tây Tạng Tự do) ở Nepal ngày nay đã trở thành một vấn đề ở quốc gia trên dãy Himalaya này.
“Điều này không khác mấy so với những gì mà người dân ở Tây Tạng, nơi đã bị Trung Quốc chiếm đóng, phải trải qua hàng ngày.”
‘Trận chiến về các giá trị’
Cốt lõi trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, được cho là dựa trên nhân quyền toàn cầu, là nghị trình nhằm đạt được sự thống trị trên toàn thế giới và truyền bá thế giới quan trái ngược của mình với mọi thứ tự do mà phương Tây tin tưởng. Theo các chuyên gia, phương Tây phải nhanh chóng chuẩn bị tinh thần cho cuộc tấn công về nhân quyền toàn cầu này do cuộc xung đột giữa các giá trị đang ngày càng trầm trọng hơn.
“Chắc chắn, thế giới hiện đang phải đối mặt với sự lựa chọn giữa chủ nghĩa độc tài và tự do, và rõ ràng Trung Quốc và Nga đang dẫn dắt quan điểm độc tài này. ông Rogers nói: “Thế giới tự do phải thức tỉnh trước trận chiến giá trị này.”
Bắc Kinh đã tạo ra Diễn đàn Nhân quyền Nam-Nam (South-South Human Rights Forum), mà gần đây nhất đã được tổ chức vào ngày 08/12/2021. Diễn đàn này do Văn phòng Thông tin Quốc Vụ viện thuộc Bộ Ngoại giao tổ chức, và những người tham dự bao gồm nhiều cựu lãnh đạo quốc gia, quan chức, và các học giả. Trang web của diễn đàn này thảo luận về các ý tưởng dân chủ của ĐCSTQ, lời kêu gọi hợp tác Nam-Nam mạnh mẽ hơn của ông Tập Cận Bình, và sự trợ giúp kinh tế của Bắc Kinh cho các nước đang phát triển tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Tạp chí Providence của Viện Tôn giáo và Dân chủ có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn đã đưa tin rằng một trong những người tham gia, nhà khoa học chính trị Trung Quốc Trương Duy Vi (Zhang Weiwei) của Đại học Phúc Đán, đã nói về sự cần thiết của quyền tập thể đối với quyền cá nhân. Ông nói rằng các quyền cá nhân như “tự do ngôn luận” có thể bị hạn chế vì lợi ích của các quyền tập thể.
Một người tham gia khác, ông Tom Zwart, một giáo sư tại Đại học Utrecht ở Hà Lan, cho rằng nhân quyền phải được tách rời khỏi “chủ nghĩa tự do.” Ông đã định nghĩa nhân quyền quốc tế là một “dự án xây dựng xã hội tự do” đang mất dần động lực.
Theo ông Passang, cuộc xung đột về các giá trị ngày nay là kết quả của phản ứng không đồng thuận từ cộng đồng quốc tế về các vấn đề nhân quyền, đặc biệt là đối với các hành vi vi phạm kéo dài của ĐCSTQ.
Ông nói: “Các quốc gia và tổ chức quốc tế khác nhau có các mức độ quan tâm và ưu tiên khác nhau về nhân quyền. Họ thường thiếu sự đồng thuận về cách phản ứng trước các hành động của ĐCSTQ, dẫn đến một sự không nhất quán trong phản ứng của cộng đồng quốc tế. Một số quốc gia có thể ưu tiên cho việc hợp tác và đối thoại hoặc giữ im lặng, trong khi những quốc gia khác có thể chọn cách tiếp cận đối đầu hơn.”
Ông Passang cho biết vẫn chưa quá muộn để cộng đồng quốc tế, dẫn đầu là Hoa Kỳ, nhanh chóng hành động để mang lại công lý thực sự cho tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc và những khu vực bị chính quyền Trung Quốc thôn tính, chẳng hạn như Tây Tạng và Đông Turkestan (Tân Cương).
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times