BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Các chủ trang trại mất dần sự độc lập khi các tập đoàn mở rộng quyền kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm
Ông Kyle Hemmert, một chủ trang trại chăn nuôi gia súc ở Kansas, chứng kiến sự suy thoái của những người chăn nuôi gia súc ở Ireland và Hà Lan, và nhìn thấy được tương lai cho chính mình và những người chủ trang trại chăn nuôi khác.
“Những gì đang xảy ra trong ngành thịt bò cũng giống như những gì đã xảy ra trong ngành chăn nuôi cừu,” ông Hemmert nói với The Epoch Times. “Mỹ quốc từng đạt mức đỉnh 51 triệu con cừu; ngày nay, chúng ta có ít hơn 5 triệu con.”
“Tôi đang nhìn thấy những đồng cỏ trống trải ở khu vực của mình,” ông nói, “Mọi người nói ‘chết tiệt.’”
Ông Bill Bullard, Giám đốc điều hành của R-CALF USA, đã nói chuyện với The Epoch Times về vấn đề này.
“Ngành chăn nuôi gia súc là biên giới cuối cùng; ông Bullard cho biết đây là phân khúc cuối cùng của ngành chăn nuôi vẫn có đủ mức độ cạnh tranh để duy trì các nhà sản xuất độc lập.”
Với khoảng 5,000 thành viên, R-CALF đại diện cho các chủ trang trại chăn nuôi gia súc độc lập và đang tranh đấu để bảo vệ sự độc lập của họ. Nhưng họ đang phải đối mặt với một nhóm chỉ có bốn nhà mua bò lớn, các sáng kiến mới của liên bang ủng hộ các công ty đóng gói lớn, và hoạt động vì khí hậu cho rằng bò thải ra quá nhiều khí nhà kính và phải giảm số lượng.
“Mô hình mà họ áp dụng, đầu tiên là ngành chăn nuôi gia cầm và bây giờ là ngành chăn nuôi heo, đã rất thành công đối với các nhà đóng gói thịt đa quốc gia muốn tích hợp theo chiều dọc toàn ngành,” ông Bullard cho biết, và nói thêm rằng “việc tích hợp theo chiều dọc thủ tiêu sự cạnh tranh.”
Thị trường giao ngay từng tồn tại giữa người mua và người bán trong các ngành này phần lớn đã biến mất, với các nông dân trở thành nhân viên hoặc làm việc theo hợp đồng với các công ty đóng gói.
“Bây giờ, nếu quý vị muốn sản xuất heo, thì quý vị phải làm như vậy theo lời mời từ một nhà tích hợp vì quý vị có hợp đồng sản xuất heo,” ông Bullard nói. “Thật không may, hiện tại họ đang áp dụng mô hình rất thành công đó vào ngành chăn nuôi gia súc.”
Dân biểu Harriet Hageman (Cộng Hòa-Wyoming) cũng đã bình luận về vấn đề này.
“Đó là ví dụ về sự tích hợp theo chiều dọc đã xảy ra phần lớn với các nhà sản xuất thịt heo và gia cầm của chúng ta,” bà Hageman nói với The Epoch Times. “Và họ muốn làm điều tương tự với trang trại của chúng ta. Về căn bản, họ muốn cung cấp cho các chủ trang trại của chúng ta những nhân viên được trả lương, đồng thời các trang trại cũng như tài sản thực tế sẽ thuộc sở hữu của các nhà đóng gói lớn.”
Chủ trang trại ở South Dakota, ông Brett Kenzy, nói với The Epoch Times rằng giới chủ trang trại Mỹ là phần còn lại của những người “tự lực cánh sinh, độc lập, có tinh thần kinh doanh, chăm chỉ, sùng đạo, đa thế hệ từng rất phổ biến.”
Các chủ trang trại giờ đây lo ngại rằng việc để quá nhiều hoạt động sản xuất thịt của quốc gia nằm dưới sự kiểm soát của một số tập đoàn sẽ khiến nhiều nông dân mất việc và khiến người dân Mỹ phải phó mặc vào một số công ty toàn cầu.
Sự kỳ diệu của những con bò
“Điều kỳ diệu của loài bò là nó có bốn ngăn trong dạ dày và nó có thể ăn cỏ, vốn là carbohydrate, và tạo ra protein,” ông Kenzy cho biết. “Chúng là loài động vật duy nhất trên trái đất có thể làm điều đó một cách hiệu quả.”
“Thịt bò là nguồn cân bằng tốt nhất cho con người về mặt vitamin, khoáng chất, và protein,” ông nói. “Nhưng cái dạ dày bốn ngăn đó, khi thức ăn chạy qua đó, thì chúng sẽ ợ ra khí methane.”
Lượng khí thải methane này đã khiến bò trực tiếp lọt vào tầm ngắm của các nhà hoạt động khí hậu. Nhiều tập đoàn kiểm soát thị trường thực phẩm đã tham gia các câu lạc bộ net-zero như Climate Action 100+, cam kết cắt giảm lượng khí thải nhà kính cho chính họ và các nhà cung cấp của họ.
“Thay vì giết chết toàn bộ đàn gia súc cùng một lúc, việc này sẽ là một vụ nổ có kiểm soát đối với ngành thịt bò,” ông Kenzy nói. “Tôi nghĩ mục tiêu cuối cùng là kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm.”
Các chủ trang trại chăn nuôi gia súc “đã trải qua giai đoạn từ 2015 đến 2021 mà họ không thể thu hồi được chi phí sản xuất,” ông Bullard cho biết. “Chúng tôi đã chứng kiến các phân khúc trong ngành của mình rụng như sung.”
“Chỉ bốn thập niên trước, chúng ta có khoảng 1.3 triệu nông dân và chủ trang trại chăn nuôi gia súc độc lập đang duy trì đàn bò mẹ và nuôi bê mỗi năm,” ông Bullard cho biết. “Do chi phí kinh tế, bị ép giá, thiếu lợi nhuận, và thiếu sự cạnh tranh [giữa những người mua], chúng ta đã xóa sổ đi 43% trong số đó.”
Các gia đình Mỹ đã trải nghiệm hiện tượng này dưới hình thức giá thịt bò leo thang. Theo Hệ thống Dự trữ Liên bang, mức giá trung bình mà người tiêu dùng Mỹ trả cho thịt bò đã tăng từ 3.89 USD mỗi pound hồi tháng 01/2020 lên 5.10 USD mỗi pound tính đến tháng 07/2023.
Ông Bullard nói, “Thực tế là các nhà sản xuất gia súc đang phải nhận mức giá gia súc bị giảm nghiêm trọng, đồng thời người tiêu dùng đang phải trả mức giá siêu cao cho thịt bò trong cửa hàng bách hóa, khiến chúng tôi phải đệ đơn kiện tập thể toàn quốc chống lại bốn nhà đóng gói lớn nhất kiểm soát 85% thị trường gia súc chăn nuôi.”
Chỉ gần đây, việc tăng giá này mới đến được với các chủ trang trại vẫn tiếp tục kinh doanh.
“Năm nay sẽ có lãi đối với người chăn bò, nhưng trong sáu, bảy năm qua thì đã không có lãi,” ông Hemmert nói. “Khi không có lợi nhuận, đó là tín hiệu cho ngành để cắt giảm, ngừng sản xuất, và đã có rất nhiều đàn bò bị bán đi.”
“Phải cần đến sự suy giảm của ngành chăn nuôi bò thì chúng tôi mới có lãi trở lại,” ông nói. “Điều đó hơi đáng buồn phải không?”
Vấn đề với những con bò
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng lượng khí thải từ các trang trại chăn nuôi là khoảng bảy gigaton CO2 mỗi năm, tương đương khoảng 15% tổng lượng khí thải nhà kính do con người gây ra.
Liên Hiệp Quốc cho biết: “Sản xuất thịt bò và sữa động vật chiếm phần lớn lượng khí thải, đóng góp lần lượt 41 và 20 phần trăm lượng khí thải của ngành.”
Giải pháp được các nhà hoạt động vì khí hậu đề nghị là giảm sản lượng thịt bò, với mục tiêu giảm 30% đàn gia súc. Các quốc gia như Ireland và Hà Lan đã cố gắng đưa ra luật và quy định để cắt giảm đàn gia súc.
Cơ quan Đánh giá Môi trường Hà Lan đã công bố kế hoạch 13 năm, trị giá 25 tỷ euro hồi tháng 12/2021 nhằm giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030. Kế hoạch này sẽ cắt giảm 30% số lượng gia súc, heo, và gà của quốc gia thông qua việc mua lại tự nguyện hoặc, nếu cần thiết, thì chính phủ sẽ trưng thu khoảng 3,000 trang trại.
Hồi tháng Năm, Liên minh Âu Châu đã bật đèn xanh cho kế hoạch của Hà Lan chi 1.6 tỷ USD để mua hoặc tịch thu đất của nông dân Hà Lan. Chính sách này đã dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ của nông dân dưới các khẩu hiệu như “Không có Nông dân, không có Thực phẩm.”
Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, các mục tiêu giảm lượng khí thải chăn nuôi đang không phải do chính phủ mà là do một số ít các công ty sản xuất thực phẩm đặt ra.
Hồi tháng 06/2021, Tyson Foods thông báo rằng họ là “công ty protein đầu tiên có trụ sở tại Hoa Kỳ có mục tiêu giảm phát thải được phê chuẩn trong sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Khoa học (SBTi).”
Tyson là một trong bốn công ty đóng gói thống trị ngành thịt bò; ba công ty còn lại là Cargill có trụ sở tại Minnesota cùng JBS Foods và Marfrig có trụ sở tại Brazil. Tổng cộng, bốn công ty này cùng nhau chế biến khoảng 85% tổng lượng thịt bò ở Hoa Kỳ.
Và không chỉ sự độc quyền về đóng gói đang mở rộng quyền kiểm soát của mình sang ngành chăn nuôi. Sự hợp nhất và tích hợp theo chiều dọc tương tự cũng đang diễn ra trong các chuỗi cửa hàng bách hóa toàn cầu.
“Walmart đã ra ngoài và mua những trang trại chăn nuôi rất lớn,” bà Hageman nói. “Họ đang tự chăn nuôi gia súc, chế biến, và bán chúng trong các cửa hàng của mình.”
‘Các nước giàu phải cắt giảm tiêu thụ thịt.’
Viện Thịt Bắc Mỹ (NAMI), với các thành viên bao gồm các công ty đóng gói thịt chiếm hơn 95% sản phẩm thịt và gia cầm của Mỹ, đã thành lập Hội đồng Tư vấn Học thuật Protein PACT hồi tháng Sáu. Hội đồng làm việc với các thành viên của mình “trong việc đặt ra các mục tiêu giảm khí thải nhà kính được phê chuẩn trong sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Khoa học.”
Hợp tác với các tổ chức như Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc và Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund), SBTi cam kết “mở ra con đường dẫn đến một nền kinh tế không carbon, thúc đẩy đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng bền vững bằng cách đặt ra các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng, dựa trên cơ sở khoa học.” Tự gọi mình là “cơ quan toàn cầu cho phép các doanh nghiệp đặt ra các mục tiêu giảm phát thải phù hợp với khoa học,” SBTi tuyên bố rằng “các công ty trong lĩnh vực lâm nghiệp, đất đai, và nông nghiệp sẽ giảm được ít nhất 72% lượng khí thải muộn nhất là vào năm 2050.”
Tyson Foods tuyên bố trong Báo cáo bền vững năm 2021 rằng họ có một “Mục tiêu Dựa trên Khoa học” là giảm 30% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, và việc giải quyết vấn đề sản xuất thịt bò sẽ là chìa khóa.
Mặc dù thực tế rằng khí thải nhà kính là một hiện tượng toàn cầu, các kế hoạch giảm phát thải thường tập trung vào các nước phương Tây. Một báo cáo năm 2022 của Earth.org cho biết rằng để đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu, “các nước giàu phải cắt giảm tiêu thụ thịt ít nhất 75%.”
Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Nature (pdf) tuyên bố rằng mức tiêu thụ thịt bò ở các nước phương Tây cần phải giảm 90%.
Khi bò trở thành mục tiêu hàng đầu của các nhà hoạt động khí hậu, có lẽ không phải ngẫu nhiên mà những người chăn nuôi gia súc cũng là những người chăn nuôi cuối cùng chưa bị các tập đoàn thực phẩm toàn cầu hấp thụ.
“Gia súc là phân khúc lớn nhất của nền nông nghiệp Mỹ; nó tạo nên sự khác biệt so với ngành chăn nuôi heo và gia cầm,” ông Bullard nói. “Ngành chăn nuôi heo và gia cầm chủ yếu được kiểm soát bởi các tập đoàn chế biến thịt đa quốc gia, và họ có khả năng bảo vệ lợi ích của mình, không giống như các chủ trang trại và gia đình nông dân độc lập tách biệt rải rác khắp đất nước.
“Đơn giản là họ không có đủ nguồn lực để chống trả,” ông nói. “Những gì mọi người đã làm về biến đổi khí hậu là chọn mục tiêu dễ dàng, và đó là ngành chăn nuôi gia súc của Hoa Kỳ.”
Hội nghị bàn tròn toàn cầu về thịt bò bền vững
Giống như các phân khúc khác của nền kinh tế thế giới, phong trào quản trị và xã hội môi trường (ESG) cũng đã xâm nhập vào sản xuất thực phẩm. Một trong những tổ chức chủ chốt trong nỗ lực này là Hội nghị bàn tròn Toàn cầu về Thịt bò Bền vững (GRSB).
GRSB là một tổ chức quốc tế có đại diện từ 24 quốc gia, có sứ mệnh là “thúc đẩy sự bền vững trong chuỗi giá trị thịt bò toàn cầu.” Các thành viên của GRSB bao gồm ba trong số bốn nhà đóng gói thịt chiếm ưu thế: Tyson Foods, JBS, và Cargill.
Năm 2021, GRSB đã công bố cam kết “giảm 30% tác động làm nóng toàn cầu của thịt bò vào năm 2030 thông qua các mục tiêu bền vững toàn cầu.”
“Hội nghị bàn tròn Toàn cầu về Thịt bò Bền vững đang tiếp tục duy trì chủ nghĩa toàn cầu hóa này, nơi các tiêu chuẩn đang được đặt ra, không phải cho Hoa Kỳ mà cho toàn cầu,” ông Bullard cho biết. “Họ đang đặt ra các tiêu chuẩn cho các nhà sản xuất, và họ có thể buộc thực thi các tiêu chuẩn đó thông qua việc hạn chế khả năng tiếp cận thị trường [của người khác] vì GRSB gồm các nhà đóng gói thịt lớn nhất thế giới.”
“Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này rất tùy tiện về việc ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng và độ an toàn của thịt được sản xuất,” ông cho biết.
Một ngành công nghiệp có tính phân phúc cao
Có ba giai đoạn trong chăn nuôi gia súc, thường được thực hiện bởi các trang trại riêng biệt, và đặc điểm đó khiến ngành này khó hội nhập theo chiều dọc hơn. Giai đoạn đầu tiên được gọi là sản xuất bò bê, trong đó nhà sản xuất duy trì một đàn bò mẹ và thường tạo ra một con bê mỗi năm cho mỗi con bò mẹ.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn nền tảng, trong đó bê con từ khoảng sáu tháng tuổi được cho ăn theo khẩu phần ngày càng tăng cho đến khi chúng được khoảng 1 tuổi và nặng khoảng 900 pound. Giai đoạn thứ ba là tại các trại chăn nuôi, nơi bò được vỗ béo để giết mổ, thường là bằng cách chăn thả.
“Chúng tôi là một ngành có tính phân khúc cao,” ông Kenzy nói. “Đó là lý do vì sao chúng tôi rất khó bị thâu tóm.”
Trước đây, các giai đoạn chăn nuôi gia súc có đặc trưng là các giao dịch dài hạn, trong đó giá cả được ấn định theo cung cầu cũng như chất lượng gia súc của chủ trang trại.
“Chính ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi là bên đã trở nên thực sự tập trung,” ông Hemmert nói. “Những nơi chăn nuôi lớn này đã thực hiện các thỏa thuận cung cấp nội dung cố định này với một trong bốn nhà đóng gói lớn để có được tất cả gia súc của họ.”
USDA can thiệp
Các hành động của chính phủ ông Biden liên quan đến việc hợp nhất ngành thịt bò là trái chiều.
Một mặt, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã công bố chương trình trị giá 1 tỷ USD để tài trợ cho các cơ sở chế biến mới, gồm có khoản tài trợ 962,954 USD cho Benson & Turner Foods Inc. để xây dựng một nhà máy chế biến gia súc và heo tại khu Bảo tồn White Earth ở Minnesota.
Mặt khác, USDA hiện đang cố gắng yêu cầu các chủ trang trại chăn nuôi gia súc gắn thẻ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) vào gia súc của họ để “theo dõi động vật từ khi sinh ra đến khi giết mổ,” Hiệp hội Y khoa Thú y Hoa Kỳ cho biết.
USDA tuyên bố việc gắn thẻ nhận dạng này là nhằm mục đích theo dõi dịch bệnh, nhưng nhiều chủ trang trại cho rằng việc này sẽ là một khoản chi phí quá cao, đặc biệt đối với những nông dân nhỏ lẻ.
“Động lực đằng sau yêu cầu này là họ muốn làm việc đó để xuất cảng và họ muốn việc ấy mang lại lợi ích cho các nhà đóng gói thịt đa quốc gia,” ông Bullard nói. “Nếu dịch bệnh bùng phát ở một khu vực cụ thể nhưng họ có thể xác định được gia súc không phải từ khu vực đó, thì họ có thể tiếp tục buôn bán mà không bị gián đoạn, do có giá trị đáng kể trong công nghệ này.”
“Tuy nhiên, các nhà đóng gói thịt không muốn trả [cho các chủ trang trại] chi phí gia tăng cho loại chương trình này, vì vậy họ đã thuyết phục chính phủ yêu cầu đây là một chương trình bắt buộc” mà các chủ trang trại phải trả tiền, ông cho biết.
Những người khác bày tỏ lo ngại rằng hệ thống RFID sẽ cho phép các tập đoàn đóng gói áp đặt bất kỳ tiêu chí nào họ đưa ra đối với các chủ trang trại.
“Đó là một cách để quản lý việc sản xuất thịt bò nhằm bảo đảm tính bền vững,” ông Kenzy cho biết, “căn bản là ghi danh toàn bộ gia súc của quý vị với chính phủ.”
Ông nói thêm rằng, cuối cùng Hội nghị bàn tròn Toàn cầu, chứ không phải là thị trường sẽ hướng dẫn các chủ trang trại cách chăn thả, nhân giống, và cho gia súc của họ ăn.
“Đây thực sự không phải là vấn đề truy xuất nguồn gốc hay nhận dạng,” bà Hageman nói. “Chúng ta có một hệ thống nhận dạng và truy xuất nguồn gốc rất mạnh mẽ có hiệu lực và đang hoạt động ở Hoa Kỳ rồi, và hệ thống này đã hoạt động trong một thời gian rất dài.”
“Đây là một hình thức giám sát khác,” bà nói, “và như chúng ta đã thấy chính phủ liên bang làm trong vài năm qua, chính phủ của chúng ta thực sự thích giám sát công dân của đất nước này.”
“Rốt cuộc, điều này sẽ dẫn đến việc USDA đang cố gắng đưa ra các quyết định về hoạt động và quản lý cho từng chủ trang trại của chúng ta,” bà Hageman nói. “Điều đó cũng sẽ dẫn đến sự tích hợp theo chiều dọc của ngành giống như cách họ tích hợp theo chiều dọc với ngành công nghiệp thịt heo và gia cầm, và ngành này sẽ hoàn toàn không thể kinh doanh đối với nhiều nhà sản xuất chăn nuôi nhỏ hơn và độc lập của chúng ta.”
Luật chống độc quyền không được thi hành
Trong khi đó, chính phủ ông Biden dường như không mấy quan tâm đến việc thực thi luật chống độc quyền trong ngành nông nghiệp chăn nuôi. USDA tuyên bố, một luật liên quan là Đạo luật các Nhà đóng gói và Chăn thả năm 1921, được viết “để bảo đảm việc cạnh tranh công bằng và thực hành thương mại công bằng, bảo vệ nông dân và các chủ trang trại, … bảo vệ người tiêu dùng, … và bảo vệ các thành viên trong các ngành chăn nuôi, thịt, và ngành chăn nuôi gia cầm khỏi các hành vi không công bằng, lừa đảo, phân biệt đối xử và độc quyền.”
Bà Hageman cho biết: “Nhiều người ở USDA đã từ bỏ sứ mệnh cốt lõi của họ, vốn thực sự là việc bảo vệ các nhà sản xuất và các nhà chăn nuôi độc lập của chúng ta, và họ đã liên kết với các doanh nghiệp lớn.”
“Chúng ta không muốn có sự độc quyền trong việc cung cấp thực phẩm và thực tế là Hoa Kỳ sản xuất loại thịt bò lành mạnh nhất, chất lượng cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới,” bà nói. “Quý vị không nghe nói về rất nhiều trường hợp có vấn đề, và trên thực tế, những trường hợp quý vị nghe thấy thường nằm ở khâu xử lý chứ không phải ở khâu chăn nuôi gia súc.”
“Những người chăn nuôi gia súc của chúng ta vận hành hoạt động của họ rất tốt; họ chăm sóc đất đai của mình rất tốt vì họ phụ thuộc vào nó để kiếm sống.” bà nói. “Họ là một trong những nhà bảo tồn giỏi nhất hiện nay, trong việc bảo vệ các nguồn tài nguyên và những không gian mở này.”
Ông Hemmert, chủ trang trại gia súc ở Kansas, cho biết các chủ trang trại có thể sản xuất nhiều hơn nếu có cơ hội sinh lời.
Ông nói, “Nhưng nếu quý vị không có lãi, thì quý vị sẽ không sản xuất được, và chủ ngân hàng của quý vị sẽ không cho phép quý vị làm điều đó.”
Ông Kenzy nói về những nỗ lực trước đây của chính phủ nhằm cắt giảm nguồn cung cấp thực phẩm.
“Vào những năm 1800, họ đã giết hết trâu ở vùng đồng bằng phía bắc và họ làm điều đó để xóa bỏ khả năng sinh tồn của người da đỏ,” ông Kenzy nói. “Và cuộc chiến chống lại thịt bò này, đối với tôi, có vẻ như nó cũng giống như vậy.”