BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: 3 điều cần biết về dự luật giới hạn nợ vừa được Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua
Hôm 26/04, Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch của Đảng Cộng Hòa nhằm tăng mức trần nợ trong khi cắt giảm chi tiêu và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã giới thiệu Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng năm 2023 (Limit, Save, Grow Act of 2023) trong một bài diễn văn tại Hạ viện hôm 19/04 khi nói rằng, “Chúng tôi nợ người dân Mỹ để tận dụng thời điểm này trong lịch sử nhằm mang lại tương lai mà họ muốn, cần, và xứng đáng.”
Đây là những gì ghi trong dự luật, những gì mà Đảng Cộng Hòa hy vọng dự luật này sẽ đạt được, và những gì có thể xảy ra tiếp theo.
Cắt giảm, giới hạn, thu hồi
Đầu tiên, dự luật này sẽ hạn chế chi tiêu bằng cách đưa chi tiêu tùy ý của liên bang về lại mức năm 2022.
Đồng thời, nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa cho biết họ sẽ không cắt giảm chi tiêu quốc phòng, chiếm hơn một nửa phần tùy ý của ngân sách. Theo Tổng thống Joe Biden, mức hạn chế chi tiêu đó sẽ đòi hỏi phải giảm 22% trong nhiều chương trình mà người Mỹ phụ thuộc vào.
Ông Biden nói với một nhóm nhân viên nghiệp đoàn hôm 19/04 rằng, mức cắt giảm chi tiêu đó sẽ dẫn đến chi phí cao hơn cho sinh viên, mất dịch vụ chăm sóc trẻ em cho hàng ngàn gia đình, cắt giảm các dịch vụ dành cho cựu chiến binh và người cao niên, vài mất hỗ trợ thực phẩm cho 10 triệu người — trong đó có 4 triệu trẻ em.
Dự luật cũng sẽ giới hạn mức tăng trưởng về chi tiêu tùy ý ở mức 1% mỗi năm trong vòng 10 năm. Chi tiêu tùy ý tăng 1.5% vào năm 2022 và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa vào cuối năm tài chính 2023.
Thứ hai, dự luật đề nghị tiết kiệm tiền của người nộp thuế thông qua cái gọi là thu hồi một số quỹ đã được phân bổ nhưng chưa được chi tiêu. Kế hoạch này sẽ ngăn chặn khai triển một số chi tiêu theo kế hoạch.
Các khoản thu hồi bao gồm hủy bỏ các khoản tài trợ chưa sử dụng của quỹ cứu trợ COVID-19, trong đó có 70 tỷ USD được chỉ định để thuê 87,000 nhân viên Sở Thuế vụ (IRS) trong hơn 10 năm cũng như tiền cung cấp cho các trường học thông qua Quỹ Cứu trợ Khẩn cấp Dành cho các Trường Tiểu học và Trung học cơ sở.
Dự luật này cũng sẽ cấm chương trình xóa nợ cho sinh viên của tổng thống và đặt ra các giới hạn tài chính đối với một số hành động điều hành.
Thứ ba, Đảng Cộng Hòa nói rằng dự luật sẽ phát triển nền kinh tế theo hai cách. Một là bằng cách khôi phục các yêu cầu công việc cho nhiều người nhận quỹ Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP) hoặc Medicaid.
Dự luật yêu cầu các tiểu bang theo dõi và báo cáo tỷ lệ phần trăm những người ghi danh SNAP được tuyển dụng, và thu nhập trung bình của những người đủ điều kiện làm việc sau khi rời khỏi chương trình này.
Dự luật cũng sẽ phát triển nền kinh tế bằng cách bãi bỏ hoặc thay đổi một số khoản tín thuế năng lượng xanh, bao gồm các khoản tín dụng cho các cơ sở phong năng năng và quang năng phục vụ các cộng đồng có thu nhập thấp, nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai, và xe điện.
Ông McCarthy cho biết, “Bằng cách khôi phục các biện pháp hợp lý này, chúng tôi có thể giúp nhiều người Mỹ hơn kiếm được tiền lương, học các kỹ năng mới, giảm nghèo đói ở trẻ em, và xây dựng lại nguồn nhân lực.”
“Dự luật cũng sẽ bảo vệ và duy trì Medicare và An sinh Xã hội vì sẽ có nhiều người nộp tiền hơn vào các chương trình này. Và, chúng tôi sẽ ngăn chặn hành vi lạm quyền hành pháp của Tổng thống Biden để chi tiền ngoài quy trình thông thường, điều mà Tổng thống Biden đã lạm dụng với số tiền 1.5 ngàn tỷ USD trong các hành động hành pháp đơn phương.”
Đảng Dân Chủ đã tập trung phản đối chủ yếu về việc cắt giảm các chương trình của chính phủ.
Dân biểu Rosa DeLauro (Dân Chủ-Connecticut) viết trong một bài bình luận gửi cho trang tin tức MSNBC.com hôm 23/04: “Là thành viên Đảng Dân Chủ hàng đầu trong Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ viện, cơ quan giám sát tài trợ của chính phủ, tôi đã cảnh báo trong nhiều tháng rằng việc cắt giảm ở mức độ này sẽ rất tàn khốc, bất kể quý vị cắt giảm chúng như thế nào.”
Bà viết, “Sự cắt giảm này nên khiến tất cả chúng ta phẫn nộ.”
Dân biểu Jim Himes (Dân Chủ-Connecticut) đã đáp lại dự luật này bằng một câu trả lời ngắn gọn: không.
Ông nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn tại Điện Capitol hôm 20/04: “Không! Tôi không nghĩ là chúng ta nên cắt phiếu thực phẩm cho trẻ em đói. Không, tôi không nghĩ là chúng ta nên gây khó khăn hơn cho trẻ em vào đại học.”
Ông Peter C. Earle đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ (AIER) cũng đã chia sẻ quan điểm của mình.
Kinh tế gia này nói với The Epoch Times: “Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện muốn Chính phủ Tổng thống Biden rút lại một số sáng kiến nổi danh nhất của họ: tài trợ cho 80,000 nhân viên Sở Thuế vụ mới, xóa nợ cho sinh viên, trợ cấp xanh trong Đạo luật Giảm Lạm Phát, cùng các sáng kiến khác.”
“Đó có thể sẽ là một mục tiêu bất thành đối với Chính phủ Tổng thống Biden và các thành viên Đảng Dân Chủ trong Quốc hội.”
Mục tiêu của Đảng Cộng Hòa
Dự luật sẽ tăng trần nợ thêm 1.5 ngàn tỷ USD, nhưng bất kỳ phần nào của khoản tăng đó không được sử dụng trước ngày 31/03/2024 thì sẽ hết hạn.
Kế hoạch này sẽ tạm thời làm giảm bớt lo lắng về khả năng Hoa Kỳ không chi trả được các nghĩa vụ tài chính.
Tuy nhiên, cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đều tuyên bố công khai rằng họ sẽ không cho phép đất nước không thanh toán được các hóa đơn. Mục đích thực sự của việc trì hoãn tăng trần nợ, như ông McCarthy đã nói nhiều lần, là sử dụng trần nợ để tập trung sự chú ý vào chi tiêu liên bang và buộc tổng thống phải đàm phán về việc cắt giảm chi tiêu trong tương lai.
Đối với các điều khoản của dự luật này, chủ tịch Hạ viện dường như ít quan tâm đến các khoản mục chi tiết hơn là sử dụng việc thông qua dự luật này như một phương tiện để đưa ông Biden vào bàn đàm phán.
Trong nhiều tháng, tổng thống đã trì hoãn thảo luận về trần nợ, nhấn mạnh rằng làm như vậy sẽ đặt ra câu hỏi về “niềm tin và uy tín trọn vẹn vào Hoa Kỳ.”
Đối với việc đàm phán về chi tiêu, ông Biden nói rằng việc đàm phán không có ích gì vì Đảng Cộng Hòa chưa tiết lộ đề nghị cắt giảm của họ.
Điều đó đã thay đổi hôm 19/04 khi ông McCarthy trình bày Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng.
Ông McCarthy nói rằng vì các thành viên Đảng Cộng Hòa hiện đã đề ra một kế hoạch rõ ràng, nên “Tổng thống Biden có một lựa chọn. Hoặc là ngồi vào bàn đàm phán và ngừng chơi các trò chơi chính trị đảng phái, hoặc bịt tai ông ấy lại, từ chối đàm phán, và có nguy cơ sa vào vụ vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử của quốc gia chúng ta.”
Theo ông Earle, các điều khoản hạn chế về việc tăng trần nợ hầu như bảo đảm rằng các cuộc đàm phán sẽ lại xảy ra trong vòng một năm.
Ông nói: “Đối với bất kỳ ai đã quan sát được rằng các trận chiến về trần nợ đang diễn ra thường xuyên hơn — thì họ đã đúng. Guồng quay đang tăng tốc, và chúng ta có thể sẽ quay trở lại tình trạng này sau 10 hoặc 11 tháng kể từ bây giờ.”
Điều đó sẽ trực tiếp đặt các cuộc đàm phán về trần nợ vào năm bầu cử, một chiến thuật mà Dân biểu Sydney Kamlager-Dove (Dân Chủ-California) đã chỉ trích là một ý đồ nguy hiểm.
Bà Kamlager-Dove nói với NTD, “Tôi nghĩ rằng kế hoạch của họ rất có tính chính trị và cũng rất nguy hiểm. Để giới hạn nợ này áp dụng trong một thời gian ngắn sao cho chúng tôi phải giải quyết tranh chấp ngay trước các cuộc bầu cử khiến tôi thấy đó là điều gì đó liên quan đến chính trị hơn là về người dân Mỹ.”
Tác động tới lạm phát
Kinh tế gia Mischa Fisher, người từng làm việc cho Quốc hội và hiện đang giảng dạy tại Đại học Northwestern University, nói với The Epoch Times: “Bản thân các chi tiết cụ thể của kế hoạch này có thể sẽ có tác động tương đối lặng lẽ đối với nền kinh tế nói chung.”
Ông Fisher nói: “Tôi nghĩ quý vị sẽ thấy mức lạm phát thấp hơn một chút so với các kế hoạch căn bản hiện tại. Quý vị có thể sẽ thấy giá năng lượng thấp hơn một chút.”
“Nhưng hầu hết thời gian, vì ngân sách chi tiêu tùy nghi là một phần nhỏ trong tổng ngân sách, nên những thay đổi đối với mức chi tiêu tùy nghi thường không có tác động lớn đến cuộc sống hàng ngày của người dân như các cuộc tranh luận chính trị xung quanh các khoản chi tiêu này ngụ ý.”
Liên quan đến lạm phát, ông Earle đồng ý. Ông nói: “Thật khó để tưởng tượng rằng những cuộc đàm phán này sẽ tác động trực tiếp đến lạm phát, ít nhất là trong ngắn hạn.”
“Nhưng nếu cả hai bên cản trở nhau cho đến phút chót, có thể chúng ta sẽ chứng kiến giá chứng khoán của chính phủ Hoa Kỳ sụt giảm và lợi tức của các công cụ ngắn hạn (kỳ phiếu và tín phiếu) tăng lên mức chưa từng thấy trong nhiều năm.”
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã ước tính hồi tháng Một rằng các biện pháp đặc biệt sẽ giữ đất nước dưới mức trần nợ cho đến đầu tháng Sáu. Một ước tính sau đó của Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính rằng Hoa Kỳ sẽ vượt quá mức trần nợ vào cuối mùa hè nếu không dỡ bỏ giới hạn này trước thời điểm đó.
Vân Du lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times