Bài học từ nhiệm kỳ tổng thống của ngài George Washington
“Chuyển đến vị trí tổng thống khiến cho tôi có cảm giác không khác gì một phạm nhân sắp đến đoạn đầu đài.” Đây là những gì ngài George Washington đã viết cho người đồng đội Henry Knox trong Chiến tranh Cách mạng vào ngày 01/04/1789, không lâu trước khi ông gần như chắc chắn được bầu làm tổng thống.
Trong tám năm (từ 1775 đến 1783), ông Washington đã lãnh đạo Lục quân Lục địa chống lại người Anh. Ngài quý tộc người Virginia này đã có thể tận dụng chiến thắng vang dội của mình để trở thành một “vị tướng chinh phạt” và thiết lập một chế độ độc tài cho bản thân – một kết cục hoàn toàn nằm trong tầm tay của ông và thậm chí được một số người quanh ông gợi ý.
Tuy nhiên, ông George Washington đã dứt khoát muốn về hưu. Vì không muốn bị hiểu lầm, ông thậm chí đã có một bài diễn văn từ chức công khai. Những ngày phục vụ của ông đã kết thúc, và ngôi nhà Mount Vernon thân yêu đang vẫy gọi.
Nhưng bây giờ, ông lại được triệu tập để phục vụ đất nước một lần nữa. Hai tuần sau khi ông Washington so sánh cảm xúc của mình với cảm giác của một phạm nhân trên đường bị hành quyết, một công văn đã được gửi đến Mount Vernon để thông báo cho vị tướng hồi hưu về cuộc bầu cử tổng thống của ông. Hai ngày sau đó, ông George Washington, 57 tuổi, đã rời Mount Vernon. Ông viết trong nhật ký của mình:
“Khoảng mười giờ, tôi tạm biệt Mount Vernon, cuộc sống cá nhân, và hạnh phúc riêng tư; với tâm trí bị đè nén bởi nhiều cảm giác lo lắng và phiền muộn hơn những gì có thể diễn đạt, tôi đã lên đường đến New York… với sự sắp đặt tốt nhất để phục vụ cho lời kêu gọi của đất nước, nhưng với ít hy vọng đạt được những kỳ vọng đó.”
Có lẽ không ai ở Hoa Kỳ quen thuộc với những thách thức khi lãnh đạo liên minh mới thành lập hơn là ngài George Washington, người đã đóng vai trò trung tâm trong quá trình hình thành và phát triển liên minh đó. Vì vậy, ông không hề ảo tưởng về những thử thách đang chờ đợi mình. Ông nhận chức vụ tổng thống không phải do tham vọng chính trị mà chủ yếu vì trách nhiệm trọng đại. Ông không quá hứng thú với viễn cảnh này, không ăn mừng, không say sưa với thành tựu chính trị của mình. Trở thành vị tổng thống như người dân mong muốn có vẻ như là một nhiệm vụ khó khăn, và có lẽ là một nhiệm vụ bất khả thi. Ông dường như đã biết điều này.
Những đoạn đường xấu và những chiếc áo choàng trắng
New York sẽ là thủ đô tạm thời đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ mới, nhưng khoảng cách xa và những đoạn đường xấu khiến con đường từ Virginia đến đó khá khó khăn. Và nếu tâm trạng của ông Washington thực sự bị đè nặng vào lúc khởi hành bởi “những kỳ vọng”, thì ông chắc chắn sẽ còn áp lực nhiều hơn nữa trong suốt hành trình. Bất cứ nơi nào ông đi qua, đám đông đều hoan hô, cắm hoa hồng và vòng hoa dọc theo đường đi, hoặc dựng những vòm khải hoàn để ông đi qua. Tại Trenton, 13 cô gái mặc áo choàng trắng – tượng trưng cho 13 tiểu bang – đã hát ca ngợi ông là “Thủ lĩnh vĩ đại”, trong khi ông Washington được yêu cầu cưỡi ngựa bên dưới một mái vòm 13 cột.
Cuối cùng khi đến được Elizabethtown, New Jersey, ở bờ bên kia sông Hudson, đối diện với chính thành phố New York, ông Washington được chào đón bởi một chiếc tàu do 13 thuyền trưởng mặc đồng phục trắng điều khiển. Trên chiếc tàu hoa mỹ này, vị tổng thống đắc cử đã được đưa qua sông để đến Wall Street. Thống đốc New York George Clinton, đã đợi ông ở đó – các bậc thang được chuẩn bị đặc biệt với hai bên phủ một lớp vải xa hoa.
Ngài George Washington đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 30/04. Lời tuyên thệ nhậm chức của ông được thực hiện trên ban công của Tòa thị chính Liên bang, trước đám đông khổng lồ tụ tập dọc theo các tuyến đường Broad Street và Wall Street, cũng như trên các ban công và nóc nhà ở mọi hướng. Tất cả đều im lặng trong lúc ngài Washington tuyên thệ, sau đó người chủ trì buổi lễ thốt lên: “George Washington, tổng thống Hoa Kỳ, muôn năm!”
Những tràng pháo tay cuồng nhiệt đã vang lên khắp thành phố trong khi 13 phát súng chào mừng nổ lên từ bến cảng. Khi sự hoan nghênh đang diễn ra, lá cờ Hoa Kỳ đã được kéo lên phía trên vị trí chính của ngài George Washington.
Đây quả thực là những kỳ vọng.
Hình tượng từng bất khả xâm phạm bị vấy bẩn
Tất nhiên, thiên đường được kỳ vọng mà vị quốc phụ vĩ đại nhất của Hoa Kỳ tạo ra, đã không bao giờ thành hiện thực. Ngay cả chính ngài Washington cũng đã hy vọng rằng liên bang mới ít nhất sẽ tránh được các phe phái chính trị. Tuy nhiên, thực tế thì đầy phức tạp và tranh chấp – với một hệ thống lưỡng đảng có tính tranh đấu cao. Vào thời điểm ngài Washington rời nhiệm sở, hình tượng bất khả xâm phạm một thời của ông đã bị hoen ố rất nhiều. Báo chí Hoa Kỳ công kích sự bất trung mà họ cảm thấy nơi ông đối với chủ nghĩa cộng hòa và tính chính trực của ông. Họ chỉ trích những bữa tiệc chiêu đãi xa hoa mà ông tổ chức cùng phu nhân, phong cách “quý tộc” của ông, những tuyên bố mà họ buộc tội là “theo chế độ quân chủ”, tính cách lạnh lùng và xa cách của ông. Các nhà phê bình buộc tội ông là người kém thông minh và dễ nghe theo những lời khuyên xấu từ nội các (hay “những cố vấn gian ác”), việc phản bội nước Pháp khi tuyên bố trung lập – và việc phản bội Cách mạng Hoa Kỳ khi không nhiệt tình ủng hộ Cách mạng Pháp.
Ngay cả một số bạn bè cũng bỏ rơi ông Washington. Ông Thomas Paine đã viết cho người bạn cũ của mình và chê bai như sau:
“Đủ kiểu độc quyền đã thể hiện rõ trong chính phủ của ông gần như ngay khi bắt đầu cầm quyền. Những vùng đất thu được của cách mạng đã được ban tặng phung phí cho những người ủng hộ; lợi ích của quân nhân xuất ngũ đã bị bán cho nhà đầu cơ; sự bất công xảy ra dưới danh nghĩa đức tin; và người đứng đầu quân đội trở thành người đỡ đầu cho sự gian lận đó.”
Một loạt các bức thư (được gọi là các bức thư “Belisarius”, theo bút danh của tác giả), gửi riêng cho ông Washington và đăng trên các tờ báo đối lập, đã chỉ trích gay gắt tổng thống về nhiều tội danh như: nuôi dưỡng “sự khác biệt giữa người dân và những người phục vụ nhân dân”; thất bại trong việc chống lại Anh quốc [thời hậu chiến]; giám sát một cuộc chiến tốn kém (và đôi khi vụng về) với thổ dân da đỏ Mỹ; duy trì quân đội thường trực trong thời bình; và ủng hộ việc đánh thuế nội bộ (sau đó “lên án” những người bị ảnh hưởng nhiều nhất vì chính sách đó), cùng với các cáo buộc khác.
Những vị cứu tinh chính trị có tồn tại không?
Ngay cả lòng yêu nước của ngài Washington vào thời kỳ còn là tướng lĩnh trong Chiến tranh Cách mạng, cùng với năng lực của ông với tư cách là một vị tướng, cũng bị nghi ngờ một cách công khai.
Cháu trai của Benjamin Franklin là Benjamin Franklin Bache đã viết rằng ông Washington là một “chủ đồn điền ở Virginia, không phải là người lỗi lạc nhất, một sĩ quan dân quân không biết gì về chiến tranh cả trên lý thuyết lẫn thực tế, và là một chính trị gia chắc chắn không có tầm cỡ lớn… Ông ta chỉ là một con người, và chắc chắn không phải là một người vĩ đại.”
Có thể chính những lời chỉ trích liên tục là lý do khiến ông George Washington quyết định hồi hưu chỉ sau hai nhiệm kỳ. Thật vậy, trong bản thảo ban đầu của Bài diễn văn Tạm biệt của ông thực sự bao gồm những dòng sau:
“Trong khi một số tờ báo của Hoa Kỳ viết đầy những lời mắng chửi thất vọng, thiếu hiểu biết về sự thật, và những lời nói dối ác ý được bịa ra, để xuyên tạc việc quản trị và thiện chí của tôi; làm tổn hại danh tiếng và tinh thần của tôi; và làm suy yếu, nếu không muốn nói là phá hủy hoàn toàn sự tin tưởng mà quý vị đã dành cho tôi; quý vị có thể nghĩ rằng tôi nên đề cập đến những gièm pha thâm độc như vậy lúc rời khỏi cương vị. Nhưng, như trước đây, tôi sẽ bỏ qua chúng với sự im lặng hoàn toàn.”
Những kỳ vọng không thể hoàn thành được đặt lên vai vị tổng thống đầu tiên có lẽ chứng tỏ sự vô ích khi đặt trọn vào một cá nhân những hy vọng không tưởng và ước mơ của cả một dân tộc. Một trong những bài học đầu tiên của người Hoa Kỳ, ít nhất là khi liên quan đến quốc gia, là những vị cứu tinh chính trị không hề tồn tại; ngay cả ngài George Washington cũng không thể làm được! Ông đã cảm nhận được sức nặng của những kỳ vọng như vậy ngay từ đầu. Cuối cùng thì sức nặng đó có lẽ đã đẩy ông ra khỏi ánh đèn sân khấu.
Khi đến các kỳ bầu cử, có lẽ kỳ vọng của chúng ta nên được điều chỉnh lại thông qua kinh nghiệm của ngài Washington.
Và khi các chính trị gia nói chuyện như những vị cứu tinh, thì hãy nhớ đến ngài George Washington.
Tiến sĩ W. Kesler Jackson là giáo sư đại học về lịch sử. Được biết đến trên YouTube với tên “The Nomadic Professor”, ông cung cấp các khóa học lịch sử trực tuyến với các video được quay trên khắp thế giới, tại NomadicProfessor.com.
Joe Nguyễn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: