Bài hát ủng hộ dân chủ của Hồng Kông được phát như quốc ca tại giải bóng bầu dục quốc tế ở Nam Hàn
Trận lượt về trong loạt đấu của giải bóng bầu dục Á Châu Hồng Kông Sevens tại Incheon, Nam Hàn, được tổ chức hôm 13/11.
Trong trận chung kết nam giữa các đội tuyển Hồng Kông và Nam Hàn, một bài hát được biết đến rộng rãi, “Nguyện vinh quang cho Hồng Kông (“Glory to Hong Kong”), vốn được chọn làm bài hát chủ đạo trong các cuộc biểu tình của phong trào dân chủ Hồng Kông năm 2019, đã được phát tại sân vận động. Đáng ra nhạc khúc được phát phải là bài “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” — quốc ca của Trung Quốc cộng sản.
Theo thông tin sơ bộ do Liên đoàn Bóng bầu dục Hồng Kông cung cấp cho Cục Văn hóa, Thể thao và Du lịch của chính quyền Hồng Kông, Liên đoàn Bóng bầu dục Á Châu đã xác nhận rằng bản ghi âm bài quốc ca được huấn luyện viên của đội Hồng Kông gửi là chính xác và giải thích rằng sự cố này xảy ra “do một thao tác sai đơn giản của con người đến từ một thành viên cấp dưới của ban tổ chức địa phương, người này đã phát một bài hát được tải xuống từ internet thay vì bài quốc ca chính xác kia.”
Chính phủ Hồng Kông chấn động trước vụ việc
Cảnh quay này được lan truyền rộng rãi trên mạng. Chính phủ Hồng Kông đã ban hành một tuyên bố chỉ trích. Họ lên án và phản đối mạnh mẽ việc phát một bài hát liên quan đến phong trào ủng hộ “độc lập” vào năm 2019 cũng như đề nghị tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và chuyên sâu đối với vụ việc này.
Chính phủ tuyên bố rằng đội Hồng Kông đã thông báo lỗi này cho ban tổ chức ngay khi nhạc khúc sai “Nguyện vinh quang cho Hồng Kông” vang lên tại sân vận động.
Lời xin lỗi từ phía ban tổ chức
Ban tổ chức đã đưa ra thông báo công khai bày tỏ xin lỗi về sai sót này ngay sau trận đấu. Bài quốc ca của Trung Quốc cộng sản sau đó đã được phát trong lễ trao giải sau khi Đội Hồng Kông giành chiến thắng trong trận chung kết.
Ban tổ chức đã gửi lời xin lỗi tại sân vận động bằng tiếng Hàn và tiếng Anh trước khi tiến hành trao giải, sau đó đội tuyển nam của Hồng Kông lại xếp hàng, và bài quốc ca “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” đã được phát trong thời gian diễn ra buổi lễ. Hơn nữa, Liên đoàn Bóng bầu dục Á Châu đã ngay lập tức ngừng phát sóng cảnh này của trận đấu và thay thế nó bằng quốc ca Trung Quốc cộng sản trên các nền tảng mạng xã hội của họ. Họ cũng đăng một tuyên bố xin lỗi chính thức.
Trong cảnh quay chính thức hiện được đăng trực tuyến, có khoảng 10 giây im lặng cho phần chơi quốc ca trước trận đấu. Sau đó, họ tiếp tục phát âm thanh của bài quốc ca của Trung Quốc cộng sản. Đoạn phim này cũng được chuyển sang chế độ “không công khai.”
Khán giả cảm động
Đúng như mọi người dự đoán, phiên bản gốc của cảnh quay này đang được lan truyền rộng rãi trên mạng. Trong vòng năm giờ, phiên bản này đã nhận được khoảng 8,000 lượt thích sau khi cảnh quay này được đăng trên một trang Facebook thuộc sở hữu của một người Hồng Kông ở Anh.
Trong số 400 bình luận, hầu hết độc giả đều nhận xét rằng họ rất xúc động khi nghe bài “Nguyện vinh quang cho Hồng Kông” và bày tỏ sự ủng hộ cho bài hát này trở thành “quốc ca của Hồng Kông.” Một số người đã chế giễu chính phủ Hồng Kông, nói rằng: “Chỉ có một số ít người nhận ra rằng Nam Hàn đã chơi ‘quốc ca đích thực của Hồng Kông.’ Cảm ơn chính phủ Hồng Kông, vì đã khiến sự việc này nhận được sự chú ý của công chúng.”
Trong một bài đăng tweet lại bài đăng gốc, một số bình luận về phiên bản gốc của cảnh quay thậm chí còn nhận được rất nhiều lời tán thưởng từ những người đến từ Trung Quốc đại lục sử dụng các ký tự tiếng Trung giản thể.
Về ca khúc ‘Nguyện vinh quang cho Hồng Kông’
Trong cuộc biểu tình năm 2019, ca khúc “Nguyện vinh quang cho Hồng Kông” được người dân Hồng Kông xem là “quốc ca của Hồng Kông.” Đây là một bài hát được một nhóm cư dân mạng Hồng Kông sáng tác và đăng tải, sau đó được sử dụng làm nhạc khúc chủ đề trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông vào năm 2019–2020 và trở thành một bài hát mang tính biểu tượng cho phong trào dân chủ và nền dân chủ.
Trong phần ca từ của bài “Nguyện vinh quang cho Hồng Kông” có hai câu đại ý như sau:
“Chúng tôi thề, trên mảnh đất này sẽ không còn giọt lệ nào tuôn rơi.
Trong cơn phẫn nộ của toàn dân, khi mọi nghi ngờ đã xua tan, chúng ta sẽ ngẩng đầu hiên ngang”.
Câu hát này nếu hiểu rộng ra, sẽ được lý giải như sau: sau khi mảnh đất Hồng Kông đã thấm đẫm tất cả những giọt lệ cay ấy, sau khi mọi phẫn uất đã được trút hết vào những tiếng kêu thét ai oán của người biểu tình ấy, thì người dân Hồng Kông vẫn nhất quyết không chịu im lặng, họ sẽ đứng lên vì chính nghĩa, họ chọn không lùi bước và họ đã xuống đường, với dũng khí và trí tuệ của những người dân Hồng Kông sống sót qua thời kỳ đen tối, họ vững bước trên con đường “Quang phục Hồng Kông, hướng đến cuộc cách mạng của thời đại chúng ta, nhìn về tương lai trường tồn vĩnh cửu của dân chủ và tự do.”
Đám đông tập trung tại New Town Plaza, Hồng Kông, vào ngày 11/09/2019, đã cùng nhau hát vang bài “Nguyện vinh quang cho Hồng Kông”. Điều này đã xảy ra nhiều lần tại các địa điểm khác nhau trên khắp Hồng Kông trong các cuộc biểu tình năm 2019–2020.
Những lời chỉ trích nhắm vào đội bóng bầu dục
Mặc dù chính phủ đã tuyên bố rằng sự cố này là do sai sót của một nhân viên cấp dưới trong ban tổ chức địa phương, nhưng đoạn phim chính thức đã được đăng tải lại, cho thấy một đoạn video phát lại bài quốc ca của Trung Quốc cộng sản và các cầu thủ phương Tây đã được yêu cầu hát. Một số chính trị gia thân Bắc Kinh đã chĩa mũi nhọn vào đội Bóng bầu dục Hồng Kông.
Một thành viên của Hội đồng Lập pháp, ông Hà Quân Nghiêu (Junius Ho Kwan-yiu) thậm chí còn cáo buộc các cầu thủ của đội Hồng Kông là “phản ứng chậm” và “làm bẽ mặt đất nước” trong sự cố này. Ông nói rằng đội tuyển này là một “thất bại hoàn toàn” và “nên bị sa thải.”
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) đã được phỏng vấn vào tối hôm 14/11 và tuyên bố rằng cảnh sát Hồng Kông sẽ điều tra xem liệu hành vi này có vi phạm Sắc lệnh về Quốc ca Hồng Kông hoặc các luật khác hay không.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times