Bắc Kinh tăng cường chống lại quyền tự do ngôn luận
Có khả năng ĐCSTQ sẽ cấm các kênh truyền thông tư nhân trong tương lai gần
Sắp tới đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ ban hành lệnh cấm đối với các kênh truyền thông tư nhân tại Trung Quốc nhằm mở rộng quyền lực của ông Tập Cận Bình, gây bất lợi cho các địch thủ của ông ta ở trong nước và nền kinh tế của quốc gia này.
ĐCSTQ đang thực hiện một biện pháp khác nhằm củng cố quyền lực ngày càng lớn của họ. Các kênh truyền thông tư nhân có thể sẽ đối mặt với lệnh cấm trong thời gian tới. Điều đó có nghĩa là các tờ báo như Tài Tân (Caixin) và Bưu điện Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post), nơi mà các phóng viên thực địa ở đại lục cũng như các liên đoàn đưa tin về các bài báo chỉ trích Trung Quốc nhiều hơn các kênh truyền thông nhà nước như Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) và Thời báo Hoàn cầu (Global Times), sắp bị loại bỏ. Tổn thất của các tờ báo này sẽ là một tổn thất lớn hơn nữa đối với các nhà đầu tư quốc tế có hiểu biết sâu sắc về nền kinh tế Trung Quốc, khiến nền kinh tế nước này ngày càng trở nên mờ mịt và rủi ro hơn bao giờ hết. Đầu tư trực tiếp của ngoại quốc (FDI) giảm đáng kể và theo sau đó là các giá trị tài sản của Trung Quốc.
Dự thảo luật đã được đưa ra để thu thập ý kiến và nêu rõ rằng, các tổ chức có vốn đầu tư tư nhân “sẽ không được tham gia vào việc thu thập, biên tập, và phát sóng tin tức.” Quy định này được đưa vào một danh sách các ngành “bị cấm” mới, kể cả các doanh nghiệp liên quan đến truyền thông tư nhân như truyền thông xã hội, việc phát hành lại các bài báo ngoại quốc, tần suất hoạt động của các hãng thông tấn ngoại quốc, và hầu hết mọi thứ được phát trực tiếp (livestream), kể cả các sự kiện về bản chất chính trị, kinh tế, quân sự hay chính sách ngoại giao, cũng như các sự kiện văn hóa, khoa học, xã hội và thể thao quan trọng.
Thời gian thu thập ý kiến của dự thảo luật này chỉ diễn ra trong một tuần và kết thúc vào hôm 14/10.
Không rõ liệu các hãng thông tấn ngoại quốc, cũng như các phóng viên thực địa ở Trung Quốc, có được phép tiếp tục thu thập tin tức ở đại lục hay không. Tương tự như vậy, vẫn chưa rõ liệu các thiết bị đầu cuối [truyền tải thông tin] tài chính ở Trung Quốc, được thuê từ các doanh nghiệp ngoại quốc như Bloomberg và Refinitiv, nơi truyền tải tin tức ngoại quốc cho các nhà phân tích tài chính Trung Quốc, có thể tiếp tục được tận dụng chức năng này hay không, điều này rất quan trọng đối với các nhà đầu tư.
Các hãng thông tấn đã phải đối mặt với sự sách nhiễu và các cuộc tấn công chính thức ngày một gia tăng ở Trung Quốc. ĐCSTQ kiểm duyệt gắt gao các phương tiện truyền thông, cùng với việc các quan chức chính quyền rà soát những ngôn từ bị cấm trên mạng xã hội, bắt giữ các ký giả tác nghiệp tự do ở địa phương, ra lệnh xóa các bài báo của các hãng thông tấn Trung Quốc, hủy thị thực của các ký giả ngoại quốc đã làm phật lòng chính quyền cũng như cấm toàn bộ một số các tờ báo, chẳng hạn như The Epoch Times, nơi đưa các tin tức trái ngược với cách đưa tin của ĐCSTQ. BBC World News đã bị cấm hồi tháng Hai năm nay.
Theo Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Trung Quốc được xếp hạng là quốc gia tồi tệ đứng thứ tư trên thế giới về tự do báo chí.
Luật mới này có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Alibaba Group Holding (Tập đoàn Alibaba), vì tập đoàn này đã đầu tư vào một loạt các công ty truyền thông của Trung Quốc và Hồng Kông, như tờ Bưu điện Nam Hoa Tảo Báo, có trụ sở tại Hồng Kông, và ở Trung Quốc, là Tập đoàn truyền thông Yicai, Công ty truyền thông Tài Tân, cũng như các hãng thông tấn có mô típ như BuzzFeed, các mạng xã hội tương tự như Twitter và các công ty sản xuất truyền hình.
Theo một nguồn tin tiết lộ với Bloomberg hồi tháng Ba, trong khi luật mới này sẽ chỉ áp dụng ở Trung Quốc đại lục, trái ngược với Hồng Kông, Alibaba đã bị gây áp lực phải chuyển nhượng quyền sở hữu tờ Bưu điện Nam Hoa Tảo Báo và các kênh truyền thông khác bên ngoài Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh ngày càng mở rộng cơ chế pháp lý của đại lục vào Hồng Kông.
Đế chế truyền thông của Alibaba có khả năng được tập hợp một phần để bảo đảm việc đưa tin tích cực về nhà sáng lập của họ, tỷ phú Jack Ma, được coi là một mối đe dọa đối với Bắc Kinh bởi văn hóa đưa tin tự do lâu đời của họ. Jack Ma là một đảng viên ĐCSTQ, nhưng hiện ông ấy đang bị Đảng này cô lập, đặc biệt kể từ khi ông Ma công khai chỉ trích hệ thống tài chính của Trung Quốc vào năm 2020. Việc Alibaba sở hữu đế chế truyền thông, mà dường như không kiểm soát tất cả các nội dung chỉ trích Bắc Kinh, có thể đã thúc đẩy việc ban hành luật mới này.
Truyền thông Tài Tân (Caixin Media), một tạp chí tài chính có trụ sở tại Bắc Kinh do bà Hồ Thư Lập (Hu Shuli) sáng lập nên, người được mệnh danh là “người đàn bà nguy hiểm nhất” Trung Quốc, được biết đến như một kênh báo chí điều tra các tin tức nhạy cảm. Tài Tân chuyên đưa tin về việc che đậy việc gian lận của các doanh nghiệp và tham nhũng trong chính phủ, và tờ báo này cũng đã phanh phui sự che đậy của chế độ về dịch SARS năm 2003. Bà Hồ rất được các tỷ phú Trung Quốc nể sợ, và gần đây nhất là vào năm 2018, bà đã kiên quyết bảo vệ khả năng tránh khỏi sự kiểm duyệt của Tài Tân.
Quyền tự do báo chí độc nhất của Tài Tân có thể là do nhu cầu về việc kinh doanh tin tức một cách thực sự tự do, để thu hút đầu tư ngoại quốc cũng như do liên minh giữa bà Hồ với ông Vương Kỳ Sơn, người khi đó được cho là cá nhân quyền lực đứng thứ hai của Trung Quốc. Ông Vương đã lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng được chính trị hóa của ông Tập từ năm 2012 đến năm 2017.
Căn bản là ông Vương đã nghỉ hưu vào năm 2018, cùng với bốn thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Ông Vương vẫn tiếp tục với địa vị Phó Chủ Tịch về mặt hình thức, mà đến nay ông vẫn còn đảm nhiệm. Nếu không có sự ủng hộ từ Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị từ năm 2018 và phải đối mặt với một luật mới chống lại các kênh truyền thông thuộc sở hữu tư nhân, thì Truyền thông Tài Tân có thể sẽ bị loại bỏ hoặc bị nhà cầm quyền này tiếp quản. Với việc đó sẽ là dấu vết cuối cùng của sự minh bạch trong kinh doanh ở Trung Quốc.
Trong khi đó, các ốc đảo tương đối khác biệt với ĐCSTQ đang biến mất giữa biển khơi chủ nghĩa toàn trị của chế độ này. Tỷ phú, nhà sáng lập của nền tảng mua sắm Mỹ Đoàn (Meituan), ông Vương Hưng (Wang Xing), đã bị khóa hoàn toàn các tài khoản mạng xã hội, kể cả [tài khoản] trên Weibo và ngay cả công ty mạng xã hội của riêng ông ấy là Fanfou, theo một báo cáo hôm 11/10. Các tỷ phú Trung Quốc khác cũng đã biến mất khỏi mạng xã hội và đang công khai tìm cách chứng tỏ lòng trung thành của họ với ĐCSTQ thông qua các tuyên bố ủng hộ và quyên góp cho các hoạt động do Đảng hậu thuẫn.
“Biện pháp [chống lại các kênh truyền thông không thuộc khu vực nhà nước] là hành động mới nhất trong cuộc đàn áp có quy định rộng rãi của Trung Quốc trong năm nay, đối với các doanh nghiệp trong các ngành như dịch vụ gọi xe, thương mại điện tử và dạy thêm ngoại khóa,” theo Bloomberg, tờ báo đã lưu ý trong một bài báo về luật mới rằng, “Chỉ số MSCI Trung Quốc đã giảm 16% trong năm nay là do lo ngại về lạm phát và lãi suất toàn cầu, căng thẳng địa chính trị, cách những quy định mới này sẽ định hình lại các doanh nghiệp cũng như những [lĩnh vực] nào sẽ bị Bắc Kinh tấn công trong thời gian tới.”
Với khả năng mất đi một lượng ít ỏi các báo cáo mang tính độc lập tương đối vẫn còn sót lại ở Trung Quốc, thì sự minh bạch, bao gồm cả sự minh bạch trong kinh doanh, sẽ ngày càng mai một. Tổn thất này sẽ làm tăng rủi ro đối với hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc và gây thêm áp lực sụt giảm đối với các tài sản của Trung Quốc.
Biện pháp chống lại các kênh truyền thông tư nhân ở Trung Quốc thể hiện cách quản lý sai lầm mới nhất của ông Tập Cận Bình, người đang làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc, cùng với những gì có thể là nền kinh tế đang trỗi dậy, các anh hùng báo chí, học thuật và chính trị của quốc gia này trong tương lai.
Những công dân Trung Quốc nào chống đối thì không khác nào đang đánh cược tính mạng. Đây chính là nhiệm vụ của phần còn lại của thế giới, để bước ra và hành động với những hệ quả phù hợp. Nếu như không còn tính minh bạch trong kinh doanh được cung cấp bởi tự do báo chí ở Trung Quốc, thì không thể tồn tại hoạt động kinh doanh với Trung Quốc. Tệ nhất là kinh doanh rủi ro dựa trên niềm tin và Bắc Kinh đã cho thấy họ không đáng tin cậy. Bây giờ, hơn bao giờ hết, đã đến lúc phải cắt đứt [mối liên hệ này].
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk), và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách có nhan đề “Tập Trung Quyền Lực” (sắp ra mắt vào năm 2021) và “Không Xâm Phạm,” đồng thời đã biên tập cuốn sách “Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: