Bắc Kinh gán nhãn 80,000 bài đăng trực tuyến là ‘tin đồn’ trước Đại hội Đảng
Kiều bào Trung Quốc kêu gọi chấm dứt ‘Đại Tường Lửa’
Hôm 29/09, cơ quan giám sát không gian mạng hàng đầu của Trung Quốc thông báo rằng họ đã gán nhãn khoảng 80,000 bài đăng trực tuyến là “tin đồn” kể từ tháng Tám trong một chiến dịch nhắm mục tiêu đến “tin đồn trực tuyến và thông tin sai lệch.”
Theo một tuyên bố của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), cơ quan này đã tổ chức một chiến dịch đặc biệt, trong đó 12 cổng tin tức kỹ thuật số lớn của Trung Quốc và các nền tảng truyền thông xã hội được giao nhiệm vụ “bác bỏ và gắn nhãn các tin đồn” liên quan đến “lĩnh vực xã hội và lĩnh vực sinh kế chính” bao gồm y tế, an toàn thực phẩm, giáo dục, việc làm, và thiên tai.
CAC yêu cầu tất cả các trang web và nền tảng chính phải thiết lập các tài khoản hoặc chuyên mục đặc biệt để đưa ra “thông tin bác bỏ tin đồn” và “gửi nội dung bác bỏ tin đồn một cách chính xác cho tất cả người dùng đã tiếp xúc với tin đồn,” theo tuyên bố.
Các bài đăng được gán nhãn “tin đồn” phải bị bóc trần “kịp thời” trên các nền tảng có liên quan để “hạn chế tối đa không gian tồn tại của tin đồn trực tuyến, nhằm bảo đảm tin đồn trực tuyến không còn có chỗ ẩn nấp” tuyên bố viết.
CAC cũng khuyến khích cư dân mạng báo cáo và cung cấp manh mối cho các tin đồn trên nền tảng trình báo của mình.
Không gian mạng của Trung Quốc đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm duyệt gắt gao, và gần đây nhà cầm quyền này đã khởi động chiến dịch siết chặt hơn nữa gọng kìm của mình đối với không gian kỹ thuật số của Trung Quốc.
Ông Thịnh Vinh Hoa (Sheng Ronghua), Phó giám đốc CAC, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 23/08 rằng cơ quan giám sát không gian mạng này đã “thanh lọc hơn 20 tỷ mẩu thông tin bất hợp pháp và không lành mạnh và gần 1.4 tỷ tài khoản” kể từ năm 2019.
Nhiều mẩu tin được gọi là tin đồn là các bài đăng và cảnh quay được cư dân mạng Trung Quốc tải lên trong thời kỳ dịch bệnh, tìm cách thông báo về hoàn cảnh của họ và thường là để cầu cứu sự trợ giúp từ bên ngoài.
Tăng cường kiểm soát trước Đại hội Đảng Toàn quốc
Một số cư dân mạng Trung Quốc nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng họ hiện đang phải sống dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn của ĐCSTQ.
Ông Lâm (hóa danh), một chủ doanh nghiệp đến từ tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc nói rằng các công ty xuất cảng của Trung Quốc gặp khó khăn hơn khi làm ăn với các công ty ngoại quốc do bị kiểm duyệt.
Ông Lâm cho biết kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm 2019, ĐCSTQ không cho phép các công ty xuất cảng của Trung Quốc sang hải ngoại để tham dự các triển lãm quốc tế hay hội chợ thương mại. Nhiều doanh nhân Trung Quốc phải sử dụng các ứng dụng họp trực tuyến để giao tiếp với các đối tác ngoại quốc của mình, ông Lâm cho hay.
“Nhưng chính phủ gần đây đã ban hành một văn bản, công khai cấm lĩnh vực giáo dục sử dụng bất kỳ ứng dụng nào của ngoại quốc hoặc sử dụng VPN. Bất kỳ ai nói chuyện hay giao tiếp với người ngoại quốc bằng VPN hoặc các ứng dụng liên lạc của ngoại quốc đều phải tự lên trình báo với cơ quan nhà nước,” ông Lâm nói và cho biết thêm rằng những ai không làm như vậy sẽ bị phạt nặng.
VPN là từ viết tắt của “mạng riêng ảo” (virtual private network). Nó cung cấp cho người dùng sự an toàn và quyền riêng tư tốt hơn là một mạng công cộng.
Ông Lâm nói rằng chính quyền buộc mọi người phải trao đổi với với các công ty ngoại quốc qua WeChat.
“Cơ quan quản lý nhà nước biết mọi thứ mà chúng tôi đang nói đến,” ông Lâm chia sẻ. “Họ biết quý vị đang nói gì với công ty nào ở ngoại quốc. Chúng tôi không có bất kỳ lựa chọn nào khác ngoài việc nghe lời [và sử dụng WeChat đang bị ĐCSTQ giám sát].”
Ông Lâm nói rằng một số người bạn của ông đã bán nhà của họ ở Trung Quốc và đang có kế hoạch di cư sang các nước khác, vì họ không thể chịu đựng sự kiểm duyệt này thêm nữa.
Ông Ngô (hóa danh) là một cư dân của tỉnh Quảng Tây, tây nam Trung Quốc. Ông nói với The Epoch Times rằng ông có hơn 10 tài khoản Weibo — với vài trăm ngàn người theo dõi — tất cả đều đã bị chính quyền khóa.
Ông Ngô nói, “Tôi đã đăng một số video clip và từ ngữ liên quan đến các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa, vốn được xem là thông tin nhạy cảm, và bây giờ tất cả các tài khoản của tôi đều đã bị khóa.”
Ông nói rằng tất cả các phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc đều yêu cầu cư dân mạng đăng ký bằng tên thật và ID của họ. “Một khi quý vị bị chặn thì có nghĩa quý vị sẽ gặp rắc rối,” ông Ngô cho biết và nói thêm rằng rất khó để đăng ký lại một tài khoản mạng xã hội.
Cô Thôi Lệ (Cui Li, hóa danh), một cư dân đến từ Tân Cương phía tây Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng cô đã đăng tải đoạn phim về một cuộc biểu tình phản đối phong tỏa ở Vạn Gia Lương, một quận ở thủ phủ Ô Lỗ Mộc Tề.
Cô Thôi nói, “Tôi đã đăng đoạn clip đó lên Douyin [một phiên bản Hoa ngữ của TikTok], và nó đã bị xóa trong vòng năm phút. Sau đó, cảnh sát đã gọi điện cảnh cáo tôi không được đăng những nội dung tương tự.”
Kiều bào bị kiểm duyệt ở Trung Quốc và ở hải ngoại
Cô Vương Thanh Bằng (Wang Qingpeng), một cựu luật sư nhân quyền Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, đã trải nghiệm quá trình kiểm duyệt thông tin của ĐCSTQ cả ở Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ.
Khi nói chuyện với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 01/10, cô Vương nói rằng ban đầu cô không cảm nhận thấy bất kỳ sự kiểm duyệt nào do sự tẩy não của ĐCSTQ. Cô bắt đầu suy nghĩ về quyền tự do ngôn luận sau khi cô bắt đầu sử dụng mạng xã hội WeChat vào năm 2014 và tham gia một số nhóm ủng hộ nhân quyền trên nền tảng này vào một năm sau đó (2015).
“Tôi thấy nhiều bài đăng của họ đã bị xóa và tài khoản của họ bị cấm, điều này khiến tôi nghĩ về vấn đề tự do ngôn luận,” cô Vương nói.
Tài khoản WeChat đầu tiên của cô đã bị chặn vào ngày 04/06/2017, sau khi cô sử dụng nó để kêu gọi quyên góp giúp đỡ các luật sư bảo vệ nhân quyền bị nhà cầm quyền cộng sản đàn áp.
Ngày tài khoản của cô Vương bị xóa — ngày 04/06 (hay ngày Lục Tứ) — được ĐCSTQ xem là một mốc thời gian và cụm từ nhạy cảm. Vào ngày 04/06/1989, nhà cầm quyền này đã điều động xe tăng vào Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh để trấn áp những sinh viên biểu tình ôn hòa đòi dân chủ và yêu cầu chính phủ chấm dứt tham nhũng. Hiện vẫn chưa xác định được có bao nhiêu học sinh, sinh viên bị nhà cầm quyền sát hại vào ngày hôm đó.
Cô Vương đã đăng ký một tài khoản WeChat mới sau khi cô đến Hoa Kỳ.
Cô Vương cho hay, “Tài khoản này cũng đã bị đình chỉ, nó xảy ra sau khi tôi đăng lời chúc mừng năm mới do một nhóm luật sư nhân quyền viết vào ngày 01/01/2019.”
Cô ấy nói rằng WeChat có chức năng chặn các bài đăng hoặc tài khoản cụ thể.
Chính quyền Trung Quốc đã đe dọa gia đình cô ở Trung Quốc, yêu cầu họ gây áp lực để cô không lên tiếng về các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.
“Cha mẹ tôi đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với tôi, và chồng tôi đã từng nghĩ đến việc ly hôn với tôi,” cô Vương nói. Nhưng cô ấy vẫn quyết tâm tiếp tục lên tiếng chống lại ĐCSTQ.
Cô đã kêu gọi chấm dứt ‘Đại Tường Lửa’ (hay còn gọi là Vạn lý Trường thành trên mạng) của nhà cầm quyền, là sự hợp nhất giữa các hành động lập pháp và công nghệ được ĐCSTQ sử dụng để kiểm soát cách người Trung Quốc sử dụng mạng internet.
“Người Trung Quốc bị bao vây bởi bức tường lửa của ĐCSTQ, đây là một điều đáng hổ thẹn đối với các chính trị gia trên toàn thế giới, những người làm ăn với ĐCSTQ,” cô Vương nói. “Các quốc gia phương Tây cần phải quả quyết rằng điều kiện để ĐCSTQ làm ăn với các quốc gia ngoại quốc hoặc tham gia vào bất kỳ tổ chức quốc tế nào là phải phá bỏ bức tường lửa đó.”
Cô Vương nói, “Nếu không có tường lửa, những công dân Trung Quốc dũng cảm sẽ có thể gặp nhau trên nhiều nền tảng khác nhau để tập hợp sức mạnh, trao đổi thông tin, và thực hiện các cuộc diễn hành dân sự. Có rất nhiều người thức tỉnh ở Trung Quốc, nhưng họ không có kênh nào để nói ra.”
Bản tin có sự đóng góp của Phương Hiểu và Hồng Ninh
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times