Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh trừng phạt thương mại đối với thịt bò Úc
Hành động này xảy ra trong bối cảnh Bắc Kinh cố gắng xoa dịu quan hệ với chính phủ Úc.
Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh cấm tùy tiện đối với ba hãng giết mổ ở Úc trong bối cảnh Trung Quốc không chỉ gặp khó khăn với tình trạng thiếu lương thực, mà còn đang tiếp tục cố gắng xoa dịu mối quan hệ với chính phủ của Đảng Lao Động.
Hải quan Bắc Kinh thông báo rằng sản phẩm từ các công ty Úc Teys, Australian Lamb Company, và JBS sẽ được phép nhập cảng vào Trung Quốc.
Lệnh cấm ban đầu được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh tiến hành một loạt các hành động cưỡng ép thương mại vào năm 2020 nhắm vào các nhà xuất cảng Úc để đáp trả việc chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc COVID-19.
Lệnh cấm đã áp dụng lên một loạt hàng xuất cảng sang Trung Quốc bao gồm rượu vang, thịt bò, lúa mạch, và tôm hùm với các lệnh trừng phạt ước tính khiến các công ty Úc thiệt hại 20 tỷ AUD (13 tỷ USD).
Tuy nhiên, đồng thời, lệnh cấm này đã thúc đẩy các chính phủ dân chủ bắt đầu áp dụng chiến lược “đa dạng hóa thương mại” nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để giảm nguy cơ chịu áp lực từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bộ trưởng thương mại Úc lạc quan về tương lai có sự cải thiện hơn nữa
Phản ứng trước việc dỡ bỏ lệnh cấm thịt bò đối với ba công ty giết mổ, Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrell cho biết đây là một “bước đi tích cực” khác hướng tới ổn định mối bang giao với Bắc Kinh.
Ông nói trong một tuyên bố: “Chính phủ Thủ tướng Albanese sẽ tiếp tục thúc đẩy việc loại bỏ những trở ngại thương mại còn lại càng sớm càng tốt.”
Theo trang web của bộ trưởng thương mại, hồi tháng Tám, Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với lúa mạch Úc với 314,000 tấn sản phẩm đã được nhập cảng vào Trung Quốc.
Trang web này cho biết, “Đây là lần đầu tiên trong hơn ba năm, chính quyền Trung Quốc công bố dữ liệu chính thức cho thấy lúa mạch Úc đã quay trở lại Trung Quốc.”
Hơn nữa, chính phủ Úc cũng lưu ý rằng Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với các mặt hàng xuất cảng khác như lúa mạch, than đá, bông, quặng đồng, gỗ tròn, quả hạch, và cỏ khô yến mạch.
Trước năm 2020, kim ngạch xuất cảng lúa mạch đã đạt 916 triệu USD đối với nền kinh tế Úc.
Bộ trưởng Thương mại cho biết: “Quan hệ thương mại với Trung Quốc đang trên quỹ đạo tích cực nhờ cách tiếp cận chín chắn của chính phủ này đối với bang giao quốc tế.”
Chính phủ Đảng Lao Động đã xem cách tiếp cận đối với ngoại giao quốc tế của mình là điểm khác biệt chính so với chính phủ liên minh tiền nhiệm của Đảng Quốc Gia và Đảng Tự Do, vốn đã công khai chỉ trích Bắc Kinh vì vi phạm nhân quyền và vi phạm các chuẩn mực quốc tế.
Ông Farrell nói, “Tôi mong việc loại bỏ thuế nhập cảng đối với rượu vang Úc sau khi Trung Quốc hoàn tất quá trình xem xét; và tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tái nhập cảng tôm hùm sống và thịt đỏ của Úc vào Trung Quốc.”
Hiện tại, Bắc Kinh đang xem xét lại lệnh cấm xuất cảng rượu vang của Úc, trong khi bảy hãng giết mổ khác vẫn bị cấm nhập cảng vào Trung Quốc, gồm có Australian Country Choice, Kilcoy Pastoral, Beef City, JBS Dinmore, Northern Cooperative Meat Company, John Dee, và Meramist.
Nông dân Trung Quốc chật vật để nuôi sống quốc gia
Theo bản cập nhật tháng Tám của S&P Global, việc giảm thuế diễn ra khi giới lãnh đạo Bắc Kinh gặp khó khăn với tình trạng thiếu lương thực đang diễn ra, với việc Trung Quốc hiện là một trong những nước mua đậu nành, ngô, lúa mì, gạo, thịt bò, thịt heo, lúa mạch, và lúa miến lớn nhất toàn cầu.
Một phần lý do đằng sau những khó khăn trong nỗ lực tự cung tự cấp của Trung Quốc là vì nông nghiệp đơn giản không phải là một hoạt động sinh lời ở quốc gia này sau nhiều thế hệ nằm dưới sự kiểm soát của cộng sản và xã hội chủ nghĩa.
Sự kết hợp giữa tham nhũng — với các loại thuế tùy tiện do các quan chức địa phương áp đặt lên nông dân — và các chính sách xã hội chủ nghĩa, đã dẫn đến việc chính quyền kiểm soát đất nông nghiệp, gây ra tỷ suất lợi nhuận rất thấp cho những người làm nông, và không có sự hấp dẫn để thu hút thế hệ trẻ tham gia vào lĩnh vực này.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times