Ba quyển sách thiếu nhi dành cho mùa hè
Thời gian rảnh rỗi khi nghỉ hè có thể mang đến những cơ hội bao la cho các cuộc phiêu lưu và những niềm vui thích, nhưng đối với bọn trẻ mà nói, nghỉ học quá lâu có thể dẫn đến cảm giác nhàm chán.
Dưới đây là ba quyển sách dành cho các bạn trẻ khi đối mặt với điệp khúc mùa hè, “Con chán quá.”
Có lẽ bạn không muốn con mình bắt chước y hệt các nhân vật trong những câu chuyện (ví dụ chèo thuyền trên sông Mississippi như Huckleberry Finn không được khuyến nghị ở đây), nhưng mỗi quyển sách đều khơi dậy khả năng sáng tạo và óc phiêu lưu cho con trẻ.
Truyện tranh ‘Bored with nothing to do’ (Tạm dịch: Quá chán vì không có gì để làm) của Peter Spier
Truyện tranh ‘Bored with nothing to do’ (Tạm dịch: Quá chán vì không có gì để làm) thể hiện chính xác cảm xúc của hai nhân vật chính của Peter Spier. Bị mẹ la mắng vì ăn không ngồi rồi, những chàng trai lượn lờ trong chỗ sửa xe và tìm thấy vài thứ làm lóe lên sự tưởng tượng. Hai cậu bé đã dành cả buổi chiều để lắp ráp một chiếc máy bay thực sự hoạt động được! Làm sao điều đó có thể xảy ra nhỉ?
Câu chuyện khắc họa tính cách đơn thuần của những cậu bé khi tập hợp các bánh xe từ chiếc xe con, dây đồng từ ăng ten của tivi, tấm ra trải giường từ tủ quần áo, và một động cơ từ xe hơi. Tuy nhiên, không ai để mắt đến sản phẩm của các cậu cho tới khi cha và mẹ tự hỏi tại sao tivi lại hư hỏng và xe hơi không hoạt động.
Những hình ảnh minh họa của tác giả Spier có quá nhiều chi tiết đến nỗi nhìn vào là bạn có thể thấy ngay một câu chuyện nhiều tình tiết phơi bày ra trước mắt, mặc dù mỗi trang chỉ có từ một hoặc hai câu. Tác phẩm “Bored—Nothing to Do!” thu hút nhất những độc giả nhỏ tuổi thích sáng chế từ 4 tuổi trở lên.
Những bậc cha mẹ có lẽ muốn biết trước trong một phân cảnh, các cậu bé bị phạt đánh đòn nhẹ. (Những quyển sách Doubleday cho độc giả trẻ, 1987, 44 trang)
‘The Saturdays’ (Tạm dịch: Những ngày thứ 7) của Elizabeth Enright
Câu chuyện mang đến cho độc giả hình ảnh về bộ tứ nhà Melendy, đó là Mona, Rush, Randy, và Oliver, trong một căn phòng chơi yêu thích của gia đình, nói một cách nghiêm túc hơn, là văn phòng của họ. Thế nhưng, dù ở đó có sơn và đất sét, một chiếc đàn piano và những quyển sách, thậm chí một trò chơi đu dây, bốn đứa trẻ vẫn cảm thấy nhàm chán và bí bách vào một buổi chiều mưa thứ bảy.
Sau đó, cảm hứng ập đến, và Randy đã đề xuất một kế hoạch tạo cơ hội cho những ngày cuối tuần sắp tới sống động hơn. Bằng cách để dành và gom góp số tiền trợ cấp của mình mỗi thứ bảy, mỗi đứa trẻ nhà Melendy sẽ có thể một mình vào thành phố và tiêu tiền cho một hoạt động mà mình chọn lựa. Những chuyến du lịch đến bảo tàng nghệ thuật, rạp xiếc, và xem nhạc kịch được mơ mộng và hoàn thành với nhiều mức độ tổn thất khác nhau.
Truyện được phân thành từng chương này đầy ắp những phần hấp dẫn trong đó có cảnh giải cứu hào hùng của những viên cảnh sát cưỡi ngựa, và những người bạn cũ của gia đình từng bị cho là buồn tẻ hóa ra lại có những câu chuyện ly kỳ về thời thơ ấu trước khi chuyển thế kỷ. Tác phẩm “The Saturdays” là quyển sách đầu tay của cô Elizabeth Enright trong Melendy Quartet và sẽ mang đến cái nhìn thoáng qua về New York trong những năm 1940, khi chỉ cần 1.50 đô la là đủ tiền đi dạo vào buổi chiều. Thật tuyệt vời vì có thể đọc to quyển sách này cho cả gia đình cùng nghe hoặc cho những bé từ 8 tuổi trở lên tự đọc. (Square Fish, 2008, 192 trang)
‘The Adventures of Huckleberry Finn’ (Tạm dịch: Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn) của Mark Twain
“The Adventures of Huckleberry Finn” (Tạm dịch: Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn) của Mark Twain là một tác phẩm văn học cổ điển kể về chuyến phiêu lưu trong mùa hè với màn mở đầu là nhân vật Huckleberry bốc đồng, chán chường và bị ngột ngạt bởi những nỗ lực khai hóa cậu. Tuy nhiên, việc đó thậm chí còn tốt hơn là cách người cha đối xử với cậu. Vì thế, khi người cha độc đoán tìm thấy và mang cậu về nhà, Huck đã vạch ra một kế hoạch chạy trốn. Trên một chiếc bè chạy bằng hơi nước, Huck chèo xuôi dòng sông Mississippi và chẳng bao lâu đã gặp gỡ một người đào tẩu khác là Jim, một người nô lệ đang chạy trốn.
Lấy bối cảnh ở miền Nam trước nội chiến, tiểu thuyết đã miêu tả sự bối rối của Huck khi nhận ra lương tâm của chính mình mâu thuẫn với điều đúng và sai mà cậu đã được dạy dỗ. Với cách sắp xếp Huck là nhân vật thuật chuyện, độc giả sẽ trải nghiệm được tình huống tiến thoái lưỡng nan về khía cạnh đạo đức và nhận thức trong con người của Huck.
Văn phong của tác giả Twain thường xuyên hài hước, và hành trình của Huck Finn đầy ắp những tình tiết thay đổi bất ngờ. Mặc dù đôi khi nằm trong chương trình giảng dạy ở trường, tác phẩm “The Adventures of Huckleberry Finn” cũng thích hợp là truyện đọc thú vị dành cho mùa hè với các bé ở lứa tuổi từ 13 trở lên. (Nhà xuất bản Dover, 1994, 224 trang).
Thiên Trúc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times