Bà Pelosi gia hạn hình thức bỏ phiếu từ xa gây tranh cãi tại Hạ viện đến Lễ Giáng Sinh
‘Trường hợp khẩn cấp vì sức khỏe cộng đồng’ là lý do được viện dẫn cho quyết định này
Một lần nữa, chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) quyết định gia hạn hệ thống bỏ phiếu ủy nhiệm gây tranh cãi tại Hạ viện Hoa Kỳ đến Lễ Giáng Sinh, viện dẫn “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng” do COVID-19 vẫn đang tiếp diễn.
Theo hệ thống bỏ phiếu ủy nhiệm, được thông qua bởi một cuộc bỏ phiếu theo quan điểm đảng phái hồi tháng 01/2021, các nhà lập pháp không cần phải trực tiếp có mặt tại Capitol Hill để bỏ phiếu. Thay vào đó, họ có thể nhờ các đồng sự bỏ phiếu cho họ.
Bà Pelosi đưa ra thông báo rằng bà sẽ gia hạn bỏ phiếu ủy nhiệm cho đến Giáng Sinh trong một bức thư ngắn gọn “Các đồng sự thân mến” vào hôm 10/11.
Được đính kèm cùng tuyên bố là một thông báo từ Viên chức phụ trách an ninh Hạ viện William Walker có nội dung rằng [quy định về] tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 gây ra vẫn còn hiệu lực (pdf).
Bà Pelosi viết: “Theo thông báo đính kèm của Viên chức phụ trách an ninh Hạ viện, với sự tham vấn của Văn phòng Bác sĩ Điều trị, rằng một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang có hiệu lực bởi virus corona chủng mới, tôi xin gia hạn ‘thời hạn áp dụng’ [của hình thức bỏ phiếu ủy nhiệm] được chỉ định vào hôm 04/01/2021, theo mục 3(s) của Nghị quyết Hạ viện 8, cho đến ngày 25/12/2022.”
Tiến trình bị Đảng Dân Chủ chi phối
Theo một nghiên cứu của Ripon Society, thực hành bỏ phiếu ủy nhiệm còn nhiều tranh cãi này đã bị đảng Dân Chủ chi phối từ năm 2021.
Bà Pelosi đã thúc ép thông qua hình thức bỏ phiếu khiếm diện kể từ đầu đại dịch COVID-19 hồi tháng 05/2020, cho phép các thành viên Quốc hội được bỏ phiếu ủy nhiệm. Biện pháp này cho phép họ làm việc tại nhà, trong khi được cho là đáp ứng với yêu cầu của Hiến Pháp rằng các nhà lập pháp phải có mặt để biểu quyết và thông qua luật.
Theo các quy định được đặt ra trong nghị quyết Hạ viện 965, được dân biểu Jim McGovern (Dân Chủ-Massachusetts) đề xướng, bỏ phiếu ủy nhiệm ban đầu được dự kiến chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian giới hạn, vì rất ít thông tin về COVID-19 vào năm 2020.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa, cùng với thành viên Đảng Độc Lập duy nhất của viện, dân biểu Justin Amash (Independent-Michigan), đã cùng nhau bỏ phiếu phản đối biện pháp này. Ngược lại, Đảng Dân Chủ chỉ có ba thành viên bỏ phiếu chống.
Kể từ tháng 05/2020, các quy định mới, quy định sửa đổi liên tục được gia hạn và vẫn có hiệu lực tại thời điểm phát hành bản tin này.
Nói chung Đảng Cộng Hòa vẫn giữ quan điểm phản đối dự luật này kể từ lúc nó được thông qua, và vào năm 2021, nghiên cứu của Ripon Society về thực hành này cho thấy rằng hầu hết các dân biểu Cộng Hòa đã tránh sử dụng hình thức này. Ngược lại, các dân biểu Đảng Dân Chủ đã tận dụng tối đa lợi thế từ các quy định nới lỏng này, chiếm đa số phiếu bầu ủy nhiệm vào năm 2021.
Có tổng cộng 17,263 phiếu được bỏ theo hình thức ủy nhiệm vào năm 2021, chiếm 9.3% tổng số phiếu được bỏ trong năm. Trong các phiếu bầu ủy nhiệm này, 12,500 phiếu — hoặc là xấp xỉ 72.4% — là của Đảng Dân Chủ, trong khi 4,763 phiếu — hoặc khoảng 27.6% — là của Đảng Cộng Hòa.
Trong số 440 thành viên của Hạ viện, 339 đã sử dụng bỏ phiếu ủy nhiệm ít nhất một lần.
Tính theo đảng phái, 202 trong số 225 dân biểu Đảng Dân Chủ, tương đương 89.78% của Đảng Dân Chủ, đã bỏ phiếu ủy nhiệm ít nhất một lần. Ngược lại, chỉ có 137 trong số 215 thành viên Đảng Cộng Hòa tại viện từng sử dụng hệ thống này, tương đương 63.72% dân biểu Cộng Hòa đã bỏ phiếu ủy nhiệm ít nhất một lần.
Dự luật này đã là một chủ đề gây tranh cãi với Đảng Cộng Hòa kể từ lần đầu được giới thiệu và thông qua bởi đa số Đảng Dân Chủ. Vào ngày 12/01/2022, trong bài diễn văn tại buổi trình bày tại Hạ viện — hơn một năm sau khi biện pháp bỏ phiếu ủy nhiệm được thông qua lần đầu tiên để áp dụng tạm thời — Dân biểu Virginia Foxx (Cộng Hòa-North Carolina) đã chỉ trích thực hành này, điều bà gọi là “ngớ ngẩn”.
“Có phải các Dân biểu Dân Chủ ác cảm với công việc đến mức mà họ tin rằng việc ngồi bỏ phiếu từ cái ghế dài của họ là một lựa chọn khả thi?” bà Foxx hỏi. “Giờ là lúc chấm dứt bỏ phiếu ủy nhiệm một lần và mãi mãi. Đây là một trong rất nhiều vết nhơ đã được đặt lên cơ quan này dưới sự cai trị của một đảng.
“Nếu phe đa số hiện tại không chấm dứt hình thức bỏ phiếu ủy nhiệm, thì Đảng Cộng Hòa sẽ loại bỏ hoàn toàn chúng khi chúng tôi lấy lại Hạ viện. Lẽ ra chúng ta phải quay trở lại công việc lâu rồi.”
Các thách thức pháp lý
Lãnh đạo Thiểu số tại Thượng viện, dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), đã cố gắng chấm dứt quy định bỏ phiếu ủy nhiệm, nhưng một tòa phúc thẩm đã đứng về phía bà Pelosi, buộc các thành viên Đảng Cộng Hòa phải đưa ra nỗ lực cuối cùng để lật ngược quy định này tại Tối Cao Pháp Viện.
Ông McCarthy và các thành viên Đảng Cộng Hòa khác đã lập luận trong đơn đề nghị của họ rằng một điều khoản trong Điều I, Phần 6 của Hiến Pháp, trong đó quy định rằng các nhà lập pháp “sẽ không bị thẩm vấn ở bất kỳ nơi nào khác,” khiến thực hành này trở nên trái pháp luật. Bà Pelosi lập luận rằng Hiến Pháp cho phép Hạ viện đưa ra các quy định của riêng mình.
Tối Cao Pháp Viện đã bác bỏ đề nghị của Đảng Cộng Hòa, giữ nguyên phán quyết của tòa phúc thẩm trước đó, tuyên rằng các tòa án không có thẩm quyền đối với các quy định nội bộ của Hạ viện.
Đảng Cộng Hòa cũng cố gắng lật ngược quy định này thông qua các biện pháp lập pháp.
Hồi tháng 03/2021, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) trình ra dự luật Nghị quyết Hạ viện 191, tìm cách lật ngược hoàn toàn các quy định bỏ phiếu ủy nhiệm và buộc các thành viên Quốc hội trở lại Capitol Hill để bỏ phiếu thì lá phiếu mới được kiểm đếm. Dự luật này đã được chuyển đến Ủy ban Quy định Hạ viện, nhưng không được ủy ban xem xét hoặc [tổ chức] bỏ phiếu thông qua.
Một dự luật khác được Dân biểu Ted Budd (Cộng Hòa-North Carolina) đưa ra vào tháng 05/2021, Nghị quyết Hạ viện 7044, cho phép việc bỏ phiếu ủy nhiệm tiếp tục được diễn ra, nhưng các thành viên bỏ phiếu theo ủy nhiệm sẽ mất toàn bộ tiền lương cho ngày lập pháp đó. Như đã xảy ra với dự luật của ông Gallagher, Nghị quyết Hạ viện 7044 đã không được ủy ban xem xét hoặc thông qua.
Có thể sớm kết thúc
Mặc dù các cuộc chiến tại Thượng viện và Hạ viện vẫn chưa ngã ngũ, nhưng Đảng Cộng Hòa dường như đã sẵn sàng để giành lại ít nhất là Hạ viện. Nếu điều đó xảy ra, thì số ngày bỏ phiếu ủy nhiệm sẽ không còn lâu nữa.
Ông McCarthy, người có khả năng cao nhất được lựa chọn trở thành chủ tịch, trong nhiều tháng đã hứa rằng Đảng Cộng Hòa sẽ chấm dứt quy trình này vào ngày đầu tiên họ kiểm soát Hạ viện.
Ông McCarthy đã tuyên bố chiến thắng của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, nhưng bà Pelosi từ chối thừa nhận.
Tuy vậy, việc cạnh tranh các vị trí lãnh đạo đã diễn ra, với việc ông McCarthy chính thức tuyên bố cạnh tranh vào chức chủ tịch.
Chừng nào mọi việc tiếp tục khả quan đối với các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, thì hệ thống bỏ phiếu ủy nhiệm có thể sẽ không còn nhiều lần gia hạn nữa.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times